Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Xin nói thật với Đảng và Nhà nước

Đức Thành
Nhân dịp Nhà nước công khai lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân về góp ý dự thảo hiến pháp 1992 sửa đổi, với tư cách là một công dân có trách nhiệm với dân tộc,với đất nước, thực lòng luôn muốn Đảng CSVN là chỗ dựa tin cậy để dân tộc phát triển, nhân dân thực sự tự do ấm no hạnh phúc, dân chủ bình quyền, là người từng trải những cay đắng ngọt bùi sống dưới chế độ được gọi là XHCN do Đảng khởi xướng kiến tạo và dẫn dắt, tôi xin mạnh dạn chia sẻ những suy nghĩ thật lòng với ban lãnh đạo của Đảng – BCH TƯ, BCT, TBT của Đảng.
Trước hết xin nói đôi chút về cá nhân: Tôi thuộc thế hệ sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành khi đất nước đã sạch bóng quân thù kể cả kẻ thù bành trướng phương Bắc. Thế hệ cha anh chúng tôi, nhất là những người rời quân ngũ sang làm lãnh đạo thường nửa thực nửa đùa bảo “Chúng mày sướng nhất, không phải vào sinh ra tử, không biết hòn tên mũi đạn là gì, mà làm giàu cũng không xong”! (Ôi, một người bố choảng nhau với kẻ thù đến viên gạch cuối cùng của nhà mình, hết gạch nhà còn phải đi vay mượn. Kẻ thù thấy ý chí của nhà mình trường kỳ quá phải rút lui, giờ bố chỉ bảo bắt các con phải làm giàu khi mà hòn gạch ném chim không có, và lại phải luôn lo đối phó với ông bạn láng giềng xấu bụng cứ nhăm nhe lấn đất lấn ao nhà mình!).

Là con một nông dân chính cống của miền Bắc XHCN, thời phong kiến ông bà tổ tiên tôi cũng có chút điền sản, nhưng đến khi có phong trào Hợp tác xã thì cha tôi – một đảng viên CS từ năm 18 tuổi – đã đem hiến hết cho nhà nước số tài sản mà bao thế hệ gia đình chúng tôi ăn dè buộc túm mới có được.
Cha tôi là một người hiền lành, do ông bà tôi mất sớm nên không được học hành đầy đủ, lại phải thay bố mẹ nuôi em ăn học thành thầy giáo liệt sỹ. Chỉ có trình độ văn hóa lớp 5 nhưng cha tôi là cán bộ kế toán và đội trưởng đội sản xuất HTX nhiều năm, cho đến khi bị kỷ luật khai trừ đảng vì can tội dám “đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng” – là chia cho các hộ dân trong thôn mỗi hộ một ít đất hoang hóa để trồng rau xanh cải thiện bữa ăn. Đó là những năm ông Kim Ngọc – Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc – bị kỷ luật nghỉ hưu vì khoán nông nghiệp cho các tổ nhóm.
Không nói đến chức tước cao thấp nhưng có lẽ cha tôi bị kỷ luật nặng hơn (bị khai trừ) vì… đã chia đất cho các hộ cá nhân, còn ông Kim Ngọc chỉ bị cho nghỉ hưu sớm vì chỉ khoán đến nhóm tổ đội mà thôi?! Tôi cứ tự hỏi: khi Trung ương phê phán ông Kim Ngọc, kỷ luật ông, thì những người cộng tác với ông, giúp đỡ ông, không biết có ai bị kỷ luật không? Tôi chưa tìm thấy con số thống kê về nhóm cán bộ bị kỷ luật cùng với ông Kim Ngọc.
