Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Những người họ Đỗ

Đại sứ Đỗ Hòa Bình và mối quan hệ tay ba

Đàn Chim Việt


LTS: Phạm Duy Anh là cây bút hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức. Ông chính là tác giả của loạt phóng sự “Từ vụ ‘nuốt đất’ tại Vĩnh Phúc đến Viethaus ở Berlin”. Loạt bài gây trấn động dư luận không chỉ vì sự ‘nổi đình đám’ của nhân vật đang bị truy nã Nguyễn Anh Quân mà còn vì sự tiếp tay của những thế lực ngầm cho cuộc chạy trốn của nhân vật này. Ai? Liệu có phải chính ngài Đại sứ Đỗ Hòa Bình đã can thiệp giúp cho Nguyễn Anh Quân một visa đi Mỹ?
Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ vụ việc dưới ngòi bút của Phạm Duy Anh.
Bài viết đã xuất hiện từng phần trên một số tờ báo khác với tên Hạnh Phú và Nguyễn Xuân Hùng. Theo giãi bày của tác giả, ngày 27/1/2012 sau khi viết xong 2 phần, ông đã gửi cho một số người bạn xem. Phần 1 sau đó được Nguyễn Xuân Hùng (chủ cũ của Viethaus) gửi đăng ở tamnhin.net và có lược bỏ đi một đoạn liên quan tới bản thân. Về các phần viết đăng trên Vietinfo, tác giả cho biết: “Tôi gửi cho anh bạn tên Phạm C, rồi họ chuyền tay nhau thế nào đó, đến Vietinfo (một vị nào đó tên là Hạnh Phú?) rồi họ đăng lên với dòng chú thích tin từ CHLB Đức”.
Cũng theo gợi ý của tác giả, chúng tôi sẽ đăng ngay phần 3 cho kịp tính thời sự.
——————————————-


Phần 1. Vị Sỹ quan Quân đội chưa bao giờ đi bộ đội
Hôm ấy là ngày 5 tháng 12 năm 2011, trời mùa đông nên chóng tối, cả khu nhà Viethaus tắt đèn im ỉm ngoại trừ khu vực nhà hàng. Khách ăn không đông nên mọi người dễ nhận ra sự khác biệt của một số thực khách quanh một bàn VIP. Điều đáng chú ý không phải ở sự bày biện sang trọng của bữa tiệc với đồ ăn thừa mứa mà là cách ăn và lối nói của vị khách ngồi ở ghế chủ tiệc. Dễ dàng nhận ra đây là một “đại gia“ mới tới từ Việt Nam. Giọng nói tự tin, cao ngạo với một âm lượng luôn làm cho khách bên các bàn khác phải giật mình. Làm bộ như không coi mọi việc xung quanh ra gì nhưng cặp mắt sắc ngọt luôn đảo rất nhanh, quan sát hết thảy mọi diễn biến trong căn phòng. Vẻ bình thản bên ngoài như cố giấu đi sự bồn chồn, bất ổn bên trong? Khoảng 21 giờ có thêm hai vị khách xuất hiện, cũng người Việt nhưng là “thổ dân“. Màn chào hỏi diễn ra nhanh chóng: xin giới thiệu đây là anh Quân, giám đốc công ty…. Chủ mới của Viethaus. Anh Quân mới sang. Ra thế, thảo nào. Nghe nói người mới đến là ông “Hùng râu“, chủ cũ.
19 ngày sau, đúng ngày Thiên chúa giáng sinh 24.12, đọc báo trong nước thấy đưa tin “Phát lệnh truy nã Nguyễn Anh Quân“?
Vụ án “Nuốt đất“ tại Vĩnh Phúc
Trong khoảng thời gian từ tháng 6.2006 đến cuối năm 2010, báo chí trong nước rầm rộ đưa tin về vụ án “nuốt“ 25,5 ha đất tại Vĩnh Phúc. Tóm tắt vụ án như sau:
Theo hồ sơ tại sở KH&ĐT Vĩnh Phúc, Tam Đảo Mới là công ty cổ phần có trụ sở tại TP Vĩnh Yên thành lập ngày 11.3.2005 (trước khi xuất hiện “dự án trang trại“ ở phường Đồng Tâm một thời gian ngắn). Ngành nghề kinh doanh bất động sản, xây dựng, khách sạn, du lịch … không có nghề nào liên quan đến sản xuất nông nghiệp, trong khi Dự án Trang trại lập ra để trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi gia cầm, thủy sản… Đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Anh Quân, sinh năm 1971, quê Vĩnh Phúc, thường trú tại Hà Nội.
Một tờ báo phác thảo chân dung ông Quân: “Thường xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục mang quân hàm sỹ quan cao cấp, đi xe biển đỏ của quân đội“; „có thể vỗ vai các cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước đây cũng như hiện nay“; „vườn cây cảnh của Quân thuê gần nhà thi đấu Vĩnh Yên trưng bày mấy chục cây tùng nhập ngoại, lúc nào cũng có một trung đội cảnh sát bảo vệ“…
Bằng con đường quan hệ với các quan chức của Vĩnh Phúc, Nguyễn Anh Quân đã lập giả hồ sơ Dự án Trang trại như đã nói trên để nhận 25,5 ha đất nông nghiệp sau đó làm thủ tục (xiếc) chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất xây dựng khu đô thị để bán lại cho các doanh nghiệp đầu tư địa ốc.
Điều đáng nói ở đây là bằng những thủ đoạn rất “ngớ ngẩn“ không có gì mới Nguyễn Anh Quân đã “nuốt“ một lúc nhiều chục ha đất nông nghiệp, chuyển thành đất đô thị, bán kiếm lời nhưng khi sự việc bị đổ bể, do người dân bức xúc tố cáo, lại không có cơ quan điều tra nào có thể tiếp cận để làm sáng tỏ vấn đề. Thật ngạc nhiên khi trong kết luận điều tra của cơ quan điều tra công an tỉnh Vĩnh Phúc có đoạn viết “Căn cứ vào kết quả điều tra và những tài liệu chứng cứ đã thu thập được cùng với lời khai nhận tội của các bị canđã có đử cơ sở để kết luận dự án Trang trại phường Đồng Tâm là của Nguyễn Anh Quân…“ Nhưng „Để làm rõ vai trò của Nguyễn Anh Quân trong vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Vĩnh Phúc đã tiến hành xác minh và triệu tập nhiều lần tại nơi ở, nơi làm việc của Quân nhưng chưa xác định được hiện nay Quân đang làm gì và ở đâu“
Thêm nhiều dự án mới
Khi Công an Vĩnh Phúc đang điều tra vụ án “Trang trại phường Đồng Tâm“, Nguyễn Anh Quân lại bị tố cáo thêm hàng loạt sai phạm trong hoạt động liên quan đến các dự án bất động sản.
