Việt Nam đang nói là phấn đấu đến năm
2020 về cơ bản là một nước công nghiệp. Nếu định nghĩa công nghiệp theo
kiểu Việt Nam thì không cần bàn, còn nếu theo qui chuẩn của thế giới thì
đây là một loại bánh vẽ tiếp của dân tộc trong thế kỷ 21.
Cũng như nhiều người dân Việt khác, khi lang thang khắp địa
cầu tôi luôn đặt cho mình câu hỏi: tại sao dân tộc ta lại thua kém thiên
hạ lâu vậy? Câu trả lời luôn nằm ở: bản lĩnh của lãnh đạo và văn hóa
sống của dân chúng.
1- Chăm lao động:
Sự thịnh vượng bắt nguồn từ nhiều điều. Nhưng có lẽ lao
động trí óc sáng tạo và lao động chân tay chăm chỉ là yếu tố chung hàng
đầu. Đến Hàn Quốc xem bảo tàng của họ thì thấy cách đây khoảng 50-70 năm
dân họ làm nông nghiệp; cái ăn, cái ở, cách sinh hoạt nhà cửa cũng chả
khác mấy dân mình. Sau cuộc chiến nam bắc kết thúc năm 1953, dân miền
Nam cũng gần như tay trắng lập nghiệp, tất cả xây dựng trên đống hoang
tàn. Vậy mà sau có khoảng 30 năm họ đã thành một nước công nghiệp mới
với GDP đứng 15 toàn cầu. Dân Hàn được đánh giá là chăm lao động bậc
nhất thế giới. Trung bình làm tới 65 tiếng /1 tuần. Dân bắc Mỹ cũng cầy
cuốc ra trò: ít nhất là 40 tiếng/ tuần- Tuy vậy rất nhiều người làm thêm
giờ. Dân Pháp làm có 35 tiếng/tuần, nhưng a ma tơ như dân Pháp mà từ
thế kỷ 12 (1163) đã xây được nhà thờ Đức Bà, con cháu của những người ấy
lại đang làm ra Airbus, nước hoa Chanel và túi Louis Vuitton… thì tuy
có không quá chăm về giờ giấc nhưng được cái hiệu quả của thông minh bù
lại.
2- Ý thức chung:
Qua Nhật Bản thì cái ảnh rất nổi tiếng mà khắp nơi trưng
bày là ảnh một người nước ngoài chụp Tokyo khoảng 150 năm trước. Ngày đó
toàn Tokyo nhà cửa thấp lè tè. Vậy mà bây giờ muốn tìm một nơi nhà thấp
của Tokyo chắc là chỉ còn khu hoàng cung. (…) Khắp Tokyo với hơn 13
triệu dân chắc phải có thùng rác công cộng nhưng vì quá ít nên tôi chưa
tìm ra. Vậy mà đâu cũng sạch tinh tươm không có rác. Ra tòa thị chính
hỏi thì họ bảo là ở Nhật mọi công dân tự giác mang rác về nhà mình vất.
Nhiều người trong túi sách tay có đủ cả ba loại túi để chứa ba loại rác
khác nhau. Túi đựng rác tái chế, túi đựng rác hữu cơ, túi để rác thải.
Về nhà cứ sẵn túi nào bỏ ngay vào thùng rác đấy. Ở một đất nước có nhiều
hãng xe danh tiếng toàn cầu mà tôi thấy các thanh niên diện đồ hàng
hiệu chủ yếu đi bộ, đi phương tiện công cộng hoặc đạp xe. Và nhìn kỹ
chưa thấy có cái xe đạp nào láng cóng cả. Về Việt Nam thấy chỗ nào cũng
có đầy rẫy những cái rất đáng làm, cần làm và phải làm phải sửa ngay,
tuy vậy hầu như không thấy mấy ai coi đó là việc của mình và chịu động
vào. (…)
3- Khoa trương, hình thức:
Tôi từng dắt con di dạo khắp mấy km2 khuôn viên của trường
đại học Harvard tròn 375 tuổi năm 2011, nơi làm việc của 44 tác giả giải
Nobel với quỹ năm khoảng 32 tỷ USD mà không tìm ra một cái biển hay
cổng chào nào với hàng chữ Harvard University “đáng” để chụp ảnh. Vậy mà
trên khắp Việt đâu đâu cũng biểu ngữ, khẩu hiệu giăng khắp nơi mà toàn
nội dung sáo mòn. Trụ sở lớn bé nào (chắc chỉ trừ trụ sở các cơ quan
mật, chìm) cũng gắn tên tuổi to vật vưỡng.
