Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Cơ hội cho Dân tộc Việt Nam: Hãy đồng loạt hành động!

Phong trào Thỉnh Nguyện Thư do nhạc sĩ Trúc Hồ và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng gây một hào khí đấu tranh mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt nhất ở những người quan tâm đến tiền đồ của Tổ quốc, đến hạnh phúc của người dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Đã nhiều lần chúng ta cùng nhau nhận xét về tình hình đất nước Việt Nam về mọi mặt[1]: kinh tế, chính trị, xã hội, đạo lý dân tộc, vv… mặt nào chúng ta cũng thấy thua kém xa thời xưa, thời mà Việt Nam còn được có thể so sánh với các quốc gia lân bang như Thái Lan, Mã Lai, Nam Hàn, Đài Loan. Khi đào sâu nhận xét và tìm nguyên nhân chúng ta đều thấy một điểm chung: chế độ độc tài là nguyên nhân đưa đẩy Việt Nam xuống vực thẩm về mọi mặt. Chế độ vô nhân này đã chế ngự trên quê hương chúng ta gần 60 năm tại miền Bắc và 37 năm ở miền Nam, không những chỉ cản trở phát triển mà hủy hoại mọi điều kiện để phát triển, hủy hoại phần lớn di sản văn hoá và đạo lý cổ truyền của Tổ Tiên chúng ta để lại, nhượng bán đất biển của Tổ quốc cho giặc Tàu, tạo ra một hệ thống tham nhũng qui mô dày đặc trên cả lãnh thổ Việt Nam với mục đích “ăn chia” để giữ vững chế độ…
“Con Vua thì lại làm Vua, con Sãi ở Chùa về quét lá đa” câu tục ngữ trên chỉ có thực ở thời phong kiến và trong chế độ độc tài. Ở thể chế dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, không những mọi người đều có quyền như nhau “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền” mà thường dân trong xã hội là cứu cánh để chế độ, để chính quyền phục vụ chứ không phải như trong chế độ phong kiến và độc tài, con người chỉ là công cụ phục vụ cho chế độ.
Trẻ con Việt Nam tại Đức có tiếng học giỏi mặc dù các em là những học sinh trung bình ở Việt Nam, tại sao?
Philipp Rösler, một đứa trẻ Việt Nam mồ côi được người lính Đức nhận nuôi đã trở thành phó Thủ tướng Đức, tại sao?
Chẳng lẽ chúng ta mãi để Tổ quốc chúng ta mãi quằn quại mãi trong vũng lầy đen tối?
Chẳng lẽ chúng ta mãi để cho giới thống trị Việt Nam chia bán Tổ quốc cho ngoại bang?
Chẳng lẽ chúng ta mãi lê kiếp sống nô lệ trên chính quê hương của mình không được nói lên ước muốn, suy nghĩ của mình, không được bày tỏ lòng yêu Tổ quốc, không được tự do đi lại vì mọi nơi đều dán tấm bảng “cấm chó và người Việt”?
Chẳng lẽ chúng ta lại can tâm để đời con cháu chúng ta lại tiếp nối cuộc sống nô lệ ngày còn thậm tệ hơn đời chúng ta?
Cơ hội đã đến, mọi con dân Việt từ trong Nước đến hải ngoại hãy đồng lòng, đồng loạt dấy lên phong trào “đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam”. Bước đầu chúng ta hãy gửi Thỉnh Nguyện Thư đến Quốc hội, chính quyền nơi chúng ta cư ngụ, đề nghị họ thi hành biện pháp với Việt Nam, nếu đảng và nhà nước CSVN không trả tự do cho các tù nhân chính trị và tôn giáo. Đồng thời nhà nước CSVN phải thay đổi luật pháp cho phù hợp với công pháp quốc tế mà họ đã ký kết thi hành vào năm 1982.
Tình thế trong Nước hiện nay đang có những dấu hiệu biến đổi thuận tiện cho phong trào Dân chủ vì đảng và nhà nước CSVN đang ở trong tư thế lưỡng lự có nên cho người dân nhiều quyền hơn hay không? Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương từ cuối năm 2009 đến nay đã liên tục đề nghị nhà nước thay đổi mô hình phát triển kinh tế, xã hội, trong đó con người là nhân tố căn bản cho sự phát triển bền vững[2]. Đồng thời trong chuyến công du Đức vào cuối tháng giêng 2012, phó Thủ tướng XHCNVN Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày kế hoạch của nhà nước là sẽ cho phép các cơ sở kinh tế và chính quyền địa phương tự kiếm thành phần lãnh đạo.
Những dấu hiệu đó cho thấy rằng, đây là thời cơ thuận lợi để người dân trong Nước đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Quí Vị hãy vận dụng mọi phương pháp (truyền miệng, Facebook, Twister, Email vv…) truyền cho nhau biết và can đảm cùng gửi hàng triệu kiến nghị đến Quốc hội, vì kiến nghị là quyền của công dân được ghi ở điều 53 Hiến pháp Nước CHXHCNVN: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
Cầu chúc dân tộc Việt Nam sớm hưởng được Dân chủ, Nhân quyền để chúng ta có thể xây dựng được một Nước Việt Nam giầu mạnh, tràn ngập tình người, để con cháu chúng ta không còn phải nối tiếp kiếp sống nô lệ mà phải hiên ngang làm những con người anh dũng sánh vai cùng các dân tộc tiến bộ khác trên quả địa cầu này.
© Nguyễn Hội
© Đàn Chim Việt
————————————————
[1] Xin đọc các loạt bài của Nguyễn Hội, thí dụ trên trang báo Tổ Quốc: http://baotoquoc.com/category/nguy%e1%bb%85n-h%e1%bb%99i/
[2] Xin xem Viện Quản Lý Kinh Tế TW (CIEM): „Thay đổi mô hình phát triển kinh tê – xã hội và cơ câu lại nền kinh tê Việt Nam“, số 2/2011; Viện Quản Lý Kinh Tế TW (CIEM):„Phát huy nhân tố con người để phát triển bền vững“ số 11/2009

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"