Điển hình là việc Nguyễn Anh Quân với tư cách Tổng giám đốc – đại diện theo pháp luật công ty Cổ phần BETA BQP (địa chỉ 33 Phạm Ngũ Lão, Hoàn kiếm, Hà Nội) đã làm giả hồ sơ, tự nhận là nhà đầu tư Thứ Cấp (một hình thức thầu phụ) của công ty CIENCO 5 trong dự án Thanh Hà, Hà nội. Việc giả mạo này đã được thực hiện trót lọt một cách dễ dàng vì Quân có trong tay một công văn giới thiệu do một vị Thiếu tướng, thứ trưởng bộ Quốc phòng ký tên, đóng dấu.

Kết luận điều tra số 04 của công an Vĩnh Phúc
Theo một nguồn tin, số tiền Nguyễn Anh Quân huy động của nhiều người trong dự án này lên tới hơn 500 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD). Cũng theo nguồn tin này Quân không phải sỹ quân quân đội, còn vì sao ông ta là giám đốc công ty BETA BQP vẫn còn là một dấu hỏi.
Đến đây chúng ta có thể nhìn ra phần nào chân tướng của vị “đại gia“ được mô tả ở phần trên trong bữa tiệc tại Viethaus. Câu hỏi được đặt ra: tại sao trong nước đã có lệnh cấm xuất cảnh trước đó và đến ngày 24.12.2011 đã có lệnh truy nã đối với Nguyễn Anh Quân mà vị “sỹ quan“ này vẫn có thể chễm trệ ở Viethaus (Berlin) trong thời gian này. Ai đã tiếp tay cho Nguyễn Anh Quân sang Đức? và ai đã can thiệp để Nguyễn Anh Quân (sắp) nhận được Visa đi Mỹ?
Phần 2: Những mảng tối trong “Ngôi nhà Việt“

Một “Ngôi nhà Việt“ (Viethaus) tại Berlin là ước ao của nhiều người Vietnam đang sinh sống ở đây. Trước Viethaus hiện hữu đã có một vài người thử nghiệm mô hình nói trên dưới nhiều dạng khác nhau mà đa số dưới hình thức một trung tâm văn hóa, ẩm thực … dành chủ yếu cho người Việt và mong muốn phần nào quảng bá văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Tính đến năm 2002 chưa có thử nghiệm nào thành công.
Trong một lần tham gia liên hoan bia quốc tế tại Berlin, hai đối tác tiềm năng là Công ty dịch vụ cụm cảnh hàng không phía Nam (viết tắt SASCO), lúc đó còn thuộc Vietnam-Airlines, và công ty du lịch HMSky, một công ty của người Việt tại Berlin, đã đi đến thống nhất cùng nhau liên doanh xây dựng Công ty cổ phần Ngôi Nhà Việt (Viethaus AG). Lúc đầu dự án đạt được sự đồng thuận rất cao không những chỉ từ phía các đối tác mà còn cả từ các cơ quan hữu trách. Đây là dự án đầu tiên có giấy phép của bộ Kế hoạch Đầu tư, cho phép một đơn vị kinh tế nhà nước-SASCO- đầu tư ra nước ngoài, hợp tác cùng một đơn vị tư nhân người Việt. Dự án nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tối đa của Bộ ngoại giao Việt Nam thông qua Đại sứ quán VN tại Berlin.
Công tác lập dự án diễn ra thuận lợi, hai bên dự kiến cùng đầu tư khoảng 6 triệu euro cho dự án này (thời điểm cuối tính cả số nợ đã lên tới 12 triệu euro). Lúc đầu việc xây dựng cũng thật chóng vánh, người Việt Nam ở Berlin khấp khởi từng ngày chờ lễ khai trương.
Giai đoạn thi công phần sau, 2006-2007, gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do thiếu vốn.Tiến độ thi công bị kéo dài và một số hạng mục công trình không được nghiệm thu. Nhưng với quyết tâm của các phía, tháng 3 năm 2008, Ngôi nhà Mơ ước đã thành hình. Sự có mặt tại buổi lễ khai trương của một đoàn cán bộ cấp caodo Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu cũng phần nào nói lên tầm cỡ công trình. Vui lắm. Niềm tự hào của người Việt ở đây được đẩy lên đến đỉnh điểm và cũng được nhiều bạn bè Đức thông cảm.
Ngoài chức năng mang lại niềm vui và niềm tự hào thì Ngôi nhà Việt ở Berlin còn có chức năng kinh doanh, như trong dự án đã nêu rõ. Và thế là mọi việc không vui đã bắt đầu từ đây. Chỉ một thời gian ngắn đưa vào khai thác, mô hình Viethaus đã bộc lộ rất nhiều điều bất cập: tổ chức nhân sự, phương thức kinh doanh, mô hình  quản lý tài chính… Có nhiều người nói rằng đấy là căn bệnh cố hữu của các đơn vị kinh tế nhà nước VN; người khác lại bảo do ông chủ, lúc đó là ông Nguyễn Xuân Hùng, tức Hùng râu-giám đốc HMSky, không thể chèo chống được vì phần không được toàn quyền quyết định, phần chưa có kinh nghiệm trong quản lý dự án lớn theo mô hình có sự tham gia của quốc doanh… Nội dung nàychúng tôi sẽ có dịp quay lại trong phạm vi một bài viết chuyên biệt.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Viethaus Nguyễn Xuân Hùng đang giới thiệu sản phẩm Việt Nam cho Quận trưởng Hanke và Tham tán Công sứ Bùi Mạnh Cường. (Ảnh: Văn Long)
Phải nói thêm một chút về đội ngũ những người “sinh ra“ Viethaus và các vị được chọn mặt gửi vàng để đặt vào vị trí điều khiển cỗ xe Viethaus. Như phần trên đã nêu, cha đẻ của Viethaus-Berlin là ông Nguyễn Quốc Danh, tổng giám đốc SASCO và ông Nguyễn Xuân Hùng, giám đốc HMSky. Có lẽ cũng giống như những đứa trẻ có hai ông bố, Viethaus ra đời với một số phận mà sự may mắn hay bất hạnh phụ thuộc vào không chỉ một người. Rồi bi kịch không dừng lại ở đây khi thực tế ông Danh có quá nhiều việc phải lo, đã giao lại Ngôi nhà thân yêu này cho phó giám đốc của mình, bà Đoàn Thị Mai Hương phụ trách. Tất nhiên mô hình hai người bố cùng đẻ, cùng nuôi con không phải là lý tưởng nhưng ít ra còn hơn việc thay một ông bố bằng một bà gì ghẻ? Để quản lý tài sản của mình, thông qua phần vốn góp, tất nhiên SASCO phải cử sang Berlin nhiều khuôn mặt sáng giá, cả về phẩm hạnh lẫn năng lực nghề nghiệp. Trong số đó phải kể đến ông Kiệt, phó chủ tịch hội đồng quản trị phụ trách mảng kinh doanh. Có thể ông Kiệt là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhưng lại gặp những hạn chế khó khắc phục: không biết tiếngs Đức và chưa hiểu gì về phong tục, tập quán của người Đức! Nếu là một người thông minh, nhiệt tình, chịu học hỏi thì đây không phải là rào cản quá lớn để hoàn thành nhiệm vụ được giao; rất tiếc ông Kiệt không thuộc mẫu người như vậy. Người ngoài nhìn vào còn nghĩ theo cách khác. Chủ tịch HĐQT là người góp vốn bằng đồng tiền thật, có từ mồ hôi nước mắt của mình còn ông phó là công chức, làm công ăn lương. Ai là người dễ xúc động trước kết quả, hiệu quả kinh doanh của dự án hơn, khỏi phải nói mọi người cũng thấy! Thiện chí hợp tác, văn hóa tranh luận, thói quen học hỏi … vốn là những thứ xa xỉ mà người Việt, nhất là những người có chút trọng trách, ít quan tâm. Khó quá. Thói đời, những người thua thiệt về năng lực quản lý lại thường xuất sắc trong khả năng tụ tập số đông về phía mình, theo bản năng sinh tồn! Trong sự hợp tác liên doanh này người ta ít tìm thấy phép cộng mà nhan nhản là phép trừ, nói cách khác, cái tốt bị trừ dần còn cái xấu thì ngược lại.

