Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Cảnh giác trong một tình thế phức tạp

Nguyễn Gia Kiểng
“…Bắc Kinh chịu những tổn phí rất lớn để điều động một tàu giàn khoan và hàng trăm tàu chiến đến vùng biển Việt Nam với kết quả là đẩy một chư hầu rất ngoan ngoãn, đồng thời cũng là đồng minh quan trọng nhất, vào thế bắt buộc phải chống lại và khiến cả thế giới lên án với những hậu quả về thương mại và hợp tác có thể rất tại hại. Để làm gì?...”
Cô em họ tôi hỏi: "Thứ sáu này phe trung gian biểu tình, thứ bảy phe chống cộng biểu tình, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ở nhà ngủ hả?" Cô em tôi muốn nói tới những cuộc biểu tình sẽ được tổ chức hôm nay và ngày mai tại Paris. Có những câu hỏi tự chúng đã biểu thị lập trường. Cô ấy sẽ đi biểu tình và phiền trách chúng tôi không tham gia.
Chúng tôi không tham gia các cuộc biểu tình này vì không biết những người tổ chức và không biết chúng sẽ diễn ra như thế nào. Điều gần như chắc chắn là cuộc biểu tình của phe chống cộng sẽ nhiều cờ vàng ba sọc đỏ. Điều có thể có là cuộc biểu tình của "phe trung gian" – nghĩa là những hội đoàn do sứ quán Việt Nam tại Pháp thành lập hoặc nhìn nhận- sẽ có những cờ đỏ sao vàng và những khẩu hiệu và biểu ngữ ủng hộ chế độ cộng sản. Trong cả hai cuộc biểu tình này chống Trung Quốc xâm lấn không phải là tất cả, người ta còn muốn bày tỏ một lập trường phe phái không nên có vào một lúc mà chúng ta cần đoàn kết mọi người Việt Nam trước một thách đố đặt ra cho cả dân tộc. Một cá nhân có thể tham gia những cuộc biểu tình ngay cả nếu không biết ai tổ chức và diễn tiến sẽ như thế nào, nhưng một tổ chức chính trị thì chắc chắn là không.

Những cuộc biểu tình này, chưa xảy ra khi tôi viết những dòng này, cũng như những cuộc biểu tình đã và đang xảy ra trong nước cho thấy phải rất cảnh giác. Những người dân chủ rất thiếu chuẩn bị. Mặt khác có những điều chúng ta có thể chắc chắn nhưng cũng có những điều chúng ta cần nhìn rõ hơn.
Việt Nam đã sục sôi phẫn nộ sau khi Trung Quốc đưa tàu giàn khoan HD-981 vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều chắc chắn đầu tiên và cần được nhắc lại là sự phẫn nộ này không chỉ chính đáng mà còn bắt buộc. Vị trí của giàn khoan HD-981 nằm rất sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã xâm phạm nhân danh "chủ quyền" trên đảo Tri Tôn và quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm đoạt bằng vũ lực của Việt Nam. Không khác gì ngoáy dao vào một vết thương. Bắc Kinh không chỉ xâm phạm mà còn xúc phạm. Đối với mọi người Việt Nam phẫn nộ là một mệnh lệnh của lương tâm dân tôc. Tuy nhiên ta không được lẫn lộn sự phản đối hành động lấn chiếm của Bắc Kinh với thái độ bài Hoa. Có mọi triển vọng là đa số người Trung Quốc cũng chỉ chịu đựng chứ không chấp nhận chế độ cộng sản. Một cách thực tiễn chúng ta có thể nghĩ rằng một số đông đảo người Hoa đã bị tuyên truyền đầu độc, không hiểu những gì đã thật sự xảy ra trên Biển Đông và do đó có thể ghét người Việt nhưng đó cũng không thể là lý do để chúng ta thù ghét đất nước và con người Trung Quốc, trái lại đó còn là cơ hội để chứng tỏ Việt Nam là một dân tôc văn minh. Thái độ kỳ thị chủng tộc nào cũng tồi tệ cả, những khẩu hiệu sỉ vả "Tàu khựa" không khiến chúng ta mạnh lên mà chỉ làm chúng ta thấp xuống. Càng mù quáng và tai hại hơn là những hành động đốt phá, hành hung mà chúng ta phải lên án nghiêm khắc và dứt khoát.
