Đào Tuấn
Trong vô vàn con số về Vinalines, có một con số khiến nhân dân há hốc mồm vì kinh ngạc. Đó là chi phí gần 4 tỷ đồng cho lễ khởi công dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.
Một lễ khởi công 4 tỷ đồng, gấp 80 lần quy định. Một con số thật không thể tin nổi. Thế nên khi báo cáo của Chính phủ sau 5 năm thực hành tiết kiệm chống lãng phí được đưa ra QH, con số hơn 13,5 ngàn tỷ mà các “quả đấm thép” tiết kiệm được thực ra không mấy ấn tượng bởi một sự thật mà ai cũng biết: Tiền tỷ vẫn tiếp tục chi ra cho những thứ vô thưởng vô phạt kiểu “loa đèn kèn trống ken dồi chó”. Bởi điều quan trọng nhất là sự tiết kiệm đó so với cái gì thì không được nêu ra. Cuối tuần trước, đại biểu Đồng Hữu Mạo (TT Huế) đưa ra “báo động” về “Thái độ của chúng ra với lãng phí” khi ông cho rằng: 5 ngàn tỷ tiết kiệm được từ khối các cơ quan, 13.500 tỷ từ các tập đoàn liệu có thấm tháp gì so với những thất thoát trăm tỷ, ngàn tỷ ở chỉ một tập đoàn. Chưa kể đến vô số những trường hợp lãng phí khác “Ai cũng thấy nhưng ít quan tâm”.
Ông Mạo nêu ra 3 loại trường hợp: Các công trình vốn đầu tư NSNN xây dựng hoặc nửa chừng thì bỏ dở, hoặc quá nhanh xuống cấp, hoặc chỉ sử dụng 20% công suất. “Trường hợp QL 1a đoạn tránh Huế với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng sử dụng chưa lâu đã xuống cấp trầm trọng. Đi qua đây mất 3-4h. Không ai thống kê thiệt hại, nhưng rõ ràng là rất lớn. Trong khi đó, vừa qua “đoạn đường gian khổ” thì các loại xe ngay lập tức phải nộp phí”.
Vị nghị sĩ người Huế đã “lẩy Kiều” cho tình trạng “Công trình trơ gan cùng tuế nguyệt”, “Chợ xây xong nhưng chợ không đông”, “Thủy lợi dùng 20% công suất”. Lãng phí cả ngàn tỷ nhưng không ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý. Trong khi theo luật, lãng phí 50 triệu đồng đã bị xử lý hình sự, nhưng đến giờ xử lý hành chính cũng chưa thấy có trường hợp nào, kỷ luật cũng không.
Mười mấy ngàn tỷ này lại càng không thấm tháp gì so với “365.000ha đất bỏ hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích. Nhiều dự án bị “treo” xuyên thế kỷ của 10.796 tổ chức, cá nhân trên toàn quốc”- như phát biểu của ĐBQH Lê Như Tiến.
Tuần trước, sau rất nhiều trì hoãn, Hà Nội cuối cùng ra quyết định cấm: Không sử dụng công quỹ làm quà mừng lễ cưới, dâng lễ hội; không được sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan đi dự lễ cưới, lễ hội. Quy định này không mới, ngay cả quy định cấm sử dụng thứ “của công” là giờ hành chính cũng không gì lạ. Nghe xong lệnh cấm cũng chỉ thấy buồn cười. Bởi câu chuyện cấm này nó nhạt, nó sáo, nó dễ thành “quy chế giấy” đến mức một tờ báo bình rằng: Các ổng không dại gì “đập mặt vào đầu gối của mình”.
Tuần trước, sau rất nhiều trì hoãn, Hà Nội cuối cùng ra quyết định cấm: Không sử dụng công quỹ làm quà mừng lễ cưới, dâng lễ hội; không được sử dụng thời gian làm việc và phương tiện của cơ quan đi dự lễ cưới, lễ hội. Quy định này không mới, ngay cả quy định cấm sử dụng thứ “của công” là giờ hành chính cũng không gì lạ. Nghe xong lệnh cấm cũng chỉ thấy buồn cười. Bởi câu chuyện cấm này nó nhạt, nó sáo, nó dễ thành “quy chế giấy” đến mức một tờ báo bình rằng: Các ổng không dại gì “đập mặt vào đầu gối của mình”.
Bởi không gì đảm bảo để một bản tin kiểu “Một công chức ở Hà Nội bị kỷ luật vì bỏ việc đi đám cưới” lại không phải là một tin vịt.
Bởi cái quan trọng nhất là “thái độ của chúng ta”. Là sự gương mẫu của người đứng đầu.
Bởi nếu phát biểu nghị trường của một nghị sĩ, về vấn đề lãng phí, tiếp tục rơi tõm vào im lặng thì điều đó có thể gọi là gì khác nếu không phải là lãng phí, mà lại là thứ lãng phí nguy hiểm nhất: lãng phí thời gian, lãng phí tâm lực, lãng phí niềm tin.