Le Nguyen Duy Hau
Nhiều đại biểu quốc hội hiện nay vẫn còn tư duy ra luật là để cho
phép chứ không phải ra luật là để hướng dẫn. Bằng chứng là bây giờ ở Ba
Đình vẫn còn nhiều người cho rằng ra luật biểu tình sẽ khiến số lượng
các vụ như Vũng Áng hay Bình Dương tăng thêm.
Thật ra nếu đã là nhân quyền và quyền hiến định rồi thì có ra luật
hay không về mặt kỹ thuật người dân không cần quan tâm lắm. Vì nếu hiến
pháp đã ghi rõ, tuyên ngôn nhân quyền mà Việt Nam là thành viên cũng đã
ghi rõ, thì người dân đương nhiên được làm. Việc ra luật biểu tình có ý
nghĩa nhiều hơn về mặt quản lý nhà nước và một phần nào đó giúp người
dân định hình rõ đâu là giới hạn của việc thực hiện quyền, chứ không
phải là một tờ giấy phép mà có nó thì người dân mới thực hiện được.
Thực tế thì có hay không luật ngôn luận không khiến số lượng ngôn
luận tăng lên hay giảm đi, vì nói là quyền thiết thân của mỗi người. Hay
việc có hay không luật hôn nhân gia đình cũng không khiến số lượng
người kết hôn tăng hay giảm (tuy nhiên sẽ có ý nghĩa đối với việc công
nhận hôn nhân phi dị tính). Cũng như có hay không luật về tự do tư tưởng
cũng không thể ngăn được những dòng tư tưởng phi chính thống tồn tại và
lan tỏa. Vì thế, có hay không luật biểu tình cũng sẽ không làm tăng hay
giảm số lượng cuộc biểu tình. Có hay chăng chỉ là tăng số lượng những
cuộc biểu tình đúng pháp luật và xác định rõ những cuộc biểu tình nào là
trái pháp luật mà thôi. Việc không có luật như hiện nay khiến cuộc biểu
tình nào cũng là đúng pháp luật cả. Lấy một nghị định về tụ tập đông
người để điều chỉnh một quyền hiến định của người dân vừa vi phạm nguyên
tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam đó là chỉ có quốc hội mới được ban
hành luật điều chỉnh quyền con người (Điều 14, khoản 2 Hiến pháp 2013),
vừa là một sự khinh suất một trong những quyền quan trọng nhất của người
dân.
Có người sử dụng những lý thuyết của các luật gia Soviet cũ để cho
rằng quyền biểu tình là một quyền thụ động, Nhà nước phải hướng dẫn thì
mới được làm. Chưa kể đến việc Liên Xô chưa bao giờ là một chuẩn mực về
tôn trọng quyền con người cả, nếu không muốn nói là ngược lại, thì lý
thuyết này hoàn toàn không có một cơ sở nào để chúng ta nghe theo. Đúng
là trên thực tế có những quyền gắn với hoạt động của cơ quan Nhà nước
thì buộc phải được Nhà nước ban hành thì mới làm được, ví dụ như quyền
được xét xử bình đẳng, quyền không bị dùng nhục hình, bức cung, hay
quyền được suy đoán vô tội. Còn đối với quyền biểu tình là một quyền dân
sự, nghĩa là người dân có quyền làm mà không cần Nhà nước can dự vì
thực tế Nhà nước không phải là một chủ thể tạo ra quyền. Việc có luật
biểu tình chẳng qua là để tạo cơ sở pháp lý cho Nhà nước can thiệp và
quản lý mà thôi.
Có lẽ cái khiến cho các đại biểu quốc hội cho đến lúc này vẫn chưa
trả món nợ hơn 20 năm nay cho người dân (từ Hiến pháp 1992) xuất phát từ
việc họ không tin tưởng người dân, mặc dù đây chính là cử tri bầu ra
họ. Họ không tin tưởng người dân vì người dân dễ kích động, người dân dễ
nghe theo kẻ xấu, người dân trình độ dân trí chưa cao, người dân sẽ lợi
dụng quyền này để lật đổ chế độ. Tóm lại, những hình ảnh bi đát nhất
của việc thực hiện quyền được vẽ ra. Liệu có khả năng nào là do họ không
tin tưởng rằng họ sẽ tạo ra được một đạo luật đủ chặt chẽ để hạn chế
những vấn đề đó không?
Người dân vẫn sẽ xuống đường ngay cả khi không có luật, nếu họ nghĩ
rằng việc xuống đường là cần thiết. Và khi mà Nhà nước trên lý thuyết bị
hạn chế chỉ có thể làm những điều luật cho phép, thì việc không có luật
biểu tình thậm chí đã đặt Nhà nước vào thế yếu hơn khi họ phải đối đầu
với những đám đông kích động. Vũng Áng, Bình Dương là hậu quả của món nợ
20 năm mà Nhà nước cứ khất lần này qua lần khác với người dân. Và đáng
lý ra lời xin lỗi của vị chủ tịch Bình Dương không phải dành cho chính
quyền mà nên là dành cho người dân, những người đã quá nhẫn nại khi thấy
việc thực hiện một quyền căn bản của mình bị cấm đoán hết lần này đến
lần khác.
Đừng vì những nỗi sợ vô căn cứ và thiếu khoa học mà có lỗi với dân nữa.