Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Im lặng hay lên tiếng?

Lâm Bình Duy Nhiên
hoduyhai
Cuối tuần, khi xem lại những thông tin về vụ án Hồ Duy Hải, chợt nhớ đến câu nổi tiếng của George Orwell trong tác phẩm 1984“During times of universal deceit, telling the truth becomes a revolutionary act – Trong thời đại của sự lừa dối phổ biến, nói lên sự thật trở thành một hành động cách mạng”.
Không khó nhận ra rằng xã hội Việt Nam đã và đang bị bao trùm bởi một nỗi khiếp sợ. Khi sự lừa dối bệnh hoạn đang hoành hành, ngự trị trong mọi ngóc ngách của chính bộ máy cầm quyền và đã trở thành một đặc tính gắn liền với chế độ, thì hơn bao giờ hết, đấu tranh cho Sự thật, cho Công lý trở nên một hành động cần thiết và cấp bách của lương tri. Vượt lên trên nỗi sợ hãi, sự khủng bố của cả một chế độ độc tài, thâm hiểm là điều không đơn giản vì những hậu quả khôn lường mà nó mang đến. Nhưng im lặng có nghĩa là đồng loã, là bắt tay với chính chế độ ấy và một cách gián tiếp, hợp thức hoá cái độc quyền điều hành đất nước của họ, cố tình nhắm mắt quên đi những tội lỗi, những sai lầm tai hại đã đẩy đưa dân tộc đến bờ vực thẳm.
Chỉ có hai sự chọn lựa: im lặng hay lên tiếng. Im lặng, mặc kệ cho diễn biến thời cuộc, cho tương lai của dân tộc, cho chính các thế hệ mai sau hay lên tiếng, dẫu biết mình chỉ là thiểu số, đương đầu với hiểm nguy, nhằm mong mỏi xây dựng một đất nước tự do và dân chủ. Mỗi quyết định đều để lại những hậu quả nặng nề nhưng lương tâm luôn hướng về lẽ phải, về công bằng, về khát vọng được Sống trong một xã hội thực sự dân chủ và bác ái.
Những tiếng nói can đảm trong và ngoài nước, dám công khai trực diện đấu tranh chống cường quyền chính là niềm hy vọng bất tử cho tiền đồ tươi đẹp của dân tộc. Bất chấp hiểm nguy, gạt bỏ những tư lợi cá nhân, dấn thân theo những lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng đánh đổi tuổi xuân cho vòng lao lý…đó chính là hành động cách mạng thiêng liêng cần có!
Người cộng sản vốn muốn sở hữu hóa từ “Cách mạng” thiêng liêng, như thể chỉ có họ mới là những người có đặc quyền làm cách mạng! Nếu mỗi công dân Việt Nam đều dám đứng lên, chỉ đơn giản để tố cáo cái xấu, bảo vệ sự thật, tố cáo kẻ bạo quyền, bênh vực người vô tội, vạch trần bản chất hèn nhát của nhà cầm quyền…thì chắc chắn đó sẽ là một làn sóng Cách mạng khủng khiếp, dư sức cuốn trôi cái chế độ độc tài đang thoi thóp trước sự bất bình ngày càng dâng cao của công luận.
Bất cứ một dân tộc nào cũng có những giây phút thăng trầm trong lịch sử và sẽ trưởng thành, vững mạnh hơn, tiến bộ hơn nếu vượt qua được những giai đoạn đau thương đó. Việt Nam cũng sẽ không là một ngoại lệ. Và dẫu có muốn kìm hãm bằng bạo lực, tù tội, cực hình…nhưng không một chế độ độc tài nào trong lịch sử nhân loại có thể tiêu diệt tận gốc những tiếng nói phản kháng, kiên cường, yêu nước, nẩy mầm và được vun đắp trong các tầng lớp nhân dân đang bị áp bức.
Phải lên tiếng, phải hành động, không thể phó thác, bỏ mặc đất nước cho một chế độ, cho một đảng phái đã đi ngược lại ý nguyện của dân tộc!
Đơn giản, vì đó chính là lương tâm và là bổn phận của một công dân trước vận mệnh của Tổ quốc!
6/12/2014
Lâm Bình Duy Nhiên

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"