Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Tình báo Hoa Nam

Tịt Tuốt

Bài viết của Còm sỹ Tịt Tuốt – Tình báo Hoa Nam

Hiệu Minh Blog: Tiếp theo bài về Dân chủ được đông đảo bạn đọc tham gia, Hiệu Minh Blog xin giới tiếp entry khác “Bài Hoa và Quan hệ Việt - Trung dưới góc nhìn khác của một tình báo Hoa Nam”. Cảm ơn anh Tịt Tuốt rất nhiều.

Quan hệ Mỹ Trung thuộc về chiến lược của các nước lớn


Bề nổi
Không chỉ dịp 17 tháng 2, ngày tưởng niệm chiến tranh biên giới phía bắc, mà trước đó khá lâu và hiện nay, hàng loạt bài viết nhấn mạnh sự nguy hiểm của Trung Quốc đối với toàn khu vực châu Á và sự lớn mạnh của Trung Quốc về kinh tế, và quân sự có thể trở thành cực đối trọng với Hoa Kỳ.
Thật ra, Trung Quốc có trở thành lực lượng đối trọng của Hoa Kỳ, hay bên trong có sự thoả thuận ngấm ngầm giữa hai cường quốc để chia hai thế giới, “Anh” trời tây, “Tôi” trời đông, chia nhau thức và ngủ, để làm bá chủ hoàn cầu trong tương lai hay không, chưa ai tiên đoán được.
Đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và đặc biệt là đối với người Việt Nam, sự lớn mạnh của Trung Hoa hiện nay quả thật là điều đáng sợ. Quá khứ lịch sử đã bao lần các thành phần nắm quyền những triều đại của Trung Hoa đều muốn biến Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Quốc. Cuộc chiến biên giới phía bắc tháng hai 1979 mà Trung Quốc cho rằng chỉ “muốn dạy cho Việt Nam một bài học”. Và đặc biệt gần đây là sự “tranh chấp” lãnh hải để cắt đi “cái lưỡi bò” ranh giới biển đảo của Trung Quốc, do đó người Việt Nam phòng hờ cao hơn những sắc dân khác xung quanh khu vực Đông Nam Á. Vì thế nhiều người Việt Nam, đặt biệt là những thành phần sĩ phu, trí thức, đều có thành kiến rất sâu nặng đối với ông bạn láng giềng to con này.
Trước khi đi vào mối quan hệ Việt - Trung, xin nói sơ qua về thực lực của Trung Quốc hiện nay trên thế giới. Trung Quốc đứng vào hàng bậc nhất trên thế giới, từ 9% đến 11% so với Hoa Kỳ là 3% đến 5%.
Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu đã đẻ ra trò chơi kinh tế toàn cầu. Họ cũng không ngờ rằng “toàn cầu hoá” lại trở thành sân chơi tốt nhất cho Trung Quốc. Con khủng long Trung Quốc đã thật sự thức giấc. Trong khi Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu chới với vì sự chênh lệch của cán cân mậu dịch và sự cứng rắn của Trung Quốc đối với việc giữ giá đồng Nhân Dân Tệ.
Hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường Âu châu với giá rẻ có nguy cơ giết chết nền kinh tế Âu Châu, khiến họ phải vội vã tìm biện pháp ngăn chặn. Mặt khác, phía liên hiệp Âu châu vẫn đi lẩn quẩn trong vòng tranh cãi nội bộ giữa quyền lợi của tài phiệt và quyền lợi của mỗi quốc gia trong liên hiệp.
Trong khi phía Hoa Kỳ tìm cách đối phó với thị trường công việc hàng năm vẫn tiếp tục chảy sang Trung Quốc và Ấn Độ không còn kiểm soát được, nhiều đại công ty chuyển công xưởng đến Trung Quốc, vì nhân công rẻ và được hưởng nhiều quyền lợi của đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Ngân sách quốc gia bị thâm thủng khổng lồ, cuộc chiến Iraq và Afganistan lâm vào tình trạng mất kiểm soát, cộng thêm sự căn thẳng với Iran và Bắc Hàn. Thị trường địa ốc vốn là đầu tàu kinh tế tuột dốc và đổ vỡ bởi khủng hoảng kinh tế, phía kỹ thuật không có những phát minh mới gây đột phá như thập niên 90, loay hoay tìm cách giải quyết vấn đề năng lượng. Toàn cảnh Hoa Kỳ nhìn từ bên ngoài là một bức hình bi quan trước cuộc bầu cử 2008.
Mặt khác, trong khi Hoa Kỳ sa lầy vào hai cuộc chiến, thì Trung Quốc lại đi cửa sau tìm nguồn dầu khí và đô la từ các quốc gia Phi châu, và một số nước châu Mỹ latin, sân sau của Hoa Kỳ. Hầu hết các quốc gia này có nền chính trị độc tài, cho nên những quan chức chính phủ khó lòng nhắm mắt và nói “không” trước những cám dỗ lợi ích rất khêu gợi, hơn nữa lại không bị ràng buộc bởi những đòi hỏi “dân chủ và nhân quyền” có nguy cơ làm lung lay cái ghế cai trị, cho nên họ dễ dàng tách rời ảnh hưởng của Hoa Kỳ và ngã vào vòng tay của người tình lắm của, nhiều tiền Trung Quốc.
Khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra giáng thêm một đòn nặng nề vào nền kinh tế Hoa Kỳ và đặc biệt là khối Châu Âu. Trong khi Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng gì nhiều.
Đi xa hơn nữa, dưới sự dẫn dắt của Hồ Cẩm Đào, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức rõ, không thể thụ động trước các biến chuyển của tình hình thế giới mà phải chủ động để bảo vệ quyền lợi kinh tế. Với vai trò là một trong 5 thành viên có tiếng nói quyết định trong hội đồng LHQ, họ dùng lá phiếu này để bỏ phiếu thuận hay chống nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Sudan và gần đây là Syria là thí dụ điển hình, Trung Quốc đã bỏ phiếu chống việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến những nơi này. Không chừng Trung Quốc cũng bắt đầu đưa quân tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trên toàn cầu để từng bước thể hiện vai trò lãnh đạo thế giới.
Trên đây chỉ là những nhận định tổng quát về 2 thế lực đối trọng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xen lẫn với thế lực chính trị của Liên hiệp Âu châu. Với sự lãnh đạo mang tính chủ động của Hồ Cẩm Đào, liệu Trung Quốc có muốn thực thi chủ nghĩa bá quyền như cái nhìn của Tây phương hay không? Các nước trong khu vực, đặt biệt là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước cơn lốc của con khủng long Trung Quốc?

