Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Việt Nam có sẽ kiện Trung Quốc ra toà án Quốc tế

Bùi văn Phú
Người Việt biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco hôm 12/5/2014
Người Việt biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco hôm 12/5/2014 

Việt Nam đang đứng trước khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Mối quan hệ truyền thống đó, nhìn theo chiều dài lịch sử, luôn có căng thẳng và ý đồ Hán hóa phương Nam của phương Bắc lúc nào cũng tiềm ẩn.
Trước việc Bắc Kinh công khai lấn biển, qua sự kiện hôm 1/5 đem giàn khoan dầu HD-981 vào vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền và nằm trong đặc khu kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đang cô đơn hơn bao giờ hết vì chính sách ngoại giao đu dây, tuy làm bạn với nhiều nước nhưng thực sự không có đồng minh.
Trong cuộc họp báo quốc tế hôm 3/5, Hà Nội đưa ra những bằng chứng phim ảnh cho thấy tàu Trung Quốc ủi vào các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam, gây hư hại và đến nay đã có 9 kiểm viên Việt bị thương.
Sau cuộc họp báo, thông tin về vụ việc được các hãng thông tấn quốc tế truyền đi. Các báo lớn ở Mỹ như Wall Street Journal, New York Times, Washington Post trong nhiều ngày đã có bài quan điểm cũng như phân tích và bình luận về xung đột Việt-Trung.
Bài xã luận trên Wall Street Journal ngày 9/5 với tựa “China Answers Obama” (Trung Quốc đáp trả Obama) nhận định: “Sự thực là đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc để điều chỉnh lại hiện trạng ở Đông Á bằng dọa nạt và võ lực.”
Tờ báo nhắc lại việc Trung Quốc năm 2012 chiếm bãi đá Scarborough Shoal và đầu năm nay đã phong tỏa Second Thomas Shoal của Philippines.
Theo báo này, trước các động thái muốn kiểm soát biển Đông của Bắc Kinh, Việt Nam đã nâng cao khả năng phòng thủ với tàu ngầm Kilo, tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu; cùng lúc tìm thế liên minh với Ấn Độ, Nhật và Mỹ.
Còn báo Washington Post trong bài xã luận hôm 12/5 viết:
“Việc di chuyển giàn khoan cho thấy phép thử của chính sách sẽ không gặp phản kháng ý nghĩa nào từ những nước láng giềng của Trung Quốc hay từ phía Mỹ. Mục tiêu của đề xuất này nhắm vào Việt Nam là nước đặc biệt dễ bị tổn thương nhất vì không có quan hệ quân sự vững chắc với Washington và là nước cai trị bởi đảng Cộng sản với phe thân Trung Quốc đang mạnh. Nhưng lãnh đạo Việt Nam đã có phản ứng khá quyết liệt: ngoài việc đưa mấy chục tàu ra đối đầu trong khu vực gần giàn khoan, chính quyền còn cho phép biểu tình và Thủ tướng Việt Nam đã lên án Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN.”
Tuy nhiên, bài quan điểm đưa ra nhận định Hoa Kỳ không có ý can thiệp trong lúc này:
“Việt Nam và Philippines có thể đưa Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế về Công ước luật biển. Nhưng Bắc Kinh chắc sẽ gạt bỏ hình thức sức ép đó. Gần như chắc chắn là nước này sẽ tiếp tục hành động đơn phương trong khu vực cho tới khi gặp phải những phản kháng nhịp nhàng, dù là ngoại giao hay quân sự. Nếu Hoa Kỳ và những nước đồng minh có một kế hoạch cho việc này, nhưng không có dấu chỉ cho thấy điều đó”.
Qua sự kiện HD-981, Việt Nam có được sự cảm thông của thế giới. Trong khi đó phía Trung Quốc không muốn nhắc gì đến giàn khoan này, chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn đó là vùng chủ quyền lãnh hải Trung Quốc và cáo buộc phía Việt Nam cản trở mà không đưa ra được bằng chứng nào.
Báo tiếng Anh China Daily, của Trung Quốc phát hành tại Mỹ, đã không có tin gì liên quan đến vụ việc sau khi Việt Nam họp báo, cho đến ngày 9/5 mới có bài viết cáo buộc tàu của Việt Nam quấy nhiễu và đã húc vào tàu Trung Quốc 171 lần.
