Sau đúng một năm, kể từ khi tiếng súng Đoàn Văn Vươn náo động
dư luận trên khắp đất nước Việt Nam và vượt ra ngoài biên giới của nó,
thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “mọi việc phải được tiến
hành khẩn trương, nghiêm túc”, chiều 4/1, Viện Kiểm sát Nhân dân
(VKSND) Hải Phòng đã công bố quyết định truy tố các đối tượng liên quan trong vụ cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 5/1/2012 tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Sự bất công và vô nhân đạo của vụ cưỡng chế như một cơn giông tố của
sự phẫn uất dồn nén từ hơn hai thập niên trước tình trạng nông dân bị
cưỡng đoạt đất đai, đã lập tức làm dấy lên làn sóng bất bình mạnh mẽ
chưa từng thấy, thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi tầng lớp xã hội.
Không kể báo chí nằm ngoài luồng kiểm soát của đảng Cộng sản, chỉ
riêng báo chí lề đảng, dù bị o ép trong vòng kiểm duyệt, cũng đã có gần
800 bài viết và kèm theo hàng ngàn bình luận. Nhiều tên tuổi có tiếng
trong xã hội, từng giữ chức vụ cao cấp trong bộ máy cầm quyền như Đại
tướng Lê Đức Anh, cựu Chủ tịch nước; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu
Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Phạm Xuân Thệ, cựu Tư lệnh Quân khu 1,
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị;
Thiếu tướng Phạm Chuyên, cựu Giám đốc Công an Hà Nội; Vũ Mão, cựu Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc Hội; Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi
Trường, v.v… cũng lên tiếng bênh vực gia đình nạn nhân, mà Đoàn Văn
Vươn được xem như biểu tượng của hình ảnh Jacquou, nhân vật trong cuốn
tiểu thuyết nổi tiếng “Nguời nông dân nổi dậy” của nhà văn Pháp Eugène
Le Roy.
Vụ cưỡng chế Tiên Lãng cũng làm tái hiện “Vụ án Nọc Nạn“,
một vụ tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh
(Cần Thơ) trong đó những gia đình nông dân bị bọn cường hào cấu kết với
quan lại tham nhũng áp bức quá lộ liễu, dồn đến đường cùng, khiến họ
chống trả, gây án mạng cho lính Pháp. Trước sức ép của báo chí và dư
luận, Tòa Đại hình Cần Thơ đã tha bổng người gây án. Vụ án này đi vào
lịch sử Việt Nam như một điển hình của chính sách phân chia và quản lý
ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời thuộc Pháp và sự phản kháng của
nông dân, đã được nhà nước CSVN đã tôn vinh thành “di tích lịch sử cấp
quốc gia”.
Cũng chưa bao giờ thấy một không khí đoàn kết, chia sẻ tình đùm bọc
nhân ái rộng khắp dành cho các nạn nhân như trong vụ cưỡng chế Tiên
Lãng. Người Việt trong và ngoài nước đã gửi công khai hàng trăm triệu
đồng hỗ trợ, giúp đỡ gia đình nạn nhân, chỉ thông qua lời kêu gọi của
một số người cầm bút có tâm.
Vụ cưỡng chế gây âm vang quá lớn, tiếng súng hoa cải bỗng chốc trở
thành tiếng đại bác bắn vào núi bất công trong xã hội, vào sự vô cảm,
“sống chết mặc bay, tiền thấy bỏ túi” của hệ thống chính trị. Chính phủ
CSVN không còn lựa chọn nào khác, đã buộc phải vào cuộc.
Ngày 10/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với các bộ
ngành và kết luận rằng, các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm
tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang đều trái luật.
Nói về kết luận của ông Nguyễn Tấn Dũng trong bài “Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng“, tờ VnExpress viết:
“Do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật
đất đai nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật.
Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng
cũng có nhiều sai phạm như không xác định ranh giới, kiểm kê tài sản…
“Thủ tướng kết luận, huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện tham gia cưỡng chế là không đúng“. [1]
Ông Lê Đức Anh, dù đã nghỉ hưu, vẫn đuợc xem là nhận vật có ảnh hưởng, nhận định:
”Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không
xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng
lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó
là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba.
Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân
vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại”.
Một số người cho rằng, đừng mang luật ra nói chuyện vô ích với nhà
cầm quyền CSVN, vì họ có cả một rừng luật nhưng trong thực tế thì làm
theo luật rừng. Đến Hiến pháp, bộ luật cao nhất, hay các công ước quốc
tế đã được VN ký kết, mà họ còn sẵn sàng coi thường, thì nói gì đến các
thứ luật khác.
Nhận đinh như trên, theo tôi là thiếu trách nhiệm công dân, là cam
chịu khuất phục trước bạo quyền. Ít nhất, từ các dữ kiện trên đây tôi
muốn để dư luận nhìn nhận và bác bỏ một cách logic dưới góc độ của đạo
lý và lương tri về bản cáo trạng của VKSND Hải Phòng.
Ở đây tôi không bàn tới lập luận người chống lại cái sai thì có sai hay không, vì ý thức rằng, “Việc
người thi hành công vụ có thực hiện hay không thực hiện các hành vi
trái pháp luật vì các hành vi mà người phạm tội đã thực hiện, không ảnh
hưởng đến việc định tội danh“.
Thử giải phẫu
Theo cáo trạng của VKSND Hải Phòng, bà Phạm Thị Báu (vợ ông Đoàn Văn
Quý), và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vương) là những đồng phạm
chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Luật hình sự, có khung hình
phạt tù giam từ 2 đến 7 năm.
Trong phần “Hỏi đáp phát luật“, nói về hành vi chống người thi hành công vụ, trang web của Toà án Nhân dân Tối cao viết:
“Người thi hành công vụ có thể bị tấn công bằng vũ lực, đe dọa
bằng vũ lực hoặc có các hành vi cưỡng ép của người phạm tội. Hậu quả xảy
ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội Chống người
thi hành công vụ. Tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực
hiện các hành vi chống đối, kháng cự, cưỡng ép người thi hành công vụ
thực hiện các hành vi trái pháp luật” (TANDTC).
Theo khiếu nại của bà Thương và bà Báu,
trong ngày 05/01/2012, vào thời điểm nhà chức trách Tiên Lãng cưỡng
chế, thu hồi đất, hai bà không hề có mặt ở địa điểm diễn ra cưỡng chế,
lúc đó hai bà đang đứng ở trên đê Quốc gia. Như vậy hai người phụ nữ này
đã không thể và không có khả năng thực hiện bất kỳ hành vi nào mang
tính “chống đối, kháng cự, cưỡng ép người thi hành công vụ”.
Nếu VKSND Hải Phòng cho rằng bà Thương và bà Báu là đồng phạm, thì
khi và chỉ khi chứng minh được rằng, hai người này được các ông chồng
cho biết kế hoạch chống đối nhưng đã không ngăn chặn hoặc thông báo cho
nhà chức trách. Trong thực tế, không phải việc gì người chồng cũng bàn
bạc, thông báo cho vợ biết. Nếu hai bà khẳng định không hề biết đến kế
hoạch của chồng mình và cơ quan điều tra không phản bác được bằng chứng
cứ, thì cáo buộc của VKS kiểm sát là tuỳ tiện và sai trái.
Bản cáo trạng của VKSND Hải Phòng “truy tố các bị can Đoàn Văn Vươn,
Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ về tội giết người” với khung phạt tù từ 12 đến
30 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Họ “còn có hành vi chống người thi
hành công vụ, nhưng đã bị khởi tố, truy tố về tội giết người với tình
tiết quy định điểm d, khoản 1, điều 93, nên không khởi tố, xử lý về tội
chống người thi hành công vụ”.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hành vi giết nguời được hiểu như sau:
“Hành vi làm chết người được hiểu là hành vi có khả năng gây ra
cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi
trái luật này là hậu quả chết người. Như vậy, tội giết người chỉ được
coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Nếu hậu quả chết
người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thì hành vi phạm tội được
coi là tội giết người chưa đạt (khi có lỗi cố ý trực tiếp) hoặc là tội
cố ý gây thương tích (khi có lỗi cố ý gián tiếp). Mục đích và động cơ
phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội giết
người và được quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt“.