Trung Quốc và Á Châu

Nhìn về Á châu, Từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997, bắt nguồn từ đồng Bath của Thái Lan bị rớt giá, dẫn theo hàng loạt các vụ khủng hoảng trên toàn khu vực, kinh tế Nhật Bản suy thoái trầm trọng, Nam Hàn và Đài Loan đều bị tổn thương nặng nề. Các quốc gia trên nhìn thấy rõ xây dựng kinh tế nhanh chóng làm nước giàu dân mạnh trong thời gian ngắn chỉ là những con hổ bằng giấy trước cơn lốc khủng hoảng kinh tế. Do đó, họ ý thức được rằng, muốn có nền kinh tế khỏe mạnh phải kềm hãm mức tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế dựa trên cung và cầu một cách vững chải, xuất nhập cảng phải đồng đều nhau, không thể nghiên nặng chỉ về một phía là Hoa Kỳ.
Hiện nay, những quốc gia bị khủng hoảng thời đó đã nhanh chóng lấy lại phong độ. Đối với họ, thị trường Hoa Kỳ vẫn quan trọng, nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu như xưa kia, ngược lại họ hưởng lợi rất nhiều từ nước đang phát triển như Trung Quốc. Điển hình như điện thoại cầm tay hiệu Samsung của Nam Hàn đang chiếm ngự thị trường Trung Quốc, những tấm board điện tử made in Taiwan bán kỷ lục tại Trung Quốc, hay những bao gạo sản xuất từ Thái Lan vẫn đứng đầu thị trường Trung Hoa Lục Địa…Tóm lại thị trường Hoa Lục vẫn là “điểm hẹn” trong mắt những nhà đầu tư Á Châu.
Ngược lại, các quốc gia Á Châu vẫn mở cửa đón chào những mặt hàng sản xuất từ phía Trung Quốc như hàng dệt may, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp. Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đã bắt đầu bao trùm khu vực Á châu, nhưng trong thế đôi bên đều có lợi.
Các quốc gia khu vực Á châu vẫn “thân thiện” với Trung Quốc, dù rằng vẫn dè chừng “cái lưỡi bò” tham vọng, luôn phòng hờ mộng bá quyền của Trung Quốc vẫn có tiềm năng xảy ra.

