Nguyễn Minh Cần
Đạo diễn phim Stanislav Govorukhin, trưởng ban vận động bầu ông
Putin, mà nhiều người coi là “tiếng nói bên trong” của thủ
tướng Nga đương nhiệm và là ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 4
tháng 3 sắp tới, lại vừa làm cho giới trí thức Nga giật mình kinh
ngạc... vì lời nói “hơi” không bình thường của ông ta. Ngoài
những lời khen ngợi ông chủ của mình đã xây dựng ở nước Nga một thứ “tham
nhũng văn minh”(!) nào đó (thế đấy, một con người trung thực đã
khen ngợi thành tựu chủ yếu và duy nhất của vị ứng viên tổng thống của
mình như vậy), ông trưởng ban vận động, trong một cuộc trả lời phỏng
vấn, đã ngỏ ý khuyên ông chủ của mình: “Tôi muốn khuyên ông ta đừng
dựa vào giới trí thức liberal. Nói chung. vÌ giới này thực ra có tính
phản bội. Chính là bộ phận trí thức mà Lenin đã gọi là không phải trí
não của quốc gia, mà là... cứt.Ở nước ta có giới trí
thức chân chính, phải dựa vào giới ấy”. (trong nguyên bản tiếng Nga, từ mà
Lenin dùng là “gavno”, một từ mà nhiều từ điển không ghi vì quá thô bỉ,
chỉ có thể dịch là “cứt” mới chính xác – NMC).
Điều ngộ nghĩnh là sau gần 100 năm kể từ cuộc đảo chính tháng Mười
năm 1917, mà trong cuộc vận động bầu cử tổng thống ở nước Nga hậu
xô-viết, đề tài đấu tranh giai cấp lại là vấn đề mạnh như vậy – cuộc đấu
tranh giữa giai cấp công nhân chết dở với giai cấp sáng tạo sống dở.
Vấn đề mà đồng chí Govorukhin đặt ra thật là nghiêm trọng! Có thể nói là
vấn đề đẵm máu! Thật thế!
Từ việc tiêu diệt các vị tu sĩ, linh mục và giới trí thức ở nước Nga
xô-viết bắt đầu cuộc khủng bố đỏ mà Lenin đã tiến hành, rồi được Stalin
tiếp tục và mở rộng dẫn đến tai họa có tính di truyền. Và kết quả là
cho đến nay ở nước Nga, không chỉ “mỗi bà nấu bếp đều có thể điều
hành quốc gia” (đây là lời của Lenin: “phải làm cho mỗi bà nấu
bếp đều có thể điều hành quốc gia” – NMC), nhưng những người cầm
lái chính quyền dường như chẳng còn ai khác, ngoài những bà nấu bếp giả
trí thức!
Để nói rõ cái ý tưởng của mình về giới trí thức liberal “phản
bội” và giới trí thức khác “chân chính”, Govorukhin viện
dẫn đến Lenin. Mặc dù Lenin làm cách mạng, còn Govorukhin và ứng viên
tổng thống của ông ta thì lại muốn muôn năm ổn định. Đây là nguyên văn
câu viết trong thư của Lenin gửi Maxim Gorki ngày 15 tháng 9 năm 1919: “Lực
lượng trí tuệ của công nhân và nông dân ngày càng lớn lên và củng cố
trong cuộc đấu tranh để lật đổ giai cấp tư sản và bọn tay sai của chúng,
bọn trí thức, bọn tôi tớ của tư bản tưởng mình là trí não của quốc gia.
Thực ra đó không phải là trí não, mà là cứt”.
Nói chung, cái thói quen so sánh trí não con người với cái chất gì đó
rất nặng mùi, có tính nổi loạn và thù địch, vốn có từ thời Lenin ở
chính quyền xô-viết, giờ đây cái thói quen đó lại ngày càng tăng trưởng.
Và, trong ý nghĩa đó, Putin hoàn toàn kế thừa truyền thống xô-viết.
Nhưng trong vấn đề này, điều quan trọng không chỉ là lập trường của
chính quyền, mà chủ yếu là vấn đề có hay không có giới trí thức ở nước
Nga. Có thể là từ những thành phần còn rớt lại của những trí thức
xô-viết và những người mới hình thành ở thời hậu xô-viết đang cố làm cho
sự tồn tại của mình ở nước Nga có ý nghĩa và rồi sẽ sinh ra một cái gì
đấy như là giới trí thức. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào thì
Govorukhin cũng không nên lo lắng: dù có muốn lắm đi nữa, Putin
chẳng thể nào dựa được vào giới trí thức liberal hay giới trí thức nào
khác. Vì dấu hiệu chắc chắn, hầu như là duy nhất của người trí thức ở
nước Nga ngày nay là lánh xa một cách có ý thức với chính quyền hiện
nay. Và, trái lại, bất kỳ một sự ủng hộ nào cho chính
quyền hiện nay cũng sẽ tự động loại trừ người đó ra khỏi hàng ngũ trí
thức, bất kể người đó đã có đóng góp nào về văn hóa hay địa vị
xã hội của anh ta như thế nào.