Điều chắc chắn thứ hai là đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã ứng xử một các rất ô nhục. Đây là một vụ không chỉ đặc biệt nghiêm trọng về bản chất mà còn rất lớn về tầm vóc. Trung Quốc đã điều động gần một trăm tàu chiến vào lãnh hải Việt Nam và tấn công các tàu Việt Nam, dù chưa nổ súng. Trong mọi quốc gia trước một sự kiện như vậy chắc chắn việc đầu tiên của chính quyền là giải thích cho dân chúng những gì đang xảy và những gì nhà nước đã và sẽ làm. Mặc dù vậy đã không có một cấp lãnh đạo nào, dù là chủ tịch nước hay thủ tướng, cảm thấy có bổn phận phải nói gì với nhân dân Việt Nam cả, chỉ có ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng than trách trước hội nghị ASEAN và sáng hôm nay, 16-5, ông Sang nói vài lời trong một buổi trò chuyện với cử tri quân 1, Sài Gòn. Họ coi nhân dân Việt Nam như không đáng kể, họ cư xử như một lực lượng chiếm đóng. Nhưng xấc xược với nhân dân Việt Nam bao nhiêu họ khiếp nhược với Bắc Kinh bấy nhiêu. Trung Quốc đã khẳng định rằng họ không có gì để đàm phán cả nhưng chính quyền Hà Nội vẫn chưa dám làm điều duy nhất có thể và phải làm là đưa sự vụ ra trước công pháp quốc tế. Bộ ngoại giao không dám triệu tập đại sứ Trung Quốc đến để phản đối, chỉ có sở ngoại vụ Sài Gòn triệu tập đại diện tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố. Thái độ đúng đắn tối thiểu là triệu tập đại sứ Trung Quốc đến bộ ngoại giao và nếu đại sứ không đến mà không có lý do chính đáng thì triệu hồi đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh về nước để buộc Trung Quốc cũng phải rút đại sứ của họ về. Sự khiếp nhược của chính quyền CSVN đã vượt mọi giới hạn. Thật là trơ trẽn khi trong những cuộc biểu tình tại Hà Nội và Sài Gòn ngày chủ nhật 11-5 đảng cộng sản cho những tay chân trưng những biểu ngữ "Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm".
Điều chắc chắn thứ ba là lần này chính quyền CSVN đã đồng ý để có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và không những thế còn tham gia. Họ vẫn khống chế và ngăn cản những người mà họ cho là có khả năng hô hào quần chúng lên án thái độ phục tùng Trung Quốc của họ -luật sư Nguyễn Văn Đài bị đả thương trước ngày biểu tình- nhưng họ không ngăn cản cuộc biểu tình như họ vẫn làm trước đây. Họ còn cử người tham gia vừa để có số đông vừa để kiểm soát không cho cuộc biểu tình chuyển sang phản đối chính quyền.
(Xin mở một ngoặc đơn. Khác với những người rủ nhau đi biểu tình vì thực sự phẫn nộ trước sự khiêu khích của Bắc Kinh, những đoàn người mà chính quyền gửi đến là những đoàn người có tổ chức và chuẩn bị. Người ta có thể nhận thấy những biểu ngữ lớn nhất và vẽ công phu nhất là những biểu ngữ "Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm" hay "Hồ Chí Minh muôn năm" do đám này mang tới. Họ cũng có đội ngũ trong khi những người biểu tình vì lương tâm thì tuy có tinh thần nhưng đi đứng lộn xộn và giơ những khẩu hiệu viết trên giấy. Tại Bình Dương và sau đó tại nhiều nơi khác những toán vài chục người tới gây sự với ban giám đốc buộc phải cho công nhân ngừng làm việc để tham gia biểu tình, khi được trả lời là công nhân đã ra ngoài hết thì đòi vào nhà máy khám xét để kiểm chứng, sau đó đốt phá và cướp của. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã cầu cứu công an và được trả lời là công an không thể làm gì cả. Những toán sách động này sẽ không bao giờ dám lộng hành như vậy nếu không được công an che chở. Cũng không nên thắc mắc tại sao những phần tử do công an điều động lại hành xử như những tên côn đồ, thực tế là công an có quan hệ đồng minh mật thiết với bọn xã hội đen và thường xuyên dùng chúng để đánh đập những người dân chủ. Nhiều người đặt câu hỏi những cuộc biểu tình sau ngày 11 tháng 5 có tổ chức không và nếu có thì ai là người tổ chức. Chúng ta có thể trả lời một cách gần như chắc chắn là có tổ chức và do chính công an giật dây từ đàng sau).