Mái nhà tranh, vách lá cùng các món ăn dân dã Việt Nam đã một lần nữa hớp hồn các bạn Đức. Ảnh: Viethaus
Chưa được chuẩn bị về mặt kiến thức, kinh nghiệm để đảm đương một vị trí quan trọng như chức CTHĐQT của một dự án lớn như Viethaus, ông Nguyễn Xuân Hùng cũng chỉ biết lấp lỗ hổng bằng cách thông thường: tăng cường độ lao động. Mệt mỏi, cáu kỉnh và thiếu tỉnh táo là những thứ luôn đồng hành với việc tăng cường độ lao động.  Những điểm mạnh trời phú cho ông Nguyễn Xuân Hùng như khả năng giao tiếp rộng rãi trong cộng đồng, kể cả đối với người Đức; thông qua những hiểu biết văn hóa, nghệ thuật ông Hùng có thể tạo ra cho Ngôi nhà Việt một nét đặc trưng hấp dẫn mà không nhiều người có thể làm được… Đáng tiếc, vì thiếu cộng sự có năng lực, ông Nguyễn Xuân Hùng chỉ có cơ hội phát huy „sở đoản“ của mình, đơn thương độc mã lún sâu vào công tác quản lý và kinh doanh.
Nhìn thấy những khó khăn của dự án Viethaus, ông Nguyễn Xuân Hùng cũng có nhiều trăn trở, tìm các hướng giải quyết. Điển hình là tháng 6 năm 2009, với sáng kiến và sự cố gắng hết mình, ông Hùng đã vận động, tổ chức được một hội nghị với sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành của chính phủ bàn về một giải pháp cứu giúp Viethaus. Bộ KHĐT, Bộ công thương, Bộ ngoại giao, Phòng thương mại VN, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng chính phủ… đã ngồi lại với nhau tại Hà Nội, thảo luận, tìm biện pháp giải cứu cho Viethaus. Kết quả được đề xuất là một sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước; Điều kiện là: SASCO đứng ra chịu trách nhiệm nhận và giải ngân khoản nợ này! SASCO đã không chấp nhận điều kiện được đưa ra. Mọi việc trở thành bế tắc.
Cái gì phải đến rồi cũng đã đến. Ý định giữa đường thay ngựa được hình thành trong suy nghĩ của lãnh đạo SASCO.  Tháng 3 năm 2009 bà Đoàn Thị Mai Hương, phó giám đốc SASCO ký văn bản đơn phương chấm dứt vai trò CTHĐQT Viethaus của ông Nguyễn Xuân Hùng. Tất nhiên đây là một động thái vi phạm luật doanh nghiệp nên văn bản nói trên đã không được thực thi. Văn bản không có hiệu lực nhưng lòng người vẫn áp dụng.Mâu thuẫn gia tăng, tẩy chay, vô hiệu hóa, vận động chia rẽ…  các bên tung tác theo cách mình nghĩ mà không đếm xỉa đến những thiệt hại Viethaus phải gánh chịu.
Cũng cần nói thêm về vấn đề nhân sự của Viethaus. Ngay từ đầu đã thiếu một sự nhất quán trong chính sách ký hợp đồng, trả lương, bảo hiểm… cho người lao động. Nguyên nhân sâu xa một phần từ sự khác biệt về luật lao động của VN và CHLB Đức; thêm vào đó là  khó khăn về tài chính của công ty. Theo con số được nhiều người biết đến, tới 90% người lao động tại Viethaus bị nợ lương hoặc chậm lương trên 5 tháng. Hậu quả dễ thấy là đội ngũ cán bộ có trình độ lần lượt bỏ đi nơi khác, lực lượng lao động giản đơn luôn sáo trộn, tâm lý làm việc không ổn định… Ông CTHĐQT Nguyễn Xuân Hùng là một ví dụ, tính đến thời điểm nghỉ việc, Viethaus còn nợ ông Hùng hơn 30 tháng lươngtheo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nực cười nhất là việc này lại đang phải nhờ đến tòa án Đức phân giải!
Sau lần định bãi miễn chức CTHĐQT của ông Nguyễn Xuân Hùng không thành, bà Đoàn Thị Mai Hương tính đến phương án chia tay với đối tác HMSky, cụ thể là vận động ông Hùng bán phần vốn góp cho đơn vị khác. Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Hùngkhông muốn bán cổ phần của mình nên đã cố gắng tìm kiếmnhà đầu tư mới đồng ý góp thêm vốn nhằm cứu nguy cho Viethaus. Kết quả cũng có mấy doanh nghiệp tư nhân từ các nước đông Âu cũ muốn tham gia đầu tư vào dự án, tiếp tục thử vận may với SASCO trong Ngôi nhà Việt. SASCO không chấp nhận với lý do: không muốn có nhiều cổ đông nhỏ lẻ.
Tháng 3 năm 2010, SASCO triệu tập ông Hùng về VN gặp đối tác mới.Công ty Dịch vụ viễn thông hoàn cầu , viết tắt GTSC, được SASCO giới thiệu là một công ty làm kinh tế của tổng cục 2, sẵn sàng góp vốn, mua lại toàn bộ cổ phần của HMSky (49,5%) trong dự án Viethaus. Đại diện của GTSC,  ông Nguyễn Anh Quân là người được SASCO tiến cử, muốn mua lại phần hùn của của ông Nguyễn Xuân Hùng. Lúc này ông Hùng vẫnkhông đồng ý bán và kiên trì ý định tìm thêm nguồn vốn bằng cách kêu gọi thêm nhà đầu tư mới.
SASCO ra tối hậu thư: nếu HMSky không bán toàn bộ cổ phần cho GTSC, SASCO sẽ rút khỏi cuộc chơi, đồng nghĩa với sự báo tửViethaus.
