Hiệu Minh
Lễ an táng LS Lê Đình Chinh
Thời vua chúa, phạm húy coi như tru di tam tộc. Thời các vua Nguyễn
có danh sách quốc húy, âm chính và âm trại, bắt dân học thuộc, sỹ tử đi
thi cấm được nhầm.
Các từ như: cam, mai, hoàng, nguyên, lan, tần, thì, châu … thuộc về vua quan, dân cấm được dùng. Muốn dùng phải nói trại như: kim, mơi, huỳnh, ngươn, lang, lam, thời, chu…
Ngô Thì Nhậm phải đổi thành Ngô Thời Nhiệm. Phan Châu Trinh phải đổi
thành Phan Chu Trinh bởi sợ húy Nguyễn Phúc Chu. Dân Nam gọi cây cảnh là
cây kiểng bởi có ông vua Nguyễn Phúc Cảnh.
Ngay cả phật cũng phải đổi tên vì sợ oai vua. Quan Thế Âm được bỏ chữ
Thế, bởi trong tên húy của Đường Thái Tông là Lý Thế Dân, nên phật gọi
là Quan Âm. Chữ Thế rất quan trọng nên trong blog Cua có ai dùng đâu
Mấy hôm nay, dân blog om xòm chuyện anh hùng Lê Đình Chinh vừa được an táng nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).
Chuyện chẳng có gì nếu các báo đưa tin đàng hoàng, là ngày 25- 8-
1978, anh Lê Đình Chinh đã hy sinh khi đánh trả quân Trung Quốc xâm lược
tại chiến trường Lạng Sơn. Anh là người chiến sỹ đầu tiên ngã xuống
trên mặt trận phía Bắc.
Những năm 1979-1980, cánh thanh niên như mình thường nghe bài hát ca
ngợi anh trên loa phường, khuấy động lòng yêu nước, căm thù giặc bành
trướng Bắc Kinh. Hàng vạn người ra trận thời đó vì gương anh Lê Đình
Chinh.
Thế mà báo chí hôm nay viết về anh Chinh không nói rõ anh hy sinh vì chống giặc xâm lược nào.
Báo Tiền Phong nói anh ngã xuống vì “chiến đấu bảo vệ đồng đội và người dân khỏi quân xâm lược từ bên kia biên giới.”
Báo Dân Trí viết khác “Trong khi đang chiến đấu bảo vệ đồng đội mình bị những tên “côn đồ” từ bên kia biên giới kéo sang đánh giết, Lê Đình Chinh đã bị sát hại.”
Gọi người ta là anh hùng, liệt sỹ mà hy sinh vì…côn đồ. Thực ra, ông
nhà báo này căm phẫn tột độ, nhưng không biết dùng từ nào, nên gọi Trung
Quốc là côn đồ, cũng chẳng sao.
Nhiều tờ báo đều dùng “quân xâm lược biên giới” để ám chỉ quân đội Trung Quốc.
Duy chỉ có báo Thanh Niên mạnh nhất “Anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh hy sinh trên biên giới phía bắc ngày 25.8.1978 khi đang chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc.”
Thế hệ 50-60 tuổi như tôi thì hiểu anh Chinh chiến đấu chống kẻ thù nào. Bác Nguyễn Trọng Tạo còn làm cả bài thơ dài về anh. Nhưng các em sinh những năm 1980 trở đi thì không thể.
Có lẽ Ban Tuyên giáo TƯ muốn giữ hòa khí với Trung Quốc nên ra lệnh cho báo chí cấm không được dùng từ phạm húy này.
Sắp đến ngày 17-2-1979, kỷ niệm cuộc chiến đẫm máu trên biên giới Việt Trung, các ông sợ dân nổi loạn.
Họ có nhiều lý do giải thích: ta còn yếu, bạn thì quá mạnh, bạn đánh ta hộc máu mồm thì sao. Không phải là ta hèn.
Hoặc đi học bên đó được dạy 16 chữ vàng, 4 tốt, từ tướng Vịnh đến đại tá Thanh, và ngay cả các vị chóp bu đều nói như vậy.
Dù ai cũng biết “nó” chính là Trung Quốc cắt cáp, đâm thuyền, lấn
chiếm biển đảo nhưng báo chí cứ phải nói “trại” đi thành đứt cáp, làm
chìm thuyền, lưỡi bò.
Biết nhục nhưng đang yếu nên nhịn đó thôi, các bác giải thích thế. Tất cả có đảng và nhà nước lo.
Hoặc còn nhiều lý do khác, không loại trừ đó là lệnh của những kẻ ôm chân Bắc Kinh.
Để cho báo chí tiện đường làm ăn, bạn đọc đỡ hiểu lầm và dân chúng
biết rõ lịch sử nước nhà, nên chăng Bộ 4T nên ra thông tư về húy kỵ như
thời phong kiến.
700 tờ báo nên dùng một từ điển gọi là Báo Húy online và Ban Tuyên
giáo TƯ nên cập nhật thường xuyên. Cánh blogger sẵn sàng tham gia miễn
phí.
Sau đây là vài ví dụ
Âm chính (húy) Âm trại – được phép dùng trong báo chí
Trung Quốc bạn 16 chữ vàng, bạn 4 tốt, anh em, nước lạ, kẻ thù, bọn xâm lược
Biên giới Việt – Trung biên giới phía bắc
Xâm lược Trung Quốc côn đồ, xâm lược biên giới phía bắc, xâm lược từ biên giới
Tầu Trung Quốc tầu lạ, thuyền lạ
Bành trướng Bắc Kinh bành trướng phương Bắc
Đại Hán Trung Quốc đại bành trướng
… mời các cụ cập nhật tiếp….
Đem từ điển này phát không cho các trường để học sinh biết thêm một
loại Báo Húy thời @ cho giống với các vua Nguyễn ngày xưa. Sỹ tử cầm bút
không nhầm lẫn.
Lúc đó blog bleo đỡ điếc đít về chuyện Trung Quốc có phải bạn hay thù.
Nhớ chuyện xưa, nhiều sĩ tử đi thi nho học thường bị đánh trượt không
phải là do không tài, mà do phạm húy. Đây cũng là một nguyên nhân làm
nền giáo dục nho học suy yếu, nguyên khí quốc gia lịm tắt dần.
Trần Tế Xương từng than vì thi trượt “Rõ thực nôm hay mà chữ dốt//Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.”
Nghĩ thấy kiểu viết báo, làm tin thời nay chẳng khác chi.
HM. 6-1-2013