Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Đằng sau “hiện tượng” Nguyễn Bá Thanh

Nguyễn Trọng Bình
suy ngam 
1.  Tài năng và thời thế?
Theo dõi báo chí thời gian qua có thể thấy dư luận và nhân dân cả nước đang lên cơn “sốt” về “hiện tượng” Nguyễn Bá Thanh. Càng “sốt” hơn khi ông Nguyễn Bá Thanh được điều động ra Hà Nội giữ chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Tại sao ông Nguyễn Bá Thanh lại trở thành hiện tượng “hót” như thế; thậm chí trở thành thần tượng của hàng triệu người dân trên cả nước hiện nay? Nhiều người cho rằng sở dĩ có hiện tượng này là vì ông Nguyễn Bá Thanh là người có “bản lĩnh”; là người “dám nghĩ”, “dám nói, “dám làm” và “dám chịu trách nhiệm”… Và người dân kỳ vọng vào Nguyễn Bá Thanh bởi ít nhiều đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhìn thấy cái bản lĩnh ấy qua sự “thay da đổi thịt” của thành phố Đà Nẵng – nơi ông giữ chức “tổng tư lệnh” trong điều hành quản lý. Điều này đúng không? Đúng. Nhưng theo tôi, đó chỉ là nguyên nhân có tính bề nổi mà thôi.

Công bằng và nghiêm túc mà nói, ở Việt Nam bây giờ những người “dám nghĩ”, “dám nói, “dám làm” và “dám chịu trách nhiệm” như ông Nguyễn Bá Thanh không phải là không có (nếu không muốn nói có không ít người còn bản lĩnh hơn ông Nguyễn Bá Thanh nếu dựa vào những tiêu chí trên). Tuy vậy, những người này và ông Nguyễn Bá Thanh lại có một điểm khác biệt duy nhất. Và điều đáng nói chính điểm khác biệt này đã giúp cho ông Nguyễn Bá Thanh trở nên nổi tiếng còn những người kia có khi vẫn đang ẩn dật hoặc ngậm ngùi cho số phận mình ở nơi nào đó. Ý tôi muốn nói điểm khác biệt ấy không có gì khác ngoài hai chữ “số phận” và “thời thế”.
Đúng vậy, người ta thường bảo“tại thời thế thế thời phải thế”. Dù không duy tâm nhưng theo quan sát của tôi nhất là ở xứ ta trong nhiều trường hợp chuyện được hay bị quan nhất định phải có “số” hay nói cách khác là phải “gặp thời”. Cho nên thật ra, hiện nay có không ít người hiện nay cũng “dám nghĩ”, “dám nói, “dám làm” và “dám chịu trách nhiệm” như Nguyễn Bá Thanh nhưng có lẽ do số phận và thời thế run rủi nên có khi chẳng bao giờ những người này có cơ hội được nổi tiếng như ông Nguyễn Bá Thanh. Trong hoàn cảnh ngược lại, phải nói ông Nguyễn Bá Thanh là người may mắn vì có “số” làm quan và nhất là được làm “quan lớn” ở một địa phương lớn.
Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là Nguyễn Bá Thanh không có tài. Nếu không có tài sao lại “biến” Đà Nẵng trở thành thành phố mẫu mực được đông đảo đồng bào nhân dân cả nước ngưỡng mộ? Nhưng vấn đề là cần xác định rõ cái tài của ông Nguyễn Bá Thanh là ở chỗ nào?
Người ta nói ông Nguyễn Bá Thanh có tài quản lý, có tầm nhìn quản lý, có sự quyết đoán trong điều hành… Những cái này đúng không? Cũng đúng luôn, nhưng cũng chưa đủ. Thật ra, trong cái nhìn so sánh với đa phần các quan chức lãnh đạo trên cả nước hiện nay thì cái hơn, cái nổi trội của ông Nguyễn Bá Thanh chính là ở khả năng nắm bắt đời sống thực tế của người dân. Nói cho đúng thì ông Nguyễn Bá Thanh là một trong số hiếm hoi các quan chức lãnh đạo hiện nay có cái nhìn và sự nắm bắt nhanh nhạy đời sống thực tế của nhân dân ở địa phương mình phụ trách. Đây chính là điểm vượt trội của ông. Chính nhờ chịu gần gũi với dân nên ông đã hiểu dân. Và từ hiểu ông mới thấy thương dân. Và có hiểu có thương dân thì mới đưa ra được những chính sách hợp lòng dân. Có thể thấy, trong phần nhiều các quyết sách đưa ra ông Nguyễn Bá Thanh đều xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng của đại bộ phận quần chúng nhân dân chứ không phải quyền lợi và nguyện vọng của “nhóm lợi ích” nào đó. Đặc biệt nhất là ông sẵn sàng đối thoại với nhân dân để tìm hướng giải quyết cho những vấn đề còn vướng mắc giữa họ với chính quyền mà ông là đại diện.
