Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Các loại lòng yêu nước

Trần Minh Khôi

Thái độ không khuất phục trước sự đe dọa của ngoại bang được coi là sự biểu hiện của lòng yêu nước. Điều đó chính đáng, và trong những ngày qua chúng ta vui mừng được chứng kiến sự trỗi dậy của lòng yêu nước (hiểu theo nghĩa) truyền thống đó.
Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chúng ta có lý do để lo ngại: lòng yêu nước của chúng ta vẫn chưa vượt ra khỏi sự giam hãm của tư duy bộ lạc.
Thế nào là yêu nước?
“Yêu nước”, hay “ái quốc”, là một khái niệm mới đối với chúng ta. (Chắc chắn những tình cảm yêu thương và trung thành với đất nước và con người nơi mình sinh ra và lớn lên tồn tại từ buổi hoang sơ của lịch sử tộc loài. Nhưng khi chúng được khái niệm hóa bằng ngôn ngữ cụ thể, như “ái quốc” hay “yêu nước”, thì chúng đã bắt đầu tồn tại trong một khung tư duy mới. Hỏi vui: bạn có biết khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên ở đâu và lúc nào không?) Đầu thế kỷ 20, chúng ta bắt đầu dùng danh xưng “nhà ái quốc” để gọi những người có chí hướng đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhóm Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành ở Paris lấy tên “Nguyễn Yêu Nước (Ái Quốc)” làm bút danh chung của họ. “Yêu nước” lúc đó là ý chí phản kháng, chống lại thống trị thực dân. Vào thời điểm đó, nó không bao hàm một ý nghĩa nào khác. Và gần 100 năm qua, ngoài những biến dạng hợm hĩnh như “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” hay “yêu nước là chống cộng sản”, nó cũng chỉ chứa đựng một ý nghĩa, được chấp nhận phổ quát, như thế.

