Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Đàng sau sự thô bạo trắng trợn (TQ 150)

Ban Biên Tập Tổ Quốc


“…Khối trí thức có danh phận đã im lặng trước những phiên tòa thô bạo và những chọn lựa độc hại của chính quyền, cùng lắm chỉ dám đệ trình những kiến nghị về bản chất không khác những tờ sớ của sĩ phu ngày xưa. Chúng ta không thể chờ đợi gì ở hệ thống này…”
Hai vụ án chính trị vừa qua đánh dấu một mức độ thô bạo trắng trợn mới trong chính sách gia tăng đàn áp từ bốn năm qua.
Ngày 28-12-2012, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) bị xử 12 năm tù, Tạ Phong Tần 10 năm. Không đầy hai tuần sau, ngày 9-01-2013, đến lượt 13 thanh niên chia nhau hơn 80 năm tù và 40 năm quản chế. Trong cả hai vụ án theo chính cáo trạng của chính quyền thì các nạn nhân hoàn toàn vô tội. Họ không làm điều gì gây thiệt hại cho bất cứ ai. Họ đã chỉ phát biểu những ý kiến mà hầu như mọi người Việt Nam đều đã phát biểu, nhiều khi một cách mạnh mẽ hơn. Trong trường hợp các thanh niên vừa bị xử tại Vinh đại đa số chưa hề phát biểu gì. Họ bị kết tội đã gia nhập đảng Việt Tân và tham gia các buổi học tập về đấu tranh bất bạo động. Đảng Việt Tân từ nhiều năm nay đã tuyên bố chọn lựa đường lối bất bạo động. Những bản án nặng nề một cách dã man này chỉ là sự hung bạo trắng trợn mà bất cứ một người Việt Nam nào cũng có thể là nạn nhân; chúng chỉ có mục đích trấn áp tinh thần nhân dân Việt Nam.

Đàng sau sự hung bạo là một chọn lựa chính trị thù địch đối với đất nước và dân tộc. Trước một xã hội Việt Nam mà cả khát vọng tự do lẫn sự phẫn nộ trước một chính quyền tồi dở ngày càng lên cao, ban lãnh đạo cộng sản đã chọn lựa sử dụng bạo lực tối đa để giữ nguyên chế độ toàn trị bằng mọi giá. Chính sách đàn áp này sẽ ngày càng khiến Việt Nam mất đi sự hợp tác của thế giới dân chủ với hậu quả là kinh tế sẽ phá sản và đời sống nhân dân vốn đã cơ cực sẽ còn bi đát hơn nữa. Nó cũng sẽ khiến Việt Nam bị cô lập và trở thành mồi ngon cho tham vọng bá quyền lấn chiếm của Trung Quốc. Trên thực tế chúng ta đã bị cô lập rồi do những vi phạm nhân quyền trắng trợn từ hơn bốn năm qua, kinh tế đã suy sụp và chính quyền đã bị lên án. Trong tình thế tuyệt vọng đó vũ khí tự vệ duy nhất của chế độ CSVN sẽ chỉ còn là thần phục Bắc Kinh hơn nữa để van xin sự thương hại. Nhưng làm sao có thể van xin sự thương hại khi Trung Quốc đã bày tỏ quá rõ rệt quyết tâm lấn chiếm? Cái giá phải trả đối với đất nước Việt Nam là phá sản, mất thể diện và mất chủ quyền. Cái giá phải trả đối với nhân dân Việt Nam là sự kìm kẹp và cuộc sống nghèo khổ cùng cực. Tất cả chỉ để một nhóm người tiếp tục cầm quyền thật lâu và vơ vét thật nhiều. Nhóm người này có thể xung đột với nhau để tranh giành quyền lực và quyền lợi nhưng họ đều đồng ý nhìn nhân dân Việt Nam như một đối tượng để thống trị.
Trước sự thách đố trắng trợn đó các đại biểu quốc hội đã im lặng trước những chà đạp trắng trợn lên hiến pháp và luật pháp. Khối trí thức có danh phận đã im lặng trước những phiên tòa thô bạo và những chọn lựa độc hại của chính quyền, cùng lắm chỉ dám đệ trình những kiến nghị về bản chất không khác những tờ sớ của sĩ phu ngày xưa. Chúng ta không thể chờ đợi gì ở hệ thống này.
Vẫn còn lối thoát cho đất nước. Một lối thoát ngoài hệ thống, với sự tham gia của những con người trong hệ thống đã dám lấy quyết định phải có trong khúc quanh lịch sử này. Quần chúng đã sẵn sàng, tuổi trẻ Việt Nam đã sẵn sàng, bối cảnh thế giới cũng rất thuận lợi. Đất nước chờ đợi những con người còn ý chí và niềm tin ở mọi cương vị nắm tay nhau trong một đội ngũ để cứu nước và cứu mình.
Ban Biên Tập Tổ Quốc

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"