Nhân nói về chuyện đối thoại với quần chúng nhân dân, phải nói ở chỗ này dù muốn dù không cũng phải khen ngợi và khâm phục ông Nguyễn Bá Thanh. Người ta nói bản chất của ngôn ngữ là đối thoại. Mặt khác ngôn ngữ phản ánh tư duy, ngôn ngữ chuyển tải tư tưởng, tình cảm của con người… Người dám và sẵn sàng đối thoại là người hiểu rõ không có sự độc quyền trong tư tưởng, trong suy nghĩ từ đó tránh rơi vào sự áp đặt một chiều. Kẻ không biết đối thoại hay không dám đối thoại là kẻ hèn nhát và cố tình đi ngược với quy luật của cuộc sống. Ông Nguyễn Bá Thanh, nhìn ở phương diện này là một người thông minh và dũng cảm khi hiểu rằng đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và chân thành với nhân dân là cách làm hiệu quả nhất để không bị mất lòng tin nơi họ.
Bên cạnh đó, quan sát cách làm việc của Nguyễn Bá Thanh có thể thấy ông không rơi vào duy ý chí như đa phần những lãnh đạo khác ở chỗ xem “phê bình và tự phê bình” là khâu cuối cùng của công cuộc “tổng đại phẫu” các quan chức Đảng viên. Ở chỗ này ông Nguyễn Bá Thanh có vẻ rất hiểu chuyện, ông xem “phê bình và tự phê bình” chỉ là khâu mở đầu. Thử hỏi Nhà nước điều hành, quản lý xã hội và con người bằng pháp luật; có pháp luật để trừng trị hẳn hoi mà lắm kẻ còn bất tuân, sẵn sàng đổi trắng thay đen, xem thường pháp kỷ thì mấy chuyện “phê và tự phê” trong nội bộ kia nhằm nhò gì với họ. Cho nên, với Nguyễn Bá Thanh ông quan niệm nếu anh nào làm không xong thì cho về “vườn” nhường ghế lại cho người khác có năng lực hơn; còn nếu sai phạm, vi phạm pháp luật thì nhờ luật pháp xử lý chứ không đợi tự giác “phê và tự phê” gì cho thêm mất thời gian. Đó cũng chính là sự “dám nghĩ”, “dám nói”, “dám làm” và “dám chịu trách nhiệm” của ông Nguyễn Bá Thanh.
Từ những vấn đề trên, mới có chuyện đa phần người dân sau khi tìm hiểu về Nguyễn Bá Thanh và sự đổi thay của Đà Nẵng đều có chung suy nghĩ: “ước gì quê mình, địa phương mình cũng có một Nguyễn Bá Thanh như ở Đà Nẵng vậy!”.
Tóm lại, có thể nói bản lĩnh của Nguyễn Bá Thanh có được trước hết là nhờ ông luôn gắn bó với nhân dân; không xa rời quần chúng nhân dân, sẵn sàng đối thoại với nhân dân (dù vấn đề đối thoại của ông với người dân thật ra cũng chưa phải là vấn đề gì ghê gớm lắm). Và cái tài của ông Nguyễn Bá Thanh đến thời điểm này theo tôi tóm lại chỉ có thế. Dĩ nhiên, sau này tài năng của ông Nguyễn Bá Thanh còn phát lộ ở điểm nào nữa hay không thì mọi người hãy cùng chờ xem. Qua đây cũng cho thấy cái “nghề làm quan” ở xứ ta lâu nay có gì đó tuy khó mà dễ, tuy dễ mà khó. Khó là nếu không có “số” và “gặp thời” thì dẫu có bản lĩnh hay tài năng gì đi nữa cũng đừng mong gì được nổi tiếng như ông Nguyễn Bá Thanh; còn dễ là nếu đã làm quan chỉ cần biết gắn bó, chỉ cần biết sâu sát để hiểu dân và thương dân thì chắc chắn sớm muộn cũng sẽ được nổi tiếng như ông Nguyễn Bá Thanh thôi. Làm quan mà biết gần dân, hiểu dân, thương dân là… tài rồi, ấy vậy mà hiện nay hiếm có ông quan nào được như Nguyễn Bá Thanh. Nghĩ cũng lạ!
2. Tâm lý xã hội
Nếu bình tĩnh nhìn lại đằng sau câu“ước gì quê mình, địa phương mình cũng có một Nguyễn Bá Thanh như ở Đà Nẵng” của nhiều người dân sẽ hiểu được tâm lý xã hội nước nhà hiện nay.  Câu nói trên đã bóc trần một sự thật về nỗi thất vọng ghê gớm của nhân dân ở những địa phương khác trên cả nước (trừ Đà Nẵng).
