Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Thấy gì qua việc bắt GS. Hồng Lê Thọ chủ nhân blog Người Lót gạch?

Kami
Tin nhà nước Việt nam tiến hành bắt GS. Hồng Lê Thọ là điều hoàn toàn bất ngờ đối với nhiều người, kể cả bạn bè của Giáo sư, đặc biệt là đối với những ai quan tâm theo dõi tin tức trên mạng qua các blog tiếng Việt. Cũng có lẽ vì blog Người Lót gạch của GS. Hồng Lê Thọ cũng chỉ là một blog điểm tin khá khiêm tốn, nói đúng là không có nhiều người biết đến blog này. Hơn nữa trong bầu không khí chính trị Việt nam được cho là khá cởi mở trong quan hệ với Phương Tây như hiện nay thì đây là một điều khiến người quan tâm hết sức hoài nghi.
Những ai đã từng đọc blog Người Lót gạch, có lẽ đều có nhận xét đây đúng là một nhật ký cá nhân của một người quan tâm đến các tin tức chính trị, là nơi tổng hợp tin tức chính trị với các bài viết đáng chú ý của cả truyền thông nhà nước và ngoài luồng. Với bố cục của blog có phần hơi lộn xộn, với đủ các loại fonts chữ và độ to nhỏ khác nhau, có thể nói là thiếu sự chăm chút về mặt thẩm mỹ, (đây cũng là đặc trưng cho các chơi blog của những bloggers người Việt có tuổi). Nói điều đó để cho thấy việc sử dụng blog Người Lót gạch của GS. Hồng Lê Thọ hoàn toàn mang mục đích là nhật ký cá nhân để đọc và lưu trữ tin tức. Chứ tác giả không hề coi trọng mục đích tuyên truyền chống nhà nước như lý do bắt giữ của cơ quan an ninh cho rằng vì đã "công bố trên mạng internet những bài viết có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm suy yếu uy tín và niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước, với các tổ chức xã hội, với các công dân, thể theo điều 258 bộ luật hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Được biết GS. Hồng Lê Thọ là một Việt kiều Nhật bản đã hồi hương - Nguyên Tổng Thư Ký Tổ Chức Người Việt Tại Nhật Bản Đấu Tranh Cho Hòa Bình Và Thống Nhất Đất nước (BEHEITO). Đây là một tổ chức của Sinh viên Miền Nam VN tại Nhật trước năm 1975, với thái độ không công nhận chính quyền Sài Gòn, đồng thời đấu tranh trực diện với các chính sách xâm lược của Mỹ và chế độ VNCH ở Nhật Bản trong suốt nhiều năm cho đến ngày kết thúc chiến tranh ở VN năn 1975. Mà đỉnh cao là cuộc đấu tranh quyết liệt 50 ngày đêm cùng với những đoàn thể phản chiến khác tổ chức chặn xe tăng, không cho lên tàu sang chiến trường Việt Nam trước căn cứ Sagamihara (Yokohama) vào tháng 8 năm 1972. Sau năm 1975, GS. Hồng Lê Thọ đã từng làm việc tại Tòa Đại sứ Việt nam tại Nhật bản 4 năm trước khi hồi hương về sinh sống và kinh doanh ở Việt nam. Những năm gần đây, trong mắt bạn bè thì GS. Hồng Lê Thọ là một trí thức giàu lòng yêu nước, thích đồng thuận và không thích đấu tranh. Thậm chí theo ông André Menras - Hồ Cương Quyết cho biết thì "Anh không thích những cơn sóng lớn. Anh không bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc biểu tình phản đối người Tàu xâm lăng nơi biển đảo. Cho dù các cuộc biểu tình đó bị cấm hoặc được phép hoặc được nhà cầm quyền điều khiển từ xa thì anh cũng không tham gia.". Điếu đó cho thấy, việc có người cho rằng "Thiệt là trớ trêu: Ông Hồng Lê Thọ đã từng chống Mỹ cứu... đảng, rồi nay chống đảng... cứu nước" là điều hoàn toàn không có căn cứ.
