Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Ta ăn Tết, sao cứ phải theo ai!

Dưới đây là ý kiến chủ quan của bạn đọc có tên Thanh Minh ở Hà Nội:
Dân tộc Việt Nam này không biết bao giờ mới tiến bộ hơn người đây, khi mà chỉ suốt ngày bàn chuyện “theo ai”. Chỉ nguyên chuyện nghĩ phải “theo ai” đó thì sự tiến bộ đã bị hạn chế rồi, vì tối đa thì cũng chỉ bằng người ta, làm sao “theo” mà muốn “vượt” được.
Vậy nên, nhân chuyện ăn tết “theo tây”, “theo ta” hay “theo Tầu” mà giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra, tôi cho rằng chúng ta chẳng nên “theo ai” cả.
Tết là niềm vui, niềm mong đợi của cả người già lẫn trẻ nhỏ từ bao đời nay.
Tết là niềm vui, niềm mong đợi của cả người già lẫn trẻ nhỏ từ bao đời nay.
Về mặt tích cực mà nói, ý kiến của GS Võ Tòng Xuân có thể mới nghe thì không thuận tai, nhưng mức độ tiến bộ trong tư duy đã vượt xa hẳn tất cả những ai phản đối. Tư duy hướng đúng tới cái “tiến bộ, tiết kiệm, vì sự phát triển” hơn hẳn mọi tư duy “cổ lỗ sĩ, lạc hậu, bảo thủ” theo kiểu “giữ gìn truyền thống, văn hóa và bản sắc dân tộc”. Tôi cho rằng, riêng từ “bản sắc dân tộc” đã quá khó hiểu. Một cụm từ Hán chưa được định nghĩa rõ ràng, nhưng ai cũng nói như là “đúng rồi”, “hoành tráng”. Đọc mấy nhận xét trong hai bài của GS Võ Tòng Xuân và GS Hà Đình Đức thì đủ hiểu, Việt Nam mình còn quá nhiều người cổ hủ, lạc hậu, thích tiếp tục nhấm nháp những thứ “đã ăn rồi” hoặc thích ăn mãi thứ “đang nhai trong mồm” hơn tìm kiếm, thưởng thức những thứ mới mẻ.

Tôi xin không nói thêm về gốc gác tết ta, tết tây hay tết Tầu. Tôi cũng xin không phản đối cái gọi là “Tết” ở các dân tộc, cũng không nói rằng nó đẹp hay xấu. Cứ theo quy luật tự nhiên, đẹp cũng chỉ là thứ nhất thời, không cần giữ mãi và không thể giữ mãi. Đẹp giờ nhưng mai sẽ xấu, hoặc đẹp giờ, nhưng mai sẽ có cái khác đẹp hơn. Sẽ chẳng khác nào một anh hề khi khẳng định rằng tất cả cái gì của tôi, thuộc về tôi ngày hôm nay luôn là vẻ đẹp truyền thống trường tồn. Cũng chính vì tư tưởng “cái tôi của ngày hôm nay và ngày hôm qua” trường tồn nên bao nền văn minh một thời rực rỡ phải nếm trải sự biến mất mãi mãi. Sức mạnh ngày hôm nay sẽ không phải là sức mạnh của ngày mai các bạn ạ.
Thế giới thì thay đổi từng ngày theo quy luật không thể đảo ngược. Cả dân tộc ta cứ giữ mãi cái tư duy cùng nhau duy trì ngày hôm qua thì đúng là đi ngược lại quy luật của thế giới. Ai đi ngược quy luật đều trở nên hèn yếu và bị tổn hại. Vậy mới nói, Việt Nam hèn yếu, và dễ tổn thương lâu thế. Chỉ có một cách để dân tộc trở nên không hèn yếu, đó là sống theo đúng quy luật, đổi mới tiến bộ và liên tục.
