Dạy con thế nào?
Người Buôn Gió
Một sáng thứ bảy, lâu lắm rồi mới ra Hồ Gươm. Nhìn thấy Hồ Gươm câu đâu tiên Tí Hớn hỏi bố:
- Bố ơi! Bố đi ra Hồ Gươm công an nhìn thấy bố có bắt không?
- Chắc không con à. Làm sao họ biết bố ra đây mà bắt.
- Con bảo này, bố mà trùm cái mũ lên đầu, công an không thấy được bố đâu.
- Con đừng nghĩ như thế, bố con mình ra đây đi chơi, làm gì mà bị bắt.
Đưa con vào Nguyễn Xí để Tí Hớn tự chọn sách, bố đứng ngoài hút thuốc
nhìn quanh. Hà Nội thanh bình, xa xa bên cái nhà quái gì cổ kính góc xế
bưu điện trông sang. Nhà gì tự nhiên không nhớ tến, Báo Thiên, Báo Ân
hay Báo Oán gì đó mấy cô gái đang làm dáng cho các chàng trai chụp ảnh. Ồ
Hồ Gươm thật yên bình, không có "những tốp người đi hò hét làm mất đi
vẻ bình yên" như lời mấy bọn hưu trí nói trên ti vi.
Hôm trước báo chí nói ngư dân lại bị tàu Trung Quốc bắn giết, cái tin
ấy chìm nghỉm trong mớ những ngôi sao lộ hàng, sao lỡ lời, thậm chí là
mẹ hay người yêu của sao cũng được nêu. Rồi những đại gia sắm siêu xe,
những diễn viên, ca sĩ, người mẫu sắm hàng hiệu chục nghìn usd. Cô em
làm tờ báo lớn nói - tin thế mới nhiều viu anh à, mà bọn em làm gì thì
cứ phải nhiều viu đã thì mới ăn tiền quảng cáo mà sống được. Em cũng
chán cái nghề này lắm rồi.
Bỗng nghĩ không nên trách dân nghèo thờ ơ với chủ quyền đất nước. Làm
sao mà họ thiết tha với chủ quyền khi còn nhọc nhằn kiếm miếng cơm,
manh áo. Làm sao trong cảnh khốn khó ấy người dân nghèo chỉ thấy siêu
sao, ca sĩ, đại gia tiêu hàng tỉ vào xe hơi vào cái cây cảnh, chúng ta
đòi hỏi họ phải quan tâm đến đất nước. Vậy là đứa giàu thì chả cần quan
tâm, vì quan tâm làm gì khiến chúng mất đi cảm hứng khi sắm cái cây, cái
xe. Còn đứa nghèo thì càng chả cần quan tâm, tại sao họ phải quan tâm
khi đang lê la trên đường phố kiếm bữa cơm, trong khi xã hội đầy đứa
giàu có đang ăn tiêu xa xỉ, được báo chí ca ngợi như đó là ước mơ, là
nỗi thèm thuồng của bao người.
Đến giờ vào chỗ ra mắt sách của cô em Tâm Phan. Buổi ra mắt sách khá
đông người dự, các nhà văn đàn anh Thọ, Tiến, Trang Hạ lên phát biểu cảm
tưởng. Anh Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình, độc giả thi nhau hỏi tác
giả, giao lưu rất ấn tượng. Ngồi ôm con chạnh lòng nghĩ đến cuốn sách
của mình. Cùng là một cuốn sách mà số phận khác nhau, như số phận con
người vậy. Anh Nguyên đến vuốt má Tí Hớn hỏi - Thằng Tí Hớn đây à, rồi
nói - Gió lên phát biểu vài câu nhé - Lắc đầu - Thôi anh ạ, em lên làm
gì rồi phức tạp ra - Anh Nguyên bảo - Phát biểu về văn chương, có gì mà
ngại. Vẫn lắc đầu - thôi em còn phải trông con.
Được nửa chừng buổi ra mắt sách hai bố con đi về, đi bộ dọc từ Tràng
Tiền về đến đài Cảm Tử. Tí Hớn chỉ quán cà fe nói - quán kia có kem đấy,
lần trước đi biểu tình bác H dẫn con vào đó ăn kem. Biết ý con nhắc
khéo đòi ăn kem, dẫn con sang. Tí Hớn gọi kem rồi kể với cô bán hàng,
cháu biết đây có kem vì lần trước cháu đi biểu tình được ăn ở đây đấy.
Cô bán hàng cười nhăn mặt - Thế là cháu làm cô bị đóng cửa đấy, vì có
biểu tình công an không cho bán hàng nữa. Tí Hớn nói não nề - Ai cũng sợ
biểu tình bố ạ. Thôi bố đừng đi biểu tình nữa.
