Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Thụy Khuê - Nhân Văn Giai Phẩm - Chương 8: Thụy An

Hoàng Nhất Phương
Tháng 2 năm 1956 khi chủ trương phát hành "Giai Phẩm Mùa Xuân," chắc chắn nhà thơ Hoàng Cầm và nhà thơ Lê Đạt không ngờ bài thơ "Nhất Định Thắng" của Trần Dần trở thành tai họa cho tác giả và cho tờ giai phẩm. Nhà thơ Trần Dần bị bắt, các văn nghệ sĩ liên can đều phải chịu những án tù khắc nghiệt. Cho đến bây giờ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm vẫn là một điều bí ẩn, được đánh giá và nhận xét dưới nhiều quan điểm khác nhau. Có người cho đây là vụ án chính trị phản động, dính líu đến một số văn nghệ sĩ. Có người cho đây là vụ án văn học oan trái sai lầm. Dù nhìn dưới bất cứ góc cạnh nào cũng phải thận trọng, bởi vì chỉ có quyển "Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc" của ông Hoàng Văn Chí, do Mặt Trận Tự Do Văn Hóa in tại Sài Gòn năm 1959, và quyển "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa Án Dư Luận," do nhà xuất bản Sự Thật in tại Hà Nội cùng năm 1959 - là hai nguồn tư liệu ghi lại những gì có liên quan đến phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

Năm 2012 nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành tác phẩm biên khảo "Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc," của nhà phê bình văn học Thụy Khuê. Quyển sách dày 970 trang, có 25 chương, một phụ lục và một thư mục gồm 204 tài liệu chi tiết, về nhiều đề mục có liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm. Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến Chương 8 viết về nữ sĩ Thụy An - người phụ nữ duy nhất không viết bài cho Nhân Văn Giai Phẩm,nhưng tên của bà bị xếp hàng đầu trong danh sách "phản động," bị kết tội là "gián điệp quốc tế," "tay sai Mỹ-Diệm" phải chịu án 15 năm tù - một bản án oan trái khiến bà căm phẫn đến nỗi tự chọc mù một mắt, khi bị giam tại trại tù Hỏa Lò.
Trong quyển "Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa Án Dư Luận," nữ sĩ Thụy An bị gọi một cách khinh miệt là "con phù thủy xảo quyệt… Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà Văn phun nọc độc mạt sát chế độ, bần cùng hóa nhân dân." [1] Nhà phê bình Thụy Khê đặt vấn đề: "Tại sao lại có sự căm thù ghê gớm đối với nhà thơ, nhà văn, nhà báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam? Người đầu tiên thực hiện nữ quyền bằng ngòi bút và hành động. Người chủ trương giải phóng phụ nữ không bằng lý thuyết mà bằng việc làm. Người xác định vị trí phụ nữ như một công dân tự do, thấm nhuần tinh thần dân chủ." [2] Tất cả cũng chỉ vì chế độ cộng sản dựa vào việc bà Thụy An quen nhiều người Pháp, thường xuyên đi lại khắp hai miền Nam-Bắc, và đáng sợ nhất là lời đồn bà đã giết ông Đỗ Đình Đạo - một nhân vật quan trọng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, và cũng là người chung sống với bà như vợ chồng. Thụy An là nữ văn sĩ duy nhất được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan ghi tên trong "Nhà Văn Hiện Đại"  với tác phẩm "Một Linh Hồn"  xuất bản năm 1943, và nhận xét: "Một Linh Hồn cũng đáng kể là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay, tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn." [2]
Nữ sĩ Thụy An còn có bút danh là Thụy An Hoàng Dân, tên thật là Lưu Thị Yến (1916-1989) sinh tại Hà Nội nhưng nguyên quán ở tỉnh Hà Đông. Là người có khiếu văn thơ từ thời thơ ấu, năm 13 tuổi bà Thụy An đã có thơ đăng trên báo Nam Phong, được triều đình nhà Nguyễn trao giải thưởng văn chương năm 16 tuổi. Trong phiên tòa ngày 21 tháng 1 năm 1960 xử tại Hà Nội, nhiều nhân chứng cho rằng bà rất có ảnh hưởng với một số văn nghệ sĩ của Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng những người trong cuộc như Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt…, khẳng định bà không tham gia phong trào. Nhà phê bình văn học Thụy Khuê cho biết, nữ sĩ Thụy An là "phóng viên chiến tranh, làm nghề báo nuôi sáu người con, vào Nam ra Bắc thường xuyên, quen biết những người như các tướng Tassigny, Cogny, nhờ họ bà xin được cho con gái sang Pháp chữa bệnh lao xương…." [2] Sự giao thiệp rộng rãi này là nguyên nhân khiến bà Thụy An bị kết tội "hoạt động gián điệp" trở thành người bị thẩm cung gắt gao, trong cuộc đấu trí không có trọng tài và không cân sức.
Nhà phê bình Thụy Khuê nhận xét: "Thơ Thụy An nói lên chí khí bất khuất, nói lên sự quyết liệt khi cần phải quyết liệt, nói lên cái hận mất nước, sự không chịu bó tay của người phụ nữ. Sáng tác của bà từ truyện cổ tích đến truyện ngắn, tiểu luận, và nhất là thơ, đã quét sạch những dòng nhơ bẩn viết về bà, giải thích tại sao Thụy An không chịu lùi bước trước cường quyền và bạo lực." Cho đến ngày qua đời, nữ sĩ Thụy An vẫn không được chính quyền cộng sản phục hồi danh dự. Sự tàn khốc của chế độ và số phận đau đớn của bà được ghi lại trong "Chương 8: Thụy An," có thể xem như một lời giải oan đặc biệt, một lời cảm thán của nhà phê bình Thụy Khuê nói riêng của người Việt Nam nói chung, dành cho người phụ nữ tài hoa bạc phận.
Nhà biên khảo Thụy Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ, sinh ngày 9 tháng 8 năm 1944, tại Nam Định. Bà sang Pháp du học hồi tháng 9 năm 1962, bắt đầu viết tiểu luận phê bình văn học từ năm 1987. Bà được công chúng biết đến nhiều, kể từ khi phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật của đài phát thanh Quốc Tế Pháp RFI; từ tháng 12 năm 1990 cho đến tháng 3 năm 2009. "Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc" là tác phẩm mới nhất, công phu nhất của bà, dày gần 1.000 trang sau năm tác phẩm đã xuất bản từ năm 1995 đến năm 2005. Là người am tường văn học nghệ thuật, tinh tế và thông minh trong việc sử dụng những công cụ thuộc phạm trù tư duy khoa học, nhà phê bình Thụy Khuê đã mang từng sự kiện riêng lẻ kết thành một tổng hợp logic, truy tìm sự thật bị bóp méo bởi những ý đồ ám muội, để trả lại giá trị nhân cách cho nữ sĩ Thụy An, và cho nhóm văn nghệ sĩ trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Hoàng Nhất Phương
3:13am Thứ Bảy ngày 10 tháng 5 năm 2014

[1]."Bọn Nhân Văn Giai Phẩm Trước Tòa Án Dư Luận." Trang 102
[2]. "Chương 8: Thụy An."

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"