Lê Hiếu Đằng
Kim Chi thân mến,
Anh (cho phép anh xưng hô như ngày nào chúng ta còn ở chiến khu, ở trên R gần 45 năm trước) vừa sửng sốt, vừa xúc động và cảm phục khi đọc thư Kim Chi gởi cho Hội Điện ảnh Việt Nam, từ chối việc báo cáo thành tích để được Thủ tướng khen thưởng với lý do: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm”.
Thú thật với Kim Chi, ở Sài Gòn, một số nhân sĩ trí thức cũng như một số anh chị em trong phong trào sinh viên học sinh trước 1975 làm được một số việc nhưng chưa có ai “cả gan”, đủ dũng khí để phát biểu một cách công khai, minh bạch những điều mà Kim Chi đã làm như trang mạng Bauxite Việt Nam và các trang mạng khác đã đăng tải. Có những lúc bản thân anh cũng thấy nhụt nhuệ khí, nản lòng trước sự thờ ơ, “khôn vặt” của một số người chỉ hô hào ôn lại cái quá khứ, truyền thống hào hùng mà không dám nhìn vào sự thật và nói rõ sự thật của tình hình đất nước hiện nay. Tệ hại hơn nữa lại có người lợi dụng để đánh bóng tên tuổi của mình vì mục đích tư lợi. Theo anh, quá khứ và truyền thống hào hùng chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành “bà đỡ”, sức mạnh cho hiện tại, nó làm cho ta có đủ dũng khí và sáng suốt để nhận thức lại những gì do hoàn cảnh lịch sử trước đây chưa cho phép ta thấy một cách đúng đắn. Nhận thức lại và hành động cho một đất nước Việt Nam thật sự “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ phù hợp với dòng chảy của thế giới văn minh hiện nay là tiếng gọi của lương tri, của trách nhiệm công dân của chúng ta. Ôm quá khứ, tôn vinh quá khứ để rồi làm ngơ, im lặng, thậm chí là ngụy biện để cho đỡ xấu hổ, trước cái ác, cái xấu, trước tệ nạn quan liêu tham nhũng, trước tình trạng bất công xã hội, đạo đức xã hội suy đồi, mất dân chủ nghiêm trọng, trước tình hình nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hằng ngày hằng giờ bị tập đoàn bành trướng Bắc Kinh xâm phạm, đe dọa, trước cảnh đàn áp, bắt bớ, dùng nhục hình đối với những người yêu nước… là không thể chấp nhận được. Hẳn nhiên, mỗi người có hoàn cảnh, vị trí xã hội khác nhau không thể đòi hỏi ai cũng như ai, nhưng mỗi người chỉ cần một việc nhỏ hoặc ủng hộ bằng sự im lặng đồng tình là như góp gió thành bão cuốn phăng đi mọi trở lực dù bất cứ ở đâu tới, bạo tàn như thế nào.
Chính trong bối cảnh đó mà lá thư của Kim Chi như ngọn lửa ấm áp truyền vào tâm hồn anh trong lúc này, làm anh vững tin hơn con đường mà anh và nhiều đồng đội, bạn bè anh đã chọn lựa.
Tuổi trẻ chúng ta – tuổi trẻ Hà Nội, tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định – rời bỏ trường học, gia đình, nếp sống êm ấm để vượt Trường Sơn, để vào chiến khu, để đấu tranh trong lòng các đô thị và đã có nhiều đồng đội, đồng chí chúng ta đã nằm xuống vĩnh viễn – “Ta đi không kịp ẵm con thơ, không kịp về thăm người vợ chờ” (Tiếng hát người tù, thơ Trần Quang Long, Ủy viên văn nghệ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, chủ biên tập thơ “Tiếng hát những người đi tới”) – để rồi chúng ta có một xã hội như ngày nay sao? Lý tưởng chiến đấu cho nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ đã bị phản bội. Ai tự diễn biến và ai phản bội ai? Tình hình thực tế hiện nay đã phơi bày tất cả, không ai có thể dùng bạo lực, trấn áp để lấp liếm, che đậy được. Thế hệ chúng ta và nhiều thế hệ khác, dù miền Bắc hay miền Nam đều sống trong bi kịch: chết trên chiến trường, chết trong tù ngục… để rồi bây giờ chứng kiến cảnh đất nước tụt hậu trở về với “chủ nghĩa tư bản man rợ”, giẫm đạp lên nhau mà sống của thời kỳ mông muội của con người. Nhưng bi kịch không có nghĩa là bi quan, hối tiếc, mà như GS Huệ Chi đã viết trên trang Bauxite Việt Nam cũng về lá thư của Kim Chi gởi Hội Điện Ảnh: “nếu ta đã sống, đã hành động với tất cả niềm tin trong sáng và giữ được đến cuối đời phẩm chất lương thiện của mình, thì sự đổ vỡ của cái hiện thực mà mình từng dâng trọn niềm tin chỉ có ý nghĩa của một bi kịch chứ không bao giờ là hài kịch. Mà đối với bi kịch, phẩm giá con người chỉ càng được tôn lên chứ không bao giờ bị hạ thấp. “Không nghi ngờ gì nữa, bi kịch là một cái gì đó thuộc về CÁI ĐẸP khi nó được/bị chạm đến tận nơi sâu thẳm" (La tragédie, sans doute, est quelque chose de beau quand elle est bien touchée – Molière)”.