Vậy vì sao chính quyền chọn bắt GS. Hồng Lê Thọ vào thời điểm này là câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra? Nhất là vào thời điểm được người ta cho là tương đối thoải mái đối với những người tranh đấu cho dân chủ hay các nhà báo, các bloggers tự do. Khi mà có nhiều biểu hiện về sự thỏa hiệp và ngả về phương Tây của Đảng CSVN có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Việt - Mỹ được đánh giá là khá sáng sủa và quan hệ Việt - Trung cũng có phần bớt "nồng ấm" so với trước. Bằng chứng là việc chính quyền liên tiếp thả trước thời hạn hoặc trục xuất một số tù chính trị. Cũng có người thẳng thắn đặt câu hỏi tại sao có nhiều người trong giới báo chí và bloggers lề trái "đáng" bị bắt hơn GS. Hồng Lê Thọ mà vẫn ung dung tồn tại. Và nhiều ý kiến thì cho rằng đây là động thái của nhà nước nhằm dọn đường cho việc đàn áp Hội Nhà báo Độc lập và bắt giữ TS. Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội.
Theo thông cáo của Cổng thông tin điện tử Bộ công an cho biết, căn cứ vào tin tố giác của quần chúng, vào hồi 10.30 đêm ngày 29/11/2014, cơ quan an ninh điều tra TP.HCM đã ‘bắt quả tang’, sau đó "khám xét khẩn cấp" và bắt giam ông Hồng Lê Thọ – chủ trang blog Người Lót Gạch. Điều đó cho thấy chủ đích của việc bắt giữ GS. Hồng Lê Thọ của cơ quan công an là việc làm có vấn đề, đáng chú ý là các bắt người, thay vì bắt khẩn cấp đối tượng như lệ thường thấy trong việc bắt giữ các blogges từ trước đến nay. Thì lần này cơ quan công an đã dùng cách khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với GS. Hồng Lê Thọ, điều đó có nghĩa là đến lúc này họ còn để ngỏ cửa cho việc sẽ quyết định truy tố hoặc trả tự do cho GS. Hồng Lê Thọ trong những ngày tới đây.
Nếu kết hợp việc này với việc GS. Hồng Lê Thọ hiện vẫn mang Quốc tịch Nhật bản, lại diễn ra trong bối cảnh nhà nước Việt nam đã và đang có xu hướng thỏa hiệp với các nước Phương Tây, đặc biệt là Hoa kỳ trong vấn đề nhân quyền, quyền tự do của công dân là điều mang rất nhiều ý nghĩa. Đặc biệt sự việc bắt giữ GS. Hồng Lê Thọ, xảy ra trước ngày khai mạc Hội nghị TW 10 sắp tới với hàng loạt các động thái đấu đá giữa phe cải cách và phe bảo thủ. Một số việc như vụ thu hồi tài sản của Tổng thanh tra Chính Phủ Trần Văn Truyền, hay việc thay Bí thư Thành ủy Hải phòng Nguyễn Văn Thành trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 chỉ còn gần một năm là điều khá bất thường. Nên nhớ thành phố Hải phòng là địa bàn ứng cứ ĐBQH của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Qua những phân tích nói trên cho thấy, việc bắt GS. Hồng Lê Thọ là một toan tính chiến thuật hoàn toàn mang ý nghĩa chính trị, nhằm chuyển đi một thông điệp khẳng định rằng, mọi ý nghĩ cho rằng sẽ có các cải cách mạnh mẽ của phái cấp tiến, kể cả cải cách thể chế như thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là điều "viển vông". Qua đó muốn cho dư luận thấy rằng, kể cả với đà tiến triển và sự thỏa hiệp của nhà nước Việt nam nhằm cố gắng ký kết được hiệp định TPP hay vấn đề nỗ lực cải thiện quan hệ bang giao với Hoa kỳ trong thời gian qua thế nào, thì việc bắt blogger và đàn áp tự do ngôn luận sẽ vẫn không thay đổi. Và các tù nhân lương tâm được sử dụng như một món hàng để thương lượng, khi cần thiết chúng tôi vẫn cứ bắt và cần chúng tôi sẽ thả. Điều đó tùy thuộc vào mối bang giao quốc tế. Đồng thời quan trọng nhất là thông điệp đó cho thấy, đồng chí X không phải là người làm chủ cuộc chơi trong lúc này như dư luận đánh giá, cũng là điều nhiều người tin là như vậy.