Vậy thì cái đầu tiên trong tư duy phải thay đổi là không “theo ta” cũng chẳng “theo tây”. Theo ta thì giới hạn của sự tiến bộ là “ta của ngày hôm qua và ngày hôm nay”. Theo tây thì giới hạn cũng không khá hơn. Giờ bỏ hết chúng nó đi. Ta sẽ lọc lại cái gì là cần thiết để duy trì sự tồn tại cơ bản của xã hội, dân tộc và tập trung học tập, lao động, sáng tạo sao cho chắc chắn rằng tây sẽ ăn tết theo… ta.
Tôi là người sống ở cả nông thôn và thành thì cũng đủ lâu để hiểu, cái tết ta chẳng có nghĩa lý gì. Nhiều người vùng nông thôn cảm thấy ngao ngán khi phải nghỉ cả chục ngày ở nhà mà chả có gì làm. Chỉ bọn chơi cờ bạc là thích, ngày nào cũng rủ nhau xóc đĩa, đánh bạc, sát phạt nhau. Lại còn hội hè say sưa nữa. Những người trưởng thành thực không ai thích tết ta dài đâu. Những năm có vụ, họ đi cấy từ ngày mùng 2 luôn, vì ở nhà chán. Chúc nhau thì đi buổi mùng 1 là hết. Học sinh thì tổ chức cả lớp đi tới chúc tết thầy cô một ngày mùng 1 cũng hết luôn rồi.
Vậy thì, thà như GS Xuân, cứ mượn tết tây về xài đỡ đã. Sau này, có sáng kiến nào tốt hơn thì áp dụng. Chứ cứ tết ta cả 3 ngày tới 10 ngày thật quá lạc hậu và lãng phí.

Tết ta ăn theo lịch Tây: Đừng ngông cuồng đòi thay cả nền văn hóa!
Tết Nguyên đán là nền văn hóa của cả 1 dân tộc chứ không phải là 1 đồ vật mà có thể đem ra dùng thử, rồi chờ có cao kiến khác thì thay đổi tiếp!
Tôi xin nhắc lại cho bạn biết khái văn hóa là gì:
Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị tinh thần và vật chất do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội”.
Theo UNESCO: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và hiện tại… hình thành nên một hệ thống các giá trị truyền thống và thị hiếu. Văn hóa giúp xác định đặc tính riêng của từng dân tộc”.
Bạn có thấy các cụm từ sau trong 2 khái niệm trên kia không: “sáng tạo và tích lũy”, “truyền thống”, “văn hóa giúp xác định đặc tính riêng của từng dân tộc”…, hi vọng mắt bạn vẫn bình thường để thấy chúng.
Thứ nhất, muốn sáng tạo 1 nét văn hóa mới thì mời bạn cứ tự nhiên thỏa sức, nhưng cái mới đó đừng phủ nhận, đừng dẫm đạp lên những nét văn hóa cũ.
Thứ hai, như bạn đã thấy cụm “văn hóa giúp xác định đặc tính riêng của từng dân tộc”, bạn có ý gộp chung Tết tây – Tết ta lại vào làm 1, thì chẳng khác nào bạn đang đánh đồng Việt Nam vào nguyên bản các nước bên Tây. Văn hóa có thể có sự giao hòa, tương tác lẫn nhau giữa các dân tộc nhưng không thể hòa trộn tất cả vào làm một. Bên Tây họ không có định nghĩa âm lịch, bên Đông thì có, thì tại sao lại bắt chúng ta bỏ lối sống theo âm lịch để theo dương lịch, chỉ vì chúng ta là số ít và chúng ta nghèo hơn họ thôi sao? Có rách thì cũng rách cho thơm nhé!
Còn nữa, bạn có đề cập là “bản sắc dân tộc” là khó hiểu và chưa có định nghĩa, khái niệm rõ ràng. Tôi chắc bạn không học Văn hóa học nên phán bừa kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, cụm từ đó là quá dễ dàng đối với chúng tôi, hiểu một cách đơn giản thì “bản sắc dân tộc” là những thứ cốt lõi, những giá trị hạt nhân của một dân tộc, tức là những giá trị tiêu biểu nhất, điển hình nhất “đặc trưng” cho một dân tộc, một vùng miền, một khu vực mà nơi khác không hề có và nó được thể hiện qua nền văn hóa của quốc gia, của khu vực đó. Vậy chúng ta cần phải thay đổi nét “đặc trưng” đó để “hòa tan” với thế giới???