Chúng ta sống trong bi kịch và nhận thức rõ bi kịch để xác tín niềm tin của mình về chính nghĩa của cuộc chiến đấu mới không khoan nhượng vì những lý tưởng của thời tuổi trẻ của chúng ta.
Thật ra thái độ quyết liệt, dứt khoát của Kim Chi không phải bột phát mà có từ sự suy nghĩ, ray rứt trong một thời gian dài. Vì anh nhớ, cách đây ba năm, gặp Kim Chi ở Sài Gòn, Kim Chi có đưa anh xem mấy bài thơ Kim Chi mới làm. Những bài thơ làm anh cảm động và vui mừng vì có người cũng suy nghĩ, cũng ray rứt như mình trước tình hình hiện nay của đất nước. Nhiều nhà thơ, nhà văn như Nguyễn Duy, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Minh Quốc, Lại Nguyên Ân, Lữ Phương, Phạm Đình Trọng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Quốc Thái, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Khắc Vỹ, Võ Thị Hảo, Thùy Linh, Ngô Minh, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Võ Quê, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập. v.v. đã viết, phát biểu hoặc đã ký tên vào các kiến nghị, thư ngỏ, mà gần đây nhất là “Lời kêu gọi thực hiện quyền con người theo Hiến pháp Việt Nam”. Anh thực sự vui mừng vì đội ngũ của chúng ta ngày càng đông vui, anh và Kim Chi cũng như biết bao người khác đang dấn thân cho cuộc chiến đấu mới vì một nước Việt Nam thật sự “Hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Điều cuối cùng đọng lại ở anh qua bức thư đầu năm nay là hình ảnh của Kim Chi (lúc ấy lấy tên là Hồng Anh), của Tô Lan Phương, Dư An, Trần Mùi, Thế Hải và nhiều diễn viên khác trong Đoàn Văn công Giải phóng hôm đến diễn cho đại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam vào ngày 20/4/1968. Các đại biểu đêm hôm ấy như “hút hồn” vì lời ca, tiếng hát và những vở kịch làm xúc động lòng người. Luật sư Trịnh Đình Thảo, kỹ sư Lâm Văn Tết, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, nhà văn Thanh Nghị, giáo sư Lê Văn Giáp, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ… về chỗ nghỉ rồi mà cứ khen mãi. Riêng anh em sinh viên trong Hội đồng Đại diện Sinh viên Sài Gòn và Tổng hội Sinh viên Sài Gòn gồm có Trần Triệu Luật, Trần Quang Long, Trần Thiện Tứ, Lê Quang Lộc và anh tham dự đại hội Liên minh, đêm đó xúc động không ngủ được ngồi nói chuyện với nhau đến gần sáng mới chợp mắt. Lúc ra đi vào mùa xuân 1968, sinh viên có năm đứa nhưng khi về lại Sài Gòn chỉ còn hai. Trần Quang Long, Trần Triệu Luật hy sinh ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (B9) ngày 11/10/1968, Lê Quang Lộc hy sinh ngay tại cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn ngày 15/4/1975. Sau 1975, anh em mình mỗi người một ngả, có anh chị trong Đoàn Văn công Giải phóng sống trong cảnh nghèo khó, anh Thế Hải và nhiều đồng chí khác phải chạy vạy, vận động lo nhà tình nghĩa cho một số anh chị. Kim Chi nghe có đau lòng không? Chúng ta chiến đấu và đã có bao biết bao người đã ngã xuống thế mà ngày nay bạn bè, đồng chí, đồng bào chúng ta gần 45 năm rồi – một thời gian có thừa để cho một đất nước cất cánh – vẫn còn sống cơ cực, mất đất, mất nhà, mất tự do. Trong khi bọn cơ hội, hãnh tiến hoặc quan lại giàu lên từng ngày một cách bất chính lại sống phè phỡn, vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân. Ta có thể khoanh tay ngồi yên được không? Thái độ dũng cảm, không hề sợ hãi trước quyền lực của Kim Chi đã trả lời cho câu hỏi này. Không, dứt khoát là không!
Cuối cùng, nhân dịp đầu năm 2013, anh gởi đến Kim Chi và qua Kim Chi gởi đến người bạn đời và hai con của Kim, mà những người thân yêu này đều ủng hộ việc làm của Kim Chi (đó là điều hạnh phúc nhất đời mà không dễ gì có được trong hoàn cảnh bị o ép, bắt bớ hiện nay) lời chúc một năm khỏe, vui, an lành và giữ vững niềm tin về con đường mà chúng ta đã chọn và đang đi. Chúc Kim Chi và gia đình nhận nhiều hơn nữa những bó hoa tươi của những người hâm mộ từ khắp nơi gởi về Hà Nội.
13/01/2013
L.H.Đ.