Phạm Hồng Sơn
Nói theo ngôn ngữ của những người thích chơi cờ thì bà già Lê
Hiền Đức đã đi một nước chiếu tướng làm ngỡ ngàng cả làng cờ Việt Nam
trong vụ Tiên Lãng. Sau tiếng súng ở Tiên Lãng, nhiều người còn chưa hết
bàng hoàng, bối rối hay mới chỉ dám đưa đẩy thăm dò thì người được Giải
thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2007 đã ra ngay
tuyên bố: “Đối với ông Đoàn Văn Vươn và rất nhiều người dân lao động
cần cù, chân chính khác, chính quyền huyện Tiên Lãng, thậm chí cả chính
quyền thành phố Hải Phòng thật sự là bọn cướp ngày, là mối hoạ lớn. Ông
Đoàn Văn Vươn đã kêu cầu nhiều lần, nhiều nơi song chẳng ích gì bởi bọn
cướp ngày kia quyết tâm cưỡng đoạt lấy được thành quả lao động của ông…
chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm
trong vòng lao lí, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất,
tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung
ương của Việt Nam chỉ như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên
Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi.” Tuyên bố đã làm cả
những “kỳ thủ” hết sức uy tín phải
lên tiếng thán phục, có vị còn tự nhận làm
“em” bà già Lê Hiền Đức, dù hơn hẳn 5 tuổi. Sau tuyên bố trên, ông
Thủ tướng, không phải quan tòa nhưng là một trong “tứ trụ triều đình”,
cũng phán
dứt khoát trước công chúng rằng: ”Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng,
thành phố Hải Phòng đã có những sai phạm trong giao đất, thu hồi đất đã
giao cho ông Đoàn Văn Vươn.”
Chắc “bọn cướp ngày” ở Tiên Lãng, Hải Phòng chuyến này tự biết không
thể hy vọng sẽ được che chắn như vô vàn các vụ việc cướp đoạt khác. Làm
gì có ai trong “triều đình” luôn coi Đảng, Bác là mẫu mực lại không
tuân theo đòi hỏi chính đáng của một cụ già cả đời luôn tin theo Đảng và
lại đã từng là cháu ngoan, liên lạc tin cẩn của Bác?
Nhưng, câu chuyện trong thiên Lương Huệ Vương của sách Mạnh Tử, có từ
cách đây mấy ngàn năm, có thể mang lại một cách nhìn khác:
“Mạnh tử hỏi Tề Tuyên Vương: giả sử có bề tôi của nhà vua, đem y thực
của vợ con ký thác cho người bạn thân, nhờ trông nom giúp, để sang chơi
nước Sở có việc, mà kịp đến khi về, mới biết bạn mình để cho vợ con đói
rách, thì người ấy nên xử với bạn thế nào?
Vua nói: Phải tuyệt giao.
Mạnh Tử lại hỏi: Giả sử có người làm quan sĩ sư không trông nom được
thuộc viên, lại để cho hình ngục sai lầm, công việc phế khoáng, thì nhà
vua nên xử như thế nào với viên quan ấy?
Vua nói: Nên cách chức.
Mạnh Tử nói: Thế thời, làm vua một nước mà không lo sửa sang việc
chính trị giao thương để đến nỗi trong nước không được bình trị, thì
trách nhiệm tại ai và nên xử trí như thế nào?
Vua nghe nói, ngoảnh bên tả, bên hữu, rồi lảng sang chuyện khác.”
Đến đây, kẻ đang viết những dòng này vẫn nghĩ rằng những “quan trên”
của “bọn cướp ngày” ở Tiên Lãng, Hải Phòng sẽ không thể lảng như Tề
Tuyên Vương đã lảng. Họ sẽ phải làm dịu sự phẫn nộ tỉnh táo của cụ bà Lê
Hiền Đức và nhiều người khác. Người viết chỉ hình dung thêm, các bị
cáo, những người đã chà đạp lên mồ hôi, máu và nước mắt của gia đình
nông dân họ Đoàn, trước tòa đều cúi đầu nhận tội, ăn năn hối lỗi vì đã
có những hành động liên quan tới đất sai pháp luật, gây tổn hại uy tín
của chế độ, làm cho con dân ai oán, điêu đứng. Trong lời cuối cùng dành
cho bị cáo, các bị cáo đều không xin hưởng lượng khoan hồng, tha tội hay
ân giảm hình phạt, mà chỉ đồng thanh hỏi lại chủ tọa: Xin quí tòa cho
biết thế còn những ai oán, xương máu của con dân, tiên tổ ở Thác Bản
Giốc, Ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa hay Tây Nguyên bao giờ được làm
rõ?
Nếu hình dung vừa nói sẽ là sự thật thì xử lý vụ Tiên Lãng thật không
đơn giản. Nhưng có lẽ hình dung vừa nói đã lạc hậu. Những viên chức,
công bộc tham tàn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đang lộ diện trước dư luận rất
có thể đều đã đặt câu hỏi (giả định vừa rồi) với tất cả các lãnh đạo cấp
trên của họ cả rồi. Nếu không, thì tại sao suốt những ngày qua không có
một lãnh đạo trung ương, đương hay cựu, nào nhắc đến vong linh, xương
máu của hàng vạn người lính, đồng bào đã thấm đẫm dọc biên cương phía
Bắc Tổ quốc cách đây 33 năm?
© 2012 pro&contra