Ở đời, lẽ phải hay thuộc về kẻ mạnh. Thuyết phục, gây sức ép! Cuối cùng tâm lý chán nản và sự ê chề đã đánh bại Hùng „râu“. Nỗi sợ „Viethaus chết“ đã choán hết tâm trí ông CTHĐQT; nó mạnh dần lên và đè bẹp sự tiếc nuối, tiếc một tác phẩm do mình gầy dựng. Ông Hùng chấp nhận đề nghị của SASCO. Sau một hồi „cò kè bớt một thêm hai“, tháng 6.2010 Hùng „râu“ đồng ý bán đứa con „mang nặng đẻ đau“ của mình cho GTSC.
Và thế là, sau một số cú lừa không thành công về địa ốc trong nước ông „sỹ quan cao cấp“ Nguyễn Anh Quân đã quyết định bỏ quân phục, quân hàm cùng xe biển đỏ lại trong nước, ra nước ngoài thử vận may. Với sự giúp đỡ hết mình của lãnh đạo SASCO, cú đằng vân đầu tiên của ông Quân đã diễn ra êm thấm, trên cả tuyệt vời.
Nói theo các cụ ngày xưa thì có lẽ Viethaus “nặng vía“ nên vụ mua bán này cũng không trót lọt. Còn như luận theo lối văn minh ngày nay thì do cơ quan cảnh sát điều tra của công an Hà Nội và Vĩnh Phúc làm nhanh quá nên, mặc dù được sự ưu ái của SASCO, ông Nguyễn Anh Quân vẫn bị chậm một nước cờ.
Từ tháng 10.2011 ông Nguyễn Anh Quân đã thuộc vào diện cấm xuất cảnh để phục vụ điều tra nhưng không hiểu bằng cách nào ngày 05.12.2011 ông vẫn có mặt ở Viethaus, chủ trì bữa nhậu hoành tránh như đã kể ở đầu Phần 1 của bài viết? Sau khi có lệnh truy nã toàn quốc ông Quân vẫn đàng hoàng ở tại Viethaus? Trong thời gian này, theo những nhân viên Viethaus kể lại, bà Đoàn Thị Mai Hương cũng có mặt tại đây và nhiều lần „làm việc“ với ông Quân! Rồi, thú vị nhất là các nhân viên Viethaus nhận được chỉ thị của SASCO, từ bà Hương, không được thông báo về sự có mặt của Nguyễn Anh Quân tại đây cho người ngoài, đặc biệt là với Nguyễn Xuân Hùng? Sự lui tới của một số cán bộ Đại sứ quán VN trong thời gian này để gặp gỡ với Nguyễn Anh Quân cũng thuộc vào những thông tin không phổ biến?
Tin mới nhất: ông Quân đã nhận được Visa vào Mỹ và sẽ lên đường nay mai.
Những người ở lại tha hồ hỏi nhau: Ai đã tiếp tay cho Nguyễn Anh Quân tại Berlin trong cuộc trốn chạy ngoạn mục này? Lý do gì và thông qua ai, Đại sứ quán VN tại Berlin lại có quan hệ mật thiết với Nguyễn Anh Quân? Những câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ trong Phần 3 của bài viết này.

Phần III: Quan hệ tay ba

Bốn ông Quan họ Đỗ
Mấy ngày cuối năm Tân Mão đầuNhâm Thìn, đọc báo, nghe đài ở đâu cũng toàn thấy chuyện động trời, ai oán, lành ít, dữ nhiều:
Ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng “đổ tội cho dân, vì bức xúc nên đã phá nhà ông Đoàn Văn Vươn“ trong vụ án cưỡng chế Tiên Lãng.
Đại tá Đỗ Hữu Ca, GĐ công an thành phố Hải Phòng, người trực tiếp chỉ huy hơn 100 công an và bộ đội, trong vụ cưỡng chế, tuy không bắt được đối tượng nhưng trấn áp được đối tượng… hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay“ và „ không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này“…. Nghe nói „đại Ca“ còn định viết thành sách „binh thư yếu lược“ đặng truyền kinh nghiệm cưỡng chế cho con cháu muôn đời.
Ông Đỗ Xuân Đông, Đại sứ Việt Nam đương nhiệm tại Cộng hòa Séc, vừa ra lệnh cho đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc gửi công hàm đến sở di trú Bộ nội vụ CH Séc, đề nghị cơ quan này không cấp giấy phép cư trú cho ông Đỗ Xuân Cang, một người hoạt động dân chủ ôn hòa, người đã bị đại sứ quán từ chối gia hạn hộ chiếu khi hết hạn.
Tiến sỹ Đỗ Hòa Bình, đương kim Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức, cấp hộ chiếu cho một nghệ sỹ múa Việt Nam đã trốn chạy, sống bất hợp pháp gần 3 năm tại CHLB Đức, tiếp tay giúp người này đặt đơn xin tị nạn chính trị.
… từng dòng tin như vết cứa vào lòng con dân nước Việt! Đâu rồi những „phụ mẫu“ thanh liêm?
Vô tình mà như sắp xếp, bốn quan cùng họ Đỗ, mỗi người một vẻ mười phân hỏng cả mười. Ba quan phản dân, một quan hại nước. Ác quá! Lần ngược lịch sử xem ông tổ họ Đỗ là ai mà sao hậu sinh ít thấy bậc “khả úy“. Thần phả thờ Đỗ Tướng Công được cụ Phùng Khắc khoan phát hiện và giới thiệu có đoạn như sau: “Đỗ Tướng Công húy là Cảnh Thạc, sinh ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Thân (912), cha là Đỗ Quảng Lăng, gốc người Quảng Đông (Trung Quốc) dời cư xuống phương Nam, mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, ấp Động, huyện Thanh Oai ngày nay…Tướng Công phò suốt ba đời nhà Ngô, trải bao biến cố vẫn giữ lòng trung hiếu, không màng danh lợi, cống hiến cả cuộc đời cho dân, cho nước. Thật là tấm gương trung hiếu chói lọi cho đời sau noi theo“. Than ôi! Tiền nhân trung hiếu hà cớ gì hậu duệ vô luân? Xin Đỗ Tướng Công nơi chín suối rủ lòng, đại đại xá.
