Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Giải pháp cứu tử tù Hồ Duy Hải

Nguyễn Tường Tâm
Luật gia

"Bất công đối với người khác là đe dọa cho công lý của chính ta."
Nguyễn Tường Tâm (luật gia)
Trước tiên gia đình nạn nhân Hồ Duy Hải và công luận quan tâm cần cám ơn luật sư Trần Văn Tạo, cựu Phó Giám Đốc Sở Công An TP/HCM, người đã tin tưởng ở dư luận nên viết thư gửi Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang xin hoãn thi hành án tử và cho xét xử lại và được Chủ Tịch Nước đáp ứng. (1)
Dĩ nhiên gia đình nạn nhân Hồ Duy Hải và những người quan tâm cũng cần cám ơn giới truyền thông, báo chí, các bloggers ... đã quan tâm lên tiếng mạnh mẽ báo động tình trạng oan sai của vụ án Hồ Duy Hải.
Trong mấy ngày mới đây (kể từ 9/12), tình hình thuận lợi cho Hồ Duy Hải có vẻ tiến triển (Văn phòng Phó Thủ tướng đã vào cuộc yêu cầu Viện Kiểm sát xem lại bản án và 21 tổ chức xã hội dân sự đã lên tiếng ủng hộ) (2).
Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải vẫn cần thận trọng, không nên quá tin tưởng vào những điều nhà cầm quyền hứa hẹn mà thiếu cương quyết và sáng suốt trong kế hoạch phá án cho Hồ Duy Hải. Bởi thế giải pháp được bàn dưới đây vẫn cần thiết. Và nhất là giải pháp sắp bàn rất hữu ích cho gia đình hai tử tù Hàn Đức Long (3) và Nguyễn Văn Chưởng (4).

Qua phân tích tình hình, một số nhận định sau đây cần được nêu lên để xem xét:
1-Tử tù Hồ Duy Hải đã được tạm đình xử tử nhờ dư luận qua sự quảng bá, vận động của giới truyền thông (mọi hình thức).
2- Tuy nhiên, qua tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 4/12/2014 của Thẩm Phán Phó Chánh Án Lê Quang Hùng, người ta thấy Tòa Án tỉnh Long An cương quyết duy trì bản án không căn cứ và quyết thi hành án tử đối với Hồ Duy Hải sau ngày 4/1/2014. (xem bài Nguyễn Tường Tâm - Tử tù Hồ Duy Hải khó thoát bị hành hình ở trang mạng Dân Luận (5)
3- Việc bắt khẩn cấp Hồ Duy Hải là hoàn toàn bất hợp pháp vì Quyết định của Viện Kiểm Sát tỉnh Long An phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp số: 03 ngày 21 tháng 03 năm 2008 của Cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Long An là bắt Nguyễn Duy Hải sinh ngày 06/7/1985 chứ không phải bắt Hồ Duy Hải (6).
4- Bản án tử hình Hồ Duy Hải hoàn toàn dựa trên bản nhận tội nhưng Hội đồng xét xử đã không thực hiện những chất vấn đáng lẽ phải thực hiện khi nghi can nhận tội, ví dụ: Nghi can có bị tra tấn ép cung không? Nghi can có bị ai hướng dẫn hứa hẹn nếu nhận tội sẽ được án nhẹ hay miễn khởi tố không? và còn nhiều câu hỏi nữa mà Hội đồng xét xử đáng lẽ phải thực hiện khi nghi can nhận tội).
5- Hơn nữa, trước tòa bị can đã phản cung, kêu oan và nói: “chỉ khai nhận tội giết người chứ không thực hiện hành vi giết người” và chỉ khai do nghe được lời đồn từ bên ngoài; lúc trước tòa chỉ khai theo bản cáo trạng, bản cáo trạng khai sao thì khai lại như vậy" (7) Nhưng hội đồng xét xử đã không xem xét lời phản cung trước tòa này, là lời khai có giá trị nhất về phương diện pháp lý. Đáng lẽ hội đồng xét xử phải hỏi nghi can tại sao lại phản cung như vậy? Trong lời nhận tội do cơ quan điều tra chuyển sang tòa nghi can có bị tra tấn ép buộc hay hướng dẫn không?
6- Ngoài lời "thú tội" ở cơ quan điều tra, không có giá trị pháp lý (vì đã bị nghi can phản cung mà không được hội đồng xét xử cứu xét.), không có một bằng chứng nào khác chứng tỏ nghi can có mặt tại hiện trường chứ đừng nói là phạm tội.
7- Ngoài ra còn có những dấu tay tại hiện trường chứng tỏ kẻ gây án là một người khác chứ không phải là nghi can Hồ Duy Hải.
