Lê Diễn Đức
Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang hô hào toàn dân góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, từ ngày 2/01 đến ngày 31/03/2013.
Một hiến pháp đúng nghĩa phải như thế nào?
Hiến pháp (HP) là văn kiện đặt ra các nguyên tắc cơ bản của hệ
thống chính trị cho một quốc gia. HP xác lập toàn bộ cấu trúc cơ bản của
các cơ quan nhà nước, cách thức bổ nhiệm, bao gồm thẩm quyền của các cơ
quan này cũng như mối quan hệ tương tác, và các quyền lợi, nghĩa vụ cơ
bản của công dân.
HP là bộ luật quan trọng nhất của một nhà nước, cơ sở pháp lý cho
các hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, là Luật cơ bản. HP đi
cùng với các quy định khác của pháp luật, nhưng đứng ở vị trí hàng đầu,
là bộ khung của mọi luật định. Tất cả các luật khác của quốc gia phải
phù hợp quy định của HP.
HP tiến bộ, văn minh phải là đỉnh cao của quy trình và những thay
đổi liên quan đến việc chuyển đổi các quy định từ một nhà nước phong
kiến, chuyên chế hay độc tài toàn trị đến một nhà nước dân sự, dựa trên
các nguyên tắc của dân chủ và nhân bản.
HP không chỉ xác định cấu trúc cơ bản của nhà nước, thiết lập ranh
giới hoạt động của các cơ quan nhà nước, mà trước hết bảo đảm các quyền
cơ bản và quyền tự do của công dân, cũng như bảo vệ quyền lợi của các cá
thể và các nhóm thiểu số trong xã hội. HP không thể bị áp đặt bởi một
đa số bất kỳ nào mà là sự thỏa hiệp được hình thành từ kết quả của tranh
luận xã hội rộng rãi, công khai.
HP, với chức năng của nó, không phải chỉ dành cho đảng cầm quyền mà
còn cho xã hội. Một HP đúng đắn phải là HP của nhà nước của một xã hội
dân sự. Nó không chỉ giới hạn trong các vấn đề của nhà nước và cách thức
thực hiện, mà còn mở rộng phạm vi điều chỉnh những vấn đề không phù hợp
trong các chính sách của nhà nước. Nhà nước trong HP, được xem không
chỉ là nhà tổ chức chính của đời sống công cộng, mà là một thực thể tạo
ra cuộc sống có phẩm giá, nhưng đồng thời cho phép các tập hợp dân sự
khác có đời sống chính trị và xã hội làm việc song song bên cạnh nhà
nước.
HP là sản phẩm mà mỗi công dân đều có quyền góp phần sáng tạo ra
nó, tham gia xây dựng của nó, được hưởng và tuân thủ quyền lợi và nghĩa
vụ hiến định sau khi có đồng thuận.
Một tiến trình công phu
Là nhân chứng suốt giai đoạn chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ và hơn
20 năm hoàn thiện một nhà nước dân chủ pháp quyền, tôi nhận thấy việc
thay đổi HP của Ba Lan là một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều công
sức.
Vào năm 1989, sau khi chế độ CS sụp đổ, để bộ máy nhà nước giữ tính
liên tục, HP của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan năm 1952, một HP bị áp đặt
bởi chủ nghĩa Stalin, vẫn được duy trì. Nhà nước dân chủ chỉ đưa ra một
số luật định cần thiết nhất để mở rộng quyền dân chủ và tự do, như bãi
bỏ ngay lập tức kiểm duyệt báo chí, thay đổi thể lệ bầu cử, v.v...
Mặc dù HP thời CS không còn phù hợp về thời gian, không đáp ứng nhu
cầu của đất nước, nhưng để ra đời hiến pháp mới, người Ba Lan phải mất
tới 8 năm chuẩn bị.
Kể từ khi Hội đồng HP của quốc hội bao gồm 56 dân biểu và thuợng
nghị sĩ bắt đầu công việc, đến lúc có các bản dự thảo đọc trước quốc
hội, mất gần 5 năm.
