Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Hồi đánh nhau ở Điện Biên Phủ, tên tôi là Phạm Quế Dương

Phạm Quế Dương
Tám giờ sáng ngày 7 tháng 5, Nguyễn Thanh Giang gọi điện thoại hỏi: “Đài Tiếng nói Việt Nam vừa phát bài kể về trận đánh Điện Biên Phủ, nghe giọng nói giống anh nhưng Đài lại giới thiệu là đại tá Phạm Tiến Phúc, thế là thế nào anh nhỉ? Có đúng là anh không?”. Tôi trả lời ngay: “Đúng là tôi đấy. Khi phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đến hỏi và ghi âm lời kể của tôi về chiến dịch Điện Biên Phủ họ đều gọi tôi là bác Quế Dương. Phạm Tiến Phúc chỉ là tên hồi nhỏ ở nhà gọi tôi. Tên khai sinh của tôi đã là Phạm Quế Dương. Từ khi đi học, ở trường, trong quân đội, lúc đánh Điện Biên Phủ, trong giấy tờ cũng như trong sinh hoạt mọi người đều gọi tôi là Phạm Quế Dương. Không biết sao họ lại lôi ra được cái tên cúng cơm của tôi ra nhỉ”.
Nguyễn Thanh Giang hài hước: “Thế là ngày xưa Đảng huy động máu và mồ hôi của anh ra góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Bây giờ Đảng bắt anh cởi truồng ra đi tuyên truyền cho Điện Biên Phủ rồi!”.
Tôi tỏ ra không hiểu. Nguyễn Thanh Giang cười và giải thích: “Thì đấy, Phạm Quế Dương có chiến đấu ở Điện Biên Phủ đâu. Cái thằng cu Phạm Tiến Phúc đấy chứ!”

Mấy hôm sau bạn trẻ, bạn già, người gọi điện, người đến thăm, hàn huyên dãi dề khiến những ký ức sâu sa trong tôi bỗng trỗi dậy:
Tôi tham gia Thiếu niên tiền phong của Việt Minh từ tháng 4/1945. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tháng 9-45 tôi đã tham gia quân đội, khi ấy còn gọi là Đội Giải phóng quân ở Hà Nội. Vào Đảng ngày 9 tháng 8 năm 1948, khi ấy mới 17 tuổi. Đi đánh Pháp, tháng 12-1946 đã bị thương ở vai nhưng vẫn tiếp tục tham gia nhiều trận. Chiến dịch Hòa bình, là cán bộ trung đội pháo binh 75 li, đánh trận Tu Vũ tôi lại bị thương ở chân. Đến 1953-1954 tham gia chiến dịch Tây Bắc đánh ở Thượng Lào.
Khi Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ, được điều về làm chính trị viên phó đại đội 827, tiểu đoàn 394, đòan cao xạ pháo 367.
Sau trận mở màn chiến thắng Him Lam, tiến vào bảo vệ đồi Độc lập, trận địa ngay giữa cánh đồng nên luôn bị máy bay Pháp oanh tạc.
Sáng 18-3-1954 bom địch thả đúng giữa trận địa. Đại đội trưởng, đại đội phó hi sinh, chính trị viên đại đội bị thương. Đại đội có 4 khẩu đội thì bị phá 3 khẩu đội, còn mỗi 1 khẩu. Tôi hô: “Các đảng viên Cộng sản tiến lên, còn 1 khẩu cũng tiếp tục bắn”.
Mấy ngày sau, được bổ sung 3 khẩu và đầy đủ anh em chiến sĩ. Tôi được đề bạt chính trị viên đại đội. Diệt xong đồn Bản Kéo, chúng tôi tiến dần sát vào Mường Thanh theo sự phát triển của vòng vây bao quanh trận địa Pháp. Đại đội tôi có Tô Vĩnh Diễn lấy thân mình hi sinh chèn pháo nên thường được gọi là đại đội Tô Vĩnh Diện, bắn rơi 3 máy bay Pháp. Sau này, nhiều sách báo viết về trận 18-3 của đại đội tôi.
Đài Tiếng nói Việt Nam không dám nêu tên chính thức của tôi thì cần thông cảm vì năm 2003 tôi thấy bản tin nội bộ của Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương Đảng đã gọi tôi là “phản động” chỉ vì khi ấy tôi có viết bài tranh luận với báo An ninh Thế giới bênh vực Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn bị tù vì đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền.
Hà Nội, 8.5.2014
Phạm Quế Dương
37 Lý Nam Đế, Hà Nội
Điện thoại: 62700002

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"