Luật sư Ngô Ngọc Trai
Trong khi nền kinh tế đang còn suy thoái, đời sống nhân dân lao động
còn gặp nhiều khó khăn thì đất nước lại chịu thêm mối họa đến từ Trung
Quốc.
Đây là thời đoạn bất ổn có tính bước ngoặt, cùng một lúc chính quyền
phải đối mặt với nhiều rắc rối. Việc giải quyết thế nào sẽ là thách thức
ảnh hưởng đến tồn vong của chế độ và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Trong họa có phúc, có lẽ đã đến lúc Đảng cộng sản và những người khác
(tạm gọi là những người đấu tranh cho dân chủ), có lý do đủ mạnh để
nhận ra sự hữu hạn trong tầm năng lực và trí tuệ của mình. Để từ đó thay
vì cứ mãi đương đầu thì hãy kết hợp lại để tập trung nguồn năng lượng
cho đất nước phát triển.
Về phía Đảng
Một điều rõ ràng là Đảng lãnh đạo toàn diện phải chịu trách nhiệm toàn bộ về sự hưng thịnh và suy vong của đất nước.
Những vấn đề nghiêm trọng mà Đảng đang gặp phải như tham nhũng, lãng
phí, đạo đức suy đồi, bế tắc trong đường lối phát triển, chia rẽ nội bộ…
là do Đảng nắm quá nhiều quyền chứ không hề do thiếu quyền giải quyết.
Những yếu kém trong quốc nội dẫn đến mối họa từ bên ngoài.
Thực tế chính trị cho thấy một đảng giữ vai trò lãnh đạo, dù cho có
vững mạnh đến mấy thì cũng không có gì đảm bảo là đất nước sẽ phát
triển.
Ở góc đội đối ngoại, có những cái dù khát vọng và nỗ lực không ngừng cũng không đủ để đạt đến, ví dụ như hòa bình.
Để đất nước phát triển và hòa bình, cần tích hợp năng lực trí tuệ của
tập thể lãnh đạo với những nguyên lý khoa học trong lĩnh vực chính trị
về tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước đã được đúc kết qua túi khôn nhân
loại.
Một lực lượng đối lập trong chính quyền sẽ là chất kháng sinh kháng
ngừa những căn bệnh sai lầm mà không tự nhận thấy. Giống như chiếc xe
nào cũng cần có phanh hãm.
Giải pháp thực ra rất rõ ràng nhưng không biết Đảng có chịu? Đó là
cần san sẻ quyền lãnh đạo đất nước với các thành phần khác ngoài Đảng
cộng sản.
Liệu Đảng có đồng ý rằng: Đã đến lúc thay vì nắm quyền tuyệt đối toàn
diện đời sống chính trị đất nước, Đảng cần thu gọn lại và vẫn giữ vai
trò chi phối nhưng mở rộng và chia sẻ thẩm quyền cũng là gánh nặng trách
nhiệm quốc gia với những người khác?
Tóm gọn cho dễ hiểu là thu gọn từ đảng toàn trị thành đảng cầm quyền.
Lộ trình từng bước cũng không khó gì, đầu tiên Đảng có thể dành 100
hoặc 50 ghế đại biểu Quốc hội cho những người đấu tranh cho dân chủ.
Những người này bao gồm những cá nhân có tên tuổi, nổi trội thông qua
những hoạt động xã hội, họ có thể có quan điểm khác hoặc hoàn toàn đối
lập với Đảng cộng sản.
Quốc hội có tới 500 người, Đảng vẫn giữ đa số ghế lớn hơn, do vậy vẫn
giữ quyền chi phối đường lối chính sách phát triển đất nước.
Chống cộng khác dân chủ
Vì tương lai đất nước và khả năng thành công của giải pháp đề xuất nên cần thẳng thắng nhìn nhận vài điều.
Không được coi những người chống cộng mặc nhiên là người đấu tranh cho dân chủ.
Có những người thực sự mong muốn dân chủ nhưng họ cho rằng cần loại
bỏ cộng sản thì mới có được dân chủ. Trong số họ có nhiều người có kiến
thức hiểu biết, am hiểu tình hình đất nước và đặc biệt họ cũng đại diện
cho nguyện vọng của không ít người. Tuy nhiên sự thành công lại chưa
thấy đến.
Ngược lại có nhiều người chỉ dân chủ trên lời nói, họ luôn coi chế độ
cộng sản là đối tượng cần loại bỏ. Không bao giờ họ có thể nghĩ đến coi
đó là một đối tác, một thành phần của giải pháp. Đó là những người dân
chủ cực đoan, những người này gặp phải bế tắc khi thực tế chính trị đất
nước đối lập với ước muốn.
Cũng cần phân biệt giữa quan điểm chính trị và cương lĩnh chính trị,
phân biệt làm rõ giữa những vấn đề cần giải quyết và những sách lược có
khả năng thực thi.