Trước hết, trong vụ cưỡng chế Tiên lãng ngày 5/1/2012, hành vi nổ
súng hoa cải của những nguời được xem là chống đối đã không gây ra hậu
quả chết người, chỉ gây thương tích không nghiêm trọng cho bốn bộ đội và
hai công an.
Mặt khác, ông Đoàn Văn Vươn vào thời điểm xảy ra xung đột đã không có
mặt tại hiện trường,vì sáng ngày 5/1, ông Vươn bận lên VKSND thành phố
Hải Phòng để nộp đơn kháng cáo.
Quy chụp cho ông Đoàn Văn Vươn tội giết người, VKSND Hải Phòng đã cố
tình gắp lửa bỏ tay người, có thể xem đây là một cách trả thù tiểu nhân,
lấy thịt đè người của kẻ nắm quyền lực trong tay.
Nếu cơ quan điều tra có đủ bằng chứng kết luận ông Vươn tuy vắng mặt,
nhưng là nguời chủ trương kế hoạch chống đối, và các phương tiện như
súng hoa cải, bình ga, thuộc sở hữu của ông Vươn, thì cũng không thể
luận tội giết người. Có chăng là tội “tàng trữ vũ khí nguy hiểm” và chỉ
là tòng phạm (gián tiếp) trong việc “cố ý gây thương tích”.
Nghiên cứu các dữ liệu về vụ cưỡng chế Tiên Lãng, vì không thấy tài
liệu nào nói cụ thể về hành vi chống đối của các ông Đoàn Văn Quý, Đoàn
Văn Vệ nên tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên, những người nổ súng trực
tiếp gây thương tích cho lực lượng cưỡng chế phải được xem là các ông
Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái. Bởi vì theo bản cáo trạng, hai người này “sau khi gây án bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ lập hồ sơ xử lý sau“.
Thật xấu hổ và ô nhục thay cho ngành công an và tư pháp CHXHCNVN! Đàn
áp dân oan với phương tiện tự vệ thô sơ, nhà cầm quyền phải sử dụng một
lực lượng hùng hậu công an, cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, vũ khí
hiện đại trang bị tận răng, được giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca mô
tả như là “trận đánh đẹp”, có thể viết thành sách, đã để thủ phạm gây
án trốn thoát, hơn một năm truy nã không có kết quả nào, nên đã chơi trò
bẩn, đổ tội cho người khác một cách phi lý.
“Trận đánh (dân) đẹp” của giám đốc CA Hải Phòng Đỗ Hữu Ca – Ảnh: OnTheNet
Phe nhóm trục lợi
Bản cáo trạng của VKSND Hải phòng càng chỉ ra cho chúng ta thấy những tuyên bố mị dân phát đi từ Nguyễn Tấn Dũng.
Ba ngày sau cuộc họp hôm 10/2, với bài viết “Màn diễn PR tệ hại của Thủ tướng về vụ án Tiên Lãng“,
tôi đã thấy trước và vạch trần những “yêu cầu”, “chỉ đạo” của ông Dũng
chỉ là thứ đạo đức giả, giả mù sa mưa, nhằm xoa dịu dư luận.
Ai cũng biết ông Nguyễn Tấn Dũng xuất thân từ Kiên Giang, được điều
ra Bắc vào năm 1995, chẳng có giây mơ rễ má cội nguồn gì với Hải Phòng
nhưng chọn Hải Phòng làm đơn vị bầu cử vào quốc hội từ khoá X.