4- Rèn luyện sức khỏe:
Người Việt là giống người có thể tạng nhỏ bé và yếu ớt.
Người da đen và da trắng tầm vóc cơ thể đều hơn người Việt. Trong dân
châu Á, người Việt cũng là loại nhỏ con. Đã vậy người Việt lại ít vận
động. Người thành phố thì nửa bước cũng ôtô xe máy. Người vùng quê cũng
ngồi chơi nhiều. Khó tìm ra nước nào người ngồi ngoài đường hàng quán từ
sáng tới tối đông như ở Việt Nam. Ngay người Việt ở nước ngoài nhiều
năm mà số lượng người chịu tập thể thao cũng khá ít. Số người Việt trung
niên ở nước ngoài chịu tập các môn thể thao mùa đông lại càng ít hơn.
Nhiều người quá nửa đời ở xứ lạnh mà vẫn kêu mùa đông lạnh lẽo và nhìn
thấy tuyết là ngại. (…)
5- Qui hoạch phát triển:
Một qui hoạch phát triển ít công viên, khu tập luyện thể
thao và vui chơi giải trí ở từng khu vực dân cư là một qui hoạch thiếu
tầm và tâm. Ít nơi tập thể thao và vui chơi lành mạnh thì thì phương án
xấu vừa là sức khỏe dân chúng xuống cấp và phải chi nhiều hơn cho y tế.
Phương án xấu hơn là tội phạm gia tăng. Xấu nhất là cả tội phạm tăng, cả
sức khỏe xuống cấp, và chính quyền làm ngơ với cả tội ác lẫn bệnh tật.
Tuy nhiên khi ngay cả trường học và bệnh viện đất còn bị cắt xén, bé con
con thì những đòi hỏi khác thật là quá xa vời. Trong 100 người giàu
nhất trên sàn, nhóm giàu nhất và đông nhất là bất động sản. Con số đó
nói lên rằng tiền người Việt hôm nay kiếm ra vẫn chưa có nhiều hàm tố
trí tuệ. Nếu thực hiện thu thuế nhà đất hàng năm từ 1-2% giá trị thực,
và từ cái nhà thứ 2 đánh thuế giá trị gia tăng cùng với áp thuế thừa kế
đất cao thì đất sẽ tiếp tục rớt giá, xã hội sẽ bớt căng thẳng về chỗ ở,
người Việt nào khi đi làm cũng có quyền và khả năng mưu cầu cho mình một
mái ấm. Người Việt có tiền sẽ phải nghĩ làm sao ra sản phẩm công nghệ
cạnh tranh trên thương trường. Nếu có công bằng và minh bạch chi tiêu
tiền thuế sẽ thu được và đủ chi dùng cho giáo dục cùng nghiên cứu khoa
học làm động lực cho nền kinh tế trí tuệ cất cánh. Nhưng vấn đề là lấy
ai thông qua luật ấy nếu những người nắm quyền là chủ đất lớn?
6- Đi tắt đón đầu?
Khẩu hiệu đó thể hiện khá rõ cái bản chất khôn vặt của
người Việt. Mà đã là khôn vặt tức là không bài bản, không đàng hoàng.
Chẳng thể nào từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu tiến thẳng lên
chủ nghĩa xã hội không tưởng được nên vẫn phải vòng lại về chủ nghĩa tư
bản thực dụng. Ít nhất, chúng ta phải học cách đi cho đàng hoàng, thẳng
lưng mà đứng, ngẩng cao đầu, mở to mắt mà nhìn thiên hạ đúng sai thế
nào. Nếu muốn vượt họ thì phải lấy quyết tâm, rèn luyện thể lực, trí tuệ
và tinh thần tăng tốc độ, chứ không phải chen ngang luồn lách, chặn
đường ai cả.
