Phạm Thanh Nghiên
Tôi vừa bóc đi tờ lịch cuối cùng của năm cũ và ngồi viết những
giòng chữ vô nghĩa này như một cách tự vỗ về mình. Và cũng là để ngăn
chặn nỗi ám ảnh không tràn sang năm mới. Nỗi ám ảnh về một người phụ nữ
đang mang thai phải sống trong ngục tù. Nỗi ám ảnh về một người phụ nữ
khác bị đánh đập, bị lột quần áo để cho những kẻ - tự nhận mình là con
người - khám xét khắp cơ thể ngay tại trụ sở phường công an, một nơi
được hiểu là “làm nhiệm vụ bảo vệ công dân”. Nỗi ám ảnh về một gia đình
có đến ba người bị bắt trong vòng chưa đầy ba tháng.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh - Luật sư Lê Quốc Quân – là hình ảnh
anh bị gần chục công an “kéo xềnh xệch” trước trụ sở Đại sứ quán Trung
Quốc tại Hà Nội mà miệng vẫn hô vang: “Trường Sa- Hoàng Sa là của Việt
Nam!”. Đó là ngày 9/12/2007, ngày mà lần đầu tiên kể từ sau năm 1975,
người dân dám xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước, phản đối việc xâm
lược của Trung Quốc đối với Việt Nam. Hồi đó, có lẽ anh còn chưa biết
tôi. Sau này khi tiếp xúc với anh, tôi đã rất ngạc nhiên: chưa bao giờ
anh nói với tôi về Nhân quyền hay Dân chủ, những giá trị mà cả tôi và
anh đều đang theo đuổi. Tôi nhận ra một điều rất thú vị nơi anh, là anh
thích truyện cười, truyện tiếu lâm và đã kể rất duyên những câu chuyện
ấy.
Khi tôi vừa mãn hạn tù hơn một tháng thì em trai anh, anh Lê Đình
Quản bị bắt. Ít ngày sau, “công an Hà Nôị về tận quê ở xã Vĩnh Hòa, giáo
phận Vinh tìm bắt chị Nguyễn Thị Oanh là em con cậu ruột của anh Quân
ngay khi chị Oanh đang về quê để dưỡng thai và chăm sóc bố đang ốm”
(trích “ Thư thông báo và kêu gọi sự quan tâm” của gia đình anh Quân).
Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Ngày 27/12/2012, đang trên đường chở con đi
học thì anh Quân bị hàng chục công an chặn bắt, đồng nghĩa với việc họ
cũng cướp luôn tuổi thơ của con anh. Tôi không thể hình dung ra được
mình sẽ chịu đựng thế nào nếu phải ở trong hoàn cảnh ấy. Anh sẽ phải
sống những ngày tháng trong tù để đau nỗi đau của mẹ, của vợ, của con
anh. Sẽ phải đau nỗi đau của người em gái và đứa cháu đang đợi ngày chào
đời.
Hồi bị biệt giam, tôi ở cạnh buồng của Quỳnh, một người tù cũng đang
chờ ngày được lên chức bố. Quỳnh bị bắt khi về chịu tang bố sau những
ngày trốn nã. Quỳnh bảo với tôi: “Có lẽ vợ em sẽ sinh đúng ngày cúng 49
của bố em chị ạ. Nhưng không biết là con trai hay gái”. Đêm nào Quỳnh
cũng hát, và hát rất hay những bài hát thật buồn. Tôi hay bị ám ảnh bởi
giọng hát (đúng hơn là tâm trạng) của Quỳnh. Tôi nhớ nhất là những câu:
“Hỡi những bạn bè nằm trong lao lý
Con tôi chào đời là trai hay gái
Em ơi ở nhà lo cho con em nhé
Anh xin hẹn lại kiếp sau trọn đôi…”
Con tôi chào đời là trai hay gái
Em ơi ở nhà lo cho con em nhé
Anh xin hẹn lại kiếp sau trọn đôi…”
Tôi không biết vợ Quỳnh sinh con trai hay gái, có sinh đúng thời gian
Quỳnh tính toán hay không và Quỳnh bị kết án bao nhiêu năm vì sau đó ít
hôm, cậu ta bị chuyển đi nơi khác. Nhưng ít ra, vợ Quỳnh khi sinh nở dù
vắng chồng vẫn sẽ được gia đình nội ngoại, bạn bè chăm sóc, chúc phúc.