8- Phối hợp hai điều (6) và (7), chúng ta có được hai điều cơ bản để phá án như sau: Không có bằng chứng chứng tỏ Hồ Duy Hải mặt tại hiện trường, và có bằng chứng hung thủ là một kẻ khác. Nói cách khác, đó là hai điều kiện CẦN VÀ ĐỦ chứng tỏ Hồ Duy Hải HOÀN TOÀN VÔ TỘI chứ không còn nghi ngờ gì nữa. Hơn nữa, theo nguyên tắc cơ bản của hình luật, cho dù hội đồng xét xử vẫn còn nghi ngờ Hồ Duy Hải là thủ phạm (nhưng không có chứng cớ) thì vẫn phải tuyên bố tha bổng.
9- Hồ Duy Hải đã chỉ dám phản cung và kêu oan chứ không dám khai đã bị tra tấn bức cung. Mẹ của Hồ Duy Hải, trong các đơn kêu cứu cũng không dám nêu sự kiện con bà bị tra tấn tàn bạo và bị ép cung. Đây là một sai lầm trầm trọng về pháp lý của bị can và gia đình khi muốn phản cung, có lẽ vì sợ không dám tố cáo công an tra tấn và ép cung. Trong diễn biến sắp tới, bị can và gia đình cần tránh sai lầm này mà phải cương quyết nêu lên sự kiện bị tra tấn và ép cung.
Từ những nhận định trên, đại cương phương án đề nghị sắp tới sẽ như sau:
1- Mẹ của Hồ Duy Hải và chính bản thân Hồ Duy Hải phải cương quyết phá án bằng cách tố cáo Công An tỉnh Long An đã tra tấn, bức cung Hồ Duy Hải bởi vì chính sự tra tấn và ép cung đã là nền tảng của bản án tử hình.
2- Tranh thủ sự tiếp tục ủng hộ của công luận trong nước và quốc tế.
Kế hoạch hành động cụ thể:
1- Để thực hiện phương án trên, mẹ Hồ Duy Hải phải là người đứng mũi chịu sào, tức đứng đơn kiện Công An tỉnh Long An và tố cáo trước tòa việc Hồ Duy Hải bị tra tấn, bức cung. Không luật sư nào dám làm hai chuyện này, vì theo luật pháp hiện nay các luật sư đều sợ bị truy tố về tội vu cáo Công an.
2- Gia đình Hồ Duy Hải và chính Hồ Duy Hải cần nạp đơn kiện công an Tỉnh Long An đã tra tấn và ép cung (đơn kiện có thể tự nạp để tránh cho luật sư bị áp lực của công an). Vụ kiện này sẽ hổ trợ đơn khiếu nại giám đốc thẩm bản án tử hình.
3- Mẹ của Hồ Duy Hải phải làm đơn xin cùng đứng với các luật sư bênh vực cho con mình, để có thể tự nêu lên vấn đề Hồ Duy Hải bị tra tấn, ép cung, mà các luật sư không dám nêu lên.
4- Mời thêm luật sư Trần Văn Tạo cùng với hai luật sư Trần Hồng Phong và Nguyễn Văn Đạt, là hai luật sư đã tận tâm trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tham gia phá án.
5- Kết hợp với thân nhân của hai tử tù Hàn Đức Long và Nguyễn Văn Chưởng đến các cơ quan trung ương (Quốc Hội, Chính Phủ, Tòa Án Tối Cao) nạp đơn kêu oan và có các người đi theo chụp hình, quay phim đưa lên mạng cập nhật tin tức cho công luận biết. Mặc dù đã được Chủ Tịch Nước cũng như Phó Thủ Tướng quan tâm nhưng gia đình vẫn cần tiếp tục vận động dư luận trong và ngoài nước hổ trợ.
6- Lập một văn phòng có người chuyên phụ trách liên lạc với các tổ chức trong và ngoài nước để liên tục vận động. Nhất là trong trường hợp sau này Hồ Duy Hải hoặc vẫn bị án tử hoặc chỉ được giảm án, thì việc vận động dư luận trong và ngoài nước để đòi xóa án là điều cần thiết. Người điều hành, phối hợp công tác phải là người rất thân thiết, và có khả năng, nhiệt tình. Người bí mật phối hợp mọi công tác trong hậu trường này rất quan trọng.
7- Lập một danh sách có số phone, địa chỉ email của các nhân vật, các tổ chức cần liên lạc. (dưới đây tôi sẽ cung cấp một số địa chỉ).
