Đỗ Trường
Cách nay đã mấy năm, trong bài Tính Cách Người Việt, tôi có nhắc lại chuyện cùng Tô Vương (Vương Dứa) báo Nhân Dân, đến thăm Xuân Trường báo Nông nghiệp. Trong lúc trà nước, anh bạn phóng viên báo nông nghiệp kể, ông Tố Hữu Phó chủ tịch thường trực hội đồng Bộ trưởng (Phó thủ tướng - thời giá lương tiền, có nhiều gia đình miền núi phía bắc đã bị chết đói) thăm Pháp về qua Liên Xô. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đang học ở đó, được nghe đồng chí Tố Hữu kể, ra nước ngoài so sánh mới thấy đất nước ta tươi đẹp, dân ta sung sướng ví đang đứng trên đỉnh của cái chóp nón. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đùa rằng, không biết đỉnh của chiếc nón đang nằm úp hay NGỬA, làm cho đồng chí Phó chủ tịch không vui. Tôi (bán tín bán nghi) không tin, Trần Đăng Khoa dám trả lời như vậy. Nhưng trong bài, Luận Bàn Về Vụ Án Đoàn Văn Vươn, trên báo GDVN gần đây, Trần Đăng Khoa khảng định, câu trả lời đồng chí lãnh tụ trên của nhà thơ là có thật.
Trong không khí hừng hực ấy, Trần Đăng Khoa dám trả lời như vậy, tôi xin bái phục dũng khí của bác. Cái thời điểm bao người chỉ cần sẩy mồm sa miệng, hay một vài bài thơ, văn vu vơ, như Hoàng Cát, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Trần Mạnh Hảo… bị tẩn không ngóc đầu lên được, thế mà bác cả gan bóp dái ngựa nhưng lại bình an vô sự. Quan lộ thẳng tiến, quả thật bác tốt số. Nghĩ đến bác, tôi lại nhớ câu chuyện mấy chục năm về trước của mình. Họ Đặng bên mẹ tôi có rất nhiều người làm quan to, có bác chức tước còn xếp ngồi chiếu trên so với đồng chí Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng. Có lần, năm mới hay giỗ chạp gì đó, các bác tề tịu đông đủ. Tôi lúc đó rượu đã tưng tửng, tranh luận, to tiếng với mấy ông em ở mâm dưới, thốt ra câu:
- Không có gì dễ bằng làm quan thời nay, vì sảy ra việc có ông quái nào dám gánh trách nhiệm đâu.
Tôi liền bị ông cậu thứ hai, trong ban bí thư trung ương đoàn, nắm cổ lôi ra ngoài, bàn giao cho mấy ông em áp tải về nhà. Lần sau tôi không được phép đến, nếu cố tình lò dò đến chỉ được phép ngồi mâm các bà.
Nhắc lại những chuyện cũ để thấy rằng, căn bệnh dối trá, hão huyền, tự sướng nó ăn vào lục phủ ngũ tạng mỗi chúng ta từ lâu lắm rồi, từ trên xuống dưới, từ trong nhà ra ngoài xã hội.
Thật đau đớn, xót xa cho nền khoa học nước nhà, chỉ cải tạo môi trường cho một Hồ Gươm nhỏ bé cũng không làm nổi, phải nhờ đến mấy ông kỹ sư hình như tốt nghiệp trường Fachhochschule Dresden, CHLB Đức (Việt Nam gọi là trường cao đẳng) làm giúp. Trong khi đó chúng ta có rất nhiều giáo sư, Tiến sỹ, các viện nghiên cứu đủ các ngành, các cấp đang thao thao bất tuyệt trên mọi diễn đàn. Gần đây chúng ta lại đẻ ra cái viện nghiên cứu toán CÕI TRÊN nghiền nát nhiều tỷ đồng mồ hôi nước mắt của dân, mặc dù trường lớp cơ sở hạ tầng giáo dục ở nông thôn miền núi nhìn như những cái chuồng trâu rách. Không biết những người quản lý nhà nước, và ông viện trưởng mới Ngô Bảo Châu trong giấc mơ có khi nào giật mình thấy các cháu học sinh chân đất, mặt tím ngắt vì đói rét đến trường?
Tôi có thằng bạn, nguyên là giáo viên trường đảng bị tuột xích, chuồn sang Đức đã lâu, dứt khoát cho rằng, Ngô Bảo Châu không phải là trí thức, chỉ là một thợ làm toán, và ngôi nhà nhiều triệu Dolla được nhà nước ban phát, chỉ là CÁI MỒI NHỬ CÁY mà thôi. Viết ra điều này, có lẽ nhiều người không đồng ý, nhưng hãy khoan chửi, vì đây là ý kiến cá nhân, không nên bịt miệng nó. Thằng này, mồm loa mép giải, nó đổi ngược lại cho cái tội làm mất dân chủ cũng mệt.
Nghe thằng giáo viên trường đảng, mất dậy này, nhiều khi tôi cũng sôi máu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại có lúc thấy có lý. Tiền mồ hôi nước mắt của dân, các bác thích ai mang ra ban phát, không cần hỏi ý kiến xem họ có đồng ý hay không. Đây là cánh cửa mở ra cho nạn tham nhũng, biếu xén, hối lộ, trộm cắp đục khoét của công.