Trình bày trước quốc hội không chỉ riêng bản dự thảo của Hội đồng
HP, mà còn có các bản dự thảo của nhiều đảng chính trị đối lập với đảng
cầm quyền, của riêng Tổng thống và của công đoàn lao động. Tất cả ý kiến
đóng góp cho các bản dự thảo tại quốc hội được chuyển cho nhóm luật gia
có uy tín cao về lĩnh vực hiến pháp, nghiên cứu trong vòng hai năm,
nhằm tổng hợp, kết nối, tìm ra đồng thuận cho một Dự thảo chung để đưa
ra biểu quyết tại quốc hội (vào tháng 3/1997, với 461 phiếu thuận, 30
phiếu chống và 5 phiếu trắng).
Bản dự thảo này được chuyển lên Tổng thống và một lần nữa quốc hội
thảo luận về 41 điểm lưu ý của Tổng thống. 30/41 điểm lưu ý của Tổng
thống được quốc hội chấp thuận, đưa ra biểu quyết lần thứ hai (với 451
phiếu thuận, 40 phiếu chống và 6 phiếu trắng).
Tiếp theo, Tổng thống Ba Lan ra sắc lệnh tổ chức trưng cầu dân ý.
Có 42,86% số công dân Ba Lan hợp lệ đã đi bỏ phiếu và cho kết quả 52,71%
chấp thuận. Ngày 16/7/1997 Tổng thống Ba Lan ký chuẩn thuận và 3 tháng
sau khi đăng trên công báo, bản HP mới có hiệu lực, tức là từ ngày
17/10/1997.
(Một lưu ý thú vị là, HP Ba Lan dân chủ cấm mọi hình thức tuyên
truyền và hoạt động đối với các tổ chức phát xít, cộng sản và phân biệt
chủng tộc. Người ký chuẩn thuận hiến pháp mới, nghịch lý thay là ông A.
Kwasniewski, từng là Bộ trưởng thời cộng sản, đã giành thắng lợi trong
cuộc bầu cử tổng thống trước huyền thoại của Công đoàn Đoàn Kết, ông
Lech Walesa, và làm Tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ (1995-2005).
Tạo ra được một HP đã khó khăn, muốn thay đổi nó, hoặc một số điểm
nào của nó, trong một quốc gia dân chủ còn khó khăn gấp bội. Nước nào
cũng có những luật định đặc biệt khắt khe với các kiến nghị đòi thay đổi
HP. Ví dụ, ở Ba Lan bắt buộc phải có ít nhất 100 ngàn chữ ký ủng hộ của
dân chúng và phải được 3/4 số dân biểu quốc hội chấp thuận, một khả
năng thực hiện thường xuyên bằng zero trong một quốc hội đa đảng.
Gánh hát diễn trò dân chủ
Chiến dịch kêu gọi toàn dân góp ý sửa đổi HP 1992 được phát động
bởi một đảng chính trị đang độc quyền cai trị đất nước, ĐCSVN, theo Chỉ
thị 22 của Bộ Chính Trị và nghị quyết của Hội nghị lần thứ 2 của Trung
Ương ĐCSVN.
Kể từ khi ra đời, nhà nước CSVN đã có các bản HP vào các năm 1946,
1959, 1982 và 1992 với những bổ sung vào năm 2001-2002. Thực ra đây là
những bản HP khác nhau, với nội dung được thay đổi chứ không phải là
những điều chỉnh (tu chính) một số điểm nào đó của các bản HP trước.
Trừ HP 1946 được tạo nên trong bối cảnh ĐCSVN phải liên hiệp với
nhiều thành phần xã hội khác nhằm đoàn kết chống thực dân Pháp, chính
phủ của Hồ Chí Minh lúc đó phải tranh thủ sự tham gia của nhiều nhân sĩ,
trí thức không cộng sản, do đó nội dung của HP 1946 được xem là có tư
tưởng dân chủ và cởi mở nhất về các quyền công dân. Tuy nhiên thời gian
chuẩn bị của nó cũng chỉ hơn một năm, kể từ khi Uỷ ban Dự thảo HP thành
lập ngày 20/9/1945 đến lúc quốc hội thông qua ngày 9/11/1946.
