Nguyễn Thông
Video giám thị ném phao cho học sinh quay cóp năm 2012 ở Bắc Giang
Một quốc gia không thể không có bộ Học (hay còn gọi là Giáo dục) để
quản lý sự nghiệp dạy dỗ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho đất
nước. Nhưng xứ Việt ta, có bộ Học mà như hiện nay thì cũng như không,
thậm chí tệ hơn cả không. Chi bằng cứ giải tán phắt, rồi làm lại từ đầu.
Cái sự làm lại ấy, người ta nói chữ là tái cơ cấu. Tái gì thì tái, cứ
giải tán cái đã. Càng để lâu càng ung nhọt, bệnh nó phá vào đến lục phủ
ngũ tạng, có giời chữa.
Chả cần ngoái nhìn xa xôi làm chi cho mỏi cổ, về những thời lắc lơ mà
ông cha đã lập nên Quốc tử giám đào tạo nhân tài, cả thầy đồ lẫn nho
sinh được tôn kính trọng vọng như bậc cao nhân, chỉ lần giở gần đây thôi
cũng đủ để người đương thời tiếc nuối, xót xa, mủi lòng. Tôi lại nhớ
bức thư của cụ Hồ gửi các thầy giáo, cô giáo, học sinh ngày 15.10.1968,
lúc cuộc chiến tranh vào thời kỳ ác liệt nhất, gian khổ nhất. Cụ dặn “dù
khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”. Từ
trên xuống dưới, cả nước đã đồng lòng thực hiện lời cụ, tạo dựng một nền
giáo dục vượt qua chiến tranh với nhiều thành tích hiển hách.
Than ôi, thời vàng son ấy đã qua rồi. Nền giáo dục ngày càng tệ, mỗi
năm càng xuống cấp thảm hại. Ngân sách đầu tư vào giáo dục tăng cao bao
nhiêu thì bước thụt lùi kéo dài bấy nhiêu. Đội ngũ cán bộ quản lý phình
to, trường sở hoành tráng nhưng sản phẩm con người qua lò giáo dục thì
tệ hại không thể tưởng. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh mà phải chỉ ra
đích danh những người được giao quản trị bộ máy học hành xứ này. Từ
người đứng đầu. Từ mấy chục năm nay, qua bao nhiêu đời bộ trưởng, càng
về sau càng tệ, không còn những vị như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu
thời chiến tranh nữa. Nhiều vị ngồi vào ghế thượng thư bộ Học chỉ cốt
lấy cái danh, oai với đời; thậm chí có những vị trong nhiệm kỳ của mình,
do ngu dốt, thiếu tài thiếu tâm nên càng làm càng phá, khiến sự nghiệp
giáo dục tan hoang. Dư luận đến giờ chưa hết phàn nàn về những thời trị
nhậm cõi học của các ông Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, và nhất là
ông Nguyễn Thiện Nhân. Cũng tuyên bố này nọ, hô hào, khẩu hiệu rùm beng,
bày tỏ khí thế, quyết tâm như ai, chống cái này xây thứ khác, ba bốn
năm sáu “không”… cuối cùng để lại di sản giáo dục như hiện thời.
Họ đã “có công” gì, để lại cái gì? Sơ sơ này nhé:
Suốt bao năm đi học ngày xưa, từ lớp vỡ lòng đến khi tốt nghiệp đại
học, chưa bao giờ tôi nghe xảy ra chuyện thầy gạ tình đổi điểm, trò đánh
thầy cô vỡ mặt ngay trên bục giảng, cấp 1 cấp 2 mới tí tuổi đầu đã thủ
dao trong cặp đâm bạn ngay tại lớp, phụ huynh hành hung ban giám hiệu
trước mắt bàn dân thiên hạ. Xưa hiếm nhưng nay là chuyện ngày thường ở
huyện.
Thi cử-tuyển sinh càng ngày càng nặng nề, nhuốm màu sắc kim tiền. Mỗi
năm ngân sách đổ vào thi cử như núi nhưng hầu như chỉ đem lại sự vất
vả, phiền hà cho thí sinh và gia đình họ. Dường như thi trở thành căn
bệnh hình thức mạn tính, khiến giáo dục mất hết vẻ uy nghiêm. Chắc nhiều
người còn nhớ những chuyện bi hài, cười ra nước mắt trong mùa thi cử ở
Hà Tây (và không chỉ riêng Hà Tây) năm 2006. Cứ coi cái tấm ảnh hàng
chục chiếc thang bắc lên tường để người ngoài trèo lên ném phao vào cho
thí sinh một cách công khai thì đủ biết sự học hành, thi cử đã tận đến
mức nào. Tưởng rằng sau những lùm xùm tệ hại ấy, những nhà quản lý giáo
dục rút được kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, khẩn trương làm trong
sạch môi trường thi cử, nhưng không, vụ Bắc Giang bị phanh phui cách đây
mấy ngày càng làm những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thêm nản,
thêm buồn.