7- Môi trường kinh doanh:
Tầm vóc GDP của cả Việt Nam chưa bằng một nửa (khoảng 46%)
của thành phố Singapore (103.6/222.7tỷ USD) hay Hồng Kông (103.6/224.5
tỷ USD), chưa bằng 7% của Tokyo (103.6/1,479 tỷ USD). Nhìn vậy để thấy
rằng quản lý và phát triển có một dúm tiền đó thì đâu có phải là cái gì
kinh khủng với nhân loại hôm nay. Vậy mà nền tảng GDP của Việt Nam lại
chủ yếu là từ đào bới (khai thác khoáng sản) và hái lượm (thu hoạch lúa
và các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp). Sau 37 năm hô hào và quyết tâm
công nghiệp hóa và hiện đại hóa Việt Nam vẫn chưa có một công ty có tầm
vóc khu vực. Bảng vàng 100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2011 bắt
đầu tính từ người có tài sản chứng khoán độ hơn 3 triệu đô (mà cũng chưa
rõ đây là tài sản có thật hay tài sản góp, đứng tên hộ). Thực ra ai làm
được kinh doanh ở Việt Nam hiện nay một cách chân chính được tôi nghĩ
phải đáng phong tặng mấy lần anh hùng. Khắp Canada mấy năm nay lãi suất
có từ 2-3% nhiểu nhà băng còn gạ cho lãi suất có 0% trong 6 tháng. Luật
pháp rõ ràng, tham nhũng, hối lộ gần như không có, lạm phát cả năm
thường dưới 2% mà có mấy ai mở mang kinh doanh được gì đâu. Một số công
ty, ngân hàng lớn trả lãi cổ đông có 4-5% /năm là đã vui rồi. Việt Nam
đang nói là phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản là một nước công nghiệp. Nếu
định nghĩa công nghiệp theo kiểu Việt Nam thì không cần bàn còn nếu
theo qui chuẩn của thế giới thì đây là một loại bánh vẽ tiếp của dân tộc
trong thế kỷ 21.
8- Hội nhập:
Thế giới đã chứng kiến nước Nhật bước vào suy thoái cả hai
thập kỷ nay. Bắc Mỹ khủng khoảng cả 5 năm nay giờ mới đang bắt đầu gượng
dậy, châu Âu giờ đang lún sâu vào khủng hoảng, Trung Quốc nếu không có
những cải cách nền tảng và quyết liệt sẽ lâm vào suy thoái và khủng
hoảng trong thập kỷ này. Và khi khủng hoảng lớn xảy ra thì thành quả mấy
chục năm tích cóp liền đi tong. Chưa bao giờ công việc quản lý vĩ mô
lại cần tập trung nhiều trí tuệ đến thế, lại cần một ý thức xã hội và
tinh thần dân tộc cao đến thế, lại cần sự nghiêm túc nghiên cứu, phản
biện và cầu thị kỹ lưỡng đến như vậy.
Khi anh dắt trâu đi trên đường làng nếu sơ sểnh xảy ra thì
thiệt hại chỉ là rất nhỏ, còn khi anh lao cái ô tô lọc cọc lên đường cao
tốc thì tai nạn xẩy ra là thảm khốc. Ở tầm phát triển càng cao thì sự
yếu kém trong quản lý gây thiệt hại càng lớn.
Nhìn về toàn cục Việt Nam nhỏ thó có khoảng 320 km2 mà chia
nát ra tới 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương thì đã thấy là
các bộ sậu quản lý cồng kềnh và rườm rà lắm rồi (vì không quản to nổi
nên phải chia nhỏ ra). Đã thế nơi nào cũng hai chính quyền song hành
(vừa cơ quan đảng vừa cơ quan chính phủ). Vậy mà trình độ lại tầm thường
cá mè một lứa, chỉ có mỗi “thành tích” duy nhất là quản lý cả cái nhỏ
cũng không được tốt. Trong cả đống tỉnh thành ấy chỉ thấy có vài đốm
sáng tức là vài tỉnh hay thành phố tự sống lay lắt được, không phải ngửa
tay ra xin tiền từ ngân sách trung ương phân bổ. Chính phủ thì có tới
22 bộ và cơ quan ngang bộ; ngân sách mỗi bộ loanh quanh có một trăm
triệu tới vài tỉ đô/năm (tức là ngang doanh thu của một công ty tầm khu
vực), vậy mà bộ nào cũng ôm đủ điều tiếng, bất cập.
