Lỗ Trí Thâm
Tranh biếm họa BaBui/DCV
Việc nhà cầm quyền Việt Nam ầm ĩ cho chiến dịch góp ý sửa đổi hiến pháp làm cho cả xã hội lo ngại.
Thay vì là lực lượng chính trị để giải quyết những vấn đề
của xã hội, của cộng đồng thì chính đảng cộng sản Việt Nam
lại trở thành vấn đề của đất nước khi đảng đó đã thái hoá,
thành lực cản trở cho sự phát triển của đất nước. Đảng đã
không còn là một đảng chính trị nữa mà biến thành một tổ
chức khép kín, tham nhũng lợi ích riêng, là ổ bệnh ung nhọt lây
lan ra ngoài tàn phá toàn xã hội Việt Nam.
Đứng trước sự bất lực của đảng cộng sản trước những đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới.
Đứng trước sự bất lực tự cứu mình trong cơn thái hoá qua hội nghị phê và tự phê vừa qua.
Đảng đã mất chính danh của một đảng cầm quyền, mất danh dự
trong quần chúng nhân dân, mất uy tín trong xã hội, nay đảng
lại tìm chỗ đứng của mình bằng con đường đi tắt, bằng cách
ghi thêm và ghi lại vào Hiến pháp là lực lượng chính trị lãnh
đạo xã hội đất nước.
Chính sự đòi hỏi phi lí đó cho nên mặc dù Hiến Pháp mới do
quốc hội soạn thảo và sẽ thông qua, mà ai cũng biết đại
biểu quốc hội phần lớn là đảng viên cộng sản hay thành viên
Mặt Trận Tổ Quốc, sân sau của đảng, nhưng tổng bí thư Nguyễn
phú Trọng vẫn lo ngại, vẫn phải ra lệnh cho quân đội và công an
đe dọa uốn nắn những ý kiến trái chiều.
Vì những ý đồ vô lí và đi ngược lại trào lưu chung của nhân
loại, đảng đã biến bản Hiến pháp của một đất nước thành
cương lĩnh chính trị của riêng đảng của mình và bắt quốc hội
của 80 triệu dân phải thông qua cho quyền của 3 triệu đảng viên.
Chính vì lẽ đó, thay vì bản hiến pháp là qui định cách
thức tổ chức nhà nước, quyền cơ bản của công dân và công cụ
quan trọng của công dân sau này chống lại những luật lệ của
chính quyền đi ngược lại quyền công dân thì bản hiến pháp của
đảng chỉ là những khẩu hiệu trống rỗng.Nó mâu thuẫn về pháp
lí, ngây ngô về luật và hoàn toàn không có giá trị trong quốc
sống.
Điều đó ta có thể thấy trong bản dự thảo hiến pháp đang được đưa ra góp ý.
Trong nhà nước hiện đại, bản hiến pháp là cơ sở cho hệ
thống pháp lí, luật lệ ra đời sau này, trong đó phải phải
giới hạn rõ đâu là phạm vi quyền lực, trách nhiệm để vận
hành bộ máy nhà nước, của các cơ quan quyền lực nhà nước từ
trung ương tới địa phương, và công dân, sau đây gọi là nhân dân,
thông qua lá phiếu của mình để thể hiện quyền lực của mình,
trong luật học gọi là quyền lực từ nhân dân.
Trong bản dự thảo Hiến Pháp, họ đã cố tình nhét các điều
khoản cho các tổ chức xã hội chính trị, tức là các tổ chức
nằm ngoài hệ thống quyền lực nhà nước, có quyền can thiệp
trực tiếp vào cơ cấu hệ thống, quyền hạn của cơ quan quyền
lực nhà nước. Điều đó làm cho các điều khoản trong hiến pháp
qui định về hệ thống nhà nước trở thành mâu thuẫn và vô
nghĩa. Và hậu quả là, như trong thực tế đã chứng minh, nhà
nước, tức là chính quyền không có khả năng giải quyết được
những vấn đề của đất nước, từ việc nhỏ cho tới vấn đề vĩ
mô.
Có ba tổ chức chính trị xã hội được đề cập tới trong dự
thảo Hiến Pháp, đó là Đảng CS Việt Nam, Mặt Trận Tổ Quốc và
Công Đoàn.
Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69):
Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Trong đó không có điều khoản nào cho phép công dân lập các
đảng phái chính trị. Như vậy đảng CSVN theo Hiến Pháp là ngoài
vòng pháp luật. Một tổ chức không được hiến pháp thừa nhận
mà lại được ghi trong hiến pháp (điều 4) là lực lượng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội thì tự thân bản Hiến Pháp đó chỉ là
trò hề chính trị.
Ngay trong điều 4 qui định Đảng cộng sản chịu sự giám sát
của nhân dân nhưng mọi nghị quyết của đảng chỉ thảo luận trong
đảng. Mọi quyết định nhân sự vào vị trí chủ chốt của bộ máy
nhà nước đều do cấp đảng đề cử xét duyệt có vi phạm hiến
pháp hay không? Vừa rồi vị đứng đầu cơ quan nhà nước sai phạm
nghiêm trọng nhưng chỉ chịu sự phán quyết của chỉ 175 ủy viên
TW thì có phù hợp với điều 4 hay không?
Điều 4 cũng ghi đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và
hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thế nhưng thiếu vắng các
luật lệ hiến pháp về đảng phái cho nên mọi hoạt động kinh tế
của đảng có vi phạm điều 4 không.Theo điều 59 thì ngân sách tài
chính của nhà nước phải minh bạch và công khai, vậy mọi chi
phí hoạt động của đảng, nhất là các công trình xây dựng trụ
sở hoành tráng của đảng từ khắp mọi miền đất nước đến tận
xã phường trong khi ngân sách quốc gia cạn kiệt có vi phạm điều
4 hiến pháp hay không?
Điều 2 (sửa đổi, bổ sung Điều 2)
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Viết thế sai về luật, vô nghĩa.
Nên: Điều 2: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước độc quyền về quyền lực, trong đó có sử dụng
bạo lực, thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước. Có sự phân công,
phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các
quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Điều này bảo đảm cho việc chỉ có nhà nước có quyền thành
lập và sử dụng các lực lượng vũ trang như công an và quân đội,
và chỉ riêng nhà nước, thông qua các cơ quan chức năng của
mình, sử dụng bạo lực trong xã hội để trấn áp tội phạm.
Việc dân làng bao vây đánh trộm chó hay hiệp sĩ bắt cướp là vi
phạm hiến pháp, chỉ ở Việt Nam mới có.
Điều 16
2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Câu này mang mùi thời tiền khởi nghĩa, thời phong kiến. Nếu
đòi hỏi những quyền công dân quyền con người mà mâu thuẫn với
an ninh quyền lợi quốc gia thì bản thân quốc gia, thể chế chính
trị có vấn đề. Với lại cách hành văn mang nặng văn phong dao
búa của cách mạng. Hoàn toàn không phù hợp với bản hiến pháp
thế kỉ hai mươ mốt của một quốc gia đang hòa nhập vào nền văn
minh thế giới.
Điều 21
Mọi người có quyền sống.
Đây là sao chép cẩu thả vô trách nhiệm từ đạo luật của
nước ngoài. Rất kinh ngạc là những người soạn thảo Hiến Pháp
đều là những người có học qua về luật mà làm bài như những
cán bộ vừa từ hoạt động bí mật ra cướp chinh quyền. Bản thân
tôi tốt nghiệp khoa luật trường C500 mà không đến ngây ngô như
vậy. Nếu hiến pháp như điều 21 thì tất cả các đạo luật có
án tử hình đều vi hiến hết. Sở dĩ nước ngoài có luật như
vậy là vì họ đã bỏ án tử hình. Và hơn nữa, đã nói đến
quyền sống, sao không đề cập đến quyền được chết, ví dụ những
người bị bệnh tật họ có quyền được tự chết hay không. Hay họ
có đời sống thực vật, chết lâm sàng thì ai cho họ được chết,
bác sĩ hay người nhà?
Nên là: Điều 21:
1. Mọi người có quyền sống và sự toàn vẹn về thân thể.
Can thiệp vào quyền đó chỉ được phép trong khuôn khổ một đạo
luật cụ thể.