Lòng yêu nước nguyên sơ đó là một ràng buộc có tính đạo đức đối với mỗi thành viên của một tộc loài, xuất phát từ những đòi hỏi thực tiễn của sự tồn vong của tộc loài đó. Nó là điều trông đợi, mà không phải ngạc nhiên, đối với những thành viên khác. Nó có dấu vết của tinh thần bộ lạc. Ngay cả khi nó đã tồn tại trong một khung tư duy thì nó vẫn không thoát khỏi tư duy bộ lạc.
Cùng lúc với sự phát triển của tộc loài, quốc gia ra đời. (Quốc gia Việt Nam ra đời rất muộn màng và hiện nay Việt Nam cũng chỉ đang trong tiến trình hình thành quốc gia. Nhưng đó là một đề khác cho một dịp khác). Tư duy quốc gia, thừa hưởng tất cả những ý niệm của tư duy bộ lạc (biểu tượng sắc tộc/tộc loài, sự sùng bái quyền lực, huyền thoại nguồn gốc, vv…), đem đến cho các ý niệm này những nội dung mới nhằm giải quyết những vấn đề mới của sự tồn vong và phát triển của quốc gia. Lòng yêu nước từ đó không còn nguyên vẹn với ý nghĩa ban sơ của nó.
Lòng yêu nước của tư duy quốc gia trước hết, và quan trọng không kém tinh thần bảo vệ chủ quyền trước đe dọa của ngoại bang, là tinh thần bảo vệ công lý, là thái độ căm phẫn trước sự chà đạp công lý, đặc biệt là sự chà đạp công lý từ phía nhà nước. Lòng yêu nước của tư duy quốc gia từ chối phục tùng quyền lực của nhà nước vô điều kiện. Lịch sử phát triển quốc gia của nhân loại trong gần 300 năm qua nhìn nhận thái độ phản kháng chống lại các nhà nước áp bức là tinh thần yêu nước thực sự.
Xin hỏi các bạn trẻ (và các bạn không trẻ), những người đã dũng cảm xuống đường bày tỏ lòng yêu nước của mình trước sự đe dọa của Trung Quốc, hành động của các bạn là niềm kiêu hãnh và hy vọng của tôi: Các bạn đã làm gì cho công lý? Các bạn đã làm gì cho trăm ngàn công nhân xuất khẩu lao động sống lây lất ở nước ngoài, cho hàng triệu công nhân đang bị bóc lột tàn tệ bởi tư bản nước ngoài và tư bản nội địa ở các khu chế xuất? Các bạn đã làm gì trước sự chà đạp nhân phẩm, chà đạp tự do, trước những hành xử bất công xảy ra hàng ngày trong đời sống của chúng ta?
Cho đến khi các bạn dám bày tỏ thái độ phản kháng để bảo vệ công lý, lòng yêu nước của chúng ta vẫn chưa thoát khỏi sự giam hãm của tư duy bộ lạc.
Một trong những bài học lớn nhất mà thế kỷ 20 để lại cho chúng ta là phải cẩn trọng, phải biết trân quý, phải biết giữ gìn lòng yêu nước của mình như một tài sản. Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng cho tham vọng quyền lực. Đừng lặp lại sai lầm của mấy thế hệ đi trước.
Lòng yêu nước, cũng như những tình yêu khác, trong không gian tư duy, là một thực thể cô đơn, yếu đuối. Khó có thể lý giải tại sao mình yêu một người đàn bà và cũng khó có thể lý giải tại sao mình yêu nước. Lòng yêu nước không phải là một ý thức hệ. Nó không có một hệ thống logic, mà ý thức hệ có, để bảo vệ nó trước sự võ đoán của lý tính. Do đó, trong thời đại của lý tính, để tồn tại, nó có khuynh hướng cộng sinh trên ý thức hệ. (Cha ông mình ngày xưa đếk cần ý thức hệ, chỉ cần yêu nước là đủ, là giữ được nước). Từ đó, nó bị ý thức hệ khuynh loát, vùi dập, hiếp dâm, lợi dụng. Lòng yêu nước càng lúc càng vàng vọt xanh xao…
Trong thế kỷ 20, ý thức hệ đó là chủ nghĩa cộng sản. Với thế hệ của chúng ta, ý thức hệ đó là chủ nghĩa dân tộc. Nếu lòng yêu nước vẫn có thể bị chủ nghĩa cộng sản thao túng thì không nghi ngờ gì nó sẽ rất dễ dàng bị chủ nghĩa dân tộc thao túng, vì chúng ta phần lớn vẫn nhầm lẫn rằng tinh thần dân tộc là một thứ tư duy “hàng nội” nào đó gần với tư duy yêu nước. Hãy cảnh giác! Chủ nghĩa dân tộc cũng là một thứ ý thức hệ ngoại lai, “nhập khẩu”, và nó cũng có sức tàn phá như chủ nghĩa cộng sản.
Lòng yêu nước có thể tồn tại độc lập mà không cần sự bảo trợ của ý thức hệ - bất cứ một ý thức hệ nào, ngay cả ý thức hệ yêu nước (chủ nghĩa yêu nước). Cái mà nó cần là một nền tảng của những giá trị nhân văn chứ không phải là một hệ thống logic của quyền lực và lý tính. Yêu nước là yêu cái đẹp, yêu con người, yêu công lý, yêu sự cao thượng, nghĩa hiệp, yêu sự khác biệt (không yêu sự khác biệt thì không thể yêu người hay yêu công lý được), là hướng đến một không gian sống chung lý tưởng giữa những người khác biệt. Có như thế lòng yêu nước mới vượt ra khỏi tư duy bộ lạc và tồn tại độc lập.
Muốn nuôi dưỡng và bảo vệ sự trong sáng của lòng yêu nước thì phải có đủ dũng cảm để từ chối cám dỗ của sự sùng bái biểu tượng và quyền lực, một đặc trưng của chủ nghĩa dân tộc. Phải cảnh giác với những tuyên bố rổn rảng đại loại như “để Việt Nam cất cánh”, “để dân tộc vươn lên”, "ra biển lớn", vân vân. Yêu đất nước như yêu một người đàn bà và cố gắng sống xứng đáng với tình yêu đó. Đất nước sẽ vươn lên.
Lòng yêu nước không cần những lời hợm hĩnh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"