Đào Tuấn
Sau
vụ án Cống Rộc, trên mạng Internet lưu truyền câu chuyện tiếu lâm thời
hiện đại “Nguyên nhân vụ án Cống Rộc”. Một trong những nguyên nhân là vì
“Ông Vươn tên là…Vươn”. (Nếu bỏ chữ V để tên Ươn thì cán bộ nào thèm
“quan tâm”). Và nguyên nhân chính: Nông dân Đoàn Văn Vươn hơi bị thiếu
“đạo làm dân”, đòi hỏi cán bộ phải quan tâm sâu sát với dân trong khi
lại không thèm “quan tâm sâu sát” tới cán bộ”. Tiếu lâm, dù thời nào,
nghĩ cho cùng, cũng là một cách nói thấm thía thể hiện cách nhìn, lối
nghĩ của dân. Và câu chuyện tiếu lâm nghe xong không thể cười của thời
hiện đại hôm nay có lẽ đã khái quát chính xác một trong những căn bệnh
điển hình: Khoảng cách giữa quan chức và người dân.
Bởi vậy, một Ủy viên TƯ Đảng, Bí Thư
Thành ủy như ông Nguyễn Bá Thanh công khai nói về “đạo làm quan”, về
những biểu hiện quan liêu, xa dân, dù đứng trên bục đỏ, trong hội
trường, với cử tọa là 4.500… quan chức, đã được coi như một “sự kiện”.
Nhất là khi buổi nói chuyện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa cán
bộ và nhân dân đang có một khoảng cách mênh mông về niềm tin và tình
cảm.
Ông Thanh từng “nói chuyện tay bo” với các ông chồng vũ phu. Cũng
từng “đối thoại đối mặt” với cả ngàn…tiểu thương. Nhưng đến giờ, cuộc
nói chuyện mà người dân cần nhất, mới diễn ra, dù đó là chuyện “đạo làm
quan”, dù việc ông đăng đàn công khai trước đến 4.500 cán bộ, cũng là
“chuyện lạ” trong lịch sử nền hành chính.
“Cán bộ trẻ bây giờ có rất nhiều anh quan liêu, xa dân. Mới được bổ
nhiệm hôm trước, lập tức hôm sau đã lên giọng quát tháo. Một bộ phận cán
bộ lười nghiên cứu, lười đi cơ sở, mắc căn bệnh thành tích, hình thức,
kèn cựa địa vị, tự thỏa mãn, ngại va chạm”. Lãnh đạo TP thì “chưa bao
quát hết mọi vấn đề, chưa chịu va chạm, đối thoại. Ít phê bình, ít kỷ
luật cán bộ, cái gì cũng đều đều đến cuối năm thì vỗ tay tặng bằng
khen”. Một trong những biểu hiện xa dân là bệnh nghiện họp. Hồi trước
“Đâu có giặc là ta cứ đi”. Cán bộ bây giờ thì “Đâu có họp là ta cứ đi”.
Xa dân nảy sinh tình trạng quan liêu. Quan liêu đến mức thẩm phán trước
khi xử án không thèm xuống hiện trường kiểm tra, nghe ngóng, xem xét cụ
thể. Rồi thì câu chuyện hành dân “Cán bộ, công chức đừng để tình trạng
có bỏ bì thì mới làm, không cho thì im re”. Thậm chí vị Bí thư còn không
tiếc lời “Cán bộ mà có được cái gì mới làm thì khác gì con cá heo cho
ăn mới nhảy múa. Họ cho mình tức là mình đã bị họ mua”.
Và điểm nhấn cho cuộc nói chuyện cách mạng này là việc Bí thư Thành
ủy nói về chuyện chạy chức chạy quyền, về công tác tổ chức cán bộ, câu
chuyện “tế nhị, nhạy cảm”nhất, kể cả đối với các chức danh Chủ tịch và
Phó chủ tịch UBND TP. Lưu ý: Đà Nẵng là địa phương có một Phó chủ tịch
trẻ nhất nước. Và sau khi cựu Chủ tịch “ra TƯ” đã không ít những lời
“quán nước vỉa hè” xung quanh.
Tất cả những điều ông Thanh nói không mới. Thậm chí, chúng là những
căn bệnh cố hữu của nền hành chính, có trong bài học vỡ lòng ở những
giáo trình hành chính, chính trị. Sự công khai, cũng là vấn đề “cốt lõi”
của dân chủ. Nó trở thành sự kiện, là bởi những chuyện công khai đó
trước nay vẫn là quá hiếm đối với quần chúng nhân dân, dù về mặt lý
thuyết họ có quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề ra phương trâm “Nói phải đi đôi với
làm”: Nói phải nói đúng. Không được nói một đằng làm một nẻo. Tránh nói,
tránh hứa mà không làm.
“Sự kiện Nguyễn Bá Thanh” với câu chuyện “đạo làm quan”, với việc đề
cập đến những căn bệnh tự thân cố hữu, và cả những vấn đề “nhạy cảm”,
được truyền hình trực tiếp suốt gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, gây ra sự chú ý
đặc biệt trong dư luận, đôi khi đơn giản chỉ là bởi ít nhất ông đã nói,
nói công khai với quần chúng nhân dân hầu như toàn bộ nội tình của
Thành phố, kể cả những vấn đề nhạy cảm nhất là nhân sự, kể cả những vấn
đề tế nhị nhất là xử lý kỷ luật cán bộ.
“Nói phải đi đôi với làm”, nhưng trước hết, làm quan cũng cần phải
nói, và nói công khai, để chí ít đảm bảo được quyền được biết của dân
cái đã.
Theo Đào Tuấn blog