Nhìn tổng thể, Việt Nam quá lập cập trong con đường hội
nhập. Các cụ nhà ta thường nói khôn ăn người, dại người ăn. Cái cách làm
của Việt Nam hôm nay dẫn đến kết quả là nếu người tha cho thì sống
(viện trợ, ưu đãi thuế quan…). Ăn của người cái công nghệ lạc hậu, bất
chấp môi trường, tương lai con cháu, lối sống hợm hĩnh giàu sổi… để
người trục lợi trên đủ đường từ ưu thế địa chính trị, nhân công, tài
nguyên, chính sách…
9- Tầm nhìn:
Khi hoàng đế Meiji của Nhật mất năm 1912, nước Nhật thương
nhớ vị hoàng đế vĩ đại nhất trong lịch sử của họ bằng cách dành hơn 70
héc ta ở thủ đô Tokyo và người dân Nhật gửi tặng khoảng 120 ngàn cây gồm
365 chủng loại khác nhau trồng ở đó sao cho giống một cánh rừng thiên
nhiên nhất. Cả trăm năm trôi qua, đất ở Tokyo dù có là vàng là kim cương
thì cánh rừng vẫn còn đó, vừa tưởng niệm vị minh quân vừa là công viên,
lá phổi cho thành phố và hầu như không tốn kém trong việc bảo trì. Thật
đau khi thấy người ta cho phép cất nhà ở trong đại nội Huế, hay bê
tông, nhựa đường hóa các quảng trường của đất nước. Khắp cả nước là các
loại mồ mả xây dựng tùy tiện. Nhìn vào sự “hiên ngang” của các tư dinh
người quá cố này không rõ bao nhiêu trong số đó là do con cháu thực sự
hiếu thảo, bao nhiêu là sự trục lợi cá nhân mong thế giới âm phù hộ độ
trì. Chỉ biết rằng triều đại nào dù được đặt ở cuộc đất nào rồi cũng đến
hồi cáo chung. Dân những nước văn minh đối xử với mồ mả tổ tiên của họ
thật nhẹ nhàng mà họ cũng đâu có nghèo hèn.
10- Ý chí:
Khi đi thăm nhà tù Hỏa Lò Hà nội, tôi cứ băn khoăn tự hỏi
không biết có người nào dán mác “chống Cộng” ở hải ngoại dám một lòng
một dạ xả thân hy sinh tất cả tính mạng và tài sản cho công cuộc mà họ
hô hào? Và cũng không biết còn có bao nhiêu quan chức chính quyền ở Việt
Nam hôm nay một lòng vì nước quên thân vì dân phục vụ? Trong cái phần
còn lại của một chứng tích cho sự hào hùng một thủa của dân tộc chỉ thấy
lác đác vài du khách ngoại quốc. Đáng nể Hàn Quốc biết bao khi bảo tàng
nào cũng ngập thầy cô giáo và học sinh ngồi học tại chỗ.
11- Bài bản và chuyên nghiệp:
Hiện nay, tại di tích nhà tù nói trên có trưng bày viên
gạch và viên ngói người Pháp dùng để xây vào năm 1896. Sau 115 năm, đi
gần khắp cả Việt Nam tôi cũng chưa thấy có viên gạch nào có chất lượng
và đẹp như viên đó. Liệu người Việt Nam có thể có một ngành công nghệ
nào có tầm vóc nếu không tập làm cho cẩn thận từ những cái nhỏ nhất.
Trước khi về Việt Nam đọc qua trang web của các hãng du lịch nước ngoài
thấy họ báo là “người Việt không có áo mưa, khi có mưa người Việt quấn
các bao đựng rác quanh người…” “Bao rác” thì không phải, nhưng là một
nước nhiều mưa nhưng đến giờ đúng là người Việt chưa có nổi một hãng nào
chế ra cái áo đi mưa cho ra hồn.
12- Cách mạng?
(…)
Sự thay đổi thường theo một hoặc hai con đường, tiệm tiến
hoặc cách mạng. Con đường tiệm tiến sẽ làm khá nhiều người cấp tiến bức
xúc vì khá chậm chạp, nhưng ít đổ vỡ và xáo trộn xã hội lớn. Cuộc cách
mạng sẽ mang đến sự thay đổi chóng vánh nhưng chưa có cuộc cách mạng nào
mang đến một sự ổn định nhanh về toàn cục.
Con đường cách mạng thì theo định nghĩa của V.I Lê Nin sẽ
chỉ nổ ra nếu có ba điều kiện: tầng lớp “dưới” không thể tiếp tục sống
như cũ, tầng lớp “trên” không thể tiếp tục lãnh đạo như cũ và có một
chính đảng cách mạng lãnh đạo. Tuy nhiên, vế thứ ba của định nghĩa này
cần thay đổi là trong thời đại bùng nồ thông tin toàn cầu hiện nay cá
nhân hay phong trào dù tự phát nhưng nếu phù hợp với tâm lý đám đông
trong chốc lát cũng dễ dẫn đến một cuộc cách mạng. Điều đó giải thích
tại sao mấy vụ biểu tình nhỏ lại bị nhà cầm quyền đàn áp dữ dội thế. Dù
họ biết đó là yêu nước nhưng nếu cứ để cho tiếp diễn thì có nguy cơ một
Thiên An Môn, một mùa xuân Ả Rập phẩy… và hơn nữa quần chúng càng được
tập dượt càng dễ biết làm cách mạng.
