Hà Văn Thịnh
Trong lịch sử 65 năm của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là
CHXHCN VN), chưa bao giờ có một sự kiện đặc biệt (với mọi nghĩa) như sự
kiện Tiên Lãng: Lần đầu tiên người dân dùng súng (chưa phải là vũ khí
quân dụng) để chống lại một lực lượng cưỡng chế đông đảo chưa từng có
(tỷ lệ là mỗi người dân phải đương đầu với 20 cán bộ, chiến sĩ lực lượng
vũ trang cùng... 1/3 con chó berger!). Cũng là lần đầu tiên, sự bức xúc
của toàn xã hội đã dâng đến đỉnh điểm bởi vụ cưỡng chế diến ra một cách
vô pháp, vô luân, dã man chưa từng có: Ủi bỏ nhà dân, bắt người tống
giam, cướp đất đai ngay giữa mùa Đông lạnh giá và tết nhất đang đến gần.
Và đây cũng là lần đầu tiên dư luận phản ứng rất nhanh và hết sức mạnh
mẽ bởi hầu như ai cũng biết chủ tịch anh cướp đất của dân để giao cho
chủ tịch em là sự trắng trợn chưa từng có... Cùng với những “kỷ lục” của
sự nhức nhối, đau buồn trên đây là kỷ lục rất đáng trân trọng - tự hào:
Chỉ chưa đầy một tuần sau khi phát động (14.2) đã có hơn 1.000 chữ ký từ khắp nơi trên thế giới, trên cả nước gửi về...
Tính chất đồng tâm, thống nhất đó phản ánh rằng đã và đang thực sự có
một bước chuyển biến về chất trong làn sóng yêu chuộng tự do, công lý;
chống lại áp bức, cường quyền và lũ sâu bọ thối nát đang nhan nhản ở
nhiều địa phương; sự tỉnh thức được đồng vọng rộng khắp và hết sức quyết
liệt cũng như lần đầu tiên, hầu như đã không còn ranh giới giữa lề
phải, lề trái trên các phương tiện truyền thông, báo chí...
Đọc qua danh sách của 1.000 chữ ký được công bố, chúng ta thấy có
không ít những xúc động, bất ngờ. Một cháu nhỏ viết: “Con tên là Lê
Hoàng Công Phụng, 14 tuổi sống ở Hoa Kỳ. Xin được ký tên vào bản kiến
nghị xin trả tự do cho anh em bác Đoàn Văn Vươn. Con rời khỏi Việt Nam
lúc 8 tuổi. Con thường đọc báo mạng trong nước để không quên tiếng Việt.
Con không mắc cỡ, đi ngoài đường con lượm từng đồng cent để có tiền
đóng góp cứu trợ người dân bị lũ lụt, Xin nhà nước hãy thương người dân
miền quê trồng lúa, đánh cá... Xin đừng làm họ đau khổ. Con xin cảm ơn
các bác” (để nguyên cả lỗi chính tả).
Có lẽ, khi đọc những dòng trên, không có người có lương tri nào không xúc động trước lời thỉnh cầu thống thiết và đau đớn ấy.
Trong bản danh sách trên, chúng ta thấy có đến 35 chữ ký được gửi đi
từ Hải Phòng (69, 90, 95, 97, 187, 190, 251, 253, 254, 286, 539, 543,
544, 545, 546, 623, 631, 655, 679, 703, 704, 705, 706, 707, 708, 712,
713, 714, 715, 716, 717, 726, 740, 806 và 898). Trước đây, thường thì
các vụ phản đối quan chức địa phương, có rất ít người có hộ khẩu ở địa
phương đó tham gia vì họ sợ liên luỵ. Việc có hàng chục người Hải Phòng
đã vượt qua nỗi sợ một cách rất đáng ghi nhận như thế đã nói lên thật
nhiều ý nghĩa...
Đặc biệt trong số 35 chữ ký của Hải Phòng, có chữ ký của các quan
chức đương nhiệm như Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Hải Phòng (712),
Phó Bí thư Đảng uỷ xã (717), Chủ tịch xã (707), Phó Chủ tịch xã (708)
(cũng xin tính thêm có một chủ tịch Phường ở TP HCM xa xôi (804). Nếu
người viết bài này không nhầm thì đây là lần đầu tiên các quan chức
đương nhiệm ở cấp phường xã – những người sẽ phải chịu nhiều hệ luỵ nhất
khi công khai “chống” lại các quan chức cao cấp đang nắm giữ “số phận”
quan trường của mình – đã tham gia ký tên vào bản kiến nghị. Xin nhường
lời bình luận cho những ai quan tâm.
Sẽ còn có nhiều chữ ký nữa và, không một thế lực nào có thể cản nổi
cuộc đấu tranh cho lẽ phải và tự do, minh bạch. Rất tiếc khi phải nói
rằng các quan chức như ông Thành, ông Thoại, ông Hiền, ông Liêm... có
đọc những dòng chữ xúc động của Lê Hoàng Công Phụng hay không? Nếu đọc,
các vị tham quan nghĩ sao khi một đứa trẻ 14 tuổi phải đau xót van xin
rằng, “Xin nhà nước hãy thương người dân miền quê trồng lúa, đánh cá...
Xin đừng làm họ đau khổ”!?
H. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.