Nhà báo Phan Lợi (Bút Lông)
Dĩ nhiên, “thủ lĩnh” sẽ là TBT Nguyễn Phú Trọng. Song như những
thông tin công bố, “vai” chính chống tham nhũng sẽ là phó trưởng ban
thường trực BCĐ TƯ kiêm trưởng ban Nội chính trung ương, chức vụ mới
được trao cho bí thư Thành ủy Đà nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Dư luận về ông Bá Thanh thì cực nhiều, tận thiên đường cũng lắm và
dưới địa ngục cũng chả ít. Song cái tính cách mang đầy dấu ấn cá nhân
thì không ai không công nhận, mà cái cá nhân đó xét về hiệu quả thì lớn,
xét về luật pháp lại… khó à nha.
Nói đến chống tham nhũng, là nói đến minh bạch thông tin. Hồi đầu năm
2012, mềnh vào Đà Nẵng làm cái hội thảo “Tạo dựng môi trường làm việc
an toàn cho nhà báo” có nghe kể thời còn làm chủ tịch UBND, ông Thanh
thường xuyên cung cấp thông tin cho nhà báo dưới dạng… đối thoại. Tức là
“các ông cứ nêu mẹ hết ra đi, tôi sẽ nói lại. Hễ mà tôi không trả lời
được thì các ông đăng, còn tôi mà trả lời rồi các ông không thắc mắc gì
thì đừng đăng”. Bản thân mềnh cũng diện kiến điều đó… Hồi năm 2007 có
lần vô Đà Nẵng và nhậu với ông. Cà kê mãi, ổng bảo “giờ tao uống 3 ly
rồi, mày hỏi bất cứ chuyện gì tao cũng trả lời đủ”! Và ông trả lời hết
thật, kín kẽ!
Đấy là nói về cung cấp thông tin. Còn về việc chống tham nhũng thì
cái tính cách cá nhân đó có dứt điểm không ai cũng đoán được qua vụ
tướng Trần Văn Thanh rồi, ít nhất là qua các mệnh lệnh hết sức quân
phiệt của ông. Riêng về phòng tham nhũng, chẳng đợi TTCP và WB công bố,
năm ngoái ông Thanh đã nói phải giữ hình ảnh CSGT bằng việc đề xuất trợ
cấp 5 triệu đồng/tháng/người cho những CSGT đứng chốt tại bốn trạm cửa ô
Kim Liên, Hòa Phước, Hòa Hải, Hòa Nhơn. Mục tiêu của khoản “dưỡng liêm”
này sau đó được ghi trên giấy trắng, mực đen là nhằm tăng cường hiệu
quả hoạt động, giảm tiêu cực của lực lượng CSGT. Cạnh đó, ông cho lắp
đặt camera theo dõi quá trình kiểm tra, xử lý của họ tại bốn trạm cửa ô.
Nếu sai phạm thì CSGT không những không được nhận tiền hỗ trợ mà có thể
bị kỷ luật, đuổi khỏi ngành.
Nay ra Hà Nội nhậm chức hy vọng ông sẽ áp dụng tốt các hoạt động công
khai minh bạch, phòng ngừa tham nhũng như đã làm ở Đà Nẵng. Thêm nữa,
một kinh nghiệm hay trong giáo dục, răn đe mà ông Thanh đã từng thí điểm
thành công ở Đà Nẵng, thiết nghĩ rất nên áp dụng cho công việc mới của
ông.
Cụ thể, ông Thanh từng có biện pháp rất độc đáo nhằm hạn chế các đối
tượng phạm tội vị thành niên: Hai năm liền, khoảng 300 thiếu niên của Đà
Nẵng đã được đưa tới tham quan Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an) và
Trại giam Hòa Sơn bằng kinh phí của TP. Kết thúc tour là cuộc tham quan
khu du lịch Bà Nà và dự buổi đối thoại với ông Thanh. Được biết số gần
300 em này hầu hết đã từng trộm cướp, nghiện game và đánh nhau, nhưng
đều là vị thành niên, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự trước pháp
luật. Cách làm “rất độc đáo” nói trên đưa đến kết quả: cuối buổi đối
thoại 100% các thành viên trong đoàn nhất loạt giơ tay hứa sẽ... ngoan,
bởi họ đã cảm nhận một tương lai rất gần là: “Muốn cuộc đời vui vẻ, lên
chốn “bồng lai tiên cảnh” như Bà Nà, hay muốn vào trại giáo dưỡng, trại
giam thì tuỳ “các ông, các bà” chọn lựa”!
Nay ông Thanh nhậm chức mới khiến nhiều người liên tưởng đến những
phương pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả. Chẳng hạn bên cạnh đề án
luân chuyển cán bộ “nguồn”, cán bộ diện quy hoạch (lãnh đạo) tại sao BCĐ
TƯ về PCTN không tổ chức tiếp các tour đặc biệt như vậy cho đối tượng
này? Nếu như những nhà lãnh đạo tương lai (tức là những người sẽ nắm
quyền lực, sẽ phải vất vả chống đỡ trước lòng tham và lợi ích) mà được
diện kiến nhà tù, trại cải tạo thì chắc chắn họ sẽ nhận thức cụ thể hơn
về công việc “làm quan”. Thậm chí còn nên cho các cán bộ “nguồn” đó
chứng kiến các phiên xử tội “quan tham” để tác dụng giáo dục sâu sắc
hơn?!
Hiện tình hình tham nhũng đã đến mức báo động, mà bước đột phá nên có
ngay những giải pháp răn đe, giáo dục và trừng trị những đối tượng có
nguy cơ và đã tham nhũng.
Những cách ông Thanh từng tiến hành ở Đà Nẵng tại sao không nâng tầm lên thành một giáo trình ngừa tham nhũng cấp quốc gia?