Phần 3. Quan hệ tay ba

Ngài Matthias Roesler và Đại sứ Đỗ Hoà Bình tại Trụ sở Nghị viện bang Sachsen
Là người kế nhiệm Đại sứ Trần Đức Mậu, Tiến sỹ Đỗ Hòa Bình, có một khởi đầu tương đối thuận lợi trong nhiệm kỳ của ông tại nước Đức, mặc dù ông không dùng tiếng Đức. Ông Bình đến Berlin vào cuối năm 2008, chính thức trình Quốc thư tại Lâu đài Bellevue (phủ Tổng thống) ngày 09.01.2009,nhưng hình ảnh của ông thật sự được người Việt ở đây ghi nhận, với nhiều thiện cảm, lần đầu tiên vào buổi tiếp tân long trọng tại Viethaus nhân dịp Tết Nguyên Đán. Cái tên Hòa Bình cũng đã mách bảo mọi người là ông sinh năm 1954. Cảm giác khi mới gặp ông nhiều người nghĩ đến một nhà ngoại giao trí thức. Tác phong nhanh nhẹn, giọng nói tự tin luôn pha chút hài hước và đặc biệt là nụ cười tươi rói không mấy khi tắt trên khuôn mặt trắng trẻo, thư sinh đã giúp ông chiếm được cảm tình của hầu hết những người mới tiếp xúc. Sau lần ấy, một niềm hy vọng tràn trề lan tỏa trong cộng đồng người Việt; khắp nơi mọi người kháo nhau về vị tân Đại sứ, như cầu được, ước thấy. May quá, vui lắm, và tràn ngập niềm tin!
Trong nhiệm kỳ ba năm công vụ của mình, hình như Tiến sỹ Đỗ Hòa Bình cũng có làm được một số việc có ích(?), nghe nói chưa có người tiền nhiệm nào thu hoạch được nhiều bằng khen, giấy khen từ bộ Ngoại giao Việt Nam như ông?
Cần nói thêm một chút ngoài lề về đặc điểm nổi bật của cộng đồng Người Việt ở Đức nói chung và Berlin nói riêng. Phần lớn bà con người Việt ở phía Đông là lực lượng công nhân đi hợp tác lao động thời CHDC Đức, sau thống nhất được ở lại theo chính sách nhân đạo của nhà nước CHLB Đức. Số người này đa phần sinh ra và lớn lên vào thời CNXH ở nước ta còn tử tế. Đến nay họ vẫn gắn bó với quê hương qua quan hệ gia tộc và ý thức dân tộc. Ở lại định cư tại Đức là một cơ may nhưng nếu nhìn theo góc độ nghĩa vụ công dân, điều đó giống như một sự mắc nợ quê hương, đất nước. Sự lành lặn trong con người họ cộng với mặc cảm về món nợ chưa trả là cơ sở đảm bảo cho một ứng xử vị tha với những công bộc, đại diện nhà nước, đang thả sức tung tác trong cái cơ quan có tên gọi là Đại sứ quán Việt Nam. Thí dụ về những hành vi tùy tiện, vi phạm pháp luật hành chính của nhân viên ĐSQ như hách dịch, cửa quyền, thu phí vô tội vạ khi giải quyết những thủ tục giấy tờ của người Việt, không xuất hóa đơn hợp lệ và vô trách nhiệm trong cách giải thích chính sách của nhà nước cho công dân vv… nhiều đến mức chỉ có thể kể hết trong khuôn khổ của một cuốn sách dài cỡ tiểu thuyết. Tuy nhiên, như phân tích ở trên, „giận thì giận mà tha vẫn tha“, cộng đồng chấp nhận những tệ nạn đó như một căn bệnh mãn tính. Và thế là, không phải ngoại lệ, ông Đỗ Hòa Bình lúc đầu cũng được hưởng „đặc ân“ mang tính đặc thù này của cộng đồng. Tất cả bi, hài kịch sau này cũng bắt đầu từ đây.
Từ ngày đầu, do nhận thức được tầm quan trọng của cộng đồng với hơn một trăm ngàn Người Việt tại CHLB Đức, TS Đỗ Hòa Bình đã dành rất nhiều thời gian, sức lực vào việc “thâm nhập cộng đồng“. Ông được đón nhận nồng nhiệt, nay chợ Đồng Xuân, mai trung tâm thương mại Thái Bình Dương; khai trương doanh nghiệp này, kỷ niệm sinh nhật doanh nhân thành đạt khác vv … Những người Việt giầu có nhờ buôn bán bỗng trở nên sang trọng do được Đại sứ đến thăm. Họ chẳng tiếc gì để có cơ hội này. Chụp ảnh, chúc tụng, vinh danh… một số người trong số họ, chỉ cần chi ra chút ít, là trở thành “chính khách“ trước con mắt cộng đồng. Bản thân họ đôi khi cũng ngộ nhận để quyết định một sự dấn thân, tranh giành ảnh hưởng, cạnh tranh uy tín trước Đại sứ đôi khi bằng cả những biện pháp không lành mạnh. Các báo của người Việt tha hồ đưa tin, đăng ảnh. Được cái Đỗ Tiến Sỹ là người ăn ảnh nên báo in ra cũng dễ phát. Mấy vị phóng viên mới vào nghề bỗng có giá, không hết việc. Cứ thế, hết thẩy như phát ngộ trong chiến dịch thăm viếng của ông Tiến sỹ. Niềm hân hoan tưởng như bất tận, đến một ngày có ai đó nhận ra rằng: ngoài chợ và tiệc của nhà giầu ra, tuyệt không thấy TS Đỗ Hòa Bình „thâm nhập“ vào cộng đồng những người có thu nhập thấp. Tầng lớp trí thức Việt, các em sinh viên nghèo, các hội đoàn phi kinh doanh… và đặc biệt các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng là những nơi không „hợp tuổi“ với ngài Tiến sỹ Đại sứ. Có người còn xỏ xiên giải thích: thương nhân là người dễ thương mà. Chả biết có đúng.
Chỉ một thí dụ này đủ thấy ông Đại sứ họ Đỗ là người thực sự có năng khiếu về kinh doanh. Ai cũng biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng vào bậc nhất mà ông Đỗ Hòa Bình phải hoàn thành trong thời gian tại nhiệm của ông ở Đức là Tổ chức kỷ niệm sự kiện 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và CHLB Đức vào năm 2010. Với một người nhanh nhẹn, sắc sảo như ông Bình thì việc tổ chức sự kiện ông làm tay trái. Khó nhất vẫn là tiền, mà ông Đỗ Hòa Bình thuộc loại xài sang- nghe ông kể về thú chơi golf của ông thì biết- nên ông cho rằng phải có rất nhiều tiền vụ này mới ra vấn đề.
