Lê Diễn Đức
Winston Churchill, cựu Thủ tướng Anh quốc, có lần nói đùa nhưng rất
có lý rằng, “Dân chủ là mô hình dở nhất của một chính quyền, trừ tất cả
những mô hình được biết tới từ trước đến nay”.
Tức là Dân chủ không phải là một mô hình hoàn hảo, nhưng là liệu pháp
giải quyết tốt nhất mà nhân loại có được trong lịch sử của mình.
Nhìn nhận rõ nhất các giá trị dân chủ là những người đã từng trải qua
hệ thống phi dân chủ. Karl Popper (1902 – 1994), nhà triết học người
Áo, người đề xuất các ý tưởng về một xã hội mở trong đó sự bất đồng
chính kiến được chấp nhận và được xem như một tiền đề để tiến tới việc
xây dựng một xã hội hoàn thiện, viết rằng, “một ai đó từng sống trong
một mô hình quyền lực độc tài mà không thể loại bỏ nó nếu không đổ máu,
sẽ hiểu rằng, mặc dù dân chủ, không phải là hoàn thiện, nhưng nó tạo nên
một cái gì đó để suy nghĩ và xứng đáng chết vì nó”.
Tôi là người đã trải qua cả hai chế độ cộng sản ở Việt Nam và Ba Lan.
Tôi đã tới và trải nghiệm tự do dân chủ ở nhiều quốc gia như Đức, Pháp,
Úc, Canada hay Mỹ, là chứng nhân của sự sụp đổ chế độ cộng sản ở Ba Lan
(năm 1989) và chứng kiến tiến trình xây dựng dân chủ nhọc nhằn, khó
khăn nhưng thành công trên đất nước này qua 25 năm nay. Vì thế tôi là
người hiểu biết và trân trọng các giá trị dân chủ, mà theo tôi, trước
hết là quyền được bầu cử tự do, báo chí truyền thông tự do và nhà nước
được tạo nên trên nền tảng của các định chế có khả năng kiểm soát trật
tự xã hội.
Dân chủ là số đông, dù không nhất thiết đồng ý, nhưng phải biết tôn
trọng chính kiến của thiểu số còn lại. Bởi vì dân chủ được xây dựng trên
hệ thống của các lập trường, quan điểm đối nghịch nhưng song song là sự
thoả hiệp.
Trong chế độ dân chủ, các đảng phái hoặc tổ chức chính trị, ít nhất
hai, tranh giành quyền lực nhà nước, cạnh tranh nhau bằng các chương
trình, mà xã hội thông qua lá phiếu cử tri uỷ nhiệm cho họ quyền quản
trị điều hành đất nước.
Trong trường hợp, không một đảng chính trị nào đạt được đa số tuyệt
đối số phiều bầu, hoặc đa số ghế trong quốc hội, một chính phủ liên minh
sẽ được thành lập với sự tham gia của đối thủ. Tuy nhiên, tiếng nói
quyết định cuối cùng sẽ thuộc về đảng mạnh hơn.
Hans Kelsen (1881-1973), một nhà luật học người Mỹ gốc Áo nói rằng,
“Dân chủ, không thể chối cãi và chắc chắn, là một nhà nước đảng trị”. Có
nghĩa rằng, các đảng phái chính trị thực thi vai trò tổ chức cũng như
chuyển tải ý nguyện chính trị của nhân dân, đồng thời là trung gian giữa
nhân dân với các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, sự tranh đua các mục đich chính trị không loại trừ khả
năng tìm kiếm giải pháp chung. Dân chủ đặt ra sự tranh đua, nhưng không
phải tranh đua cho bản thân nó. Logic của thể chế đòi hỏi sự sáng suốt
xây dựng sự thoả hiệp. Không có sự thoả hiệp và đồng thuận về lập
trường, nhiều khi chỉ là sự bắt buộc phải chấp nhận nó ở vị thế thiểu
số, sẽ không thể vận hành được bộ máy dân chủ. Diễn đàn nằm trong khuôn
khổ các định chế dân chủ để tìm kiếm sự thoả hiệp giữa các đảng phái
chính trị chính là quốc hội đa đảng. Dân chủ khác biệt với các thể chế
không dân chủ là, sự thoả hiệp trong nó không chỉ là khả năng có thể mà
còn là sự mong muốn.
Leszek Kolakowski (1927 – 2009) người Ba Lan, một trong số ít các nhà
triết học của Đông Âu giành được sự thừa nhận ở đỉnh cao tri thức ở
châu Âu và thế giới, nói rằng, “Dân chủ là một công cụ chuyển tải những
cuộc xung đột giữa các cá nhân và cho phép giải quyết, đôi khi thậm chí
loại bỏ, đôi khi làm suy yếu đi, mà không cần sử dụng bạo lực”.