Điện thoại của một cô em làm phim gọi, cô đến ngay sau đó, cô ngồi
than thở về kinh phí làm phim eo hẹp, chuyện diễn viên, chuyện kịch bản,
đạo cụ...nhưng rồi thì cô em vẫn nói là viết kịch bản truyền hình ngon
lắm, chịu khó viết mà viết thì tuần năm hay bảy triệu dễ ợt. Hay là em
đưa cái khung sẵn, anh chỉ việc viết dựa trên khung đó nhé.
Rời khỏi quán cà fe, chia tay với cô em làm phim. Con nắm tay bố đi,
bố chỉ cái gốc cây xa cừ nói - Hồi bố 8 tuổi, bà nội bán dép ở đây, bố
thường mang cơm ra và trông hàng cho bà. Lúc đó ở đây không có những
hàng giày dép kia đâu. Tí Hớn hỏi, thế mưa thì làm sao hả bố. Chỉ tay về
khoảng tượng đài cảm tử nói. Hồi đó không có những bức tượng kia, gần
đó có một cái nhà trống, chỉ có mái mà không có tường, mái dựng trên
những chiếc cột. Mưa thì vào đó trú.
Về đến Phất Lộc thấy hàng bánh trôi, Tí Hớn sà vào ăn. Bà bán bánh
trôi không lấy tiền lại còn đút cho Tí Hớn từng viên bánh tròn. Ăn xong
Tí Hớn sang hàng kẹo ngắm nghía cái lọ kẹo. Bà bán kẹo mắng - Cha cái
thằng Tí Hớn. Rồi bà lấy kẹo cho Tí Hớn, bố trả tiền bà không lấy. Tí
Hớn vào nhà thì cô Thủy đưa nó tập vở bảo - Có ai mang cho Tí Hớn tập vở
đây này. Tí Hớn xem vở rồi ồ lên thích thú nói - Ôi vở này có chữ
Hoàng Sa, Trường Sa này bố ơi. Sao ai cũng quý con thế nhỉ?
Bố cầm tập vở trên tay, hình ảnh đầu tiên bố nghĩ là bác Hằng đứng ở Hồ Gươm hô vang:
- Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!
Và hình ảnh bác ấy đi giữa hai người công an trong trại giáo dục, bác
gầy và đen. Rồi bố nghĩ lúc hai bố con nhìn thấy Hồ Gươm, con nói -
Công an thấy bố ra đây có bắt không?
Bố định sẽ bảo con quên Hoàng Sa, Trường Sa khỏi đầu đi. Con hay học
giỏi, kiếm nhiều tiền, mua xe hơi, mua nhà, sắm hàng hiệu... thế là con
đã yêu nước rồi. Có ai mắng họ là không yêu nước đâu, chả ai mắng họ là
mua sắm xa xỉ thế làm gì, không bỏ tiền ra mà giúp cho Hoàng Sa, Trường
Sa cả. Vì tiêu những đồ xa xỉ như thế là phải đóng thuế nhiều, tiền thuế
vào tay nhà nước. Thế là góp tiền đóng cho nhà nước nhiều thì là yêu
nước. Chuyện yêu nước đơn giản có thế thôi. Và Hoàng Sa - Trường Sa thế
nào thì sẽ có nhà nước lo. Chưa có kẻ tham nhũng, ăn tiêu xa hoa nào bị
gọi là "phản động" cả. Nhưng những người dân bình thường đã từng hô vang
Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì bị gọi là phản động rất nhiều.
Người ta hỏi "hô thế có lấy được Hoàng Sa, Trường Sa không mà hô". Câu này đáng ra phải nói là "hô
thế có đóng được đồng nào vào ngân sách nhà nước không, hay chỉ làm tốn
ngân sách thêm khi nhà nước phải huy động dân phòng, công an, xe buýt
đi giải quyết tốn kém thêm ngân sách, mà đã không đóng lại còn làm tốn
thêm ngân sách thì rõ là phản động rồi". Tóm lại hãy yêu nước theo những gì nhà nước này bảo, đừng yêu nước theo con tim mình bảo. Ngắn gọn chỉ có thế.
Nhưng khi đó, con trai của con sà vào hàng bánh trôi, vào hàng kẹo.
Chưa chắc đã thốt lên - Ôi sao ai cũng quý con thế nhỉ? Cái giá đắt hay
rẻ ở cuộc đời, không phải ở một bên là xe hơi, hàng hóa xa xỉ một bên là
trại giáo dục. Giá phải trả đắt hay rẻ tùy theo quan niệm của mỗi
người. Nhưng ở trong quan niệm một người bố, trả giá thế nào để con trai
mình khi tiếp xúc với hàng xóm, người quen phải thốt lên rằng:
- Ôi sao ai cũng quý con thế nhỉ?
Đó cũng là một cái giá không xoàng xĩnh chút nào.