Bá Tân
Nước là loại tài nguyên đặc biệt. Có giá trị hơn cả vàng, kim
cương. Than đá, dầu mỏ cực kỳ giá trị nhưng đừng có đứng gần nước mà xấu
hổ về tác dụng với đời sống dân sinh. Hàng chục triệu người Việt Nam,
hàng tỷ người trên thế giới không có vàng, không kim cương nhưng người
ta vẫn sống, sống đàng hoàng. Không có nước, chỉ cần một vài ngày, coi
như ngắc ngoải và toi mạng. Việt Nam là nước nông nghiệp, văn minh lúa
nước, ông cha ta là bậc thầy của các vị giáo sư khi đưa ra nhận định: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Còn trời thì còn nước. Nước có tuổi ngang trời. Nước có trước con
người. Đến lúc nào đó nếu không còn người thì nước vẫn cứ trường tồn bất
tử.
Nước với thuyền hơn cả vợ chồng. Vợ cần chồng và ngược lại. Sinh ra
vợ chồng để làm nhiệm vụ duy trì giống nòi, cái đó cần hơn sự vuốt ve âu
yếm. Nhiều cặp vợ chồng gắng hết sức nhưng không tránh được sự khắt khe
của quy luật: lúc đầu ngọt ngào bao nhiêu, về sau ngột ngạt bấy nhiêu.
Nước và thuyền không như vậy. Nước không cần thuyền. Chỉ có thuyền cần
nước. Hàng triệu năm sau khi có nước mới sinh ra thuyền. Tồn tại dựa vào
nước nhưng thuyền lại là tác nhân gây hại cho nước. Nhất thủy, nhì hỏa.
Dũng mạnh cường tráng vào loại đứng đầu nhưng nước chưa một lần trót
dại gây ra chuyện “vỡ kế hoạch” trong quan hệ với nước. Về cái sự trong
trắng không bị cám dỗ, triệu năm sau người không thể bằng nước.
Thuyền là thứ vong ân, bội nghĩa. Lấy ân báo oán,
thuyền là thứ phản phúc. So với thủa xưa, thuyền ngày nay to hơn, đẹp
hơn nhưng sự gây hại khủng khiếp hơn nhiều.
Không thể thay nước, việc đó chỉ có trời mới làm được. Cho dù cả thế
giới đều là viện sĩ cũng không thể tạo ra một loại nước thay nước của
trời. Đừng có điên khùng thực hiện mưu mô thay nước.
Thay thuyền, vứt bỏ thuyền là việc không khó. Kể cả khó vẫn có thể
làm, thậm chí còn là hợp quy luật. Thuyền vong ân bội nghĩa với nước,
thứ thuyền ấy chôn vùi càng sớm càng tốt.
Nước nâng thuyền. Nước làm đẹp cho thuyền. Tuyệt nhiên nước không phụ
thuộc vào thuyền. Lúc cần, nước dìm thuyền xuống bùn đen. Nước đủ sức
xé nát thuyền ra từng mảnh. Không cần đọc triết học. Chẳng phải học
chính trị cao cấp. Đâu cần những bài rao giảng theo đề cương được phê
duyệt từ những năm 60. Chỉ cần nhìn vào vụ Tiên Lãng là đủ biết sức mạnh
phi thường của nước. Bộ máy công quyền của Tiên Lãng đã bị tan tành.
Những người đứng đầu, kể cả cấp ủy và chính quyền, cùng với những mắt
xích quan trọng đều tan nát. Con thuyền ấy đã bị nhấn chìm bởi dòng nước
thường ngày vẫn nâng niu nó. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, kể cả kết
luận của Thủ tướng Chính phủ chỉ là cái việc ở trong tình thế không thể
không làm. Phải trung thực khi đưa ra nhận xét. Đừng vơ vét việc của
người này gán cho người khác. Gốc rễ tạo ra cành lá chứ không phải ngược
lại. Với lãnh đạo các cấp, nhất là nơi thượng đỉnh, hãy cảnh giác với
bọn nịnh bợ, chúng nó gieo rắc tai họa hơn cả ma túy.
Khơi nguồn nhấn chìm con thuyền ấy chính là nước – lòng dân. Có tiền
là có đập ngăn lũ. Loại dự án này phát sinh tràn lan, kể cả những nơi
không có lũ đi qua. Tiền và quyền không thể tạo ra cái đập ngăn lũ trong
lòng dân. Càng lộng quyền, sóng trong lòng dân càng trở nên trùng trùng
điệp điệp. Thuyền to có sóng lớn. Sóng lớn dâng trào thừa sức chôn vùi
những con thuyền to.
Tiên Lãng không phải độc nhất vô nhị. Sóng ngầm đang lởn vởn ở nhiều
nơi. Cả nước có hơn 500 huyện và trên 9000 xã. Chưa xảy ra chứ không
phải không còn những vụ “sóng thần” như Tiên Lãng. Tranh cãi mà làm gì.
Thực tế cuộc sống tự nó có câu trả lời.
Sóng thần ở Nhật Bản chỉ có mất mà không được. Vụ “sóng thần” ở Tiên
Lãng, được nhiều hơn mất. Mất những cái cần mất, chỉ tiếc mất hơi bị
muộn. Được những cái không thể để mất. Cảm ơn người dân Tiên Lãng. Cảm
ơn người hùng Đoàn Văn Vươn. Các bác, các anh, các chị hơn hẳn mọi giảng
viên khi tự mình thể hiện bài học có giá trị cho muôn đời: nước nâng
thuyền, nhấn chìm thuyền xuống bùn đen cũng là nước.
Bá Tân
(Cảm ơn tác giả gửi cho Thắng Xòe)
(Cảm ơn tác giả gửi cho Thắng Xòe)