Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Đàn cừu cao cấp


Tết năm nay, bên cạnh những bữa nhậu nhẹt linh đình, mình còn được “ăn uống thả cửa” những món tinh thần, phải nói là muốn... “tức thở”!
He, he, ý mình muốn nói là mình vừa “tức cười” vừa “than thở”!
Để mình giải thích.
Nhớ khi xưa, nhà văn “gạo cội” của Hà Nội là Nguyễn Tuân, có bài tùy bút là “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, thì bây giờ, mình chợt nghĩ, nếu ông “nhà văn phở” này mà sống lại, chắc sẽ viết một tùy bút khác, không kém phần hay ho, là “Việt Nam ta... ăn “bánh vẽ” giỏi”!
He, he, để mình nói tiếp! Nếu nói như chị Hoài, tức là “Ông Chu Hảo là mẫu mực của một người đối lập trung thành”, thì mình có thể phát biểu rằng, ông Ngô Bảo Châu là mẫu mực của một người “ăn bánh vẽ” giỏi! (Tất nhiên, như chúng ta đều biết, khi nói đến “chiếc bánh vẽ”, phải nhắc đến “nhà thơ XHCN” Chế Lan Viên trước, nhưng, khổ quá, ông nhà thơ này đã thuộc hàng người thiên cổ, nên mình không muốn trở thành khiếm nhã, không nhắc tới họ Chế nữa mà làm gì.)
Nhưng giáo sư Châu làm về toán cơ mà, lại là “toán cao cấp”, sao cha nội lại bảo ổng ăn bánh vẽ giỏi? Lắt léo quá!
He, he, lắt léo thế mới gọi là... toán chứ! Hay mình gọi nó là... “bổ đề bánh vẽ”? Cho nó “kêu”, cho nó “sành điệu”, nhá!
Câu chuyện “bổ đề bánh vẽ” này, theo mình nghĩ, có lẽ có từ thời mấy ông triết gia người Đức là Mác, là Ăng- ghen tự dưng nghĩ ra cái Chủ nghĩa Cộng sản, để rồi gần như một nửa nhân loại phải “điêu đứng” vì nó. Nhưng, tất nhiên, bàn về cái sự điêu đứng của nhân loại do CNCS gây ra, không phải là việc chính của mình hôm nay, mà mình chỉ muốn nói lên cái sự “ăn bánh vẽ giỏi” của Việt Nam ta mà thôi! Và, chủ yếu là của cái gọi là “trí thức XHCN Việt Nam”, nhá, mình xin bắt đầu:
Trong bài đối thoại của tác giả Nguyễn Xuân Phước trên Tiền Vệ, có một nhận định làm mình suy nghĩ mãi, là “Giấc mơ giải phóng Việt Nam khỏi bàn tay của đế quốc để xây dựng chế độ “chuyên chính vô sản” tại Việt Nam của các tiền bối cách mạng cộng sản Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đã trở thành sự thật.” Đó là bởi vì, mình tự hỏi như thế này, do đâu mà giấc mơ “chuyên chính vô sản” của những người cộng sản Việt Nam lại trở thành sự thật, trong khi giấc mơ ấy của các nhà cộng sản Đông Âu cũ thì thất bại? Phải chăng những người CSVN, họ “giỏi” hơn các đồng chí ở châu Âu? Không, không thể, bởi vì những người CSVN, như chúng ta đều biết, họ tuy “nhiều bằng cấp nhưng khá dốt”, nên không thể một mình biến “giấc mơ” thành “sự thật” được. Tức là, theo mình nghĩ, đã có “một thứ gì đó”, góp một phần trọng yếu cho họ trong “công cuộc” xây dựng chế độ độc tài, hay nói như tác giả NXP là “nền chuyên chính vô sản VN”, được thành công. Vậy, “một thứ gì đó”, là cái gì ở đây?
Cũng trong bài đối thoại của tác giả Nguyễn Xuân Phước, mình rút ra được một đoạn văn rất hay như thế này: “Qua cuộc sống thực tiễn, tích lũy kinh nghiêm sống còn, nối, tiến hóa của hàng triệu năm, con người đã dần dần chuyển được tính sống còn tự nhiên của mọi loài sinh vật thành nhân tính đặc thù của loài người. Quá trình đó tạo thành đường sống đặc thù của loài người mà ngày nay chúng ta gọi là nhân đạo. Chính sự xuất hiện của nhân đạo và nhân tính mới làm cho loài người khác với loài vật. Xây dựng một xã hội văn minh là xây dựng một xã hội Người, theo nhân đạo, có nhân tính.” Tức là, “nhân tính” chính là yếu tố quyết định hoàn toàn cho sự có đi đến được văn minh hay không của xã hội loài người!