Mở cho lắm trường đại học, cả nước làm đại học, ngay cả những tỉnh
nghèo heo hút cũng có tới 2-3 trường, chương trình chắp vá, phòng ốc tạm
bợ, thày cô không đủ chuẩn cũng lôi lên bục giảng, sinh viên thì vơ bèo
vạt tép, mấy điểm cũng tuyển, miễn là có tiền… khiến chất lượng đầu ra
thấp đến mức chưa bao giờ thấp hơn. Đừng trách các doanh nghiệp tại sao
chỉ tuyển nhân viên bảo vệ cũng đòi phải có bằng đại học, họ có cái lý
của họ. Ông Nguyễn Thiện Nhân khi đương bộ trưởng đã hô hào nói “không”
với bệnh thành tích, tuy nhiên thực tế cho thấy trong thời của ông Nhân
bệnh thành tích chả khác gì nan y, hết thuốc chữa. Một vài cá nhân đứng
ra chống tiêu cực, như thầy giáo Đỗ Việt Khoa, được ông Nhân tung hô,
đánh bóng nhưng sau đó chối bỏ, làm lơ không thương tiếc. Thành thực mà
nói, cá nhân tôi đã hoàn toàn hết niềm tin ở ông Nhân sau vụ Đỗ Việt
Khoa.
Những nhà lãnh đạo nền giáo dục xứ này hễ mở miệng là rồng bay phượng
múa, nào là bắt kịp thời đại, tiên tiến, khoa học, đi tắt đón đầu…
nhưng thực tế họ còn bảo hoàng hơn vua. Không ai khác, chính họ khư khư
ôm giữ chặt những cũ kỹ lạc hậu, không chịu chuyển động trước những đổi
thay của cuộc sống. Chương trình sách giáo khoa thì cổ hủ, nặng nề, suốt
bao năm cứ nhồi nhét những nội dung cũ rích, kể cả những thứ người ta
đã vứt vào sọt rác. Trong khi ấy, bao điều mới mẻ, cần thiết, hệ trọng
lại không được đoái hoài. Gần đây nhất là dư luận xã hội và đông đảo
nhân dân bức xúc đòi phải nhanh chóng đưa nội dung biển đảo, Hoàng
Sa-Trường Sa vào sách giáo khoa thành nội dung chính thức, chính khóa,
áp dụng thống nhất trên toàn quốc, thì họ cứ nay lần mai lữa, chả hiểu
vì sao, vì lý do gì.
Một dẫn chứng nữa của bệnh hình thức là việc cố lập cho được Đại học
quốc gia. Hơn chục năm qua giáo dục đại học cứ lúng ta lúng túng trong
chiếc áo giả cầy này, không tạo ra được gì đáng kể cho đào tạo nhân tài.
Thực chất, đó chỉ là thêm mâm thêm bát, đầy tính bao cấp, lãng phí nhân
lực, gò bó trói buộc các trường đại học thành viên bằng tầng nấc trung
gian. Nếu không mau xóa sổ mô hình này, còn tốn kém, còn kéo lùi đào tạo
đại học đi xuống.
Một trong những quyết định sáng suốt của chính phủ là dời các trường
đại học ra khỏi nội đô, tạo những môi trường học tập hoàn hảo. Vì rất
nhiều lý do, những nhà hoạch định đã phân tích không nên để tồn tại các
trường đại học trong thành phố. Nhà nước cấp đất, cấp tiền, đặt ra lịch
trình, yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện. Nhưng, lại nhưng, tại hai
thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và Sài Gòn, nơi có nhiều trường đại học
đóng đô nhất, không hiểu sao người ta vẫn duyệt, cho phép các trường cần
phải di dời được tiếp tục xây dựng ngay trên đất cũ cơ sở bề thế, tốn
kém, vững như bàn thạch. Trường quyết bám trụ, một tấc không đi một li
không rời, không tuân theo chỉ đạo của thủ tướng, liệu sự trái khoáy này
có “công” của Bộ GD-ĐT?
Năm nào cũng như năm nào, cứ trước năm học mới, phụ huynh đến khổ vì
sách giáo khoa. Nội dung đổi thay xoành xoạch, cách sử dụng tốn kém,
lãng phí. Và điên nhất là giá cả. Một ông bạn tôi làm bên ngành xuất bản
bảo rằng với số lượng in khổng lồ, không có thứ ấn phẩm nào so sánh
được, sách giáo khoa là món hời béo bở. Nếu đấu thầu đàng hoàng, không
cho nhà xuất bản Giáo dục độc quyền nữa, giá thành sách giáo khoa sẽ chỉ
còn một nửa, tức là bớt được một nửa gánh nặng chi phí mua sách cho
người có con em đi học. Biết thế thôi, dễ gì họ nhả.
Loanh quanh vài chuyện, tôi lại càng thấm thía cái câu nói độp của
một vị phụ huynh đáng kính khi ngồi uống trà bàn chuyện giáo dục. Ông
bảo: nếu tao làm người đứng đầu đất nước này 1 giờ thôi, quyết định đầu
tiên mà tao ký là giải tán bộ giáo dục.
Ờ nhỉ, để cứu nền giáo dục nước nhà, còn chờ gì nữa mà không giải tán
bộ Học.