Những người tham gia các cuộc tranh luận xã hội, cần phải có ý thức
tôn trọng chính kiến khác mình. Điều này sẽ tạo ra nên sự hài hoà, ổn
định trật tự và kìm hãm những cảm xúc xã hội cực đoan. Các chế độ độc
tài ở mọi nơi luôn luôn gạt bỏ sự thoả hiệp và tiêu diệt khả năng phát
triển của các khuynh hướng chính trị khác ngoài khuynh hướng mà chúng
định hướng.
Việt Nam hiện nay nằm trong hệ thống chính trị độc đảng cầm quyền của
Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), không có lực lượng đối lập trong quốc
hội. Đây là một nền cai trị hoàn toàn áp đặt, không có sự lựa chọn tự do
của cộng đồng xã hội. Không một khuynh hướng chính trị nào khác ngoài ý
thức hệ Mác-Lenin chen chân được vào quốc hội. Cho nên tất cả các kỳ
họp của cái gọi là “quốc hội” bao giờ cũng “thành công tốt đẹp” và các
chủ trương, chính sách đạt đồng thuận đến hơn 90%.
Trong một bối cảnh như thế, đi tìm một biểu tượng chung cho Tổ quốc
Việt Nam, thậm chí cho phong trào tranh đấu dân chủ là chưa đúng thời
điểm.
Hiện nay đã hình thành một số nhóm dân sự trong nước, như Hội Phụ nữ
Nhân quyền, Hội Cựu Tù binh Lương tâm, Con đường Việt Nam, Hội Anh em
Dân chủ, Hội Nhà báo Độc lập, Hội NO U – FC, v.v… Mỗi hội, nhóm đều có
logo riêng, thể hiện đường lối, tiêu chí hoạt động của mình. Tuy nhiên
những hoạt động của các hội, nhóm này đang trong bước khởi đầu, rất manh
mún, chưa đủ mạnh để thu hút một phong trào xã hội rộng lớn trên bình
diện cả nước, nên logo chỉ dừng lại ở vị trí biểu tượng của nhóm ấy mà
thôi.
Biểu tượng của phong trào tranh đấu xã hội thường tự nó nảy sinh từ
phong trào và mặc nhiên được thừa nhận, ví dụ như hoa Hồng ở Georgia,
màu Cam ở Ukraina, mảnh vải Jeans ở Belarus, hoa Lài ở Tunesia, hay cái
Dù ở Hông Kông…
Chọn lựa biểu tượng của Tổ quốc Việt Nam, ví dụ như lá cờ chẳng hạn,
lại càng khó hơn với một chiều dài lịch sử phức tạp, dường như triều đại
sau luôn xoá bỏ mọi biểu tượng của triều đại trước, chiến tranh Nam-
Bắc huynh đệ tương tàn, rồi cả nước bị đẩy vào vòng cai trị của ĐCSVN.
Do đó mọi sự chọn lựa hiện hay, cho dù lý luận như thế nào về sự ra
đời hay cội nguồn, cũng đều chỉ là của một thiểu số, không được nhân dân
ba miền của một nước Việt Nam thống nhất chọn lựa dân chủ thông qua một
quốc hội do dân bầu ra, hoặc thậm chí một cuộc trưng cầu dân ý. Vì thế
không thể nào áp đặt biểu tuợng của một thiểu số nào đó lên phần còn
lại. Mọi tranh cãi, cố lý giải cho khuynh hướng của mình đều mất thời
gian và không đi đến đâu.
Tuy nhiên, vì đấu tranh và mong muốn Việt Nam có một xã hội tự do dân
chủ và công bằng, từng nhóm thiểu số có quyền gìn giữ và trân trọng
biểu tượng của mình, thậm chí cả khi biểu tượng chung được lựa chọn dân
chủ mà không phù hợp với mong muốn riêng.
Dân chủ là một mục tiêu chung tối thượng, không thể vì biểu tượng nọ, logo kia của từng hội, nhóm thiểu số mà cản trở nó.
Dân chủ cũng là một sân chơi bình đằng và lành mạnh với những nguyên
tắc phổ quát bất di bất dịch. Chấp nhận dân chủ thì phải chấp nhận các
nguyên tắc ấy của luật chơi.
Dân chủ và tự do không buộc ai phải đứng dưới là cờ hay biểu tượng của một thiểu số nào trong cuộc đấu tranh.