Nguồn: Gió O
Mấy hôm trước có một số chị em gái xinh đẹp nhắn tin qua Facebook
bảo mình là các nàng sợ quá, hủ tiếu nuốt không trôi vì chiến tranh gần
tới nơi rồi; đang cãi nhau chí tử với chồng tự nhiên mỉm cười làm lành
ngay. Mình bảo đừng lo và mình hứa sẽ viết note chém gió về chuyện Biển
Đông cho chị em yên tâm :D
Mình nghĩ rằng sẽ chẳng có chiến tranh nào đâu. Tuy nhiên trên biển
thì 2 bên TQ và VN vẫn sẽ đâm tàu nhau, phun vòi rồng, thi thoảng còn
dùng súng cá nhân để giết hại binh lính hoặc người dân của nhau. Tuy
nhiên 2 bên sẽ kiềm chế để không là người đầu tiên nã pháo vào bên còn
lại. Trong trường hợp nã pháo vào nhau, một cuộc đụng độ trên biển có
thể xảy ra giữa quân đội hai nước và thiệt hại chắc chắn sẽ thuộc về
Việt Nam, khi Trung Quốc sẽ nhân cơ hội xung đột để đánh chiếm thêm một
vài đảo trong quần đảo Trường Sa do Việt Nam đang đồn trú. Trung Quốc đi
từ tình trạng không có hòn đảo nào ở Trường Sa ( thậm chí cả ở Hoàng
Sa), nhưng từng bước từng bước, họ muốn chiếm thêm nhiều đảo từ tay Việt
Nam. Tuy vậy, rõ ràng trước thái độ kiềm chế của Việt Nam, không dễ gì
để Trung Quốc có thể lấy cớ nổ súng chiếm đảo, nên họ dùng các giàn
khoan di động như là 1 cái đảo nhân tạo, chẳng phải với mục đích khai
thác dầu khí gì cả, mà chỉ đơn thuần là xây dựng tiền đồn trên Biển
Đông.
Tóm lại, theo mình nghĩ, các diễn biến bây giờ chỉ là đòn gió giữa
hai bên. Trong trường hợp già néo đứt dây, một cuộc đụng độ trên biển có
thể xảy ra, thì nó sẽ diễn ra trên biển như những năm 1974, 1988 khi
Trung Quốc đã đánh chiếm một số đảo từ tay quân đội VNCH hoặc từ tay
quân đội VN thống nhất vậy.
Nhiều bạn mình thấy hơi sùng sục khi hở ra là đòi nhập ngũ để thể
hiện lòng yêu nước. Chắc phải phát AK47 và áo phao để các bạn có thể hy
sinh vì tổ quốc chăng? À, cũng phải biết bơi mà là phải bơi giỏi trên
biển chứ không phải đùa nhé.
Trong tình hình hiện nay, VN khó có thể làm tốt hơn thứ mà VN đang
làm. Nã pháo vào tàu hay giàn khoan của TQ là điều không quá khó nhưng
không khôn ngoan. Tất cả những gì TQ chờ đợi là VN nã pháo vào họ trước.
Đối với TQ, việc 5,000 lính thủy hay 50 chiếc tàu của họ chìm chả phải
là thiệt hại lớn. Nhưng đối với VN, mất thêm vài cái đảo chắc chắn là
một tổn thất khó bù đắp được.
Trung Quốc có chiến lược rất dài hơi ở Biển Đông. Người dân của họ,
dẫu là người dân ngu nhất, khi nhìn trên bản đồ cũng thấy ngay sự phi lý
của chính phủ TQ và đảng cộng sản Tàu. Tuy nhiên họ sẽ không phản đối
vì họ nghĩ chính phủ và đảng của họ đang làm một thứ, dẫu thứ phi lý và
sai trái, nhưng mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Thành ra không thể nói
lẽ phải với dân Tàu về chuyện biển Đông.
Chiến lược của TQ ở Biển Đông như đã nói là dài hơi, nhưng họ chọn
thời điểm hành động rất thâm độc. Lần hạ giàn khoan này của TQ, một mũi
tên trúng ít nhất 2 con chim. Con chim đầu tiên là giải tỏa sức ép chính
trị từ người dân đối với sự bất lực của chính phủ và đảng TQ trước các
vụ tấn công của những người ly khai Tân Cương. Con chim thứ hai là tại
thời điểm bất lợi nhất của VN khi VN gần như công khai ủng hộ Nga xâm
phạm chủ quyền Ukraine, điều này đồng nghĩa với việc làm Hoa Kỳ khó chịu
và Hoa Kỳ sẽ phản ứng với TQ nhẹ nhàng hơn những gì đáng lẽ ra họ đã
phải thực hiện. VN vốn luôn phản đối những chuyện can thiệp vào nội bộ
và lãnh thổ của nước khác, nhưng với tư cách là đối tác toàn diện ở mức
cao nhất với Nga, VN buộc phải ủng hộ Nga cho dù VN đã muốn im lặng. Nga
bị châu Âu và Mỹ cấm vận, ngả về TQ, chuẩn bị tập trận với TQ và TQ lợi
dụng thời điểm thuận lợi như vậy để khiêu khích VN. Phản ứng của ông
bạn vàng Nga cũng như Putin rõ ràng là lấy lệ, nếu thực sự họ xem quan
hệ đối tác với VN là quan trọng, họ có thể dọa bỏ tập trận với TQ. Nhưng
không. Trước đây VN từng ký với Liên Xô hiệp ước bảo vệ lẫn nhau khi bị
tấn công ( năm 1978), nhưng họ đã bỏ rơi VN khi VN bị TQ tấn công
(1979). Người Nga không bao giờ là những kẻ đáng tin. Tất cả những gì họ
muốn ở VN là một đối tác chính trị và bạn hàng mua vũ khí ở Đông Nam Á,
bởi hai nước có nhiều liên hệ do lịch sử mang lại. Nhưng đứng giữa lựa
chọn giữa TQ và VN, họ sẽ luôn chọn TQ. Biển Đông càng thẳng thì VN càng
phải gồng người ra mua vũ khí của Nga, trong khi theo như báo chí nói
thì quỹ bảo hiểm xã hội sắp vỡ đến nơi.