Nghe thằng giáo viên trường đảng, mất dậy này, nhiều khi tôi cũng sôi máu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại có lúc thấy có lý. Tiền mồ hôi nước mắt của dân, các bác thích ai mang ra ban phát, không cần hỏi ý kiến xem họ có đồng ý hay không. Đây là cánh cửa mở ra cho nạn tham nhũng, biếu xén, hối lộ, trộm cắp đục khoét của công.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến lời than (đại ý) của Tiến sỹ vật lý Nguyễn Bình ở Chemnitz không phải chỉ ở Việt Nam mới có những tiến sỹ, trí thức đểu, người Việt ở Châu Âu cũng có nhiều Tiến sỹ hữu nghị đấy. Cũng theo ông từ trước đến nay, chỉ có một trường hợp duy nhất sang Đức học tiến sỹ không được nhận bằng thuộc về một cựu cầu thủ thể thao vì quá… quá dốt. Kể cũng buồn, khi nhìn thấy Tiến sỹ này đứng bán quần áo ngoài chợ, lúc lại thấy ông Tiến sỹ nọ đẩy hàng ăn Châu Á. Mấy hôm sau lại thấy các bác rải Cardvisit đăng đàn diễn thuyết, tay chém gió, nhột hết cả người.
Không hiểu văn thơ nó có bùa mê thuốc lú gì, khi khố rách áo ôm, cấm thấy bác nào nhòm ngó, ấy vậy mà lúc có tý chức quyền, tiền bạc, lăn xả vào cứ như ma ám. Có bác đánh đùng một phát đẻ đến năm, bảy tập, thơ chẳng ra thơ, vè chẳng ra vè, thế rồi thuê các bình luận gia ùa vào bóng kích. Ông khác chức cao, nhiều tiền hơn, thuê hẳn mấy bác phó nảy nhạc, cho các em chân dài ca chơi. Thế mới kinh! Bác nào chập cheng quá, thì thuê người viết. Không thuê được, các bác giở trò luộc nấu. Kẻ thô lỗ bảo hành vi đó là trộm cắp, người lịch lãm hơn gọi là đạo văn, thó văn..
Gần ba mươi năm nay, tôi không được hưởng không khí tết ở Việt Nam. Nên ngày đầu năm cứ bài văn, bài thơ nào có chữ xuân, chữ tết là tôi đọc tuốt tuồn tuột, của bất kỳ ai và không cần biết hay, dở. Trường hợp bác Nguyễn Văn Mạc thó văn của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, tôi bắt gặp trong hoàn cảnh như vậy. Khi bài viết lên mạng được vài tiếng, tôi nhận được điện thoại của mấy ông bạn hỏi, thù ghét gì ông Mạc mới sáng mùng một đã nhởi dữ vậy? Các ông buồn cười thật, ngay cái tên Nguyễn Văn Mạc lần đầu tôi mới nghe, làm gì có thù với chả hằn. Bác ta ghi trong bài văn thó cả địa chỉ, số điện thoại, tôi gõ Google mới biết ông ta làm giám đốc giám điếc, chủ tịch chủ tiếc gì đó thôi. Luộc nấu ngang nhiên như vậy, bác Mạc chứ Tổng thống, Thủ tướng tôi cũng phải nhởi như thường. Mà cái số ông Mạc này cũng xui, thó đúng vào cái bài viết về Mẹ hay nhất của TMH, tôi lại vừa có bài viết về nó, nên ngứa mồm không chịu được. Thật ra, nếu tôi không ù suông trước, sẽ có người khác lôi cổ cái bài văn thó này ra thôi. Rút kinh nghiệm, lần sau bác nào có tính táy máy, nên chọn bài tầm tầm, tác giả ít người biết đến may ra thoát. Chứ cân đai mũ mã đến như bác chủ tịch hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh, chẳng biết có cầm nhầm bài thơ của nữ sĩ người Đức hay không, bị các cháu sinh viên trường sư phạm Hà Nội, móc mói, hỏi han, ngượng chết đi được.
Ngày còn đi học, các thầy dậy, làm bài luận phải có dẫn chứng từ các nghị quyết hoặc trích câu nói, bài viết của các lãnh tụ cho bài văn chặt chẽ. Thế là học sinh phải lục lọi, tìm kiếm, trích chép thật lực, nên bài bình luận văn học nào cũng rưa rứa như bài chính luận. Nói thật trong thời gian học cấp ba, khi làm văn, không chỉ riêng tôi, các bạn học đã phịa ra rất nhiều câu nói của các cụ. Tôi tin khi chấm bài, các thầy biết tỏng những câu nói đó không phải của cụ Hồ, cụ Duẩn, cụ Chinh… Nhưng các thầy không dám gạch bỏ…
Gần đây có học giả, và các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều câu nói, bài văn không rõ lý do từ rất lâu đã nhầm tên tác giả. Một số đã được trả lại đúng chủ, còn những bài nhầm lẫn mang tên tác giả là các lãnh tụ không ai dám đứng ra sửa đổi. Thời đại công nghệ cao như hiện nay, không việc gì có thể giấu giếm mãi được. Những nhân vật điển hình, những việc làm vì lý do chính trị nhất thời, đã đến lúc chúng ta phải công khai minh bạch. Trường hợp không có thật, ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, GS Phan Huy Lê công bố gần đây là một thí dụ.
“Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” một tác phẩm bất hủ của Lý Thường Kiệt, nhưng cách nay mấy năm, giáo sư Bùi Duy Tân và một số nhà nghiên cứu đã phủ nhận điều này. Họ cho rằng tác giả tác phẩm này là người vô danh. Hoặc “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” Từ trước đến nay trong trường học, hay truyền thông chúng ta cho rằng câu nói này của Cụ Hồ, nhưng một số học giả, nhà văn khảng định tác giả là nhà thơ Thanh Tịnh. Qủa thật, những kẻ chân đất mắt toét như chúng tôi kiến thức hạn hẹp, nên không biết đúng sai thế nào. Chúng ta có viện văn hóa, viện văn, sử học và cả viện nghiên cứu Hồ Chí Minh, xác minh một việc nhỏ như vậy, lại khó khăn đến thế sao? Thiết nghĩ, nếu câu nói trên không phải của Cụ Hồ, cũng không làm giảm đi sự vĩ đại, tấm gương sáng của Cụ trong đảng. Và nếu đúng của Cụ Thanh Tịnh, nó không làm dầy thêm sự nghiệp văn thơ, cũng như tình yêu của độc giả đối với ông. Nhưng chúng ta cần một sự minh bạch, không những cho chúng ta hôm nay, mà cho cả các thế hệ mai sau nhận biết rạch ròi về quá khứ một cách trung thực nhất. Vì vậy, các cơ quan nghiên cứu khoa học, những người có trách nhiệm nên thẩm định lại đúng sai. Nếu đúng chúng ta khảng định rõ ràng cho mọi người khỏi bàn tán, lăn tăn, nếu sai nên đính chính, như trường hợp ngày mất của Cụ Hồ trước đây.
Cái câu thành ngữ “Miệng quan, trôn trẻ” sai với ai tôi không biết nhưng với hai ông quan họ Đỗ nhà tôi trong vụ án Đoàn Văn Vươn, Tiên Lãng đúng y phóc. Miệng lưỡi, tội lỗi hai ông này, mọi người cũng như báo chí bàn và nói nhiều rồi. Nhưng tôi thích nhất bác Đặng Hùng Võ dùng từ LINH TINH để chỉ tính cách dối trá, vô trách nhiệm,dốt nát, hề hề của mấy ông này. Chắc chắn hai ông họ Đỗ cũng như mấy ông lãnh đạo Hải Phòng sẽ thoát tội, sau lần kiểm điểm tập thể và rút kinh nghiệm. Vì đảng ta là đạo đức là văn minh đã mở sẵn cửa cho các đồng chí đầy tớ khi đã nhận ra lỗi lầm.
Người họ Đỗ nhà tôi từ xưa đến nay thường sống trầm, kín đáo, hình như không có nhiều người tài, nên ít người làm quan. Từ hôm sảy ra vụ án người hùng nông dân tên Vươn, sau lời phát biểu LINH TINH của phó chủ tịch Đỗ Trung Thoại và đại ca Đỗ Hữu Ca, tôi cứ nghi nghi nguồn gốc hai ông này. Do vậy, tôi một thành viên của dòng họ Đỗ, đề nghị ông Đỗ Ngọc Liên chủ tịch họ Đỗ Việt Nam (địa chỉ: http://www.hodovietnam.vn/) cho mở ngay cuộc điều tra xem có sự lầm lẫn, hay ngoại tình ngoại tiếc pha tạp, tạo ra một tính cách dị chủng này. Nếu hai ông này đúng (original) dòng họ Đỗ, triệu tập về tạm thời kỷ luật, chờ đại hội họ Đỗ toàn quốc kỳ tới, nếu thấy cần thiết trục xuất ra khỏi họ hoặc cho treo họ vài năm. Nếu hai ông này thắc mắc, tại sao lại có kiểu kỷ luật TREO HỌ kỳ quặc vậy. Thì luật TREO HỌ của chúng tôi cũng kỳ quặc như kiểu TREO ĐẤT của các ông diễn ra hàng ngày thôi. Không trị tội hai ông này, lòng dân bất an, đẻ ra nhiều nông dân Vươn khác, bọn thù địch lợi dụng chọc ngoáy phiền lắm.
Cho đến hôm nay, sau mấy chục năm, nếu như phải cãi nhau với mấy ông em, tôi vẫn phải thốt ra câu này:
- Chẳng có cái nghề nào dễ bằng làm quan thời nay.
Nhưng rất tiếc cậu của tôi đã trên tám mươi, già rồi không còn đủ sức nắm cổ tôi, kéo ra khỏi mâm cỗ.
Đức quốc- 15-2-2012
Đỗ Trường
Đỗ Trường