Sau gần một năm quấn quýt với giới doanh nhân người Việt ở Đức ông tin vào tấm lòng của họ, vấn đề là phải biết kích động. Được rồi. Nghĩ thế là làm thế. Sau này nghe ông kể lại ai cũng nể tài tính toán của ông cán bộ ngoại giao có thâm niên này. Lúc đầu mình nghĩ, muốn „xin được tiền“của đội nhà giầu này là phải biết cách. Mời người ta đến sứ quán, đón tiếp xập xệ rồi kêu gọi lòng yêu nước suông thì chả được bao nhiêu. Phải liều, bỏ vốn trước, ra khách sạn năm sao làm cho hoành tráng. Thú thật khi quyết định chi ra hơn chục nghìn oi (euro) đặt tiệc ở Novotel mình cũng run lắm, liệu có lấy lại vốn không? Nhiều người trong cơ quan phản đối nhưng cuối cùng mình vẫn quyết. Mình biết mà, phải liều, thu hơn trăm nghìn trong có mấy tiếng đồng hồ. Ghê quá đúng không. Vâng, quả là ghê thật, nghe rợn cả người chứ không phải chỉ ghê. Ngày xưa đi buôn, một vốn bốn lời đã là tài, ông đại sứ kiếm lời hơn mười lần vốn bỏ ra quả là thiên tài. Thưa Tiến sỹ Đỗ hòa Bình, mọi người lại cho rằng đấy là vụ thua lỗ lớn của ông về chính trị đấy ông ạ, cả nhân cách nữa! Ông tưởng đã mua được lòng tốt của cộng đồng với giá hời nên đã có những ứng xử thiếu đàng hoàng sau đó. Người ta đóng góp trong một thái độ công dân có trách nhiệm với đất nước, mong được tận dụng một cơ hội để tôn vinh giống nòi mà bao lâu nay con dân của nó phải xót xa trong nỗi đau tự ti dân tộc. Có thể so sánh với yêu nước, việc làm này còn xuất phát từ yêu thương nòi giống, uống nước nhớ nguồn của những người lao động tử tế. Không phải vì được ăn uống sang trọng tại khách sạn năm sao mà mọi người trở nên hào phóng thế đâu, xin ông đừng nghĩ thiển cận như vậy. Tiếc là ông đã không hiểu điều này để sau đó biết tôn trọng nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng, chẳng hạn bằng một lời cảm ơn được diễn đạttrang trọng dưới hình thức một bức thư của Đại sứ quán! Cũng như ông đã vui mừng khi nhận được một tờ giấy khen về một việc làm tốt của mình, những người có mặt hôm đó trong lễ quyên góp cũng có quyền yêu cầu một sự ghi nhận từ phía Nhà nước mà người đại diện ở đây là các ông.Điều tệ hơn mà nhiều người bất bình là cách chi tiêu số tiền này không hiệu quả và đến hôm nay việc quyết toán cũng vẫn còn mập mờ.

Cựu đại sứ Trần Đức Mậu nhận huân chương của Tổng Thống Đức (do ĐSQ Đức tại Hà Nội trao)
Lại nói đến Ngôi nhà Việt – Viethaus tại Berlin. Với sự giúp đỡ nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam mà đặc biệt là ông Trần Đức Mậu, người tiền nhiệm của Tiến sỹ Đỗ Hòa Bình, sau khi trải qua một loạt khó khăn về xây dựng, tài chính, thủ tục … Viethaus đã ra đời vào tháng 3 năm 2008. Có thể nói, hài nhi Viethaus đã ra đời trong vòng tay của bà đỡ Trần Đức Mậu. Không có ông hồi đó, chưa có Viethaus! Trong buổi lễ trao tặng Huân chương công trạng của tổng thống Đức cho ông Trần Đức Mậu được tổ chức ngày 07.09.2008, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam – ngài Rolf Schulze – đã ca ngợi công lao to lớn đối với sự ra đời Viethaus của nguyên Đại sứ Trần Đức Mậu đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông để cánh cửa trường Đại học Đức-Việt tại TPHCM rộng mở vào tháng 9 năm 2008. Khác với Tiến sỹ Đỗ Hòa Bình, nguyên Đại sứ Trần Đức Mậu là người rất giỏi tiếng Đức và am hiểu văn hóa. Ông bị phê phán là ít giao lưu với giới thương nhân trong cộng đồng người Việt ở Đức, nhưng bù lại ông rất quan tâm bồi đắp, mở mang văn hóa cho cộng đồng. Ông Trần Đức Mậu đã nhiều lần can thiệp trực tiếp với cơ quan hữu quan hai nước, Việt Nam và Đức, giúp đỡ thủ tục cho các đoàn nghệ thuật trong nước sang Đức biểu diễn phục vụ cộng đồng dịp lễ hội. Không chỉ nổi tiếng là một nhà ngoại giao, ông còn là một dịch giả văn học Đức, đã đóng góp nhiều công sức để chuyển tải văn hóa Đức tại Việt Nam. Có một lần vào tháng 8 năm 2008, vài tháng trước khi chia tay với nước Đức, ông Trần Đức Mậu đã phải làm công hàm gửi Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đề nghị cấp thị thực gấp cho một đoàn nghệ thuật của của Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam sang biểu diễn phục vụ liên hoan Bia quốc tế tổ chức tại Berlin. Phải nói thêm, Liên hoan Bia quốc tế tổ chức mỗi năm một lần là dịp rất tốt để các nước tham dự quảng bá về văn hóa, du lịch và đất nước mình. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đoàn nghệ thuật gồm 18 nghệ sỹ, chia tay lên đường về nước trong sự lưu luyến của bà con cộng đồng, hẹn năm sau tái ngộ. Nhưng đến phút chót một con chim đã bỏ đàn, nghệ sỹ múa có tên Lê Thu Phương đã tự ý tách đoàn, ở lại nước Đức bất hợp pháp vì lúc đó thị thực đã hết hạn. Khỏi phải nói ai cũng biết sự việc sẽ rắc rối thế nào và bao người bị liên lụy trong việc này! Người mời, người cử nghệ sỹ đi, bộ chủ quản cấp phép đi công tác… đặc biệt ở đây là công hàm can thiệp với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội về việc cấp thị thực do Đại sứ Trần Đức Mậu ký.vv… và vv… Việc này để lại một tiền lệ xấu, nhất là đối với những đoàn công tác về sau. Đại sứ quán Đức cũng dè dặt hơn trong việc cấp thị thực cho người đi biểu diễn? Thỉnh thoảng ông Mậu có nhắc lại chuyện này như một kỷ niệm không vui trong thời gian ông làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại CHLB Đức.
Ông Nguyễn Minh Vũ, cục phó cục lãnh sự Bộ ngoại giao, lúc đó là tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin cho biết, Đại sứ quán VN có công văn đề nghị cơ quan Công an Đức giúp đỡ, tìm kiếm công dân Lê Thu Phương đang cư trú bất hợp pháp tại Đức để thực hiện cam kết của phía Việt Nam khi xin cấp thị thực cho đương sự. Tháng 12.2008 công an Đức thông báo đã tìm được Lê Thu Phương nhưng lúc đó người phụ nữ này đã đặt đơn xin tị nạn chính trị và xin nhà nước Đức bảo hộ vì lý do về nước sẽ bị trừng trị!!!
