Nguyễn Ngọc Già
Câu chuyện phát động và mời gọi tham gia "Phong Trào Con Đường Việt Nam" (PTCĐVN)
của cựu tù nhân lương tâm Lê Thăng Long đang gây chú ý mạnh trên các
diễn đàn. Ông Lê Thăng Long không những đưa ra trên trang cá nhân mà còn
gởi đến hàng loạt các trang báo khác. Ông cũng chính thức thông báo là
thay mặt cho những người bạn vẫn đang trong vòng lao lý là Trần Huỳnh
Duy Thức, Lê Công Định để thực hiện. Danh sách có tất cả 246 nhân vật
được mời.
Sau khi xem xét kỹ danh sách những người được mời, tôi nhận thấy hình như có hai trùng lặp:
- Trùng lặp thứ nhất: có vẻ bà Trần Thị Băng Thanh có tên hai lần.
Một lần là Trần Thị Băng Thanh với chức danh "PGSTS. Viện Văn Học Việt
Nam" và một lần với chức danh "Phó Giáo Sư Tiến Sỹ, Viện Văn Học Việt
Nam"?
- Trùng lặp thứ hai: có vẻ ông Đỗ Minh Tuấn có tên hai lần. Một lần
là Đỗ Minh Tuấn với chức danh "Nhà thơ, Đạo diễn, Hà Nội" và một lần với
chức danh "Nhà thơ - Đạo diễn"?
Nếu đúng hai vị này bị trùng lặp thì danh sách được mời chính thức sẽ là 244 người.
Trong danh sách 244 người được mời tham gia PTCĐVN, ngoài những nhân
vật tên tuổi, hoạt động lâu năm trên các lĩnh vực chuyên môn cũng như có
tiếng trong hoạt động xã hội, chính trị, tôi chú ý một số tên như:
Nguyễn Xuân Diện, Đặng Bích Phượng, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn
Phương. Lý do:
- Mời dự một bữa cơm thân mật (thật sự, chân tình), đã buộc chủ nhân
phải cân nhắc kỹ lưỡng khách mời, huống chi mời tham gia một tổ chức
mang tính chất xã hội dân sự quan trọng, lâu dài và nghiêm túc như lời
mời này? Khó khăn cũng như cân nhắc kỹ lưỡng trong việc mời những ai,
phải là mục tiêu có tính trước từ rất lâu của Lê Thăng Long và bạn hữu?
Tôi tin điều đó. Danh sách mời không thể xem là một việc bỡn cợt hay tệ
hơn là một cái bẫy, một sự thông đồng thỏa hiệp nào đó như một số người
nghĩ.
- Hầu như mọi người đều biết ông Lê Thăng Long đã ở tù suốt 3 năm qua
(6/2009 - 6/2012), trong khi đó, anh Diện, chị Phượng, chị Hằng, anh
Phương là những nhân vật mới được nhiều người biết đến sau này, qua cuộc
biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh năm ngoái. Với hoàn cảnh ở tù hầu
như không có thông tin ngoài đời, làm sao anh Long biết rõ (chỉ sau 1
tuần lễ ra tù) quan điểm, tính cách những nhân vật này để mời? Tôi tạm
phán đoán, có lẽ bằng hữu thân thiết và đáng tin cậy của anh Long vẫn âm
thầm dõi theo và tham gia hoạt động xã hội suốt thời gian 3 năm qua. Đó
chính là nguồn cung cấp thông tin cho anh Long. Nếu sự thật là vậy, tôi
tin những người đó là những người sáng tâm và kiên trì vì dân, vì nước. Hơn nữa, chỉ với một tuần lễ ra tù, chắc chắn sức khỏe cần được chăm sóc nhiều, không thể nào, ngay lập tức trang movementcdvn.wordpress.com
có hàng loạt bài viết do chính tay Lê Thăng Long ngồi trước máy. Với
khối lượng như thế (chưa tính chất lượng) trong chỉ vài ngày, tôi không
tin dù ngay cả những người viết nhanh nhất, quen nhất có thể làm nổi,
nói chi đến một Lê Thăng Long vừa trở về nhà sau một tuần lễ. Có người
gọi việc làm này của Lê Thăng Long là phi thường. Tôi thì nghĩ quá tuyệt
- tuyệt vời với những kế hoạch dài hơi, cẩn trọng, kiên trì và không
nao núng tựa như những Kế Hoạch Gia tầm cỡ!
Đọc kỹ danh sách những người được mời, có lẽ cũng có quá nhiều suy
đoán, lượng định, đánh giá từ nhiều người, đặc biệt những ai được mời
đích danh. Vậy, một trong các nguyên tắc suy đoán quan trọng là "Nguyên tắc suy đoán vô tội"(1).
Nguyên tắc này được xem là thành tựu của nền văn minh pháp lý mà con
người tìm ra. Nó thể hiện tinh thần "Vì Con Người" một cách cao cả và
nhân ái. Chung quy nguyên tắc này được đúc kết:
-Người bị tình nghi, bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Toà án.
- Nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên buộc tội, người bị tình nghi, bị
can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh sự vô tội của
mình.
- Mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
- Mọi nghi ngờ về pháp luật và chứng cứ phải được giải thích có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.