Từ góc nhìn này, có thể nói sở dĩ thời gian qua ông Nguyễn Bá Thanh trở nên nổi tiếng, trở thành hiện tượng chẳng qua vì đã lâu lắm rồi người dân mới thấy xuất hiện một mẫu người lãnh đạo mà theo họ là có thể gửi vào đó niềm tin, sự kỳ vọng cũng như là có thể thấu hiểu, chia sẻ những vấn đề mà họ bức xúc, cần được giải tỏa? Nói cách khác, sự kỳ vọng quá lớn của người dân là bằng chứng cho thấy trong lòng xã hội đang tiềm ẩn nhiều mối bất ổn, không yên. Thử hình dung kinh tế thì đang suy thoái, bất động sản đóng băng, ngân hàng cạn tiền lại gặp “cán bộ trời ơi”. Giao thông thì đường sá ngổn ngang thời bình mà trong một năm số người chết vì tai nạn giao thông không thua gì thời chiến. Văn hóa, giáo dục thì đang chìm dưới đáy sâu vực thẳm; năm này qua năm khác mạnh ai nấy hô hào đổi mới nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu; đã vậy lại thiếu tinh thần cầu thị và tiếp thu kết quả là lại phải tiếp tục hô hào đổi mới để moi tiền Nhà nước và nhân dân…
Từ những mối lo ấy, nên người dân dường như đang xem ông Nguyễn Bá Thanh như cái phao cuối cùng để bấu víu, để không bị chết chìm giữa biển khơi đầy giông bão.
Không hẹn mà gặp khi tin ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội nhậm chức tất cả đều mong chờ và hi vọng ông sẽ ra tay nhầm lập lại kỷ cương của đất nước nhất là sẽ diệt trừ nạn tham nhũng. Điều này cho thấy đại nạn tham nhũng trên cả nước ở tất cả các ngành, các lĩnh vực thời gian qua là nguyên nhân gây mất niềm tin trầm trọng nơi người dân. Đây đó đã xuất hiện sự so sánh ông Nguyễn Bá Thanh với ông Bao Công (đời Tống bên Tàu) nổi tiếng thanh liêm chính trực. Vì sao như vậy? Vì người dân đã và đang có quá rất nhiều chuyện buồn lòng nhưng họ không tin và không biết tìm đến ông quan nào để mà “thảo đơn trình tấu”?
Bên cạnh đó, trong khi người dân có qua nhiều bức xúc không biết tỏ cùng ai thì giữa lời nói và hành động của các cấp lãnh đạo chính quyền trong quản lý và điều hành đất nước lâu nay lại là một khoảng cách vô biên. Nhiều lãnh đạo cứ hứa với dân thật nhiều để rồi thất hứa cũng thật nhiều đã làm cạn kiệt niềm tin về một sự thay đổi thực sự mang lại lợi ích cho họ; gây cho họ quá nhiều nỗi thất vọng. Vì thế, nên mỗi lời nói và việc làm của ông Nguyễn Bá Thanh ở cương vị mới đều được mọi người mang ra bàn luận sôi nổi âu cũng là lẽ hiển nhiên và tất yếu.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều bên cạnh đại bộ phận người dân đang thực sự trông chờ vào sự “ra tay” của ông Nguyễn Bá Thanh ở cương vị mới cũng xuất hiện không ít ý kiến hoài nghi của những người có vẻ đã rất “từng trải” và có kinh nghiệm. Bởi nói cho cùng ông Nguyễn Bá Thanh cũng chỉ là một nhân tố trong toàn bộ hệ thống mà thôi, dẫu ông có muốn làm muốn thay đổi cũng không phải dễ. Cho nên, ai đó có hoài nghi hay lo sợ cho ông Nguyễn Bá Thanh có khi sẽ giống như cầu thủ bóng đá, ở cấp câu lạc bộ thì đá rất hay, rất hăng nhưng khi lên tuyển thì lại đánh mất phong độ một cách thảm hại không phải không có cơ sở. Rõ ràng, những ý kiến trái chiều như thế này một lần nữa cho thấy sự bất an của người dân, sự bất ổn trong lòng xã hội là có thật. Từ đây có thể nói, trách nhiệm của ông Nguyễn Bá Thanh sẽ nặng nề lắm đây nếu như ông vẫn giữ được phong độ của cái thời làm “tổng tư lệnh” ở Đà Nẵng.
***
Ai đó nói rằng “thà bật lên một que diêm còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Không biết liệu cái “que diêm” mang tên Nguyễn Bá Thanh được đại bộ phận người dân vừa mới bật lên có thể thiêu đốt và xua tan những bóng tối đang ngày một bao phủ lên đất nước và dân tộc lúc này không hay là trước những cơn gió mạnh nó lại nhanh chóng lụi tàn? Nhưng dù thế nào đi nữa thì người dân vẫn cứ tin và hi vọng như bao đời nay họ vẫn tin và hi vọng “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.” Hay nói như thi sĩ Xuân Diệu là:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.”
Cần Thơ, 14/1/2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"