KIÊN GIANG (NV) - Thêm
một câu chuyện khó tin mà có thật: cán bộ nhà nước thành chủ điền, còn
nhà nông biến thành tá điền bị chủ nông bóc lột thậm tệ tại huyện Hòn
Ðất, tỉnh Kiên Giang.
Gia đình của ông Trinh trên mảnh đất thuê. (Hình: Báo Tiền Phong)
|
Nạn nhân là ông Lê Quang Trinh 70 tuổi, cư dân xã Vĩnh Lợi, huyện Lấp
Vò cho biết đã trở thành trắng tay vì toàn bộ sản nghiệp về tay một cán
bộ.
Theo báo Tiền Phong, ông Lê Quang Trinh cùng với vợ và năm người con,
trai lẫn gái chưa kể dâu, rể, cháu nội-ngoại đã vay tiền ngân hàng để
thuê 15 ha đất của ông Phạm Văn Khang, cán bộ phòng Công Thương huyện
Hòn Ðất.
Tiền vay ngân hàng không đủ, gia đình ông Trinh phải cầm cố tất cả
những sản nghiệp cuối cùng của dòng họ để thuê thửa đất nói trên trong
vòng 3 năm.
Trong hợp đồng ký kết giữa đôi bên, gia đình ông Trinh đồng ý nộp cho
ông Khang mỗi năm khoảng 40 triệu đồng, tương đương 2,000 đô tiền thuê
đất. Hợp đồng này còn ghi rằng, sau 3 năm, giá thuê đất sẽ tự động tăng
gấp đôi nếu gia đình ông Trinh còn muốn tiếp tục thuê.
Ông Trinh tâm sự: “Trong vòng hai năm đầu, gia đình tôi làm việc đến
chai sần chân tay để đào gốc tràm, phát lau sậy, san lấp đất biến thành
ruộng rồi xẻ mương rửa phèn.”
Ông Trinh cũng cho biết, gia đình ông không trồng được lúa trong hai
năm đầu. May sau đến năm thứ ba, cả nhà ông mới bắt đầu thu hoạch được
những hạt lúa đầu tiên.
Ðúng lúc đó, ông Khang nâng giá cho thuê đất lên từ 40 lên 65 triệu
đồng cho năm thứ tư. Chỉ mười hai tháng sau, ông cán bộ chủ điền “thế hệ
mới” lại nâng giá cho thuê đất - tính theo mẫu chứ không “khoán” gọn,
lên 7 triệu đồng một ha, tức 105 triệu đồng, tương đương 5,000 đô một
năm.
Ông Trinh đã dùng mọi lý lẽ, hết lời năn nỉ ông Khang khoan vội nâng giá đất nhưng không thành công.
Báo Tiền Phong còn cho biết, vì quá lo buồn, ông Trinh gặp nạn phải cứu cấp tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông Trinh còn cho biết đã khóc lóc, thở than, xin được thuê đất theo
giá hợp đồng không được, trong khi gia đình ông còn nợ hơn 25,000 đô
tiền vay ngân hàng và tiền mua thóc giống. Chính quyền xã cố gắng hòa
giải cũng không thành vì ông Khang quyết định thu hồi đất và kiện gia
đình ông Trinh ra tòa.
Báo Tiền Phong còn cho biết thêm, trước đây chính quyền huyện Hòn Ðất
giải thể các lâm trường làm ăn thua lỗ rồi lấy đất chia cho cán bộ,
trong đó có ông Khang.
Theo dư luận, từ sau năm 1975, hầu hết cán bộ Việt Cộng ở miền Nam
đều được chia ruộng đất rất lớn, được coi là “chiến lợi phẩm” sau chiến
tranh. Trong khi đó, nhiều gia đình nông dân đông con thiếu ruộng để
làm, phải thuê lại đất của cán bộ để sinh nhai.
Một cuộc “đổi đời” đã làm khốn khó biết bao gia đình nông dân lâu đời, trong đó có gia đình ông Trinh như kể trên. (PL)