2. Không ai được phép cho mình hay người khác được chết, ngoài cái chết tự nhiên, hay do bệnh tật hay do tai nạn.
Về sự toàn vẹn về thân thể cũng có nghĩa là chỉ có bác
sĩ có giấy phép hành nghề trong khuôn khổ nghề nghiệp mới có
quyền mổ xẻ thân người, còn các lang băm khác là phạm pháp,
kể các việc nạo thai. Ngoài ra các chuyên gia còn phải bàn
luận nạo thai có phải là vi phạm quyền được sống không?
Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53)
Công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Câu này làm cẩu thả, chưa đù thành một điều luật.
Nên: Điều 30 (sửa đổi, bổ sung Điều 53)
1. Công dân từ 18 tuổi có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
2. Vụ việc qua tổ chức trưng cầu ý dân có hiệu lực pháp lí khi phiếu thuận từ 80 phần trăm trở lên
3. Những vụ việc phải qua tổ chức trưng cầu ý dân được qui định trong điều xxx của bản Hiến pháp này.
Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45)
Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Điều 70 mâu thuẫn với điều 71( Quân đội) và điều 72 (Công an).
Nếu bản hiến pháp được thông qua như vậy thì nước CHXHCNVN
có ba tổ chức bạo lực nhà nước: Lực lượng Vũ Trang Nhân Dân,
Quân Đội cách mạng và Công an cách mạng. Và trong cơ cấu nhà
nước về quyền lực không có Lực lượng Vũ Trang Nhân Dân. Còn
viết thêm về điều khoản Lực lượng Vũ Trang Nhân Dân là Công An
và Quân Đội cũng không ổn vì điều "thực hiện nghĩa vụ quốc tế”tức là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, mà hiến pháp qua điều 12 cấm.
Điều 71 không có điều khoản nào cho phép quân đội làm kinh
tế. Vậy việc tiếp theo phải làm gì đây khi các cơ sở kinh tế
hùng mạnh chiếm cứ đất đai chỗ thuận lợi nhất đều ở trong tay
quân đội.
Ngoài những lỗi về kĩ thuật còn có cả sự sử dụng tiếng
Việt tăm tối, điều không thể chấp nhận được của bản hiến pháp
của một quốc gia, một bản Văn Hiến của dân tộc. Ví Dụ:
Điều 32 (sửa đổi, bổ sung Điều 72)
1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
Đáng lẽ phải là:
1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án và bản kết tội đó chưa có hiệu lực pháp luật. Điều kiện cần và đủ.
Câu hai có lỗ hổng vì nếu buộc tội oan thì người ta muốn
được xét xử còn tội ác thật thì sao.Còn người ta muốn nhận
tội thay người khác mà không muốn dùng quyền được xét xử ở
tòa án thì sao. Nên là:
2. Người bị buộc tội thì chỉ có Tòa án mới có quyền luận tội. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.
Còn nhiều lỗi lầm khác, không đủ thời gian kể ra. Nói tóm
lại, đây chỉ là bản nháp thô, chứ không phải bản Dự thảo Hiến
pháp mang ra lấy ý kiến nhân dân để trình quốc hội.
Mong muốn của tôi là, các nhân sĩ trí thức, nhất là những
luật gia vì trách nhiệm đối với dân tộc hãy tẩy chay bản Hiến
pháp này. Im lặng hay đồng lõa đều gây những hệ lụy và cản
đường cho sự phát triển của đất nước. Trong sự cạnh tranh sinh
tồn của các cộng đồng trong thời kì toàn cầu hóa ngày càng
khốc liệt, khi mà trình độ các nước khác ngày tiến xa hơn ta,
khi mà môi trường sinh tồn ngày càng eo hẹp, trong đó có nguồn
tài nguyên trên đất liền cũng như ngoài biển, thì bản hiến
pháp nó như một cái rọ để nhét 80 triệu người Việt Nam vào để
cho các dân tộc khác tự do ở ngoài chạy vượt lên trên con
đường mưu cầu hạnh phúc thật sự.
Phan Đình Phùng, Hà nội 05.01.2013
Lỗ Trí Thâm
Ngày xưa đứng chờ anh, em đâu biết con sông dài
Thủa đó anh ra đi, anh đâu biết, mang điều 4 về, làm khổ dân mình mãi không thôi.
Thủa đó anh ra đi, anh đâu biết, mang điều 4 về, làm khổ dân mình mãi không thôi.