Trong bài bạn còn có nhắc đến những từ như “nhấm nháp những thứ đã ăn rồi”, “ăn mãi thứ đang nhai trong mồm”, có nghĩa là không chịu thay đổi, theo mãi lối cũ? Vậy bạn hãy đề xuất bỏ luôn phong tục làm đám giỗ luôn đi?
Xin nhắc lại Tết nguyên đán là 1 phong tục, tập quán, lễ nghi chính đáng và tốt đẹp, thiêng liêng của người Việt nói riêng và cả phương Đông nói chung. Bạn không thể xem nó là một “món đồ ăn”, những thứ cổ hũ cần “nhả”, “phỉ” ra để nếm thử những món mới.
Có thể 'ép' mai, đào trên cả nước nở rộ vào mùa đông? (Ảnh minh họa)
Có thể ‘ép’ mai, đào trên cả nước nở rộ vào mùa đông? (Ảnh minh họa)
Từ “Nguyên đán” có nghĩa là đón buổi sáng sớm đầu tiên của tiết Xuân, vậy khi dời về Tết Tây thì Tết ta gọi là gì đây? Gọi là “Tết bắt kịp thế giới”, “Tết nắm bắt thời cơ kinh tế”, “Tết hội nhập”? Chúng ta sẽ phải đón Tết vào tiết mùa đông, chứ không phải là tiết xuân nữa rồi. Cái đó đượcc gọi là “xuân về Tết đến” sao?
Những loạt bài trước kia còn có ý kiến cho rằng có “vài người” có thể thay đổi tập tính của các cây đào, mai để chơi Tết ta theo Tây, vậy cho hỏi “vài người” đó có thể thay đổi hoa lá cành cho cả nước ăn Tết kịp được không? Huống chi đó là điều tự nhiên của thực vật không thể gượng ép lâu dài.
Di dời Tết ta về Tây không đơn giản chỉ là di dời về mặt thời gian, mà còn di dời cả 1 hệ thống các phong tục, tập quán, tín ngưỡng khổng lồ đã tồn tại bao đời nay. Nếu không di dời thì chẳng lẽ Tết Tây sẽ vẫn lì xì, gặp mặt, chúc mừng, ăn uống đuề huề rồi sau đó làm việc. Đến đúng Tết cổ truyền thì các lễ hội, nghi lễ vẫn được tổ chức thì ai đi dự, đi chơi, trong khi tất cả còn đang bận “nắm bắt thời cơ phát triển kinh tế”? Ông bà, tổ tiên về đầy đủ nhưng con cái, thành viên gia đình chẳng có lấy một người để đi thắp nhang, sắp mâm ngũ quả, ngũ sắc để lên bàn thờ?…
Tôi cũng từng ở quê, tôi vẫn thấy họ vừa ăn Tết vừa làm nông rất bình thường. Không ai kêu ca một lời nào cả, họ có cách làm hiệu quả riêng ngày Tết. Còn ở thành thị thì mỗi cơ quan đều có người trực gác công văn, điện thoại cả, chứ không phải là bế quan tỏa cảng toàn bộ. Việc nhậu nhẹt cờ bạc thì lúc nào cũng có, chứ có phải di dời Tết ta theo Tây là họ sẽ nghỉ chơi, cái đó là ý thức của con người và sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Nếu có cao kiến khác thì mời bạn hãy đưa ra các biện pháp giảm thiểu nhậu nhẹt, cờ bạc, các thứ tiêu cực ăn theo Tết ta như mê tín dị đoan, chứ căn bản Tết cổ truyền, Tết Nguyên đán không có gì là xấu, không có lí do gì để thay đổi.
Tóm lại, muốn làm kinh tế thì làm nhưng đừng để những giá trị vật chất dẫm đạp lên những giá trị tinh thần, đừng để đồng tiền làm mù mờ mà ngông cuồng dám thay đổi cả nền văn hóa.
Lê Nguyễn Trọng Nghĩa

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"