Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Chớ ngây thơ khi nghĩ Tập Cận Bình chống tham nhũng để làm sạch bộ máy chính quyền

Mạnh Kim
Ảnh: Feng Li/Getty Images
Ánh đao loang loáng của Tập Cận Bình đang gây ra những cơn co quắp lạnh sống lưng khắp Trung Quốc. Chưa bao giờ kể từ thời Mao Trạch Đông mà Trung Quốc có một lãnh đạo dữ dội đến như vậy. Từ việc mạnh tay đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, xóa bỏ cam kết “một quốc gia, hai chế độ” đối với Hong Kong, tống tù hàng loạt nhân vật bất đồng chính kiến, thắt chặt kiểm soát thông tin, đến chiến dịch “chặt chém” hàng chục viên chức cấp cao dân sự lẫn quân sự dưới chiêu bài chống tham nhũng… Tất cả màn càn quét khốc liệt được thực hiện bên cạnh việc xây dựng hình ảnh một lãnh đạo gần dân và chiến dịch đánh bóng lãnh tụ “trên có Trời, dưới có Tập”.
Nói riêng về chiến dịch “chống tham nhũng”, sẽ là ngây thơ nếu tin Tập thật sự muốn làm trong sạch bộ máy chính quyền. Ba tháng trước khi Chu Vĩnh Khang được tuyên bố bị điều tra (29-7) và 8 tháng trước khi Chu chính thức bị bắt (5-12), Reuters đã đăng một phóng sự điều tra độc đáo, cho biết chiến dịch “bắt hổ” (đến nay là 55 nhân vật cấp cao, như Tân Hoa Xã loan bố vào tháng 10) thật ra là màn thanh trừng đối thủ chính trị để Tập đưa người thân tín vào thay. Một chiến dịch “Tập (Cận Bình) hóa” bộ máy chính quyền và hệ thống đảng.

Khoảng 200 viên chức từ tỉnh Chiết Giang, cứ địa mà Tập ngồi ghế bí thư từ 2002-2007, có thể được cất nhắc lên các vị trí quan trọng. Một trong những nhân vật được nhắc nhiều là Hạ Bảo Long (Xia Baolong), bí thư Chiết Giang, có thể được đưa vào vị trí cai quản Tân Cương trong năm nay hoặc năm sau; rồi vào Bộ chính trị năm 2017. Nhân vật nữa là Chung Thiệu Quân (Zhong Shaojun), cũng dân Chiết Giang, có thể được đưa vào Quân ủy trung ương. Năm 2013, Chung Thiệu Quân, vốn thuộc bên dân sự, bất ngờ được phong đại tá quân đội và nắm chức phó giám đốc Văn phòng Quân ủy trung ương. Nguồn tin của Reuters cho biết Chung Thiệu Quân (45 tuổi) có thể được phong chức thiếu tướng trong năm nay hoặc 2015.
Việc dùng lá bùa tham nhũng để yếm đối thủ chính trị là “văn hóa chính trị” của Trung Quốc. Hồ Cẩm Đào từng triệt Trần Lương Vũ (bí thư Thượng Hải) năm 2006 và Bạc Hy Lai (bí thư Trùng Khánh) năm 2012. Giang Trạch Dân cũng “đốn” ủy viên Bộ chính trị Trần Hy Đồng bằng cây búa “chống tham nhũng” năm 1995. Với Chu Vĩnh Khang, ông trùm an ninh một thời này lại chống Tập ra mặt. Chu Vĩnh Khang, theo Reuters, được tin là đã thực hiện chiến dịch nghe lén nhằm vào một số gương mặt cấp cao. Theo lệnh Chu, sếp an ninh Bắc Kinh Lương Khắc (Liang Ke) đã cài máy nghe trộm điện thoại của Thủ tướng Lý Khắc Cường và cả người tiền nhiệm Ôn Gia Bảo cùng gia đình và tùy viên của họ, vào thời điểm trước Đại hội đảng lần thứ 18 năm 2012 (tháng 2-2014, Lương Khắc đã bị bắt, tất nhiên với tội “tham nhũng”). Chu cũng được tin là chuẩn bị “công tác nhân sự” cho mai hậu khi nghỉ hưu bằng cách đưa Bạc Hy Lai lên ghế thủ tướng, “đá” Lý Khắc Cường xuống ghế chủ tịch Quốc hội.
Ba nguồn tin của Reuters nói thêm, Chu đã mua chuộc một nhân vật thân cận hàng đầu của Hồ Cẩm Đào - Lệnh Kế Hoa - để bày binh bố trận cho những âm mưu hậu trường. Kế hoạch mua chuộc được thực hiện bằng cách cứu Lệnh Kế Hoa thoát khỏi một xìcăngđan chấn động: ngày 18-3-2012, con trai của Kế Hoa, Lệnh Cốc, bị tử vong khi đang lái chiếc Ferrari chở gái du hí tại Bắc Kinh. Sau sự cố, một đàn em của Chu, Tương Khiết Mẫn (lúc đó là chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc gia CNPC), đã đứng ra lo việc bịt miệng gia đình nạn nhân bị tử nạn cùng một nạn nhân còn sống. “Hàng triệu tệ đã được chi” – nguồn của Reuters cho biết – “Khi Hồ Cẩm Đào biết chuyện, ông rất giận”. Tương Khiết Mẫn đã dùng quỹ CNPC để chạy vụ trên. Sau vụ việc, Lệnh Kế Hoa bị rớt đài và Tương Khiết Mẫn cũng vào tù khi cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang bắt đầu được phát động…
Trong các diễn giải về lý do đằng sau cuộc chiến chống tham nhũng của Tập, nhiều ý kiến nhận định, Tập đang cố vung đao chặt hết vây cánh còn sót của Giang Trạch Dân, người dù rời ghế tổng bí thư năm 2002; ghế chủ tịch nước năm 2003 và ghế chủ tịch Quân ủy trung ương năm 2004, nhưng vẫn duy trì quyền lực trong bóng tối và tiếp tục cài cắm người mình vào các vị trí then chốt. Với màn bí mật đen kịt luôn bao trùm lên chính trị Trung Quốc, khó có thể biết sự thật nằm ở đâu và đâu là sự thật.
[*] Tựa đề do Dân Luận đặt.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"