Sau “chỉ đạo” của ông Dũng, những tay quan lại địa phương bị kỷ luật
hoặc bị truy tố tội phá huỷ tài sản công dân (phá nhà ở của gia đình ông
Vươn không nằm trong khu vực cưỡng chế) chỉ là vài thứ hạng quèn, cấp
xã và cấp huyện. Điều này đã khiến dư luận đã và đang đi tìm sự thật về
mối quan hệ lợi ích giữa phe nhóm của ông Thủ tướng với lãnh đạo cao
nhất của Hải Phòng, thông qua việc thu hồi đất bằng Quyết định của ông ta số 1448/QĐ-TTg cho
phép nghiên cứu quy hoạch xây dựng sân bay quốc tế Hải Phòng đặt tại
Tiên Lãng, khu vực giáp biển thuộc địa bàn bốn xã Vinh Quang, Tiên Hưng,
Đông Hưng và Tây Hưng, tức là bao gồm phần đất mà anh Đoàn Văn Vươn đã
dày công đổ mồ hôi và nước mắt lấn biển, trở thành “Kỳ tài vùng Tiên
Lãng” mà báo chí lề đảng từng ca ngợi.
Trong bài “Thâu tóm đất đai“, nhà văn, đại tá Phạm Đình Trọng viết:
“Việc cưỡng chế đất đai phi pháp ở Tiên Lãng, Hải Phòng, cưỡng chế
bằng máu, đưa công an, quân đội, đưa súng lớn, súng nhỏ ra đối đầu với
một gia đình nông dân hiền lành chỉ chí thú lấn biển mở đất nuôi chí làm
ăn vì dân giầu, nước mạnh. Thu hồi phi pháp mảnh đất lấn biển bằng mồ
hôi và máu của gia đình người nông dân lam lũ Đoàn Văn Vươn thực chất
cũng chỉ là thâu tóm đất đai của một nhóm lợi ích của chính quyền địa
phương Hải Phòng”.
“Thâu tóm đất đai cho những dự án của những ông chủ, bà chủ kinh
doanh nhà đất là cách làm giầu nhanh nhất, dễ nhất, là sự tham nhũng
nhanh nhất, dễ nhất, và cũng là sự tha hóa nhanh nhất, dễ nhất của quyền
lực”.
Tệ hơn thực dân, phát xít
Khi xảy ra vụ án Tiên Lãng, có người đã lấy “Vụ án Nọc Nạn” ra so
sánh, hy vọng sẽ làm phép thử về mức độ công minh của ngành tư pháp
CHXHCNVN, một quốc gia tự cho mình “có nền dân chủ gấp vạn lần dân chủ
phương Tây”.
Không cần chờ đến bản cáo trạng đầy nghịch lý của VKSND Hải Phòng và
phiên toà chưa biết bao giờ diễn ra, chỉ ba tháng sau, khi âm vang tiếng
súng của Đoàn Văn Vương chưa dứt, thì tiếng súng và tiếng thét gào xé
lòng của nông dân trên đồng ruộng Văn Giang (Hưng Yên), đã trả lời cả
quyết cho phép thử “Tiên Lãng – Nọc Nạn”.
Lời của cụ Lê Hiền Đức trong bài “Phản cách mạng đã rõ ràng“, chính là kết quả của phép thử này:
“Đã sống qua thời VN còn chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô
hộ của thực dân, phát-xít, đã hoạt động hậu địch trong kháng chiến, đã
xem phim ảnh, nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn
vụ chính quyền “của dân, do dân, vì dân” cưỡng chế, thu hồi đất đai,
nhà cửa, tài sản đối với người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song
tôi chưa bao giờ thấy người dân bị đàn áp một cách man rợ đến như thế,
với quy mô lớn như thế“!
Lời kết
Trộm nghĩ, những phân tích trên đây của tôi phần nào làm sáng tỏ toàn
bộ diễn biến của vụ án Tiên Lãng và cắt nghĩa tại sao đến giờ này Đoàn
Văn Vươn và người thân vẫn ngồi tù và có thể sẽ đối diện với một phiên
toà tồi tệ hơn cả của thực dân hay phát xít.
Tại sao đã có gần 800 bài viết ủng hộ gia đình anh Đoàn Văn Vươn mà
giờ đây những người cầm bút trong nước dường như im lặng? Hay là sợ rằng
ông Nguyễn Tấn Dũng đã phục hồi quyền lực bao trùm sau Hội nghị Trung
Ương 6, sẽ mạnh tay tận diệt mọi ai chống đối?
Không thể vì sợ hãi mà làm ngơ trước cảnh tiền và máu vùi dập công lý!
Ngày 8/01/2013
© Lê Diễn Đức – RFA Blog