Hiện nay, tầng lớp dưới ở Việt Nam tuy gặp thật nhiều khó
khăn vẫn đang sống được, tầng lớp lãnh đạo thì càng thấy sống ngon, sống
khỏe, chỉ duy có một bộ phận tầng lớp trí thức có suy tư dằn vặt thì
chưa thể có một cuộc cách mạng nào trong một tương lai gần.
Theo con đường tiệm tiến thì đất nước sẽ phải qua vài giai
đoạn chia chác của những người nắm quyền. Giai đoạn một là chia các tài
nguyên thiên nhiên (đất…), sau đó chuyển sang chia tiếp các cơ hội và
tài sản vật chất khác (cổ phần hóa các loại tài sản có thể còn lại...)
và sau khi có đủ cả tiền và quyền thì con đường an toàn nhất để giữ được
cái gì đó là phải thúc đẩy pháp trị.
13- Còn mình?
Tôi gặp rất nhiều người bức xúc với câu khẩu hiệu giăng ở
Việt Nam: “Lực lượng công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình”. Theo
cách tuyên truyền này thì lực lượng khổng lồ ăn tiền thuế của dân (…)
thành một loại công cụ riêng của đảng, cho đảng và vì đảng, chỉ trung
thành với đảng mà thôi, còn dân tộc và nhân dân không được đếm xỉa tới.
Vậy nếu khi đảng (hoặc những người nhân danh đảng và có khả năng điều
động lực lượng này) sai (mà đảng thì cũng thường sai lắm) và có thời
điểm khi lợi ích của cái “nhóm sai” trong đảng này với dân là đối nghịch
thì lực lượng này sẽ sẵn sàng chĩa súng vào nhân dân?
Công an, viên chức ở Việt Nam hay ở đâu đi nữa thì cũng là
những người làm công. Đã làm công thì có quan hệ “chủ” “tớ”. Thường
người làm thuê hay ngộ nhận rằng lương bổng hậu hĩnh của họ có được là
hoàn toàn do sự tử tế của ban giám đốc và hay nể sợ ban giám đốc. Khi
dân trí càng cao thì càng nhiều người biết rằng ban giám đốc nhiều khi
cũng chỉ là do hội đồng quản trị đại diện cho các cổ đông thuê điều hành
mà thôi. Nhân dân Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam mới thực là chủ sở hữu của
bất kỳ ban ngành, cơ quan nào của Việt Nam. Vua, chúa, Đảng… chỉ là một
ban giám đốc nhất thời.
14- Hướng tới:
Việt Nam, như đứa trẻ đang tuổi lớn mà lại bị ghì chặt ở
nhiều hướng. Đứa trẻ tuy vẫn cao lớn lên nhưng là kiểu lớn quặt quẹo và
bệnh hoạn. Năm 1953 khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Bắc Triều có cơ
sở vật chất tốt hơn nhiều lần Nam Triều. Vậy mà nay nền kinh tế Bắc Hàn
chỉ bằng 2.7% Nam Hàn (28/1,014 tỷ USD) thu nhập bình quân đầu người
phía Bắc chỉ bằng khoảng 5.7%($1,200/$20,700) phía Nam. Cùng một giòng
giống, cùng một văn hóa, cận kề lãnh thổ sao có mấy chục năm đường ai
nấy đi mà khác nhau dữ vậy? Thế mới thấy bản lĩnh người cầm quyền, cái
sai cái đúng của những người ở tầm cao quyền lực thật lợi hại!
Để đừng lạc chân thành một tiểu Trung Hoa, tiểu Ấn Độ, hay
tiểu Hoa Kỳ mà vẫn theo được một phần bước tiến chung của nhân loại, chỉ
còn hi vọng là Việt Nam đang từ một nước hầu như làm cái gì cũng chưa
hẳn là đúng chuyển hóa thành một nước làm cái gì cũng không sai trong
liền mấy thập kỷ tới.
PNC
(Các số liệu thống kê trích dẫn từ nguồn IMF, CIA World Factbook và VN Express)