Sự thay đổi thái độ đối với Trung Quốc chứng tỏ đã có một thay đổi tâm lý lớn trong bộ máy đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam khiến bộ chính trị và ban bí thư dù phục tùng Bắc Kinh tới đâu chăng nữa cũng không thể tiếp tục cúi rạp không điều kiện nữa nếu không muốn có bùng nổ trong nội bộ. Hậu quả là từ nay quan hệ Việt - Trung sẽ không thể như trước nữa. Các cấp lãnh đạo cao nhất sẽ được chọn và đánh giá trên tiêu chuẩn dám và có khả năng đương đầu với Bắc Kinh. Ngay cả những tay sai thực sự của Bắc Kinh trong đảng cũng phải ít nhiều tỏ ra chống Trung Quốc. Ngược lại chính quyền Bắc Kinh trong suốt nhiều năm qua và nhất là trong những ngày vừa qua đã đầu độc quần chúng Trung Quốc tới độ gây ra cả một tâm lý bài Việt khiến cho việc bắt nạt Việt Nam trở thành một bắt buộc đối với chính quyền. Cho tới nay phục tùng Trung Quốc để tồn tại là chính sách nền tảng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chính sách này không thể tiếp tục được nữa, chế độ bắt đầu một giai đoạn đầy bất trắc.
Điều chắc chắn thứ tư là những người dân chủ cần phải học hỏi kỹ thuật kêu gọi và tổ chức biểu tình. Những lời kêu gọi biểu tình phải có một văn phong riêng, ngắn gọn, tập trung vào chủ đề, qui định thái độ của đoàn người biểu tình, những biểu ngữ sẽ trưng và những khẩu hiệu sẽ hô; tại chỗ phải có sẵn hậu cần và những người điều động, v.v. Những điều này có thể học tập khá nhanh chóng. Điều quan trọng hơn là hiểu tâm lý của đám đông những người biểu tình. Phần lớn họ tới vì được vận động trực tiếp (cô em họ tôi được người bạn gọi điện thoại rủ đi) chứ không phải vì hưởng ứng một lời kêu gọi.
Chúng ta cũng vừa thấy là các toán sách động vài chục người, cùng lắm là một trăm người, đã điều động được 20.000 người biểu tình ở Bình Dương trong khi lời kêu gọi của "20 tổ chức xã hội dân sự" đã chỉ điều động được khoảng một ngàn người tại thủ đô Hà Nội với bảy triệu dân, trong đó một số do chính quyền điều động tới và đa số đàng nào cũng tới dù có hay không có lời kêu gọi. Biểu tình là một động tác thể chất và cần được kích động trực tiếp. Cũng đừng quên rằng các đám đông không thể suy nghĩ mà chỉ có thể làm theo sự hướng dẫn của những người điều động do đó phải có ban tổ chức và những chỉ thị thống nhất. Đặc tính quan trọng nhất của đám đông là tính nhất thời. Không thể động viên đám đông trong một thời gian dài. Chỉ sau một vài ngày nếu không có kết quả cụ thể sự phấn khởi sẽ nhường chỗ cho sự chán nản hay tệ hơn nữa cho bạo loạn. Như vậy đàng sau những cuộc biểu tình phải có những tổ chức có đủ uy tín và tầm vóc để duy trì trật tự và khí thế động viên.
Chưa có tổ chức có tầm vóc thì chưa thể tổ chức những cuộc biểu tình lớn. Người ta chỉ có thể sử dụng uy tín sẵn có để kêu gọi chứ đừng nên hy vọng nhờ kêu gọi mà sẽ có uy tín. Những người dân chủ Việt Nam chưa có một mặt trận dân chủ qui tụ mọi tổ chức dân chủ nghiêm túc trong một hành động có phối hợp. Đó là điều không thể thiếu, nhưng rất tiếc và rất đáng lo ngại là nhiều người vẫn chưa nghĩ đến. Đã đến lúc phải nghĩ đến. Trước mắt không nên khuyến khích những ngôi sao cá nhân.
