Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Chuyện chữ nghĩa và lãnh đạo


Câu chuyện anh Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng xem ra càng ngày càng … hấp dẫn. Và, gay cấn. Đọc báo lề phải và lề trái thấy thông tin quá phong phú, mình chỉ biết đọc và ghi nhận. Nhưng chuyện sensational mới nhất là một lãnh đạo TP Hải Phòng có vài lời phát biểu khi ông đề cập đến anh Đoàn Văn Vươn. Chuyện này làm tôi nhớ đến chuyện xưa bên Úc ...
Chuyện có liên quan đến ông cựu thủ tướng Mã Lai là Bác sĩ M. Mahathir và ông cựu thủ tướng Úc là ông Paul Keating. Ông Mahathir nổi tiếng là một người không ưa nước Úc, và đặc biệt là chính khách Úc. Ông hay tìm dịp để châm chọc chính khách Úc. Đại khái quan điểm của ông là Úc là nước nhỏ, chỉ dựa vào Mĩ, mà … láu cá. Láu cá với các nước Đông Nam Á. Nào là dạy đời về nhân quyền, về môi trường, về cách hành xử quốc tế. Thói quen của chính khách Úc là đụng chút là lên lớp dạy đời, làm như là bậc thầy người ta không bằng! Vì thế, ông Mahathir nhắc nhở rằng Úc chỉ có lịch sử 200 năm, chỉ là “đứa bé” so với các nước Đông Nam Á có lịch sử lâu đời (nhưng ông chưa dùng chữ “ông cụ” cho các nước này!) Một trong những đòn tấn công của ông Mahathir là nhắc nhở rằng cái sân sau của Úc vẫn chưa sạch (ý nói Úc đối xử tệ với người thổ dân) mà đòi đi dạy người ta về đạo đức và nhân quyền. Thật ra, theo tôi, nhiều phê phán của ông Mahathir có phần cảm tính, nhưng cũng có vài phê phán nếu chịu khó nhìn lại thì thấy ông nói cũng không quá sai.

Dạo đó là khoảng đầu (hay giữa?) thập niên 1990, ông Mahathir và Paul Keating choảng nhau trên báo chí. Chuyện phát sinh khi ông Mahathir tẩy chay và không tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Thay vào đó, ông Mahathir vận động thành lập nhóm các nước Đông Á gọi là East Asia Economic Caucus, và ông đề nghị loại bỏ Úc khỏi khối này. Paul Keating là người thân Á châu, nên ông tức giận Mahathir lắm. Khi được phóng viên hỏi ông nghĩ gì về hành động và thái độ của Mahathir, ông Keating nói rằng APEC lớn hơn tất cả chúng ta, lớn hơn Úc, lớn hơn Mĩ, lớn hơn Mã Lai và Mahathir, và bất cứ những recalcitrant nào. Thế là chiến tranh ngoại giao bùng nổ quanh chữ recalcitrant.
Phải công nhận ông Paul Keating tuy ít học (chưa tốt nghiệp trung học) nhưng rất giỏi dùng chữ. Khi ông dùng chữ recalcitrant, giới phóng viên có người sững sờ. Có nhiều người không biết chữ đó có nghĩa gì. Trong số “nhiều người” đó có tôi. Tra từ điển thì thấy chữ này có nghĩa là kẻ cứng đầu, cứng cổ. À, thì ra ông Paul Keating muốn nói ông Mahathir là kẻ cứng đầu. Nói ai cứng đầu là trịch thượng. Do đó, không ngạc nhiên khi ông Mahathir đùng đùng nổi nóng. Ông đòi Keating phải xin lỗi. Keating “chân cứng đá mềm” không xin lỗi, vì ông nói ông dùng chữ recalcitrant là chỉ chung, chứ không đặt trước tên ông Mahathir. Ông cũng nói chữ đó chẳng có gì nặng nề cả.
Tôi còn nhớ các chuyên gia tiếng Anh viết bài bình luận trên báo chung quanh chữ recalcitrant và tôi có dịp học nhiều điều hay. Đại khái, các chuyên gia Úc cho rằng Keating dùng chữ recalcitrant là không thích hợp. Chính khách quốc tế không nên nói như thế, cho dù ông không có ý đề cập đến Mahathir. Thật ra, có hay không có ý đó thì chắc chỉ có Keating biết mà thôi. Cuộc tranh cãi và chiến tranh chữ nghĩa qua lạ giữa Úc và Mã Lai kéo dài cả nửa năm trời, làm ảnh hưởng quan hệ giữa hai nước. Một bên nhất định đòi xin lỗi, còn bên kia thì nhất định không xin lỗi. Sau cùng, không biết ai bày mưu chỉ kế, ông Keating trong một bài diễn văn về Á châu, ông dùng chữ “regret” vì đã dùng chữ thiếu ngoại giao. Nên nhớ là ông chỉ “ I regret” (lấy làm tiếc) chứ không phải “I am sorry” (tôi xin lỗi) nhé. Thế là đâu lại vào đấy, hai bên lại vui vẻ. Sau này, Mahathir ca ngợi Keating, nhưng ông nhắm vào đối tượng mới là thủ tướng John Howard người mà ông cho là kì thị chủng tộc.
Chuyện đó làm tôi liên tưởng đến chuyện ông bí thư Hải Phòng nói các bác lão thành là sai trong vụ Đoàn Văn Vươn. Trong một buổi nói chuyện với câu lạc bộ Bạch Đằng, có blogger nói ông dùng chữ thằng Vươn khi đề cập đến sự kiện Tiên Lãng, nhưng thật ra thì ông không có sử dụng chữ đó. Vài blogger nói oan cho ông.
Nhưng ở đây, tôi chỉ muốn bàn đến chữ thằng chung chung trong cách nói hàng ngày. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa thằng là “Từ dùng để chỉ từng cá nhân người đàn ông, con trai thuộc hàng dưới hoặc ngang hàng, với ý thân mật hoặc không tôn trọng.” Như vậy, chúng ta dùng chữ thằng để (a) biểu lộ sự thân mật với ai đó, hoặc (b) với ý nghĩa xem thường người ta.
Thật ra, người mình hay dùng chữ thằng. Thằng Tây, thằng Mĩ, thằng Tàu, v.v. Dùng nhiều đến nổi trở thành quán tính. Từ quán tính đến thốt thành lời nói trước công chúng cũng là một điều không khó hiểu. Tuy nhiên, bối cảnh và thời điểm sử dụng mới có vấn đề. Cố nhiên trước công chúng thì chắc chẳng ai đang vận áo veston, trịnh trọng đứng trước microphone mà dùng chữ thằng. Cũng như chẳng có chính khách nào lại đi dùng recalcitrant cho đồng nghiệp mình (ngoại trừ lở lời).
Ông Keating sau cùng thì cũng nhìn nhận, dù chỉ là gián tiếp, đã dùng chữ khiếm nhã và có lời xoa dịu. Tôi nghĩ ông bí thư gián tiếp nói về các bác lão thành là sai thì e rằng hơi nặng. Có thể ông làm như ông Paul Keating từng làm, tức là nói một lời xoa dịu dư luận, kiểu như “tôi lấy làm tiếc”, để bà con an lòng với vị thế lãnh đạo và xứng với cái danh xưng tiến sĩ của ông.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"