Phạm Hồng Sơn
Thẩm quyền (authority) và quyền lực (power)
là hai khái niệm hoàn toàn riêng biệt và khá phức tạp trong khoa học
chính trị, pháp lý. Nhưng chúng lại thuộc những khái niệm có tính nền
tảng cho dân chủ. Có nhiều cách khác nhau để định nghĩa thế nào là thẩm
quyền hay quyền lực, trong khuôn khổ của bài viết nhỏ này chúng tôi xin
trích dẫn định nghĩa trong giáo trình Foundations of Democracy:
justice, authority, privacy (Các nền tảng của Dân chủ: công lý,
thẩm quyền, sự riêng tư) của Center for Civic Education (Trung
tâm Giáo dục Công dân) tại Hoa Kỳ. Quyền lực là khả năng kiểm soát hay
điều khiển được vật hay người. Còn thẩm quyền là quyền lực được gắn kết
với một quyền (sự cho phép) được sử dụng quyền lực đó.
Một điều nguy hiểm hơn nữa trong vụ Tiên Lãng là, đối chiếu với những
khái niệm thẩm quyền và quyền lực vừa trình bày, đang tiếp tục có sự
đánh tráo hay cố tình nhập nhèm khái niệm thẩm quyền và quyền lực trong
giải quyết vụ việc. Về nguyên tắc, trách nhiệm xử lý một tranh chấp,
xung đột đã được khởi tố hình sự (đã có dấu hiệu vi phạm bộ luật hình
sự) thì thẩm quyền xử lý phải hoàn toàn thuộc các cơ quan của hệ thống
tư pháp (judiciary) – bao gồm Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát các cấp, Cơ quan
Điều tra và Tòa án Hình sự các cấp. Nhưng đến tận hôm nay qua các
phương tiện truyền thông chính thống thì giải quyết vụ việc Tiên Lãng
dường như lại đang dựa hoàn toàn vào chỉ đạo của Thủ tướng (thuộc cơ
quan hành pháp) và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN- vẫn chỉ là một đảng
chính trị dù là độc nhất). Các báo chí, phương tiện truyền thông chính
thống đều tỏ ra rất săn đón hay hoan hỉ trích dẫn những
phát biểu, nhận định của các cựu lãnh đạo cao cấp của ĐCSVN, đưa
tin đậm về cuộc họp dự kiến của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng, thậm chí
nhiều
đảng viên cộng sản kỳ cựu còn công khai gửi gắm, kỳ vọng việc “giải
quyết tận gốc vụ Tiên Lãng” hoàn toàn cho ông Thủ tướng. VTV1 đã
dành riêng một
phần trong chương trình thời sự 19h ngày 07/02/2012 để đưa tin cuộc
họp báo của tổ chức địa phương của ĐCSVN ở Hải Phòng về vụ Tiên Lãng.
Đúng là tất cả những nhân vật, tổ chức vừa nêu đều là những người, những
tổ chức có sức hấp dẫn lớn đối với dư luận hoặc là những người, những
tổ chức có quyền hay quyền lực rất mạnh nhưng họ hoàn hoàn không có thẩm
quyền để phân định đúng sai trong vụ Tiên Lãng. Điều 10 của Bộ Luật Tố
tụng Hình sự qui định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải
áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách
khách quan, toàn diện và đầy đủ…” Thế nhưng, nếu chỉ nhìn vào dư luận từ
khi tiếng súng nổ ra ở Tiên Lãng đến giờ, tất cả những cá nhân, những
cơ quan có thẩm quyền này đều như không hề tồn tại hoặc nếu có thì lại
chỉ thể hiện như những
chức năng cấp dưới của ông Thủ tướng.
Rất có thể những người có quyền lực hiện nay trong hệ thống chính trị
của Việt Nam đang toan tính cách xử lý vụ Tiên Lãng theo chiều hướng vỗ
về dư luận – đã bùng và sôi lên từ hơn một tháng qua. Nhưng nếu vấn đề
thẩm quyền (authority) và quyền lực (power) không được làm rõ hay không
được làm rõ thêm thì cái được cho xã hội sau vụ việc lịch sử này vẫn chả
có gì là bền vững hoặc nếu có thì cũng không đáng là bao.
© 2012 pro&contra