Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Ý đồ bá chủ của Bắc Kinh khiến Việt Nam phẫn nộ



Tàu tuần duyên Trung Quốc bảo vệ cho giàn khoan ngang nhiên đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam14/05/2014.

(Bruno Philip, Le Monde 20/05/2014) Nếu nói rằng Trung Quốc không tạo ra được sự tin cậy, nhất là nơi các láng giềng, thì còn quá lịch sự. Nói rằng Trung Quốc ngày càng bị châu Á coi là một quốc gia mang ý đồ đế quốc, nay đã là một điều hiển nhiên. Không thể tin nổi Bắc Kinh : người Việt Nam - mặc cho sự thù địch từ ngàn đời đối với người láng giềng phương bắc, đã chọn lựa con đường ngoại giao để cố gắng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ - vừa phải nhận lấy một kinh nghiệm cay đắng.
              
Hồi tháng Tư, tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC đã quyết định đưa vào hoạt động một giàn khoan dầu khí trong vùng tranh chấp Hoàng Sa ở Biển Đông, mà không hề tham khảo ý kiến của Hà Nội. Sự ngang nhiên khiêu khích này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ nơi chính phủ Việt Nam : hôm 7/5 Việt Nam đã gởi các tàu tuần duyên ra hiện trường để nói thẳng vào mặt « quân xâm lược ». Tiếp đó là một loại hải chiến, người ta thấy các tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công vào đoàn tàu Việt Nam rồi đâm vào họ. Các tàu Việt cũng đáp lại bằng những cú húc trả.




Tuy vậy mới cách đây sáu tháng, nhân chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa XHCN Việt Nam (tác giả viết nhầm là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – ND) đã đồng ý sẽ tìm phương cách thỏa thuận về khả năng cùng khai thác các mỏ dầu khí.

Thêm một lần nữa, người Việt Nam, ý thức được sự cần thiết duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đã cho rằng thương lượng vẫn tốt hơn là đối đầu. Họ đã sai lầm : sự xuất hiện bất thần của giàn khoan, mà chuyên gia về các vấn đề chiến lược người Trung Quốc Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) cho rằng là kết quả của « một quyết định từ cấp cao nhất », vừa gây ra một sự xuống cấp ngoạn mục quan hệ Trung-Việt. Có lẽ đây là một trong những tình hình ý nghĩa nhất, từ sau khi cả hai nước lao vào một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu năm 1979.

Sau các đụng độ trên biển, các cuộc biểu tình phản đối một cách hòa bình đã diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hôm 11/5. Tiếp theo là các vụ bạo động nhắm vào tất cả những doanh nghiệp nào có vẻ là của Trung Quốc, tại 22/63 tỉnh thành của Việt Nam. Kết quả là hai người Trung Quốc chết, 140 người bị thương, hàng trăm nhà máy bị đốt phá. Việt Nam, trước đó đã để cho biểu tình diễn ra ở Hà Nội, hết sức lúng túng khi không thể ngăn trở các cuộc tuần hành của công nhân biến thành những vụ tấn công vào người Trung Quốc.

Tình hình bạo động tệ hại này là hậu quả thái độ vô cùng sai trái của Bắc Kinh. Sức mạnh đang lên của Trung Quốc không chỉ đơn thuần về kinh tế. Bắc Kinh ngày càng tự bộc lộ cung cách dân tộc chủ nghĩa đi kèm với việc hiện đại hóa quân đội, nhất là hải quân.

Quyết tâm không gì lay chuyển của Trung Quốc

Từ khi lên làm Chủ tịch nước vào năm 2013, Tập Cận Bình đồng thời nắm luôn chức Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã tự khẳng định là một lãnh đạo với bàn tay sắt, bá quyền và duy ý chí. Trong một ý nghĩa nào đó, ông Tập là hiện thân về mặt chính trị cho quyết tâm không gì lay chuyển nổi của Bắc Kinh : áp đặt sức mạnh của một cường quốc khu vực. Trung Quốc yêu sách toàn bộ vùng biển mang tên Biển Trung Hoa. Chưa kể đến cuộc tranh giành ở phía bắc với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông.

Liệu người Việt rốt cuộc sẽ phải thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, mà cho đến bây giờ họ vẫn mong là hữu hảo ? Điều này nhiều khi khiến cho chính quyền Việt Nam bị công luận, vốn có truyền thống nghi ngại Bắc Kinh, chỉ trích dữ dội – mà những sự kiện mới đây là một minh chứng…Như nhà phân tích chính trị Nguyễn Quang A đã nói : « Ý muốn xâm lược, người Trung Hoa sẵn có từ trong máu, còn chúng tôi là kháng cự… ». Khó thể nói gì hơn thế trong lúc Việt Nam vừa tưng bừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ !

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã phải cao giọng sau các vụ bạo động ngày 13 và 14/5. Ông tuyên bố : « Trung Quốc nói rằng Việt Nam phải rút đi (khỏi khu vực mà tập đoàn CNOOC đặt giàn khoan). Nhưng đây là nhà tôi, sao tôi phải rút ? »

Cho đến nay, chỉ có Philippines chứng tỏ ý chí chống lại Trung Quốc. Cho dù một cuộc chạm trán mini quanh một đảo san hô tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh cách đây hai năm đã trở thành có lợi cho Trung Quốc : Philippines phải rút lui, để cho ngư dân Trung Quốc khai thác vùng biển giàu hải sản của bãi cạn Scarborough. Tổng thống Benigno Aquino nay đòi trọng tài quốc tế phân xử, nhưng Bắc Kinh chẳng thèm quan tâm.

Trung Quốc phớt lờ tất cả những « chú nhóc » đã có cùng nỗi bất hạnh là nằm trong vùng ảnh hưởng địa lý của mình. Tự đắc và thích thống trị, Bắc Kinh tin chắc vào sức mạnh của quyền uy tối thượng. Một số người nói rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc. Đó không phải là một cái tin tốt lành.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"