Không có giấy tờ tùy thân, đơn tị nạn của Lê Thu Phương vẫn không được chấp nhận. Không rõ vì lý do nhan sắc, tài năng hay thế lực mà vị diễn viên trẻ này nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Thông qua nhiều đường với nhiều môi giới khác nhau, hồ sơ xin cấp hộ chiếu của Lê Thu Phương đã lọt qua hệ thống kiểm tra của nhân viên Đại sứ quán và không dưới hai lần đã nằm trên bàn ông Nguyễn Minh Vũ chờ chữ ký của ông phó Đại sứ này. Nghiệp vụ tinh tường của một vị cục phó cục lãnh sự luôn chấp hành pháp luật nhà nước đã giúp ông Vũ thoát hiểm trong những lần này. Đối tượng đổi chiến thuật. Thời gian sau đó, có người đến đề nghị ông Nguyễn Xuân Hùng, lúc đó là chủ tich HĐQT Viethaus, đơn vị làm giấy mời: nếu ông Hùng và ông Trần Bình, giám đốc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, đơn vị cử Lê Thu Phương đi công tác, đồng ý ký xác nhận vào giấy đề nghị cấp hộ chiếu cho đương sự, mọi việc sẽ ổn thỏa và phía gia đình Lê Thu Phương sẽ không „quên ơn“ các ông. Cả hai ông nghệ sỹ này đều tôn trọng danh dự và pháp luật nên đã không đồng ý. Ông Nguyễn Minh Vũ giữ lập trường của mình, không cấp hộ chiếu cho kẻ đào tẩu lừa thầy phản bạn trong suốt thời gian ông đảm trách việc này. Hết nhiệm kỳ, Tham tán công sứ Nguyễn Minh Vũ cũng phải về nước. Đây chính là thời điểm vị cứu tinh xuất hiện, Tiến sỹ Đỗ Hòa Bình, sau vài lần đề nghị ông Nguyễn Xuân Hùng chấp nhận thỏa hiệp không có kết quả đã đơn phương ký, cấp hộ chiếu cho Lê Thu Phương với lời giải thích như sau: Không biết con bé này là thành phần gì mà nhiều người gọi điện tác động thế! Thậm chí còn có cả thư của lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp hộ chiếu cho Lê Thu Phương(?). Khổ thân ngài Tiến Sỹ Đại sứ, bị sức ép, phải làm điều trái với lòng mình và trái với pháp luật. Có lần ông Đại sứ còn trải lòng với mấy vị cán bộ trên sứ quán khi bị họ hỏi về vụ này: vì lý do nhân đạo đấy chứ, cô Phương đã trốn lại Đức gần 3 năm, đẻ 2 con rồi, vất vả lắm. Ôi đẹp biết bao một tấm lòng nhân hậu. Biết điều này sớm, bảo cho mấy cô gái tị nạn, chịu khó đẻ cố lấy vài đứa xong lên gặp Đỗ Tiên Sinh, năn nỷ, có khi đã không bị trục xuất trong vụ năm ngoái. Mấy cô này phải mỗi tội hơi kém nhan sắc và ít tiền chứ đẻ thì dư sức. Tiếc thế.
Chuyện ông Tiến sỹ nói mãi không vơi, để dành quay lại vào phần cuối đặng đừng làm người đọc thấy nhàm. Viethaus vẫn sáng đèn, chả biết được bao lâu nữa, nên tranh thủ quay lại đó kẻo quá muộn. Như đã nói ở phần 2, Nguyễn Anh Quân sau khi kiếm được một mớ tiền nhờ „nuốt đất“ và lừa đảo linh tinh đã tính đến nước „chẩu“. Vượt biên trong thời đại „thế giới phẳng“ ngày nay không khó, nhưng chuyển được tiền bạc theo người để phòng lúc sa cơ, lỡ vận ở xứ người lại là chuyện không dễ. Nhưng, có khó khăn ắt sẽ có cách vượt qua; giống như ông trời sinh ra voi cũng không quên sinh cỏ. Phương án được chọn là nấp sau lưng một doanh nghiệp nhà nước để đầu tư ra nước ngoài. Giải pháp nhanh nhất là mua lại một dự án có sẵn và nghiễm nhiên thành ông chủ mới với cổ phần áp đảo. Bằng cách nào trùm lừa đảo Nguyễn Anh Quân đã tiếp cận được với lãnh đạo công ty SASCO là câu hỏi sớm muộn cũng sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ! Sau đó việc mua bán diễn ra, như đã được miêu tả trong Phần 2, khá êm thấm. Có lẽ Nguyễn Anh Quân đã chễm chệ là ông chủ mới của Viethaus nếu như không có quyết định truy nã dưới đây.
Vì sao Nguyễn Anh Quân là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam lại có thể chuyển hàng chục triệu USD trót lọt ra nước ngoài để rửa tiền, mua cổ phần để trở thành ông chủ dưới “bình phong“ của một công ty có vốn của doanh nghiệp nhà nước? Những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời.
Quay lại câu chuyện Nguyễn Anh Quân. Từ lúc đến Berlin, kẻ đào tẩu trong danh nghĩa chủ mới với 71% cổ phần của Ngôi nhà Việt đã được tiếp đãi theo lối „ba ngày tiểu yến, năm ngày đại yến“ rất trọng thị. Tất nhiên Nguyễn Anh Quân sang đây không phải để ăn nhậu, tiệc tùng, mà là làm việc và … đi trốn. Quân cũng đã kịp làm được một số việc. Giữa tháng 12 năm ngoái, SASCO đã chỉ đạo Viethaus tổ chức bữa tiệc ra mắt, giới thiệu ông chủ mới của Viethaus với Đại sứ quán Việt Nam. Cầm đầu nhóm SASCO là bà Đoàn Mai Hương, phó tổng giám đốc, phía ĐSQ là ông Đại sứ Đỗ Hòa Bình. Theo một số người có mặt trong bữa tiệc thuật lại, bà Đoàn Mai Hương, đại diện lãnh đạo SASCO, chính thức giới thiệu với ông Đại sứ và cán bộ ĐSQ, ông Nguyễn Anh Quân là chủ đầu tư mới của Viethaus. Bà Hương cũng nhấn mạnh, phía SASCO đề nghị ông Đại sứ và ĐSQ ủng hộ, giúp đỡ ông Quân trong thời gian tới khi có những yêu cầu cụ thể.
