Đào Tuấn
Tháng 11-2008, ngay chỉ một buổi sáng đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nhận tới 30 câu hỏi và 24 trong đó chất vấn ông trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường. Đó là lần đầu tiên, và cũng duy nhất người đứng đầu ngành môi trường trả lời chất vấn. Đến giờ, cử tri vẫn nhớ như in cách né trách nhiệm khi ông viện dẫn “yếu tố chủ quan”: Lực lượng quản lý mỏng. “Ở các nước trong khu vực, trung bình có 50-70 người quản lý nhà nước về môi trường trên 1 triệu dân thì ở ta hiện nay chỉ 7 người. Thanh tra môi trường của Bộ chỉ có 3-4 biên chế và 1-2 nhân viên hợp đồng". Cuối cùng Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, người sau đó từng thân chinh xuống Vedan “ngửi nước thải”- hứa sẽ tăng cường xử phạt, củng cố thanh tra lên 15-20 người…
7 người quả là con số ít ỏi so với một thực trạng, được chính Bộ trưởng Nguyên thừa nhận: 4000 cơ sở và 1.400 làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Ít nhưng không có nghĩa lực lượng này chỉ “rình rập” tặng giải thưởng về môi trường, thay vì kiểm tra, xử lý. Thực tế cho thấy, sau khi Bộ trưởng Nguyên đăng đàn, Cảnh sát môi trường vẫn liên tục phát hiện những vụ xả thải khác. Gần nhất là vụ Sonadezi bị bắt quả tang xả thải ra môi trường, với cách thức giống y như Vedan, như Tung Kuang, như dệt Thái Tuấn, tức là cũng lắp đặt ống ngầm dưới lòng đất để đối phó với cơ quan chức năng, và trong tình trạng sự kiểm tra giám sát của ngành môi trường, trước đó, gần như bằng 0.
Có thể con số 7 là quá thiếu so với việc phát hiện, nhưng không thể là lời biện giải có thể chấp nhận cho việc chậm chễ trong việc xử lý những doanh nghiệp rành rành bị bắt quả tang.
Cần phải nhắc lại, Sonadezi Long Thành bị bắt quả tang vào ngày 3-8-2011 với lượng thải bẩn được xả thẳng ra môi trường trong chỉ một đêm 3-8 đã lên tới 9.000 m3. Và sau đó, Hội nông dân đã nhận cả thảy 220 đơn kiện của người dân yêu cầu Sonadezi bồi thường thiệt hại, với tổng số tiền lên tới gần 14 tỉ đồng. Nhưng suốt 7 tháng qua, việc xử lý, bồi thường, với những vi phạm và những thiệt hại khá rõ ràng gần như dậm chân tại chỗ.
Vấn đề của các vụ như Vedan, Tung Kuang, hay giờ là Sonadezi không phải là ở chỗ bao giờ thì họ bồi thường, bồi thường bao nhiêu, cũng không phải ở việc xử phạt, hay truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi xả thải, vì dù có bồi thường bao nhiêu cũng không đủ cho những thiệt hại mà người nông dân phải gánh chịu, bởi dù có xử lý thế nào, cũng không vãn hồi những tác hại của một môi trường ô nhiễm lên sức khỏe người dân. Vấn đề là ở chỗ ngành Tài nguyên môi trường hình như đã quên mất trách nhiệm không để vi phạm xảy ra.
Sau vụ Vedan, cũng xảy ra ở Đồng Nai, đã có một giai thoại trên mạng rằng: Không phải tìm đâu xa, Cảnh sát môi trường chỉ cần tìm tội phạm ngay trong số những “kẻ” được ngành Tài Môi tặng giải thưởng về môi trường. Bởi càng những kẻ gây nguy hiểm cho môi trường lại càng phải tăng cường ngụy trang bằng giải thưởng.
Vụ Sonadezi, ngoài việc DN có một Chủ tịch HĐQT là chính trị gia- đương nhiệm đại biểu QH, từng đưa ra chương trình hành động là những cam kết bảo vệ môi trường, cũng có một chi tiết hoàn toàn không phải tình cờ: Sonadezi đã từng đạt những giải thưởng về… môi trường.
Việc xử lý những “kẻ” vừa được tặng giải thưởng về môi trường, được giao cho chính những người xét tặng, vì thế đúng là những cái khó kiểu “há miệng mắc quai”. Có ai dám noi đồng tiền, tuy mỏng, nhưng không có sức nặng!?