Trong pháp lý văn minh là thế. Vậy, xét việc làm của Lê Thăng Long -
chưa có bất kỳ một động thái, tuyên bố nào từ giới cầm quyền - phải
chăng những ai đả kích, chê bai, phỉ báng Lê Thăng Long như là một dạng
chiêu hồi cũng nên nghiêm túc xem lại? Trên tinh thần đó, những ai được
mời, thì có quyền tham gia hoặc từ chối hoặc im lặng để suy nghĩ và
nghiên cứu thêm trước khi có câu trả lời cuối cùng. Thậm chí, dù ông
(bà) có từ chối tham gia, hay khinh khỉnh xem là một "trò cười", là
"rác" và "xóa liền" thì cũng không nên có những ngôn từ miệt thị, rẻ
rúng hay phỉ báng. Đó cũng thể hiện tính chất có văn hóa của người được
mời.
Danh sách những người được mời còn đáng chú ý bởi không chỉ những nhà
bất đồng chính kiến nổi tiếng như Lê Hồng Hà, Phạm Hồng Sơn, Huỳnh Nhật
Hải, Huỳnh Nhật Tấn, Nguyễn Đan Quế, Thích Quảng Độ v.v... hay các Việt
Kiều thành danh như Lê Duy Loan, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Nguyễn Ngọc Ngạn
v.v... hoặc các chính trị gia Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Xuân Ngãi v.v...
rồi những người được gọi là "đối lập trung thành" như Nguyễn Trung,
Nguyễn Lân Dũng, Lê Hiền Đức, Nguyễn Văn An v.v... hay Lê Thị Ngọc Đa -
một thương binh của ĐCSVN đã trở thành lãnh tụ của dân oan miền Tây Nam
Bộ (2) mà chú ý lớn nhất của tôi, chính là Nguyễn Minh Triết (cựu Chủ
tịch nước) và đặc biệt hơn cả (đối với tôi) là Võ Văn Thưởng (Bí thư
tỉnh ủy Quảng Ngãi).
Tôi từ trạng thái ngỡ ngàng chuyển qua xúc động, khi thấy trong danh
sách có tên Võ Văn Thưởng - một nhân vật trẻ, đương quyền với chức vụ
cao cấp và có thể xem là hạt giống của ĐCSVN với tư cách thành phần kế
cận tương lai. Đó không phải là tinh thần "hòa giải hòa hợp dân tộc" mà
chúng ta luôn kêu gọi và hướng đến? Bên cạnh đó, càng cho thấy việc làm
của Lê Thăng Long và bằng hữu vừa trong sáng, vừa hiệu quả với tôn chỉ
hiện đại cho công cuộc đấu tranh bất bạo động : Minh Bạch - Công
Khai. Tại đây, có thể nói, nếu phía an ninh muốn gây khó khăn cho Lê
Thăng Long cũng khó có khả năng, vì mọi việc đều được đưa ra rộng rãi,
không khuất tất, còn gì để gọi là "khai nhận" như chúng ta thấy đầy
trong các bản "kết luận điều tra", "cáo trạng"?
Nếu một số người xem việc làm của Lê Thăng Long là "bẫy rập", là
"chim mồi" thì hóa ra phía cầm quyền đang "binh" một ván xập xám quá non
tay và ngớ ngẩn?! Giới cầm quyền quá kém hay chúng ta vẫn nghĩ suy theo
nếp cũ trong tình hình thế giới và Việt Nam đang biến chuyển không
ngừng?! Có người lại cho rằng Lê Thăng Long không theo kịp tình hình
biến chuyển nhanh đấy và sự lạc hậu của Lê Thăng Long về tư tưởng, thông
tin, đường lối là không tránh khỏi bởi án tù 3 năm đã cản trở anh. Ai
lạc hậu hơn ai? Ai nhạy bén hơn ai? Và ai kiên trì, thông minh hơn ai?
Cần nhớ Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định đã từng là
những doanh nhân, luật sư thành đạt rất sớm, khi các doanh nhân khác còn
đang loay hoay tìm đường đi. Doanh nhân thành đạt từ trí tuệ thật sự
lại luôn là người biết nhìn xa trông rộng, với một kế hoạch dài hạn,
nghiêm túc cùng khoa học dự báo chuẩn xác. Lê Thăng Long, Lê Công Định,
Trần Huỳnh Duy Thức là những người như thế.
***
Cho tôi bày tỏ lòng khâm phục và ngưỡng mộ Lê Thăng Long cùng Lê Công
Định và bạn hữu, đặc biệt gởi lòng trân trọng đến Trần Huỳnh Duy Thức -
một Phật Tử với pháp danh Phúc Trí (3) mà tôi vừa được biết.
Nhớ lại, khi Cù Huy Hà Vũ viết thư đề nghị trả tự do cho quân - cán -
chính VNCH và lấy Việt Nam làm quốc hiệu, ông đã bị nghi ngờ và xem như
là "cái bẫy" từ giới cầm quyền VN. Mãi cho đến khi ông chính thức nhận
án tù 7 năm và 3 năm quản chế, lúc đó "hàm oan" từ miệng đời thế gian
mới im lặng. Tại sao chúng ta cứ buộc phải có những cái giá quá đắt để
đổi lấy niềm tin?
Hay chúng ta cần nhìn thấy Lê Thăng Long, một lần nữa trở lại nhà tù với cái án cao hơn để nói rằng: "Tôi tin anh rồi và bây giờ tôi tiếp tục lên án CSVN để ủng hộ anh"?! Nếu quả vậy, đó không phải là cách đấu tranh khôn ngoan và hiệu quả!
Niềm tin cần thời gian để có. Điều này không có gì bàn cãi. Vì vậy, hãy bình tâm và suy ngẫm trước khi phán xét như đã phán xét.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
(Trịnh Công Sơn)
Tôi tin Tấm Lòng của Lê Thăng Long và bạn hữu.
Nguyễn Ngọc Già
_______________
_______________