Mạnh Kim
Ngày càng có nhiều nhận định chỉ trích chính sách xoay trục và mức độ
hiệu quả của nó trong việc tạo ra sự cân bằng địa chính trị tại châu Á
Thái Bình Dương. Sự chỉ trích này không chỉ ở Việt Nam hay khu vực mà
ngay cả ở Mỹ. Trung Quốc vẫn ngổ ngáo với những hành động phá hoại an
ninh khu vực và tiếp tục thành công trong việc bẻ đũa từng chiếc trong
cộng đồng ASEAN bằng sức mạnh kim tiền. Trung Quốc đã tận dụng tối đa
lợi thế sân nhà và biết chớp nhanh thời cơ bất cứ khi nào đối thủ họ bận
bịu với những nghị sự khác. Cái gọi là thành phố Tam Sa đã được thành
lập khi Obama tối tăm mặt mũi với chiến dịch tái tranh cử và sự kiện
giàn khoan nổ ra khi Washington còn đang lúng túng với hồ sơ Ukraine.
Trung Quốc đã có thể chứng tỏ cho thế giới thấy cái gọi là chính sách
xoay trục của Mỹ chẳng ép phê mấy ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc
tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt.
Tuy nhiên, liệu có phải bản thiết kế xoay trục của Mỹ là nhằm khống
chế sức mạnh Trung Quốc như được tưởng? Thật ra là không! Quan sát từng
diễn biến khu vực và phản ứng của Washington vài năm trở lại đây, đặc
biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giàn khoan, sẽ thấy rằng
Washington, khi thiết kế chính sách xoay trục, chỉ tập trung mạnh vào
việc tăng cường phòng thủ cho các đồng minh chủ lực, chứ không phải nhằm
tạo ra một hệ thống an ninh quốc phòng phủ sóng châu Á-Thái Bình Dương
để một mình đóng vai người hùng. Obama không phải là Bush. Nước Mỹ không
còn nhiều tiền để làm điều đó, vả lại, dân Mỹ cũng đã ngán cảnh tiền
thuế của họ bị xén cho chuyện bao đồng. Tóm lại, không phải (hoặc chưa
phải) đồng minh thì kệ đi!
Chính sách xoay trục, gút lại, được thiết kế một phần để nhấn mạnh
mối đe dọa “clear and present” từ Trung Quốc. Trong thực tế, Mỹ có thể
đã cố tình phản ứng “chậm một bước” để tạo “điều kiện” cho Trung Quốc
chứng minh chính họ là những kẻ phá hoại an ninh khu vực, tạo ra thêm
bằng cớ và cái xác tín “I-told-you-so”, để cuối cùng dẫn đến kết quả là
Trung Quốc bị cô lập và châu Á không còn lựa chọn nào khác là theo Mỹ.
Nếu điều này đúng thì Mỹ là những tay chơi cờ bậc thầy. Họ đã nghĩ ra
trước những nước cờ cần phải đánh, và đánh như thế nào vào thời điểm
nào. Họ “đi trên đầu” Trung Quốc về mưu mô chính trị, về việc thiết kế
và định hình được một cục diện tương lai trước nhiều thập niên, cho đến
khi vào một thời điểm nào đó, các kế hoạch bành trướng Trung Quốc đều
phá sản và Trung Quốc buộc phải cài số de trở về vạch xuất phát như vào
giai đoạn khép nép “cún con” “ẩn mình chờ thời”… Nếu giả định trên không
đúng thì chỉ có thể nói rằng, Mỹ đã phạm một sai lầm chính trị không
thể chấp nhận được, khi không khống chế Trung Quốc ngay từ đầu; và cái
giá phải trả chắc chắn phải là nhường châu Á lại cho Trung Quốc, miễn
mặc cả!
Thời điểm hiện tại, câu hỏi rằng “có nên theo Mỹ không, theo như thế
nào để không… “mất nước”, với điều kiện gì, cam kết ràng buộc ra sao…”
chắc chắn là câu hỏi đang được đặt ra với nhiều nước châu Á (không thuộc
đồng minh Mỹ). Trong khi đó, tín hiệu nhấp nháp liên tục từ Washington
có thể được tập hợp thành chuỗi ký tự để lắp ghép thành một thông điệp
với hàm ý rất rõ: các bạn châu Á, nếu các bạn nhận thức đâu là nguồn gốc
mối đe dọa lớn nhất, các bạn sẽ biết chỗ nào là nơi các bạn tìm đến;
chúng tôi sẽ là đồng minh nếu các bạn thật sự muốn điều đó; các bạn phải
tự hiểu; đó là sự chọn lựa của riêng các bạn! Thân ái, From Washington
with Love!
Tất nhiên “tình” không thể biếu không và “love” về căn bản phải đặt
trên nền tảng lâu bền nào là điều mà người ta sẽ bàn đến - nếu có một
cuộc tình như thế được thiết lập và hình thành, trên cơ sở của một chọn
lựa cuối cùng, sự chọn lựa quyết định sinh tử của một dân tộc. Với Việt
Nam, đây là sự chọn lựa có thể giúp dẫn đến việc cắt đứt vĩnh viễn sự
thống trị chà đạp nhân cách và phẩm giá quốc gia mà Trung Quốc đã ngạo
nghễ áp chế hàng bao năm lên nước ta. Với Việt Nam, một sự chọn lựa dứt
khoát vào lúc này sẽ còn có thể tạo ra một thay đổi nhận thức đột biến ở
tầm khu vực và mang lại một hiệu ứng dây chuyền tích cực.