Quan hệ Việt- Trung luôn quan trọng

Riêng Việt Nam tình hình có hơi khác biệt đối với những quốc gia lân cận.
Thứ nhất về mặt địa lý, số mạng của Việt Nam đã có sự gắn liền biên giới với Trung Quốc không thể nào thay đổi được.

Quan hệ sóng gió kể cả cờ 6 sao
Thứ hai về văn hóa, hai dân tộc có những ngày lễ lạc giống nhau nhưng lại có nhiều nét tương đồng về truyền thống văn hoá nho giáo, về phong tục tập quán.
Thứ ba là về phương diện lịch sử. Việt Nam và TQ luôn có những ân ân oán oán trong suốt mấy ngàn năm qua, khi bạn khi thù thật khó phân biệt.
Việt Nam luôn luôn đề phòng gã đàn anh phía Bắc từ các triều đại thời Hán Cao Tổ Lưu Bang, Nam Bắc Triều, Đường, Tống, Minh rồi tới Mãn Thanh, đều có ý định thôn tính Việt Nam để biến thành 1 tỉnh lỵ của Trung Nguyên nhưng luôn thất bại.
Tuy nhiên, Kể từ khi triều đại Mãn Thanh sụp đổ, Trung Hoa Dân Quốc, chế độ quân phiệt rồi đến khi Mao Trạch Đông thống nhất Trung Hoa, ý tưởng thôn tính Việt Nam dường như đã biến mất. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức rõ ràng Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền riêng, được sự xác nhận của thế giới qua cơ chế LHQ, dù Trung Quốc có lớn mạnh cỡ nào, chỉ có thể lấn áp trên mặt trận kinh tế, hoặc tranh thắng thua trên những phần đất mà cả hai phía đều nói là thuộc về chủ quyền của mình, chứ không thể nào xóa xổ được Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Chính quyền CSVN xưa và nay cũng hiểu rõ những ân ân oán oán lịch sử này. Tuy nhiên, các thành phần bảo thủ cực đoan trong đảng cho rằng, nếu muốn giữ quyền lực thống trị, phải học theo cách của Trung Quốc. Muốn ổn định chính trị phải nắm giữ quyền lực chính trị, đè bẹp những ai chống đối hay khác chính kiến. Đồng thời sự sụp đổ của chính quyền VNCH 37 năm trước là bài học cho chính họ khi muốn trở thành đồng minh của Hoa Kỳ. Do đó, phe bảo thủ thân Trung Quốc là điều đương nhiên.
Ngược lại, phe cải cách nhìn thấy thành quả sau hơn hai chục năm đổi mới đã tiến bộ nhiều. Họ cho rằng, nên tiến xa hơn nữa để trở thành đồng minh của Hoa Kỳ trên nhiều phương diện từ kinh tế, chính trị cho đến quân sự. Được vậy thì những thành quả cho sự phát triển kinh tế của đất nước được suông sẻ và nhanh hơn. Việt Nam sẽ nhanh chóng tạo được chỗ đứng vững vàng trước nền kinh tế toàn cầu.
Sự mâu thuẫn giữa hai phái bảo thủ và cải cách, chính trị và kinh tế đã dẫn đến tình trạng chia quyền hiện nay. Phía bảo thủ nắm chặt các quyền lực về chính trị và quân sự, trong khi phe cải cách giành quyền điều hành chính phủ để phát triển kinh tế, đưa Việt Nam vào thế đu dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Cho đến thời điểm hiện nay, phe thân Trung Quốc vẫn chiếm thượng phong (cũng đúng thôi! rất khó mà từ bỏ quyền lực và quyền lợi nắm trong tay). Bằng chứng, khi lãnh đạo mới của Việt Nam nhận chức, họ vẫn chọn Trung Quốc là nơi đầu tiên để thăm viếng thay vì Hoa Kỳ. Cho thấy, CSVN muốn làm ăn với Hoa Kỳ nhưng cũng không muốn làm mất mặt anh láng giềng khổng lồ bên cạnh.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đang nằm giữa các thế lực kinh tế của Trung Quốc, tại Việt Nam các công xưởng đầu tư của Trung Quốc với danh nghĩa đầu tư của tài phiệt Đài Loan đứng hàng thứ hai sau Nam Hàn. Các dự án lớn và trọng đại hầu hết TQ trúng thầu. Việt Nam chỉ còn lựa chọn duy nhất là làm bạn với anh láng giềng khổng lồ tốt hơn là trở thành trọng lượng đối đầu.
Trở lại với câu hỏi ban đầu: Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào khi TQ trở thành khủng long thức giấc? Người Việt có nên bài Hoa hay không?
Trước đây chúng ta thường nghe nói câu: “Họa da vàng”, câu nói đầu môi chót lưỡi của khối Tây phương, e ngại sự lớn mạnh và trưởng thành của người Á châu nói chung và Trung Quốc nói riêng. “Hoạ da vàng” chưa chắc là cái họa đối với người Á châu.
Hai thế kỷ qua, người Tây phương khống chế cả thế giới và hướng dẫn thế giới đi theo họ, “Hoạ da vàng” chính là mối lo ngại của người tây phương về việc phải đương đầu với khối thế lực mới xuất phát từ Á châu.
Họ lo rằng, tới một giai đoạn nào đó, có thể người Á châu sẽ là quan tòa hòa giải cho các cuộc xung đột tôn giáo mà hiện nay khối Tây phương phải đương đầu. Giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, giữa Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, hay giữa Chính Thống giáo và giáo hội La Mã.