Tôi có một số bạn bè thân làm báo, khi biết chuyện về cha tôi các anh thường hỏi về những ngày tháng đó của cụ, về những người đã thi hành kỷ luật cụ. Tôi có kể cho các anh nghe nhưng yêu cầu không được viết báo – các anh đã tôn trọng. Nhìn chung, những người cán bộ đã thi hành kỷ luật cha tôi, tuy họ hơn cha tôi về quá trình công tác, cuối đời có lương hưu, nhưng con cái họ hầu hết đều kiệt quệ về kinh tế, phá gia bại sản, do không chịu học hành tu chỉnh, thế hệ thứ ba của họ phần lớn rơi vào tệ nạn cờ bạc nghiện hút, bố mẹ, ông bà có lấn chiếm được ít đất nào con cháu cũng bán dần bán mòn để ăn chơi, hội hè cờ bạc, thậm chí ma túy. Một số bạn thân của cha tôi lúc đầu tuy có bênh vực cha tôi, nhưng rồi vì quyền chức, địa vị, lương bổng, và lo lắng cho gia đình… nên cũng dần xa lánh cha tôi. Ngày nay khi họ về nghỉ hưu tại địa phương, những cán bộ này vẫn cảm nhận thấy sự ghẻ lạnh của bà con thôn xóm, vì họ là cán bộ lãnh đạo ở tỉnh, ở huyện, ở Trung ương, và những bất công vẫn cứ xảy ra ngày một nhiều tại địa phương, trên khắp đất nước.
Ở xứ mình, khi người có quyền lực là Đảng cho một điều gì đó là tốt đẹp thì nhất nhất sẽ bắt mọi người dưới quyền hoặc những người xung quanh cũng phải nhìn cái đó theo hướng tốt đẹp, nếu có ý kiến nào trái lại thì sẽ bị phê phán gay gắt, thậm chí bị ly gián, cho vào sổ đen theo dõi. Tư duy ấy có thể tạm có ích nếu Đảng chỉ ra được kẻ thù là ai, ở đâu, và nó nguy hiểm như thế nào, còn hiện nay Đảng không nêu ra được đâu là kẻ thù mà chỉ nói chung chung rằng các thế lực thù địch ngày đêm chống phá ta, cần phải đề cao cảnh giác. Như vậy sẽ xuất hiện những nhóm nhỏ vì mục đích nào đó coi những tiếng nói góp ý chân thành là thế lực thù địch, rồi tìm cách chỉ trích bắt bớ bỏ tù những người này. Khỏi phải nói những hoang phí trong chi phí cử an ninh trinh sát đi theo dõi những công dân, trí thức lên tiếng kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong quốc kế dân sinh. Giá như những chi phí ấy đem xây trường học bệnh viện hay hỗ trợ ngư dân ngày đêm bám giữ biển đảo thì hay biết mấy!
Thời mới giành được chính quyền, Đảng và Bác Hồ đã chỉ ra kẻ thù rất rõ ràng đó là Kẻ thù ngoại bang, cụ thể là đế quốc Pháp, kẻ thù bên trong là giặc dốt, giặc đói… Nhờ có sự chỉ ra rõ ràng như thế về kẻ thù mà Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đến thời đánh Mỹ, Đảng và nhà nước cũng chỉ ra kẻ thù chính là đế quốc Mỹ và xác định kẻ thù đúng nên tuy là một nước nhỏ lạc hậu nhưng dân ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới và đã hoàn toàn thống nhất được tổ quốc VN thân yêu của chúng ta, thu non sông về một mối. Ngay khi ta xác định được Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm lâu dài một cách chính xác, mặc dù bị kiệt quệ về kinh tế sau chiến tranh, bị bất ngờ khi không nghĩ rằng TQ lại đánh nước ta (vì cùng ý thức hệ cộng sản), ấy vậy mà một lần nữa Việt Nam ta lại chiến thắng.
Những điều trên chứng minh rằng khi xác định được kẻ thù một cách đúng đắn và công bố cho nhân dân thế giới biết để mong nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ, ta sẽ đánh thắng bất cứ kẻ thù nào. Còn khi không chỉ rõ được đâu là kẻ thù của dân tộc, thì hãy coi chừng những giai tầng, bộ phận trong dân tộc ấy lại coi nhau là kẻ thù, điều này chỉ có lợi cho các thế lực đen tối muốn bức hại thôn tính dân tộc ta mà thôi.