Lâu nay nhiều người chỉ bày tỏ quan điểm chính trị mà không đưa ra
được sách lược chính trị. Họ chẳng hề quan tâm đến thực tế, hoặc có thì
đó là cái thực tế của họ chứ không phải của đông đảo nhân dân lao động,
trong họ chỉ có ước muốn hão huyền.
Họ muốn dẹp bỏ cộng sản để thiết lập mọi thứ từ đầu, giống như xóa ván cờ đi để sắp xếp từng quân cờ theo hình thế mới.
Với suy nghĩ như thế trả trách bao nhiêu năm qua thực tế chính trị
Việt Nam chẳng có gì thay đổi, Đảng cộng sản vẫn nắm quyền tuyệt đối.
Cũng trả trách bao nhiêu năm qua chẳng có lấy một nhân vật nổi bật
nào đưa ra được đường lối có khả năng thành công, tập hợp được quần
chúng.
Làm sao có thể đấu tranh thành công khi mà bỏ qua thực tế chính trị?
Làm sao có thể thành công khi nhận định sai về mình và người khác?
Muốn gì thì muốn Đảng cộng sản và toàn bộ hệ thống các thiết chế
chính trị hiện tồn luôn là những tham số to đùng không thể không tính
đến trong việc giải bài toán dân chủ.
Xử lý như thế nào những tham số đó sẽ quyết định đến sự thành công
hay thất bại hoặc gây ra những tổn hại vô ích như húc đầu vào đá.
Làm ngơ nó và hy vọng nó tự tiêu biến thì đó là ảo tưởng.
Cuộc chơi sòng phẳng
Những người đấu tranh cho dân chủ cần nhận thấy khả năng giới hạn của mình.
Nên nhớ là dù cho những người này tự đánh giá về mình thế nào đi nữa
thì họ cũng chỉ đại diện cho một số lượng người nhất định, bên cạnh đó
vẫn còn những đám đông người khác có những mong muốn khác và có những
đại diện khác.
Dân chủ là tất cả đều được coi trọng và đều có đại diện tiếng nói.
Chẳng thể nào có việc ông dân chủ nào cũng đòi làm Tổng thống hay Thủ tướng cả.
Khả năng có thể nhất họ sẽ tham gia với tư cách đại biểu trong các cơ quan dân cử là Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân.
Những người đấu tranh cho dân chủ phải nhận ra điều đó, và đó cũng là
điểm chung khả dĩ nhất giao thoa với véc tơ phát triển của Đảng cộng
sản đang nắm quyền.
Bằng cách đó Đảng cộng sản có thể san sẻ quyền tham gia điều hành
quốc gia với người khác. Ngược lại, những người kia cũng được thỏa mãn
mong muốn hoạt động chính trị và thực sự thì họ cũng có cơ hội công bằng
lên tiếng và bảo vệ cho những người mà họ đại diện.
Đó chung cuộc là đấu tranh nghị trường. Đấu tranh bằng lý lẽ và phiếu biểu quyết thay vì bắt bớ, nhà tù hay súng đạn.
Khi tham gia nghị trường, mọi người có trách nhiệm rõ ràng trong việc
đưa ra những đề xuất chính sách hợp lý dựa trên những nguồn lực hạn chế
và thực tế chính trị phức tạp, để toàn thể đánh giá bác bỏ hay chấp
nhận.
Điều này khó làm hơn nhiều là chỉ bày tỏ quan điểm chính trị với
những khẩu ngữ mà ai cũng biết như cho thành lập đa đảng, tự do bầu cử…
Tương lai tốt đẹp
Cái dàn khoan của Trung Quốc xem ra cũng có chút hữu ích.
Có lẽ chính quyền hiện thời đã khiêm tốn hơn, nhận ra những giới hạn
của bản thân, thay vì những hành xử vô cùng trong phạm vi quốc nội.
Những người đấu tranh cho dân chủ cũng nên có thái độ tương tự đối với chính quyền hiện thời.
Sự việc dàn khoan giúp cho những người đấu tranh cho dân chủ thấy
được vấn đề lớn hơn là giữ gìn toàn vẹn đất nước. Một điều dễ nhận ra
khi đó hóa ra lại là: Họ cũng có điểm chung với chính quyền cộng sản và
chính quyền cộng sản là một phần của giải pháp.
Nếu Đảng cộng sản và những người đấu tranh cho dân chủ mỗi người tiến lùi một chút thì tất cả sẽ có chỗ đứng và yên bình.
Đất nước sẽ có thêm nguồn lực cho dành cho đầu tư phát triển thay vì
để duy trì bộ máy an ninh mật vụ khổng lồ tiêu hao mà không hề sinh lợi.
Mặt khác những tiếng nói bất đồng gay gắt sẽ được uốn nắn thành những
lời chỉ trích mang hàm lượng kiến thức, giúp khai minh trí tuệ, soi rọi
chính sách.
Ở phương Tây người ta có định nghĩa rằng: Chính trị là sự thỏa hiệp.