Sau khi ĐCSVN giành toàn quyền cai trị trên miền Bắc từ năm 1954,
và trên cả nước từ năm 1975, tất cả các bản HP từ năm 1959 không kế thừa
HP 1946, thậm chí nhiều quyền cơ bản của công dân trong HP 1946 bị bãi
bỏ hoặc hạn chế, như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền
khiếu nại, tố cáo, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do lập tổ chức
và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước
ngoài...
Tất cả HP sau HP 1946, đều ra đời bằng sự áp đặt của ĐCSVN, như một
luật lệ ban từ trên xuống, bắt thần dân phải tuân phục trong thời phong
kiến, phục vụ duy nhất cho lợi ích của tập đoàn cai trị.
Phản dân chủ nhất là HP năm 1980, được xem là bản photocopy từ HP
Liên Xô, trong đó có điều 4 khẳng định ĐCSVN "là lực lượng duy nhất lãnh
đạo nhà nước, xã hội", mặc nhiên tước bỏ quyền tham gia quản lý đất
nước của các thành phần khác không thể tách rời trong cộng đồng xã hội.
Tuỳ theo chính sách và lợi ích của từng giai đoạn, ĐCSVN đã dễ dàng
thay đổi HP cho thích ứng, vá víu hoặc "mông má" cấu trúc, để mở rộng,
củng cố quyền cai trị hoặc tìm cách tạo ra không gian phân chia quyền
lực giữa các phe nhóm (như lần này).
Từ sự khẳng định "bỏ điều 4 đi là tự sát" mà ông Nguyễn Minh Triết
thừa nhận lúc còn là Chủ tịch nuớc và từ ý nghĩa của một HP dân chủ đích
thực, với sự quan sát tiến trình khó khăn mà nhà nước Ba Lan xây dựng
HP hậu cộng sản, ai cũng có thể ý thức rõ rệt rằng, chiến dịch lấy ý
kiến dân góp ý thay đổi HP 1992 chỉ là màn trình diễn dân chủ trơ trẽn,
may chăng lừa mị ược những ai ấu trĩ, ngây ngô, hoặc vừa điếc vừa mù.
Riêng thời gian 3 tháng mà ĐCSVN muốn lấy ý dân, bản thân nó đã
chứng tỏ sự mị dân, làm cho có, vì quá ngắn ngủi cho tiến trình thảo
luận rộng rãi của xã hội và soạn ra một văn kiện quan trọng bậc nhất.
Hơn nữa, loai bỏ sự tham gia quản lý điều hành đất nước của các
thành phần xã hội khác, ĐCSVN từ khi giành quyền cai trị, đã luôn cho
mình độc quyền định đoạt nội dung hiến pháp, cũng như số phận của người
dân bị trị. HP với ĐCSVN, thực chất chỉ là một thứ trang sức hàng fake
(giả hiệu) của chế độ, khi cần ĐCSVN có thể vứt bỏ và thay thế bằng các
Nghị định tuỳ tiện từ một ông Thủ tướng, hoặc thậm chí không cần đến
Nghị định mà bằng luật... rừng của những tay côn đồ nhân danh pháp luật.
Không khó khăn gì cho việc chứng minh nhận định này.
Các tuyên bố của ĐCSVN trong chiến dịch này bộc lộ hình ảnh con cáo già mặc áo veston nhưng không che được cái đuôi. Miệng hô "lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp là cách thức dân chủ thể hiện vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự", “không có vùng cấm trong lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp", nhưng phải "đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng", “phải thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng”.[1]
Khi dân chưa kịp mở miệng thì Đảng đã run sợ, hô hoán "nêu cao
tinh thần cảnh giác, ý thức tự “đề kháng”, năng lực phản bác của nhân
dân trong cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu
sai trái của các thế lực thù địch".