Khi tìm kiếm chọn lựa chủ thuyết, lý luận để làm kim chỉ nam cho dân tộc phát triển, Đảng cần xem xét kỹ ví dụ điển hình bên cạnh ta – quái thai Khơme đỏ của Pôn Pốt mà nhân loại vẫn còn ghê sợ – là từ đâu hình thành và thế lực nào nuôi nấng cổ súy nó.
Nhiều khi tôi và bạn bè tôi cứ tự hỏi tại sao Đảng không chỉ rõ cho người dân cái chủ nghĩa xã hội mà Đảng kiên định theo đó là gì, nội dung như thế nào, và đường đi đến đích đó ra làm sao, đâu là hiện thực, vì đã mấy chục năm qua mà nhân dân hiện vẫn hết sức mơ hồ về CNXH. Trong khi đó, những quả đấm thép của nền kinh tế định hướng XHCN do Đảng, Nhà nước lập nên lại tràn lan tham nhũng, làm tan nát niềm tin biết bao con tim nước Việt!
Về đường lối đối ngoại của ta: trong khi Đảng, Nhà nước luôn tuyên truyền những thắng lợi về mặt ngoại giao như được làm thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước phát triển, nước lớn… thì ta lại ít dùng từ bình đẳng quan hệ có đi có lại với Trung Quốc. Ngay cái cách đi thăm TQ của TBT Nguyễn Phú Trọng cuối năm vừa qua cũng cho thấy nhiều điều phải suy ngẫm, như đầu tiên đoàn ta đáp thẳng máy bay đi Bắc kinh cũng được đón theo cấp nhà nước, nhưng đích cuối của chuyến thăm lại là mấy tỉnh giáp biên giới nước ta, rồi từ đây bay về nước. Tại sao đoàn ta không được quay trở lại Bắc Kinh để kết thúc chuyến thăm mà phải kết thúc chuyến thăm ở một tỉnh? Hay tại sao ta không làm ngược lại là đi thăm các tỉnh sau đó đến Bắc kinh để dự lễ đón cấp nhà nước, rồi về?!
Gần đây báo chí rộ tin Thái Lan đầu tư xây nhà máy lọc dầu tại Bình Định, nhưng không hiểu ta bang giao thế nào mà không thấy đàm phán với bạn cho ta cùng đầu tư xây dựng kênh Cò-rạt để cùng phát triển kinh tế biển và tăng thêm sự đoàn kết giữa hai nước và trong khối ASEAN. Liệu đây có phải là những cái yếu trong đối ngoại mà ta chưa tiện nói ra hay ta chưa nghĩ tới?
Biết bao vấn nạn tại biên giới phía Bắc như nạn bắt cóc trẻ em, vận chuyển tiền giả, hàng giả, pháo nổ, gà nhập lậu đều có nguồn gốc bắt nguồn từ đồng chí phương Bắc, nhưng không hiểu sao ta không ký được hiệp định ngăn chặn những việc này với đồng chí vàng và tốt ấy? Trên báo chí truyền hình chỉ thấy thông tin về việc bắt được bọn buôn lậu là dân ta – những người dân không có công ăn việc làm phải lên biên giới vận chuyển hàng và buôn lậu, nếu ta đàm phán với TQ chấm dứt được việc in tiền giả của ta, chấm dứt được việc tuồn vào ta những hàng ta cấm thì làm sao dân ta có cơ hội vận chuyển buôn bán lậu?
Tựu trung trong bài viết này tôi chỉ xin vạch ra vài cái chưa được, chưa làm được hay xác định, định hướng chưa có căn cứ thuyết phục nên tính đồng thuận trong nhân dân, trong đảng (nhất là khối cán bộ cấp cao và hưu trí) chưa cao, để nói lên tiếng nói và suy tư của một người dân về dân tộc và đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bài này có điều gì sơ xuất do không diễn đạt hết được thành ý của tôi, tôi xin được lượng thứ vì trình độ có hạn.
Nguồn: Bauxite Vietnam

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"