Tuần trước, trên truyền hình CCTV-News tiếng Anh phát đi từ Bắc Kinh, xem được ở Mỹ, chỉ chạy một hàng tin chữ: “China urges Vietnam not to have disruptive actions in South China Sea” (Trung Quốc thúc giục Việt Nam không có những hành động gây rối trên biển Hoa Nam) và một tin khác cũng liên quan đến biển Đông là việc Philippines bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc đánh bắt rùa biển trái luật trong vùng lãnh hải của nước này.
Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam làm biển Đông trở nên căng thẳng
Trung Quốc đem giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam làm biển Đông trở nên căng thẳng
Sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam được thế giới chú ý, nhưng Hà Nội không tìm được những đồng minh.
Tại hội nghị ASEAN nhóm họp ở Myanmar tuần trước, sau khi nghe Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày về sự nghiêm trọng trong hành động xâm lấn của Trung Quốc, 10 quốc gia thành viên đã ra một thông cáo chung nhắc đến căng thẳng trên biển Đông nhưng không nêu danh Trung Quốc và chỉ yêu cầu các bên liên quan giải quyết trong tinh thần hòa bình, giữ gìn ổn định khu vực.
Trong một động thái biểu lộ ủng hộ Việt Nam, hôm qua giới chức chỉ huy Hải quân Mỹ ở Thái Bình dương đã đề nghị tăng cường hợp tác với Hà Nội qua việc gia tăng các chuyến ghé cảng Việt Nam của Hạm đội 7. Chưa biết Hà Nội sẽ đáp lại đề nghị này ra sao.
Khi Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc là Phòng Phong Huy thăm Hoa Kỳ trong mấy ngày qua và cũng đưa ra tuyên bố về lãnh hải nơi giàn khoan định vị là thuộc chủ quyền Trung Quốc, phía Mỹ, trong đó có cả Phó Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo các hành động của Bắc Kinh là nguy hiểm, mang tính khiêu khích và có thể làm quan hệ Mỹ-Trung xấu đi.
Chỉ phản ứng qua lời nói cho thấy Washington vẫn chưa đặt quan hệ với Việt Nam trong tầm mức đối tác chiến lược.
Hai mươi năm trước, khi Trung Quốc bắn tên lửa vào vùng biển gần Đài Loan, Hoa Kỳ lập tức gửi hàng không mẫu hạm đến. Gần đây, Trung Quốc đưa ra vùng định dạng phòng không (ADIZ) ở Đông bắc Á và Hoa Kỳ đáp trả bằng việc đưa B-52 bay vào để gửi tín hiệu cho Bắc Kinh biết phía Mỹ không chấp nhận những hành động đó.
Cho đến nay, dù Hà Nội đã kiềm chế để tránh phải nổ súng tự vệ. Tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam đã liên tục bị bao vây bởi tàu Trung Quốc, theo ghi nhận với con số 80 kể cả chiến hạm, khi các con tàu của Việt Nam tìm cách tiến gần đến giàn khoan. Cuộc chiến trên biển đang diễn ra với vòi rồng phun nước, ủi tàu và với loa phóng thanh tuyên bố chủ quyền giữa hai nước.
Thứ Năm tuần trước, một nhà ngoại giao Việt ở Mỹ nói với tôi rằng Việt Nam tránh phải nổ súng trước, nhưng cũng đã đưa các chiến hạm ra khu vực xung đột để bảo vệ thuyền bè của mình. Nhà ngoại giao còn nói phía Mỹ cũng đã có những ủng hộ nhất định đối với Việt Nam và đưa dẫn chứng là Việt Nam đang tiến gần lại với Hoa Kỳ hơn qua việc ký kết Hiệp ước 123 về năng lượng hạt nhân, là những hoạt động khiến Trung Quốc khó chịu.
HD-981 là vụ đối đầu căng thẳng nhất trên biển Đông, từ sau trận Gạc Ma trong vùng quần đảo Trường Sa năm 1988 với 64 lính Việt hy sinh và trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 với 74 tử trận.
Không như vài năm qua, khi thuyền bè của ngư dân Việt bị ngăn chặn hay tấn công trong vùng quần đảo Hoàng Sa, truyền thông chính thống chỉ đưa tin do “tầu lạ” gây ra.