Trình bày những thuộc chất của những người trí thức mới thì thật là
phức tạp. Nhưng cách dễ dàng hơn là nhắc lại câu nói nổi tiếng của viện
sĩ Dmitri Likhachev: “Không thể nào giả vờ làm người trí
thức được”. Nghĩa là người trí thức bao giờ cũng chân
chính, người đó không vờ vịt gì hết, người rất ít dùng mặt nạ để che
giấu ý tưởng và hành động, mà người ta hay dùng trong cuộc sống thường
ngày. Tất nhiên, đó là con người hay tự mỉa mai, tự phản tỉnh, ước mơ
tự do nội tâm và biết xấu hổ. Người đó có thể thừa nhận sai lầm và nhược
điểm của mình. Cố nhiên, con người như vậy với những đặc tính như vậy,
trong chính quyền hay gần chính quyền, chỉ là “con quạ trắng”.
Chính vì thế, những Putin, những Chavez, những Mubarak thì nhiều vô kể,
mà Vaclav Havel chỉ có một mà thôi.
Người trí thức không thể là mối nguy cơ cho một chính quyền có trách
nhiệm nào, vì lòng hám quyền lực và ý muốn thay đổi chế độ hiện có bằng
bạo lực, về nguyên tắc, là không phù hợp với tính chất trí thức. Vì vậy,
khi nhân danh chính quyền (mà Govorukhin là trưởng ban vận động bầu cho
Putin, tức là người thể hiện quan điểm, nếu không phải là của Putin thì
cũng là của bộ tham mưu bầu cử của ông ta) chia giới trí thức thành trí
thức “phản bội” và “chân chính” thì điều đó nêu rõ
tính chất của chính quyền đó như thế nào.
Những người trí thức có sứ mệnh nào đó đối với nước Nga ngày nay
không? Có một sứ mệnh: làm cho nước Nga tỉnh lại, từ
này gần với ý nghĩa về y học.
Trên đây, chúng tôi lược thuật lại bài báo mới đăng trên tờ “Gazeta”
(Báo) dưới tựa đề “Người trí thức chống lại Putin”.
Chúng tôi xin nói thêm vài điều.
Chúng tôi xin nói thêm vài điều.
Cách đây không lâu, trên Đàn Chim Việt có đăng toàn
văn bức thư của Lenin gửi Maxim Gorki ngày 15 tháng 9 năm 1919 qua
lời dịch từ tiếng Nga (in trong bộ Lenin toàn tập, t.31, tr. 48-49) của
bạn Nguyễn Đình Đăng. Xin thành thật hoan nghênh bạn Nguyễn ĐÌnh Đăng
chẳng những đã dịch đúng mà còn kèm theo những chú giải đầy đủ giúp bạn
đọc hiểu được hoàn cảnh và thời điểm Lenin viết bức thư đó.
Cái thói quen của Lenin khinh thường trí thức được truyền từ lãnh tụ
này đến lãnh tụ khác trong phong trào cộng sản quốc tế, trong đó có Việt
Nam chúng ta. Có lãnh tụ thì huỵch toẹt nói công khai, như Mao Trạch
Đông, có người thì im ỉm không nói nhưng vẫn hành xử theo kiểu Leninism
và Maoism. Hậu quả như thế nào, tưởng không cần phải nói nữa, Điều kỳ
quái là ở thế kỷ 21 này, trong thời đại điện tử và thông tin, trong nước
Nga hậu xô-viết này đã 20 năm không có “chuyên chính vô sản”,
ai cũng tưởng là đã trải qua những ác mộng kinh hoàng dưới thời toàn trị
của các lãnh tụ cộng sản thì người ta phải tỉnh lại, vì ai cũng đã từng
biết những khủng khiếp của “chuyên chính vô sản” đã gây ra cho
giới trí thức và cho các dân tộc, kể cả dân tộc Nga, và chắc là không
ai còn muốn như thế nữa, thế mà ngày nay, trưởng ban vận động bầu cho
thủ tướng Nga, ứng viên tổng thống (mà nhiều người cho ông trưởng ban
này là “tiếng nói bên trong” của vị ứng viên Putin), lại lục
trong “di sản” của Lenin cái “của quý” tởm lợm và thối
hoắc này đem ra làm “vũ khí” đánh...những người dân chủ
liberal! Đây là một dấu hiệu chẳng lành để cảnh báo những ai còn mơ hồ
về ông Putin. Thế nhưng, với tình hình nước Nga hiện nay, ông tổng thống
tương lai không thể hành động theo cách của những bậc thầy Lenin,
Stalin...của ông ta được, trước hết vì xã hội dân sự Nga đã ra đời và
ngày càng trưởng thành, người dân còn nhớ những khổ đau dưới chế độ toàn
trị trước đây – đó là những điều không thể đảo ngược. Hơn nữa, thời đại
ngày nay đã đổi khác – kẻ độc tài khó mà tồn tại được. Vả lại, nước Nga
dù muốn hay không vẫn đang bị ràng buộc bởi những mối quan hệ chính
trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa... với châu Âu, Hoa Kỳ và thế giới nói
chung... làm cho kẻ độc tài khó hoành hành được như ý muốn.
Cho nên, những kẻ đi ngược dòng Lịch sử sẽ không tránh khỏi bị Lịch
sử đánh đổ.
Ngày 19.2.2012
Nguyễn Minh Cần