Một cách quên đi quá khứ?
Muốn hòa giải phải có nền quân sự có khả năng đè bẹp những gây hấn không cần thiết. Muốn có nền quân sự mạnh mẽ phải có một nền kinh tế khỏe mạnh. Muốn có nền kinh tế khỏe mạnh phải biết hợp tác lẫn nhau theo khối thịnh vượng chung (Commonwealth).
Thiết nghĩ “Hoạ da vàng” chỉ là câu chuyện tếu trong lúc trà dư tửu hậu (có thể gọi là “tự sướng” cũng được). Tuy nhiên, khái niệm về chuyện hợp tác và mối liên hệ kinh tế tương hỗ trong một khối thịnh vượng chung (Commonwealth) là một điều tất yếu trong xu thế toàn cầu hoá ngày nay.
Như vậy, khối thịnh vượng đó, dù là Japanese Commonwealth, South Korean Commonwealth, hay China Commonwealth có gì là không tốt cho VN. Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dù có lớn mạnh bao trùm cả khu vực mà Việt Nam vẫn hưởng được lợi, tội gì phải chống đối hay đề phòng. Tự gọi mình là chư hầu của một nước lớn chỉ là ngôn từ ngụy biện của những kẻ mặc cảm tự ti, của thân phận tiểu nhược (sợ bị cá lớn nuốt).
Biết nương theo cái tốt của người khác đem cái lợi về cho dân tộc mới là kẻ đại trí đại giả, còn cứ bám lấy những ân oán trong lịch sử rồi đem cả dân tộc ra đối đầu với kẻ láng giềng để làm công cụ cho một cường quốc Tây phương khác, ngày nào dân tộc mới có thể ngóc đầu lên xưng hùng xưng bá với thiên hạ.
Thiển nghĩ những thành kiến sâu đậm với người Hoa, những tư tưởng bài Hoa nên dẹp bỏ đi, nhìn thẳng vào thực tế để vạch ra con đường tốt đẹp cho dân tộc sẽ hay hơn.
Không có những bài báo vinh danh những người đã ngã xuống trong cuộc chiến ngày 17 tháng 2 thì thật là đáng trách. Tuy nhiên, phải chăng chính phủ VN đã nhìn ra cái chân lý tương tác của khối thịnh vượng chung (Commonwealth) trong bài toán toàn cầu hoá, cho nên không muốn tạo ra bất cứ những hiềm khích nào giữa hai dân tộc, tạm gác bỏ quá khứ vì lợi ích tương lai của dân tộc VN chăng???
Tịt Tuốt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"