Nay Hà Nội nêu đích danh Bắc Kinh là kẻ có ý đồ xâm lấn và đã làm nổi lên những chống đối Trung Quốc tại Việt Nam.
Những năm trước, dân chúng xuống đường biểu tình bị công an thẳng tay ngăn cản, nhiều người tham gia đã bị bắt và đến nay vẫn còn bị giam tù. Lần này nhà nước không ngăn cản biểu tình. Cuối tuần qua, hàng nghìn người đã tham gia xuống đường ở nhiều nơi, từ Hà Nội, Đà Nẵng vào Sài Gòn, Cần Thơ, dù do các đoàn thể nhà nước tổ chức hay do lời kêu gọi của 20 tổ chức xã hội dân sự đang hình thành. Truyền thông chính thống cũng đã đồng loạt đưa tin.
Đáng chú ý là qua ngày thứ Hai 12/5 và những ngày sau đó, hàng vạn công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Vũng Tàu đã xuống đường phản đối và đòi hỏi Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 khỏi lãnh hải Việt Nam. Sự phẫn nộ của người biểu tình đưa đến việc đốt phá nhiều nhà máy sản xuất của nước ngoài của Trung Quốc và cả của Nam Hàn, Đài Loan đưa đến cả thiệt hại về nhân mạng. Hàng nghìn người được an ninh cho là gây rối đã bị bắt.
Sự bộc phát giận dữ của quần chúng và công nhân cho thấy họ không còn muốn bị dọa nạt, chèn ép mãi, dù trong công xưởng hay trên bình diện quốc gia.
Không chỉ vì giàn khoan HD-981 đã được đem vào vùng biển đặc khu kinh tế của Việt Nam làm dân Việt nổi giận, một phần khác cũng là vì chính sách lao động làm công nhân bất bình từ nhiều năm qua. Nhân có cơ hội để bày tỏ sự phẫn nộ, họ đã bạo loạn.
Những diễn biến trong mười ngày qua có phải dấu chỉ Hà Nội sẽ cởi mở hơn về tự do chính trị, như ý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đặt ra vấn đề “cải cách thể chế” từ đầu năm nay. Tất cả còn phải chờ thời gian mới biết rõ được.
Lòng dân trong và ngoài nước đã sôi sục và quốc tế đã lên tiếng mong muốn xung đột được giải quyết trong tinh thần hòa bình, không đe dọa nhau, làm mất ổn định trong khu vực. Việt Nam không muốn nổ súng, như thế không còn cách nào hơn là đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, như Philippines đã làm.
Hôm 14/5, nhiều người trong và ngoài nước cũng đã lên tiếng qua một kiến nghị gửi lãnh đạo Việt Nam yêu cầu xúc tiến việc đưa Trung Quốc ra tòa.
Với sự kiện HD-981, có thể Trung Quốc sẽ rút giàn khoan khỏi lãnh hải Việt Nam vào giữa tháng 8/2014 như công ty CNOOC đã phổ biến thời gian hoạt động trong vùng. Tuy nhiên việc theo đuổi vụ kiện trước những định chế công pháp quốc tế vẫn là cần thiết để một lần làm sáng tỏ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, là vùng quần đảo đã bị Trung Quốc chiếm từ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974. Một phán quyết quốc tế sẽ giúp tránh được những xung đột sau này.
Nhưng khi ra trước tòa án quốc tế liên quan đến Hoàng Sa, vấn đề chủ quyền và sự hiện hữu độc lập của một nước Việt Nam Cộng hòa trong hơn hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, sẽ được bàn luận.
Việt Nam đã có sẵn sàng cho việc này hay chưa? Đây là một giải pháp chính trị nội bộ mà lãnh đạo Hà Nội cần giải quyết trước khi đem ra tòa án quốc tế.
(ảnh trong bài của tác giả)
© 2014 Buivanphu
Việt Nam có sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế? * Nhưng khi ra trước tòa án quốc tế liên quan đến Hoàng Sa, vấn đề chủ quyền và sự hiện hữu độc lập của một nước Việt Nam Cộng hòa trong hơn hai mươi năm, từ 1954 đến 1975, sẽ được bàn luận.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"