Ở Việt Nam ta, cái sự phát triển của yếu tố “nhân tính” ấy như thế nào?
Chúng ta hẳn còn nhớ câu phát biểu gây nhiều “cơn bão trong cốc thủy tinh” của giáo sư toán học họ Ngô rằng “Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Ở đây có hai hiện thực: một là tồn tại cái “lề phải” là chế độ độc tài Đảng trị, hai là tồn tại những “con cừu bám theo lề phải” trong cái “animal farm” có tên mỹ miều là “Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Tức là, xét cho cùng, con người của hầu như cả xã hội Việt nam hiện giờ, đều là “con cừu” theo nghĩa “sinh vật không có nhân tính”! Và như thế, việc “giấc mơ xây dựng nền chuyên chính vô sản được trở thành sự thật” trên đất nước Việt Nam gần một thế kỷ qua, chính là do Đảng Cộng sản Việt Nam đã “nuôi nấng” thành công “một đàn cừu không có nhân tính”! Và vấn đề còn lại ở đây là chúng ta hãy đi tìm hiểu xem “quá trình Nuôi Dạy” đó xảy ra như thế nào mà thôi!
Trong một bài viết của bác Hoàng Ngọc-Tuấn, bài “Vấn đề trí thức và phản trí thức”, mình có đọc được một đoạn văn, mà theo mình, định nghĩa một cách tổng quát và đúng nhất về trí thức: “Gramsci đến với lý thuyết của Marx như đến với những ý tưởng để chiêm nghiệm và vận dụng chúng vào cuộc cải cách xã hội, chứ không phải đến với một ý thức hệ. Ông đến bằng lý trí tỉnh táo chứ không phải bằng niềm tin mù quáng. Với lý trí tỉnh táo, ông luôn luôn giữ được một khoảng cách cần thiết giữa những ý tưởng của mình và những ý tưởng của Marx, giữa bản thân và đảng Cộng Sản Ý Đại Lợi. (Trong khi đó, chua chát thay, đa số “đồng chí” quanh ông, cũng như vô số đảng viên Cộng Sản trên thế giới, chưa bao giờ đọc qua cuốn Tư Bản Luận, thậm chí Tuyên Ngôn Cộng Sản Đảng, mà lại hoàn toàn nhiệt thành tin tưởng vào “thắng lợi cuối cùng” của chủ nghĩa Cộng Sản.)
Tức là, nói gọn lại, người trí thức là một người tỉnh táo. Thật đơn giản, thế thôi, tỉnh táo trong tất cả mọi phương diện cuộc sống! Về sự tỉnh táo này, chúng ta có thể đọc được qua nhiều bài viết, nhưng bài của bác Tuấn mình thấy là tiêu biểu, nói lên hết được những vấn đề chính của người trí thức tỉnh táo.
Quay lại trường hợp của giáo sư họ Ngô. Mình thấy như thế này, bản tính của loài người là suốt từ khi chui ra khỏi bụng mẹ chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi trần, luôn luôn muốn vươn tới sự hoàn thiện cái nhân tính có trong mình, tức là con người chúng ta muốn xây dựng một xã hội văn minh cho chính mình. Nhưng có sự trớ trêu là, trong quá trình sống, do không tỉnh táo nên con người dễ vấp phải những điều “khù khờ” (như khóc ngu chẳng hạn!) có ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của xã hội cộng đồng nói chung. Ở đây có thể nói rằng, vì không tỉnh táo nên những người của cái gọi là “giai cấp vô sản” không nhận ra chủ nghĩa cộng sản chỉ là... “cái bánh vẽ”, “khốn nạn” hơn, lại cho đấy là “thiên đàng”, và thi nhau “cắn lấy cắn để”, thậm chí, “tiêu diệt lẫn nhau” trong cái gọi là “đấu tranh giai cấp”, để “một còn” với “cái bánh vẽ”. Những trí thức tỉnh táo ở các nước XHCN Đông Âu cũ, sau một thời gian “bị ăn chán chê”, đã phát hiện ra thực trạng của “bánh vẽ”, họ lập tức “lên tiếng” và làm các cuộc “cách mạng nhung” để “vứt bỏ” nó đi, vứt bỏ cái chủ nghĩa cộng sản như chúng ta đã chứng kiến cuối thế kỷ qua. Ở Việt Nam thì không thế, “bầy cừu” cứ “gậm nhắm” tiếp tục “cái bánh vẽ” trong khi “các ông chủ lãnh đạo” ăn “bánh thật”. Nhưng nói cho công bằng, có một số trí thức, tuy thế cũng “tỉnh” ra chút đấy, tiêu biểu như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải (lúc sinh thời) chẳng hạn, họ đã phát hiện ra cái lõi thực sự của “bánh vẽ”, nhưng vẫn phải “ăn”, vẫn phải “ngồi vào bàn nhai”. Và bên cạnh đó, những người từ chối “bánh vẽ”, những nhà văn nhà thơ trong “vụ Nhân văn Giai phẩm” chẳng hạn, đều bị Đảng “đì” cho không “ngóc đầu lên được”, cuộc đời của những trí thức tỉnh táo này, coi như “điêu tàn” từ đó...