Nhưng tại sao Trung Quốc lại hành động như thế? Để làm gì? Chúng ta không thể không đặt ra những câu hỏi này vì chúng là cốt lõi của vấn đề, ngay cả nếu chưa thể có trả lời chắc chắn.
Chắc chắn là Trung Quốc không hành động vì lý do kinh tế. Triển vọng tìm được dầu không đáng kể nếu không muốn nói là không có gì. Nếu mục đích là để xác nhận chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa thì hành động này quá ngu xuẩn vì kết quả cụ thể của nó đã chỉ là khiến dư luận thế giới hiểu rằng Hoàng Sa là một quần đảo của Việt Nam đã bị Trung Quốc đánh chiếm bằng bạo lực. Họ cũng không thể tạo ra một fait acompli (sự kiện đã rồi) vì khác với đất liền biển không thể bị chiếm đóng, và Trung Quốc không thể giữ mãi các tàu này trên biển. Trung Quốc cũng không thể mưu tìm một uy tín quốc tế nào qua hành động khiêu khích này bởi vì thực tế là họ đã bị lên án. Tóm lại Bắc Kinh chịu những tổn phí rất lớn để điều động một tàu giàn khoan và hàng trăm tàu chiến đến vùng biển Việt Nam với kết quả là đẩy một chư hầu rất ngoan ngoãn, đồng thời cũng là đồng minh quan trọng nhất, vào thế bắt buộc phải chống lại và khiến cả thế giới lên án với những hậu quả về thương mại và hợp tác có thể rất tại hại. Hành động của Trung Quốc có vẻ như một hành động điên khùng, trừ khi là hành động bất đắc dĩ để ngăn ngừa một cái gì đó còn nghiêm trọng hơn. Ở đây chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả thuyết.
Giả thuyết thứ nhất là Bắc Kinh đang cần một căng thẳng bên ngoài để xoa dịu những khó khăn bên trong. Quả thực là chế độ cộng sản Trung Quốc đã chất chứa quá nhiều mâu thuẫn, biểu tình bạo động ngày càng nhiều và càng lớn, khủng bố gia tăng thời gian gần đây, nội bộ đảng cầm quyền chia rẽ trầm trọng sau hai vụ Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang v.v. Nhưng nghiêm trọng nhất là tình hình kinh tế.
Trước đây người ta còn tranh cãi xem mô hình Trung Quốc có thể kéo dài được không, bây giờ người ta chỉ còn dự đoán xem Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng lúc nào và với mức độ nghiêm trọng nào. Khủng hoảng chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng bởi vì mỗi tỉnh của Trung Quốc đều là một nước Hy Lạp về mặt nợ công và các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều trong tình trạng nguy ngập. Khủng hoảng có thể đã đến rồi nhưng còn được cố tình che dấu. Cũng cần ý thức rằng biện minh duy nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc, và cả sự thống nhất của Trung Quốc, chỉ là tăng trưởng kinh tế, nếu kinh tế lại suy thoái thì tất cả có thể xảy ra. Đáng nào thì Trung Quốc cũng không còn là một chỗ dựa cho Hà Nội nữa.
Giả thuyết thứ hai là Trung Quốc muốn cứu nguy một nhóm cầm quyền thân Trung Quốc tại Việt Nam.
Muốn khảo sát giả thuyết này trước hết cần đặt câu hỏi của những nhà điều tra: "Tội ác này có lợi cho ai?" Hiện nay ai cũng thấy rằng người được giành cảm tình hơn cả trong số những người cầm quyền cao nhất tại Việt Nam -nhưng không có nghĩa là có uy tín - là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông là người đã đả kích Trung Quốc tại hội nghị Đối Thoại Shangri-La cách đây đúng một năm, ông cũng là người vừa lên tiếng tố giác Trung Quốc tại hội nghị ASEAN. Ông đang là người rất mất lòng dân vì kinh tế suy sụp và vì những vụ tham nhũng thì lại được một chút cảm tình nhờ xuất hiện như một cấp lãnh đạo dám đương đầu với Trung Quốc.