8- Lập một quĩ xin đồng bào trong và ngoài nước trợ giúp tài chánh để theo đuổi vụ kiện. Sự ủng hộ quĩ này quan trọng về mặt dư luận nhiều hơn là mặt tài chánh (dĩ nhiên mặt tài chánh cũng quan trọng.) Một khi quĩ được thành lập, tôi xin góp sơ khởi $100 đô la Mỹ. Tôi nghĩ đồng bào trong và ngoài nước sẽ giúp đỡ nhiều bởi vì sự thắng lợi của vụ án oan sai do tra tấn, ép cung sẽ giúp mở đường chấm dứt tình trạng công an đánh chết người như lâu nay.
9- Trong đơn khởi tố Công An tỉnh Long An đã tra tấn, ép cung Hồ Duy Hải, mẹ của Hồ Duy Hải cần yêu cầu hai điều sau đây để cuộc điều tra công an tra tấn và ép cung được sáng tỏ: (1) Yêu cầu chuyển Hồ Duy Hải sang giam tại Công An tỉnh lân cận để tránh tiếp tục bị tra tấn trả thù, (2) Yêu cầu được cùng luật sư viếng thăm Hồ Duy Hải mà không có sự giám sát của công an để mẹ Hồ Duy Hải và luật sư thu thập đầy đủ chứng cứ Hồ Duy Hải bị tra tấn và ép cung.
Hoạt động trước tòa:
1- Hồ Duy Hải phải nhất mực khai như đã phản cung trong hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Nhưng lần này cần khai rõ đã bị tra tấn ép cung buộc nhận tội chứ bản thân không phạm tội, và cũng chỉ biết nội vụ qua báo chí, nên khi bị đánh đau quá thì khai theo như trong báo để khỏi bị chết trước khi ra tòa, với hy vọng ra trước tòa sẽ khai lại.
2- Mẹ của Hồ Duy Hải cũng phải quyết tâm nêu vấn đề con bà bị tra tấn dã man buộc nhận tội (các luật sư không ai dám biện hộ theo dữ kiện Hải đã nhận tội vì bị tra tấn ép cung).
3- Trước tòa, cả Hồ Duy Hải lẫn mẹ đều không cần nói nhiều. Chỉ cần dõng dạc, lớn tiếng khai báo việc bị Công An tra tấn ép nhận tội mà thôi. Các dữ kiện khác để luật sư trình bày.
Nguyễn Tường Tâm
_________________________________________________
Tham khảo:
(1) http://www.voatiengviet.com/content/vu-tu-tu-ho-duy-hai-gia-dinh-se-tiep-tuc-keu-oan/2546997.html : Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Gia đình sẽ tiếp tục kêu oan
Dưới đây là danh sách một số các cơ quan báo chí và tổ chức trong nước và quốc tế cần liên lạc:
1- Các đài quốc tế: VOA, RFA (Á châu tự do), và BBC
2- Hội đồng quốc về vì nạn nhân tra tấn (International Rehabilitation Council for Torture Victims - IRCT): IRCT.org (Facebook: https://www.facebook.com/irct.org)
IRCT Brussels Liaison Office (Email: hdr@irct.eu)
3- Hiệp hội Quốc tế phòng chống tra tấn (APT: Association for the prevention of torture): http://www.apt.ch (email: apt@apt.ch)
4- Tổ chức thế giới chống tra tấn (OMCT: World Organisation Against Torture: http://www.omct.org/ [email: omct@omct.org]
5- Ân xá Quốc tế (Amnesty International): www.amnesty.org
6- Tổ chức chống tra tấn và hình phạt tử hình FIACAT (http://www.fiacat.org/)
7- Văn phòng cao ủy nhân quyền LHQ: OHCHR.org
8- © Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - Tầng 6, Tòa nhà 25T1, Khu N05, đường Hoàng Đạo Thúy, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Đường dây nóng: 0938.766.888 - 043.5569666; 043.5569777, Email: toasoan@giaoduc.net.vn
9-Báo điện tử Dân Trí:
Tòa soạn: Số 2 (nhà 48) Giảng Võ, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 04-3736-6491. Fax: 04-3736-6490
Email: info@dantri.com.vn. Website: http://www.dantri.com.vn
10- Nhật báo Người Lao Động (http://nld.com.vn/)
11- Nhật báo Người Việt (Hoa Kỳ): www.nguoi-viet.com
(email: toasoan@nguoi-viet.com [Nhà báo Ngô Nhân Dụng]
12- Nhà thờ Thái Hà: 180/2 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội
13- Các tổ chức xã hội dân sự, các bloggers.
14- Hai mươi mốt tổ chức xã hội dân sự ký tên vận động cứu Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng trên trang mạng bauxite
15- Và nhiều nhật báo lề phải khác ở trong nước.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"