Quỳnh, sau ít năm trở về sẽ được ôm con vào lòng để tận hưởng hạnh
phúc của tình phụ tử. Hoàn cảnh ấy tuy đáng thương nhưng không đáng lo
như chị Oanh. Việc bắt giữ và giam một phụ nữ đang mang thai không chỉ
vi phạm pháp luật (cụ thể là điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự, vi phạm
Luật Bảo vệ và chăm sóc bà mẹ và trẻ em, vi phạm một số điều được quy
định trong Bản Tuyên ngôn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mà chính Việt Nam đã
tham gia ký kết), mà còn xúc phạm nghiêm trọng đến truyền thống đạo đức
và danh dự của người Việt Nam. Thêm nữa, gia đình Luật sư Lê Quốc Quân
cho biết họ “nhận được thông tin là thân nhân bị phân biệt đối xử trong
trại giam”. Lấy tư cách là một cựu tù nhân lương tâm, tôi dám khẳng định
chuyện bị “phân biệt đối xử” là có cơ sở. Chị Oanh, dẫu không bị bắt
với cái tội gọi là “Tuyên truyền chống Nhà nước…” như tôi song chỉ với
lý do là em họ Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà đấu tranh Dân chủ cũng đủ
để chị bị… đối xử đặc biệt. Người ta sẽ cô lập chị với những người tù
khác, sẽ coi chị như một tên phản động đáng ghét. Sẽ đe dọa hoặc cảnh
cáo bất cứ ai muốn gần gũi hay giúp đỡ chị. Mà một người phụ nữ đang
mang thai rất cần sự giúp đỡ. Người ta sẽ dùng luật (bảo là đã được quy
định trong văn bản hẳn hoi), để gia đình không được gửi chăn, quần áo
ấm vào cho chị. Hoặc cho gửi thì phải kèm theo một… điều kiện nào đó mà
chị không thể hay không muốn thực hiện. Như tôi chẳng hạn. vì không chịu
cho họ đóng dấu chữ “PHẠM NHÂN” vào quần áo nên tôi đã phải chống chọi
với cái lạnh cắt da cắt thịt suốt mấy năm trời. Chị sẽ không được mua đồ
ăn, đồ dùng “quá tiêu chuẩn” và như thế chị sẽ phải chịu đói, chịu rét
vì “pháp luật quy định thế”. Chưa hết, hàng ngày chị sẽ phải chịu thẩm
vấn, có khi ngày hai lần và có thể sẽ kéo dài đến hàng tháng trời. Chỉ
mong sao họ không xiềng chân chị như đã làm với tôi. Lúc này, tôi không
dám nghĩ đến những điều kinh khủng hơn. Tôi không muốn nhớ lại nhưng
chuyện về một người bạn tù đã chết trước khi tôi về ít hôm cứ lởn vởn
trong óc. Chị Tuyên đã kể về đoạn đời đẫm nước mắt của chị. Chồng mất
sớm, chị phải bươn chải kiếm sống nơi đất khách quê người. Rồi chị gặp
một người đàn ông khác. Ngày bước chân vào tù chị cũng đang mang thai.
Chị không hiểu vì sao mà họ - những viên an ninh điều tra - lại đánh chị
đến nỗi sảy thai như thế. Trong khi những gì chị biết, chị làm, chị đã
khai hết rồi. Lên trại, chị được xếp vào đội làm nông nghiệp, ở chung
buồng với tôi. Những ngày chị ốm, quản giáo (người phụ trách đội sản
xuất) vẫn bắt chị đi làm. Đến khi bệnh tình quá nặng, không thể gượng
được nữa, người ta cho chị đi bệnh viện. Một lần, chị nói với tôi: “chị
mà chết chắc chắn sẽ phù hộ cho Nghiên”. Tôi nghe lạnh cả người! Mấy bữa
sau chị chết thật. Chết vì suy kiệt, nhưng người ta đồn rằng chị chết
vì AIDS. Kể câu chuyện này, tôi biết thật không công bằng với bạn đọc
khi năm mới đang cận kề. Tôi càng không có ý gieo vào lòng những người
thân của chị Oanh sự lo lắng và hoảng loạn. Nếu chỉ vì chị là em họ anh
Quân khiến họ đối xử khắt khe thì tôi hy vọng rằng cùng một lý do như
thế, họ sẽ không gây tội ác với chị. Trong thời khắc cuối cùng của năm
2012 này, giữa cái lạnh thấu xương của tiết trời Hà Nội, tôi mong rằng
các anh chị được bình an và “cảm nhận được sự tự do ngay cả khi bị giam
cầm” như chính lời anh Quân từng viết. Lê Quốc Quân, Lê Đình Quản,
Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Hoàng Vi những con người đã sống không chỉ với
thân phận của riêng mình. Các anh chị đã biết đặt lên vai mình vận mệnh
của đất nước. Và tha thứ cho những kẻ gây tội ác với mình như lời Chúa
dạy.
Con cầu xin Đấng Tối Cao hãy ngăn chặn những bàn tay tội ác và che
chở cho con cái của Người. Để sẽ không còn ai phải tù oan, không một
sinh linh nào phải chờ đợi để được chào đời trong ngục tù. Để không còn
cô gái nào bị đánh đập, bị lột trần ngay trong đồn công an như Hoàng Vi
chỉ vì lòng yêu nước. Thượng Đế ơi! con cầu xin Người, lời “cầu xin đau
cả loài người”.
Hải Phòng ngày 31/12/2012
Phạm Thanh Nghiên
Phạm Thanh Nghiên
_________________
[*] “Cầu xin đau cả loài người”: nhan đề một bài thơ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, viết năm 2007.