Nhưng trái với nhận định hơi vội vã của một số người Nguyễn Tấn Dũng không phải là người chủ trương đương đầu với Trung Quốc. Việc ông gửi con sang du học tại Mỹ không chứng minh gì cả; phần lớn các lãnh tụ chóp bu Nga và Trung Quốc cũng làm như thế, chính bản thân Tập Cận Bình cũng đã thực tập tại Mỹ. Nguyễn Tấn Dũng là con đỡ đầu của ông Lê Đức Anh, một trong hai người chủ trương đầu hàng Trung Quốc để tồn tại, một trong hai tác nhân chính của hội nghị Thành Đô cùng với Nguyễn Văn Linh. Lê Đức Anh cũng là người đồng lõa để Trung Quốc tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam và chiếm một phần quần đảo Trường Sa. Tất cả sự nghiệp của ông Dũng là nhờ ông Lê Đức Anh.
Còn cá nhân ông Dũng? Thời gian Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền áp đảo cũng là thời gian mà ảnh hưởng Trung Quốc tại Việt Nam gia tăng như chưa bao giờ thấy. Người và hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam như vào chỗ không người. Một thí dụ: năm 2010, ngay trước đại hội 11, thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc là 11,6 tỷ USD (nhập 17,9 tỷ, xuất 6,3 tỷ), chính quyền nhận định phải giảm mức thâm thủng này; năm 2013 số thâm thủng này là 23,7 tỷ (nhập 36,8 tỷ, nhập 13,1 tỷ), nghĩa là hơn gấp đôi. Ông Dũng cũng là người cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn và bảo vệ dự án Bôxit Tây Nguyên một cách quả quyết nhất, cả hai dự án đều có tác dụng là lập ra những khu tự trị Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Sau cuộc bạo động vừa qua tại Vũng Áng người ta lại được biết là Trung Quốc đã đem cả tù thường phạm sang làm việc tại Việt Nam.
Tất cả những vụ việc này nằm trong thẩm quyền của chính phủ nên ông Dũng với tư cách thủ tướng phải chịu trách nhiệm. Vả lại từ lâu ông là người quyền lực nhất chế độ. Ông Dũng cũng là người đàn áp dân chủ và đàn áp các cuộc biểu tình chống Trung Quốc một cách quyết liệt nhất. Trung Quốc khó có thể tìm thấy ở Việt Nam một đồng minh thuận lợi hơn ông Dũng. Mặt khác ông Dũng cũng là nhà lãnh đạo Việt Nam đang bị đe dọa nhất. Hiến pháp mới, có hiệu lực từ đầu năm nay, đã tước mọi quyền của thủ tướng và tập trung mọi quyền vào tay chủ tịch nước, cơ chế này càng được thực hiện thì thế lực của ông Dũng càng yếu đi, nhất là ông đang là đối tượng của những bất mãn ngày càng lên cao từ xã hội vì kinh tế suy thoái. Nếu tình trạng này tiếp tục thì từ đây tới đại hội 12 ông Dũng sẽ mất hết thế lực và bị cho nghỉ hưu, hơn nữa còn có thể chịu một số phận tương tự như Dương Chí Dũng. Hiện nay Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nắm được một phần quan trọng của quân đội và công an nhưng đang cần được cứu nguy.
Sự cứu nguy này có thể là tạo cho ông chân dung của một người quyết tâm bảo vệ quyền lợi đất nước và tạo ra một tình trạng vừa căng thẳng vừa rối loạn biện minh cho một cuộc đảo chính với kết quả là tập trung quyền lực vào một chính phủ đặc quyền lâm thời do ông Dũng cầm đầu. Cuộc đảo chính này không bắt buộc phải có nổ súng, chỉ cần bắt các ủy viên trung ương đảng và các đại biểu quốc hội họp lại và buộc họ đồng thanh biểu quyết, tương tự như cuộc đảo chính của tướng Jaruzelski tại Ba Lan trước đây. Đây chỉ là một giả thuyết nhưng cũng là một giả thuyết mà chúng ta cần nghĩ đến để đừng bị sửng sốt và hốt hoảng nếu nó xảy ra.
Sau cùng điều chắc chắn là đất nước đang đi vào một giai đoạn sôi động và phức tạp, đầy triển vọng nhưng cũng đầy thử thách. Đây là một thời điểm lịch sử quan trọng. Đối với mọi người mong muốn đất nước chuyển hóa về dân chủ trong hòa bình và trong tình tự dân tộc nhiệm vụ lịch sử là khẩn cấp kết hợp với nhau trong một dự án dân chủ. Hạn kỳ dân chủ có thể rất gần.
Nguyễn Gia Kiểng
(16/5/2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"