Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

VN bác bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng

BBC

Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ giá trị pháp lý về chủ quyền của Công hàm Phạm Văn Đồng
Việt Nam nói Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý về vấn đề chủ quyền với vùng biển đảo của Việt Nam.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trần Duy Hải, nói như vậy tại cuộc họp báo quốc tế hôm 23/5 ở Hà Nội.
Những ngày vừa qua, giới ngoại giao và học giả Trung Quốc đã nhắc lại Công hàm 1958, nói đó là bằng chứng Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy vậy, ông Hải nói khi văn bản của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Trung Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa đang được quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa.
“Việt Nam tôn trọng vấn đề 12 hải lý nêu trong công thư chứ không đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa vì thế đương nhiên không có giá trị pháp lý với Hoàng Sa và Trường Sa.”
“Bạn không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được. Vậy nên điều đó càng khẳng định công văn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý,” theo ông Hải.

Ông Hải nhấn mạnh Trung Quốc “không có bất cứ chứng lý nào” chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo.
Tại cuộc họp báo, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng dẫn ra chi tiết, theo đó, ngày 24/9/1975, khi trao đổi với Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn, ông Đặng Tiểu Bình - Phó Thủ tướng Trung Quốc thời đó – “đã nêu rõ việc Trung Quốc có vi phạm dẫn đến tranh chấp chủ quyền với Việt Nam,” theo tường thuật của báo Dân Trí.
Lập trường của Trung Quốc hiện nay là chỉ công nhận có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa.

Tàu quân sự

Tại cuộc họp báo ngày 23/5, Việt Nam cũng bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc nói rằng Việt Nam gửi tàu quân sự ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981.
Ông Ngô Ngọc Thu, đại diện Cảnh sát Biển Việt Nam, nói chính Trung Quốc đã gửi tàu chiến ra biển.
“Tàu chiến của Trung Quốc có 5 loại, chúng tôi đã ghi được số hiệu, thông báo với phía Trung Quốc.”
“Một tàu có bệ pháo, 72.000 tấn, chở được rất nhiều quân. Có cả tàu tên lửa, một tàu tuần tiễu ngầm… Đó hoàn toàn là tàu của Trung Quốc, Việt Nam không điều tàu quân sự ở khu vực," ông Thu khẳng định.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập khả năng sử dụng biện pháp pháp lý để kiện Trung Quốc.
Trả lời về khả năng này, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao, nói việc sử dụng biện pháp hòa bình bao gồm “sử dụng cơ quan tài phán quốc tế”.
“Chúng tôi, với tư cách cơ quan tham mưu, có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng mọi biện pháp,” bà nói.
Được hỏi liệu Việt Nam đã “hết kiên nhẫn” mặc dù có 16 chữ vàng với Trung Quốc, ông Trần Duy Hải trả lời “chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc Việt Nam, nên không thể đánh đối được”.
“Vàng rất quý, nhưng chủ quyền quốc gia còn quý hơn vàng,” ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải phủ nhận thông tin trên mạng internet nói quân đội Trung Quốc đưa quân, xe tăng đến gần biên giới Việt Nam.
“Xin khẳng định hoạt động giao thương ở biên giới vẫn diễn ra bình thường.”
“Trong cuộc gặp hai thứ trưởng Bộ Ngoại giao vừa qua, hai bên đã thống nhất không sử dụng biện pháp vũ lực để giải quyết bất đồng.”
Tại cuộc họp báo, Việt Nam cũng nhắc lại con số chính thức của Việt Nam, theo đó, trong các vụ bạo loạn vừa qua, có hai người quốc tịch Trung Quốc thiệt mạng ở Hà Tĩnh, và một người Trung Quốc chết ở Bình Dương.
___________________________________
Bình luận của FB Anh Gau Pham:
Chính phủ vừa đưa ra lập luận mới về Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng rằng lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể "cho đi cái không thuộc về mình" - ý nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa lúc đó là lãnh thổ thuộc sở hữu của Việt Nam Cộng Hòa và vì thế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thừa nhận hay không không thừa nhận tuyên bố sở hữu của Trung Quốc lúc đó. Lập luận này theo mình rất dễ bị Trung Quốc bẻ gẫy.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn duy trì quan điểm rằng chỉ có một nước Việt Nam chính danh là VNDCCH - "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một - sông có thể cạn, nước có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi." Giờ lập luận mới lại chỉ ra rằng có hai nước Việt Nam.
Nếu Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam Cộng Hòa và VNDCCH không có quyền cho đi thì Huế - Đà Nẵng - Nha Trang - Sài Gòn cũng là của Việt Nam Cộng Hòa và VNDCCH có hay không có quyền lấy làm của mình? Nếu VNDCCH có quyền lấy những vùng đất đó của VNCH thì liệu nó có quyền cho đi Hoàng Sa và Trường Sa hay không?
Trung Quốc cũng có thể lật vấn đề theo cách này để đưa nước ta vào thế há miệng mắc quai rằng nước Trung Quốc, người Trung Quốc đã hy sinh của cải, nhân mạng để giúp miền Bắc giải phóng miền Nam dựa trên niềm tin hai bên cùng chia sẻ rằng miền Nam là của miền Bắc . Nay nếu Việt Nam tuyên bố miền Nam không phải của miền Bắc thì làm ơn cho Trung Quốc xin lại của cải, vật chất, sinh mạng mà Trung Quốc đã bỏ ra để miền Bắc thống nhất đất nước.
Từ góc nhìn này sẽ thấy rõ ràng cái giá phải trả cho cuộc chiến giải phóng miền Nam tới giờ vẫn còn đắt lắm, và Hoàng Sa/Trường Sa là một phần trong cái giá phải trả đó, bên cạnh hàng triệu mạng người Việt Nam, và nhiều điều mất mát khác.
Cuối cùng thì khả năng giữ được/lấy được HS/TS dựa trên lập luận vừa đưa ra theo mình là rất thấp. Việc đó may ra chỉ xảy ra một ngày khi mà trên đất nước Việt Nam có một chính thể tự nhận là kế thừa Quốc gia Việt Nam - Quốc gia đã nhận trách nhiệm chủ quyền với hai quần đảo trên tại Hội nghị Cựu Kim Sơn 1951 - đứng ra đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng những kết quả của Hội nghị đó.
---
Đầu tháng 9 năm 1951, Trần Văn Hữu dẫn đầu đoàn Quốc gia Việt Nam tham gia hội nghị 51 nước có đóng góp trong việc đánh bại Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai tại San Francisco, Mỹ theo lời mời của chính phủ Mỹ. Tại hội nghị, ông bày tỏ quan điểm ủng hộ các nước đồng minh phương tây và yêu cầu Nhật Bản bồi thường chiến phí. Ông cũng nhân hội nghị này khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nguyên văn:
"Việt Nam rất là hứng khởi ký nhận trước nhất cho công cuộc tạo dựng hòa bình này. Và cũng vì vậy cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.[4]"

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"