Ngày 05.02.2012 tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam đã diễn ra cuộc gặp, làm việc thường kỳ sáu tháng một lần giữa lãnh đạo ĐSQ và đại diện các hội đoàn người Việt. Đại sứ Đỗ Hòa Bình chủ trì. Ngoài việc nghe những báo cáo tổng kết nhàm chán, lần này cũng giống bao lần trước, về những kết quả, nỗ lực của ĐSQ và các hội đoàn … cùng những ý kiến phát biểu xuôi chiều của các đại biểu theo kiểu nhất trí cao, nhờ sự chỉ đạo của… cơ bản là tốt nhưng còn một vài hạn chế… cuộc họp lần này xuất hiện một vài hành vi “ngỗ ngược“ của vài đại biểu định lội ngược dòng. Sự việc nổ ra vào thời điểm cuộc họp sắp chấm dứt, ấy là lúc ông Đại sứ tuyên bố “suốt cuộc họp hôm nay tôi chờ đợi mọi người nêu ra một vấn đề mà mấy tuần nay dư luận đang quan tâm bàn tán. Vấn đề có liên quan đến ĐSQ Việt Nam tại Berlin thông qua việc đăng tải một số bài viết trên các trang báo phản động, gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận trong nước cũng như cộng đồng ở đây“. Ông Tiến sỹ cũng khẳng định là hôm nay ông “sẽ chơi bài ngửa và nói chuyện thẳng thắn“! (Hóa ra lâu nay ông nói không thẳng và chơi bài sấp?) Nội dung ông nêu là Phần 1Phần 2 của bài viết Từ vụ „nuốt đất“ tại Vĩnh Phúc đến Ngôi nhà Việt ở Berlin. Bà Phan Ý Nhi, tham tán trưởng ban công tác cộng đồng của ĐSQ cho biết: sau khi nghe tin về trường hợp Nguyễn Anh Quân, ĐSQ đã có công văn chính thức về trong nước để hỏi về việc này nhưng đến nay chưa nhận được trả lời bằng văn bản? Còn ông Đại sứ thì lý luận: tôi là Đại sứ Việt Nam, tôi có trách nhiệm giúp đỡ công dân khi có yêu cầu và nếu chưa có bằng chứng là họ phạm tội! Thế là đã rõ, cám ơn ông Đại sứ đã giữ lời hứa, chơi bài ngửa. Xin được thưa với ông Đại sứ và các đồng sự khác của ông trong sứ quán vài điều như sau.
Việc lừa đảo “nuốt đất“, chiếm dụng tài sản các doanh nghiệp trong nước của Nguyễn Anh Quân đã được báo chí đề cập đến từ nhiều năm nay, đặc biệt rộ lên trong một năm đổ lại đây. Một người dân thường quan tâm đến thời sự trong nước cũng biết điều đó. Có thể các vị công bộc trong ĐSQ bận nhiều việc tiếp khách, dịch vụ… nên không thể theo dõi thông tin trong nước, nhưng “sau khi nghe tin về trường hợp Nguyễn Anh Quân“, nếu là người có trách nhiệm, chỉ cần ngó lại báo chí trong nước, sẽ biết rõ sự thật, có cần phải hỏi và chờ trả lời bằng văn bản??? Trong cơ cấu tổ chức ĐSQ của ta luôn có một bộ phận gọi là „an ninh“, họ đâu cả rồi? Mà cứ cho là các ông, các bà kiên quyết phải chờ nhận được „trả lời bằng văn bản“ mới ra tay với kẻ thủ ác thì trong trường hợp nghe được tin xấu về Nguyễn Anh Quân như thế, với tinh thần cảnh giác tối thiểu của một công dân, có nhất thiết phải ra tay „giúp đỡ“ đương sự một cách mau lẹ như vậy trong việc xin thị thực đi Mỹ không? Theo lẽ thường, trước khi có công văn đề nghị Sứ quán Mỹ cấp thị thực cho một công dân Việt Nam mới từ trong nước sang, ĐSQ ở đây cũng phải xem xét rõ về nhân thân của đối tượng xin trợ giúpchứ? Trong trường hợp Nguyễn Anh Quân, nguyên tắc đó có được thực hiện nghiêm túc không? Theo cách nào? Ông Đại sứ chống chế rằng vì SASCO đã giới thiệu, bảo lãnh cho Nguyễn Anh Quân nên ĐSQ đã can thiệp, không nghi ngờ gì? Đó là lối giải thích tếu táo ngoài lề hay trong bàn tiệc chứ quyết không thể là chứng cứ ngoại phạm trước pháp luật. Với đại đa số công dân Việt ở đây, khi có việc phải cậy nhờ đến Sứ quán các ông các bà đều soi rất kỹ mà sao với trùm lừa đảo mọi việc lại hớ hênh thế. Một quyển hộ chiếu sau năm năm ba chìm bảy nổi, hết hạn, đem đi đổi cũng bị soi? Sứt chỉ, mòn gáy hay ố vàng một chút… lập tức phạt tiền (lúc 50€ lúc 80€ rất chi là linh hoạt?) để ngay sau đó…được cắt góc, đóng dấu hủy?
Sau khi ông Đại sứ đặt vấn đề như trên, ông Nguyễn Xuân Hùng và một vài người nữa phát biểu làm không khí cuộc họp, như lời của Đại sứ: “đã nóng lên“. Nhưng, vẫn đấu pháp cũ, khi gặp những ý kiến “thẳng thắn“ quá ông đã dùng quyền chủ trì để cắt? Vị chủ báo nguoiviet.de đề nghị: dù chưa có “trả lời bằng văn bản“ xác định tội phạm, nhưng khi nghe quần chúng phản ảnh hiện tượng như vậy, ĐSQ cũng nên có những động thái để giảm thiểu nguy cơ đào tẩu của đối tượng! Một phát biểu vớitrách nhiệm công dân rất nên lắng nghe. Vậy mà ông Đại sứ cũng gạt phắt với những lý do lãng xẹt? Lúc đầu ông Đại sứ tuyên bố chơi bài ngửa, nói thẳng, đến lúc người ta ngửa ra, thẳng tưng thì ông lại bưng lại là sao? Ông rủa xả, mắng bọn báo phản động lợi dụng nói xấu ông, đến khi báo “không phản động”  (nguoiviet.de) chí tình, định bàn chuyện giúp cho ông bớt xấu, ông lại gạt phắt, cậy quyền phủ quyết, chủ nhà.
Nói thêm để ông Tiến sỹ biết điều này mà phát ngôn cho cẩn trọng, kẻo có ngày vạ miệng: tamnhin.net cũng đăng những bài báo nêu trên nhưng họ không phải phản động đâu!
Không tin ông “gửi công văn về hỏi“ Bộ công an mà xem. Mấy năm rồi họ giúptrong nước phanh phui được nhiều vụ bê bối động trời lắm, chắc ông Đại sứ bận không đọc! Xin ông Tiến sỹ Đại sứ bảo trọng, đừng biến mình thành đối tượng viết bài của tamnhin.net! Tuy chưa được nêu ra trong một cuộc họp nào, nhưng vụ ông giúp Lê Thu Phương vì “nhân đạo“ chưa ai quên đâu. Thêm Nguyễn Anh Quân nữa “bài“ của ông xấu đi nhiều lắm, đánh ngửa hay đánh sấp cũng thế thôi. Thua chắc ông Đại sứ ạ.
Thay lời kết của Phần 3: theo tin mới nhất, Nguyễn Anh Quân chưa đi Mỹ được! Cách đây vài hôm y vẫn lẩn quất tại Viethaus. Công an Vĩnh phúc đã chuyển vụ này cho Bộ công an và Interpol VN. Những người tử tế, tin tưởng vào pháp luật có quyền hy vọng sẽ được đón nhận những thông tin tích cực trong phần kết.

(còn tiếp)
(Bài do tác giả gửi đăng)

Đón đọc phần 4. Hồi kết có hậu?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"