Rồi Đảng lên cơ bắp, răn đe "chỉ đạo chặt chẽ công tác đảm bảo
quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự ATXH, phối hợp chặt chẽ giữa các
cơ quan, đơn vị, kịp thời đấu tranh phòng chống, ngăn chặn mọi hành vi
lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, tuyên
truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật
của Nhà nước”.[2]
Các động thái trên nói lên điều gì, nếu không phải là miệng xúi dân
góp ý kiến, nhưng hai tay giơ cao nắm đấm và sẽ bịt miệng khi thấy khó
nghe?
Những ý kiến đóng góp nếu có, được báo lề đảng chọn lọc đăng tải,
chắc chắn không thoát khỏi số phận của viên đá ném xuống ao hoặc bị vứt
vào thùng rác, như nhiều lần trước đó ĐCSVN cũng đã kêu gọi, nổi bật
nhất là lần góp ý cho đại hội Đảng CSVN lần thứ 10 ầm ĩ trên báo lề
đảng, để rồi sau đại hội nhiều vị trí thức mơ ngủ và những nhà cách mạng
"thời vụ" chán nản, thất vọng.
Muốn lấy ý kiến của dân chúng chính xác nhất, thì Dự thảo HP phải
được mọi thành phần xã hội thảo luận công khai, không cần bất kỳ sự cảnh
giác nào, vì tự thân các ý kiến, kẻ cả đối nghịch, không có khả năng
tước đoạt quyền lực của ĐCSVN, mà chỉ làm sáng tỏ thêm các vấn đề. Việt
Phương, cựu thư ký của ông Phạm Văn Đồng đã chẳng nói "mở đài địch như mở toang cánh cửa, nghe nó chửi mà thấy cả ngày mai", đó sao! Tục ngữ cũng có câu "kẻ thù thường nói thật, còn người thân thì chưa chắc"!
Và một điều kiện tối quan trọng: Dự thảo HP mà quốc hội thông qua,
phải được đưa ra trong một cuộc trưng cầu dân ý dân chủ. Nhưng đòi hỏi
này chẳng khác gì bắt ĐCSVN làm phép cho chó, lợn biết bay.
Muốn nghe tiếng của dân ư? Thì đây, cụ thể và thiết thực hơn nhiều
những đóng góp cho một bản HP vô giá trị: Hàng ngàn chữ ký của trí thức
trong và ngoài nước phản đối dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên, một
công trình đe doạ môi sinh, an ninh quốc gia và giờ đây ước tính mỗi năm lỗ ít nhất 33 triệu USD; Là tiếng kêu của hàng triệu dân oan chưa được giải quyết, chỉ tính riêng giai đoạn 2008-2011 “đã có hơn 1,57 triệu lượt người khiếu nại tố cáo, với gần 673 ngàn đơn thư";
Là những tiếng than ai oán ngút trời trên đồng ruộng Tiên Lãng, Văn
Giang, Vụ Bản "xé vành môi bà mẹ, chị em, những người bán mặt cho đất,
bán lưng cho trời, để kiếm hạt thóc nuôi con khôn lớn đi đánh giặc giữ
nước giữ làng. Giờ Làng Nước có rồi nhưng Đất lại bị đưa vào cuộc bán
buôn kiếm chác của những kẻ chức quyền tham lam vô độ, vô nhân” ("Đất vỡ",
Thùy Linh); Là tiếng khóc xót xa và tuyệt vọng trong hy vọng đi tìm
công lý của những người mẹ, nguời vợ, người con của các nạn nhân bị công
an đánh đập dã man đến chết nhưng nhà cầm quyền ra sức bao che tội
phạm, v.v...
Vậy, thôi đi, gánh hát Hùng - Dũng - Sang - Trọng! Các vị đừng
phung phí tiền bạc, thời gian, hãy buông tha đám dân đen lam lũ đang
ngao ngán với hệ thống chính trị thối nát vì tham những, với tình trạng
kinh tế khó khăn, ảm đạm! Đừng làm mệt mỏi họ thêm nữa!
"Miệng nhà quan có gang có thép", ĐCSVN thích cai trị dân theo kiểu
gì cứ việc làm. Vừa đơn giản, lại vừa không bị dân chúng cười giễu cợt,
phỉ nhổ vào trò hề đạo đức giả.
Nguồn: Blog Lê Diễn Đức