Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Indonesia khẳng định: Biển Ðông là ‘vấn đề khu vực’

JAKARTA (NV) - Ông Marty Natalegawa, ngoại trưởng Indonesia vừa khẳng định, tranh chấp biển Ðông là một vấn đề của khu vực và vì vậy, ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để bảo đảm các bên có liên quan phải đối thoại.
Ngoại trưởng Indonesia nói thêm, đó là lý do để ASEAN tập họp quanh Việt Nam sau khi Việt Nam và Trung Quốc đối đầu với nhau về vụ giàn khoan HD 981 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.


Ngoại Trưởng Indonesia Marty Natalegawa, người vừa gửi thông điệp cho Trung Quốc, xác định, tranh chấp trên biển Ðông là “vấn đề khu vực.” (Hình: Getty Images)
Chắc chắn tuyên bố của ông Natalegawa sẽ khiến chính quyền Việt Nam hoan hỉ và chính quyền Trung Quốc bất bình.
Trước nay, Trung Quốc vẫn tìm mọi cách để loại trừ khả năng có hơn hai bên tham gia giải quyết những tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và các quốc gia khác.
Ðó cũng là lý do Trung Quốc cảnh cáo Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ lên tiếng về xung đột Việt-Trung trên biển Ðông, bùng phát từ đầu tháng 5 tới nay.

Trung Quốc cũng vừa cảnh cáo ASEAN, nhắc các quốc gia Ðông Nam Á phải “trung lập,” không can dự vào tranh chấp hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cảnh cáo ASEAN được phát ra sau khi ông Lê Lương Minh, thứ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, nhân vật đang đảm nhiệm vai trò tổng thư ký ASEAN, nhiệm kỳ 2013-2017, lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vi phạm Tuyên bố Ứng xử của Các bên ở Biển Ðông (DOC).
Ông Minh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ðồng thời nhấn mạnh, hiện nay, đó là nhiệm vụ hàng đầu của ASEAN.
Sau tuyên bố của ông Minh với tư cách tổng thư ký ASEAN, ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đáp trả rằng, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Việc ông Minh ủng hộ tuyên bố chủ quyền của một bên trong cuộc tranh chấp là sai lầm bởi đó không phải là quan điểm của ASEAN.
Khác với thông lệ: Các quốc gia ASEAN thường tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, lần này, ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh, Trung Quốc phải thực hiện cam kết thường xuyên mà Trung Quốc thường đề cập là thực thi DOC. Theo đó, các bên có liên quan trong tranh chấp chủ quyền ở biển Ðông phải tự kiềm chế.
Sự cứng rắn mà Indonesia vừa thể hiện được xem là khác thường.
Trước đó, phát biểu của ông Lê Lương Minh, trong vai trò tổng thư ký ASEAN, đã được tờ The Wall Street Journal nhận định rằng, chưa bao giờ có một đại diện của ASEAN tỏ ra cứng rắn đến thế.
Tuần trước, trong một tuyên bố chung, ASEAN vẫn chỉ bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 nhưng không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc.
Trong tuyên bố mới nhất về cuộc đối đầu trên biển Ðông giữa Việt Nam và Trung Quốc, ngoại trưởng Indonesia nói thêm rằng, ông ta đã trao đổi qua điện thoại với ngoại trưởng Việt Nam và ngoại trưởng Trung Quốc, thúc đẩy hai bên xác định rõ thế nào là “tự kiềm chế.”
Giới quan sát thời sự nhận định, Indonesia giữ vai trò đáng nể trong ASEAN và có khả năng Indonesia sẽ là trung gian để giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung.
Tuy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Ðông xâm hại chủ quyền của cả Philippines, Việt Nam, lẫn Malaysia, Brunei, Indonesia nhưng ASEAN - cộng đồng mà những quốc gia này cùng là thành viên, không thể đạt được sự đồng thuận cần thiết về cách thức ứng xử chung đối với Trung Quốc.
Tham vọng độc chiếm biển Ðông, kiểm soát biển Hoa Ðông của Trung Quốc vẫn chưa đủ để đẩy các quốc gia Châu Á và Ðông Nam Á tự xích lại gần nhau và tìm cách gia tăng sự tin cậy lẫn nhau.
Trong vài tháng qua, người ta chỉ mới thấy Việt Nam và Philippines làm như vậy.
Hồi giữa tháng trước, ông Albert del Rosario, ngoại trưởng Philippines loan báo, cả Philippines lẫn Việt Nam đang liên lạc với Malaysia để bàn bạc phương thức xử lý chung đối với chính sách bành trướng, cũng như các hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Ðông. Song cho tới lúc này, vẫn chỉ mới có Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Ðông ra Tòa án Trọng tài về Luật Biển.
Có rất nhiều thông tin về việc Trung Quốc tìm nhiều cách để lũng đoạn nội bộ ASEAN, nhằm tiếp tục duy trì phương thức giải quyết tất cả các bất đồng bằng quan hệ song phương, không chấp nhận sự can dự của bên thứ ba.
Hôm qua, khi gặp ông Ban Ki-moon, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đến Trung Quốc tham dự một hội nghị về an ninh khu vực ở Thượng Hải, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng, “giải pháp chính trị” cho các xung đột trên thế giới là không dùng “lực lượng bên ngoài” vì điều đó “chỉ tạo ra thêm vấn đề.”
Dịp này, ông Tô Hạo, một giáo sư của Học Viện Ngoại Giao Trung Quốc, nói với tờ Bưu Ðiện Hoa Nam Buổi sáng, rằng, tuyên bố của chủ tịch Trung Quốc nhắm vào các tranh chấp vừa qua giữa Trung Quốc và một số lân bang.
Ông Hạo diễn giải thêm là Trung Quốc luôn muốn giữ quan hệ ổn định với Hoa Kỳ nhưng nay, Trung Quốc muốn công khai bày tỏ lập trường vì Hoa Kỳ đã đẩy một số quốc gia đến chỗ đối đầu với Trung Quốc.
Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên lên tiếng sau sự kiện giàn khoan HD 981. Bất kể các chỉ trích từ phía Trung Quốc.
Khởi đi là phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, kế đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ, rồi tới phát ngôn viên Phủ Tổng Thống Hoa Kỳ và phó tổng thống Hoa Kỳ đã cùng lặp lại quan điểm là Trung Quốc đang “khiêu khích.” Các bên có liên quan nên giải quyết tranh chấp bằng đối thoại, không nên “dọa nạt.” Trung Quốc không được gây phương hại cho an ninh và hòa bình ở biển Ðông, khu vực vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. (G.Ð)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"