Ngày nay, để củng cố chế độ độc tài Đảng trị, những “ông chủ” của bầy cừu, một mặt ra sức “đúc” thêm những loại “bánh vẽ” mới, như là “định hướng XHCN” chẳng hạn, hay xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” cũng thế, mặt khác, tìm cách “cấy gien” tạo ra một “giống cừu” mới, cái “giống cừu” mới này - mà chị Hoài đã không muốn nói thẳng ra, chỉ “nói bóng (đá cao cấp) nói gió” thôi -, mình đặt tên cho là “giống cừu cao cấp”!
“Đàn cừu cao cấp” này ra đời từ tầng lớp gọi là “trí thức XHCN” (được học hành dưới “mái trường XHCN” ở trong nước hoặc ở các nước XHCN Đông Âu cũ, ngày nay có thể được đào tạo kiến thức ở các nước Phương Tây nhưng rất mực trung thành với ĐCSVN, phần lớn là con cháu của những người cộng sản “đại gia”), có rất nhiều thuộc tính “quái đản” (cho “sành điệu”, phù hợp với thời đại), mà trong số đó, mình có thể nêu ra đây một vài thuộc tính như thế này:
- Lạc quan vô tận: họ có một niềm tin tưởng sắt đá là “tất cả mọi sự tốt đẹp bao giờ cũng ở phía trước”. Tức là vẫn phải “ăn bánh vẽ” dài dài!
- Nói một đường làm một nẻo: (Ăn) bám theo lề là việc của con cừu, ta đây là “con người tự do” không “(ăn) bám”, chỉ nhận nhà chục tỉ, làm giám đốc (ăn lương) cao cấp thôi!
- Có thể biến hóa thành “đàn sói cao cấp”: sau một thời gian “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn to đẹp hơn”, họ có thể biến thành những “ông chủ” của “bầy cừu im lặng”, kể cả “đàn cừu cao cấp”, để duy trì và củng cố chế độ độc tài toàn trị của ĐCSVN thành “muôn năm”.
- Không tỉnh táo: vì “ăn mãi ngàn năm” cái thứ “bánh vẽ” của ĐCSVN, nên đã hình thành “phản xạ vô điều kiện” trong tư duy (bằng tiếng Đảng đẻ) là “chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của Đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước”.
Nói tóm lại, ở Việt nam hiện nay, vì “bầy cừu”, mà cụ thể là “đàn cừu cao cấp”, vẫn “im lặng ngàn năm” bám theo lề phải để nhai “bánh vẽ” của Đảng, nên cái sự mong mỏi văn minh cho xã hội Việt Nam ta, dường như mãi mãi chỉ là... “mong mỏi để đấy” mà thôi!
Bởi vì, muốn thay đổi, rất cần sự tỉnh táo, cho “bầy cừu bám lề”, và nhất là, cho “đàn cừu cao cấp”...
Nhưng, cha nội này, ngay từ thời “bùng nổ” của internet, đã có biết bao những sự đánh thức khỏi cái sự “ăn mãi bánh vẽ ngàn năm”cơ mà, như “những đánh thức” của các trang mạng talawas, tienve.org, ... chẳng hạn, “bầy cừu” vẫn không “thức tỉnh” à?
Thì thế, “bầy cừu Việt Nam” mà “thức tỉnh”, đã không nên chuyện! Phải không?! Mình đã chẳng phải viết... mỏi cả tay cái bài này! Khổ lắm, cái nước (bọt) mình nó thế! Chuyện Việt Nam... nghĩ còn nhiều việc, nói mãi không hết đâu!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"