Sự kiện Nga ngang nhiên can thiệp và tách 1 phần lãnh thổ Ukraine vào
liên bang Nga do chính họ công nhận trước đó – đã thay đổi hoàn toàn
thế giới này. Đây là một thế giới mà nếu 1 nước nhỏ hơn, nếu không được
bảo kê bởi 1 liên minh quân sự đủ mạnh thì có thể sẽ bị tấn công và chia
cắt bất cứ lúc nào bởi một cường quốc, trong khi các cường quốc khác
chỉ có thể đứng nhìn. Tất cả các hiệp ước, luật quốc tế cũng chẳng là có
giá trị gì. Trung Quốc đang muốn thử nghiệm lý thuyết này đối với VN.
Tin chắc rằng, ngay cả khi TQ ngang nhiên chủ động nổ súng đánh chiếm 1
vài hòn đảo của VN thì cả thế giới cũng sẽ đứng nhìn thôi, bao gồm cả
Nga lẫn Mỹ.
Trong cuộc đối đầu với TQ, thực ra VN rất đơn độc. Nga chẳng ngu dại
gì mà chủ động đâm vào mạng sườn TQ chỉ vì VN. Mỹ, có thể là đồng minh
của một quốc gia độc tài quân sự, nhưng không bao giờ là đồng minh của
một nước cộng sản vì những khác biệt sâu sắc về thể chế. Bọn Đông Nam Á
thì đa phần không dám đối đầu với TQ và ngay cả họ cũng bị TQ mua lấy sự
im lặng, khi nhiều trong số họ thực ra cũng chẳng có vấn đề gì căng
thẳng trên biển với TQ.
Ngoài ra, một số đặc điểm về thể chế của VN cũng khiến VN gặp nhiều
bất lợi khi đối đầu với TQ bằng các quyền lực mềm. Nếu ở một xứ có nền
báo chí tự do hay tự do ngôn luận như Hàn Quốc hay Nhật Bản chẳng hạn,
người dân có thể thể hiện sự phản đối của họ đối với chính phủ TQ mà TQ
chẳng làm được gì. Nhưng ở VN, điều đó nếu xảy ra, có nghĩa là chính phủ
VN cho phép người dân làm như vậy và TQ sẽ gây sức ép lên chính phủ VN.
Nếu VN có một xã hội dân sự mạnh, các hội đoàn ( không do Đảng CSVN
lãnh đạo), sẽ có những giáng trả thích đáng đối với hàng hóa Trung Quốc (
không mua, không cho trúng thầu). Đáng tiếc tất cả các hội đoàn trên
đất nước này đều do người của Đảng lãnh đạo nên không có sự độc lập khi
họ muốn hành động khác với sự cho phép của đảng.
Ngành ngoại giao VN cũng yếu thế hơn khi đối đầu với TQ. Đã có ngành
ngoại giao rồi, nhưng VN lại có Ban đối ngoại Trung ương, ban này thực
ra là ban liên lạc với các đảng CS với nhau, đúng hơn là các Bộ chính
trị với nhau, nhiều khi họ hành động qua mặt cả Bộ ngoại giao VN. Nhiều
năm lại đây không có bộ trưởng ngoại giao nào của VN là thành viên bộ
chính trị cả. Các thao tác cơ bản của ngoại giao trước các hành động
khiêu khích này tối thiểu phải là triệu hồi đại sứ Tàu đến phản đối,
hoặc triệu hồi đại sứ VN về, hoặc đuổi luôn đại sứ TQ về nước. Nhưng
những thứ này không được làm, vì quyết định không nằm trong tay bộ ngoại
giao.
TQ mỗi năm xuất khẩu sang VN khoảng 50 tỷ đôla, xuất siêu đối với VN
đâu hơn 30 tỷ. VN chỉ cần đóng cửa biên giới là TQ ớn ngay, chứng khoán
TQ chẳng rớt ào ào? Mặc dù trước mắt VN có thể thiệt hại vì nguồn hàng
cung, nhưng chắc chắn sẽ nhanh chóng bù đắp bởi sự trỗi dậy của sản xuất
nội địa ( vốn bị chết bẹp bởi hàng TQ) và nguồn nhập từ các nước không
phải TQ. Coi như là cơ hội để thoát khỏi sự lệ thuộc vào nền kinh tế TQ
như bấy lâu nay.
Người dân VN có thể làm gì để giúp đất nước trong thời điểm này? Theo
mình những húng hắng kiểu nhập ngũ hy sinh là rất vớ vẩn phi thực tế.
Nhập ngũ thì thêm mồm, thêm cơm chứ được gì đâu. Làm ơn ra đường đừng xả
rác, đi bơi đừng lén đái trong bể bơi, không khạc nhổ lung tung và
không đái bậy bên đường, mỗi người có trách nhiệm về mặt vệ sinh dịch tễ
với 3 mét vuông quê hương nơi họ đang đứng là đã quá tốt cho đất nước
này rồi. Không ai cần thêm súng ống và không ai cần thêm nhiều người cầm
súng ống.
Phét lác ngày thứ Bảy cho đỡ nhạt mồm.