Vậy tại sao người ta chọn bắt GS. Hồng Lê Thọ mà không phải là những đối tượng cộm cán và nguy hiểm hơn trong vấn đề tự do ngôn luận và tự do báo chí? Cụ thể như là TS. Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức XHDS trái phép lại mang tính đối lập. Không thì ít ra cũng phải là một trong những blog nổi bật mang tính truyền bá thông tin và thường xuyên đăng bài "nhạy cảm" hơn blog Người Lót Gạch của GS. Hồng Lê Thọ mà ai cũng dễ dàng biết đến?
Câu trả lời là: Nếu trong trường hợp bắt TS. Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập là cả một vấn đề, vì bắt TS. Phạm Chí Dũng là động chạm tới các vấn đề trầm trọng như: tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do lập Hội. Đây là những vấn đề hết sức nhạy cảm trong vấn đề nhân quyền mà các nước Phương Tây hết sức quan tâm. Nếu quyết định bắt TS. Phạm Chí Dũng thì buộc chính quyền phải truy tố, xét xử với bản án khá nặng chứ không thể tha bổng. Điều đó có nghĩa là bắt TS. Phạm Chí Dũng là chuyện dễ, nhưng việc thả TS. Phạm Chí Dũng (việc trước sau cũng phải thả trước áp lực của Hoa kỳ và Phương Tây trong tương lai) là việc vô cùng khó. Việc bắt TS. Phạm Chí Dũng chỉ xảy ra khi chính quyền ra tay đán áp thẳng thừng các tổ chức XHDS mang hơi hướng đối lập với chính quyền. Thời điểm hiện tại chưa phải là lúc để nhà nước Việt nam làm điều đó.
Do vậy việc tạm giữ hình sự một trí thức người Nhật gốc Việt đang ở trong tình trạng sức khỏe kém với tội danh "công bố trên mạng internet những bài viết có nội dung xấu, thông tin sai lệch, làm suy yếu uy tín và niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước" là một tính toán cao kiến của họ. Đặc biệt là trong việc chọn bắt một trí thức nổi tiếng, mang quốc tịch nước ngoài nhưng là một chủ blog không mấy tên tuổi và hầu như không gây những điều nguy hại đáng kể. Điều đó có người cho rằng vô tình GS. Hồng Lê Thọ bị vào tầm ngắm của chính quyền, vì hội đủ nhiều tiêu chuẩn để cho họ biến thành một vật tế thần. Vì đã nói là hành động chiến thuật, cho nên giam giữ GS. Hồng Lê Thọ trong thời gian bao lâu là tùy, chỉ cần kéo dài thời gian tạm giữ để điều tra theo đúng như Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Khi con bài đã hết tác dụng thì chỉ cần công bố một quyết dịnh cảnh cáo để trả tự do là kết thúc được vấn đề.
Tất nhiên mọi phân tích ở đây phải ngoại trừ trường hợp GS. Hồng Lê Thọ có các hành động vi phạm pháp luật khác mà người ta "chưa tiện" công bố. Đây là điều rất có thể xảy ra, kiểu như trong quá khứ đã có các vụ trốn thuế hay hai bao cao su đã qua sử dụng. Nhưng theo ông Đinh Kim Phúc, một chuyên gia nghiên cứu biển Đông cho biết về GS. Hồng Lê Thọ là: "Con người anh rất là khẳng khái, cái gì đúng anh bảo vệ tới cùng, cái gì sai thì phê phán. Không phải bất cứ người nào công kích chính phủ Việt Nam hiện nay anh đều hùa theo mà anh có lý lẽ riêng. Tất cả đều phải bắt đầu bằng sự trung thực, không nhằm vào mục đích lật đổ chế độ hay tấn công một cá nhân nào." thì cho thấy khả năng này ít có thể xảy ra
Chỉ việc thông tin về vụ bắt giữ GS. Hồng Lê Thọ được công bố nhanh chóng duy nhất trên trang web của Bộ Công an, và từ đó cho đến hôm nay không có bất kỳ phương tiện truyền thông nào của nhà nước Việt Nam đăng tải thông tin về vụ bắt giữ này là điểm khá bất thường. Điều đó cho thấy việc bắt giữ GS. Hồng Lê Thọ là bài toán có nhiều ẩn số, chứ hoàn toàn không phải là chuyện bình thường như chúng ta nghĩ.
Ngày 03 tháng 12 năm 2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"