7.6.2012
Nguyễn Thông
Nguyễn Thông
_____________________________
Thầy Khoa: 'Tôi muốn lãnh đạo sớm biết tiêu cực'
"Ban đầu, chúng tôi dự định sau ngày 15/6 mới đưa clip
lên. Đáng lý khi sự việc đang diễn ra, mình phải báo cho Bộ GD-ĐT biết.
Nhưng tôi không còn số máy nào của Bộ, cũng không tin Bộ có thể giải
quyết triệt để".
Thầy Đỗ Việt Khoa - người đưa clip tiêu cực thi tốt nghiệp ở Bắc
Giang lên mạng đang gây xôn xao dư luận cho biết. Trong cuộc trò chuyện
với VietNamNet ông vẫn đau đáu đến một ngày thi cử sẽ hết giả dối.
Với việc đưa clip tiêu cực trong phòng thi ở Hội đồng thi Trường
THPT dân lập Đồi Ngô, ông muốn tiếp tục tạo một “quả bom” như 6 năm
trước?
- Không nghĩ vụ này như quả bom được. Bởi vì dân mình quá quen với
thứ tiêu cực thi cử này rồi. Cứ đọc các báo thì thấy, bây giờ người đọc
chán rồi. Đọc xong thở sượt cái rồi thôi, không buồn phản hồi.
Theo dõi kỳ thi tốt nghiệp suốt 6 năm nay, ông nhận xét thế nào
về tính nghiêm túc của kỳ thi trong quãng thời gian này?
- Nam Bộ và Tây Nguyên khá nghiêm túc. Nhưng Bắc Bộ thì không. Đặc
biệt từ 3 năm nay, sau khi không còn thanh tra ủy quyền của Bộ giám sát
nữa thì kỳ thi rất tiêu cực.
Ông mong muốn hướng xử lý của lãnh đạo giáo dục đối với sự kiện
này như thế nào?
Tôi rất mong các cấp xử lý nghiêm khắc. Phải truy tố lãnh đạo hội
đồng thi tội làm lộ bí mật quốc gia. Vì sao họ tuồn đề thi cho người
không có nhiệm vụ coi thi. Họ bố trí giáo viên Toán, Hóa, tiếng Anh ở
lại trường đóng vai nhân viên phục vụ để giải bài rồi đem phân phát cho
mọi phòng thi.
Ngoài ra, vì đã ký cam kết cuộc vận động "2 không" (nói không với
tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục), nên cần xử lý
kỷ luật đến mức hạ lương, khai trừ Đảng đối với các cán bộ, giám thị và
giáo viên tiếp tay cho tiêu cực đó.
Cũng phải xem trách nhiệm của lãnh đạo sở. Tiêu cực thi này diễn ra
trên khắp tỉnh Bắc Giang đấy nhé! Đừng bắt tôi chứng minh. Bởi mỗi lần
phải chứng minh là hàng trăm người khốn đốn.
Phụ huynh và học sinh tình nguyện nộp tiền “chống trượt”, bản
thân họ chấp nhận sự thỏa hiệp này, còn nhà trường tạo điều kiện cho thí
sinh… Ông có thấy mình đang như “trứng chọi đá” và đi ngược lại lợi ích
của số đông trong kỳ thi tốt nghiệp này?
Cũng gần như thế. Vì bất lực với tình trạng gian lận thi, nhiều người
còn muốn bỏ quách kỳ thi này đi.
Trước đó, ông nói không hi vọng gì cho lần chống tiêu cực này.
Vậy cho đến thời điểm này, trước xác nhận của lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc
Giang, ông có thay đổi suy nghĩ?
- Suy nghĩ đó của tôi không thay đổi. Tuy thế, tỉnh Bắc Giang không
thể làm ngơ dư luận được. Và phía chúng ta, không lẽ sống mà không có hy
vọng cái điều tốt chiến thắng sao?
Ông nghĩ thế nào về hiệu quả của việc "chống tiêu cực trong thi
cử" với các clip phản ánh nạn tiêu cực ở một vài hội đồng thi lẻ tẻ
trong số 2307 hội đồng thi tốt nghiệp trên toàn quốc?
- Như hòn đá ném ao bèo ấy. Nhưng dù sao cũng giúp dư luận, giúp lãnh
đạo nhìn lại ngành mình.
Từ khi trở thành "Người đương thời" và là nhân tố tích cực khi
kiên trì theo đuổi một môi trường trong sạch của giáo dục, ông đã song
hành và vượt qua cảm giác cô độc của người đi ngược số đông ra sao?
- Người ta phần lớn bây giờ cứ nghe bàn chuyện tham nhũng tiêu cực là
lảng tránh. Ngay đến lũ bạn mình cũng thế. Không bao giờ bàn chuyện ấy.
Bây giờ thì cũng phải quen đi khi mỗi một mình một đường.
Điều gì khiến ông kiên trì cách thức chống tiêu cực như vậy, nỗi
thất vọng vì vụ việc năm xưa, hay niềm tin? Hay là cay cú?
- Chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay là công sức đấu tranh
không ngừng của các thế hệ xưa và nay. Mọi người nên cám ơn họ. Tôi đấu
tranh là vì muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống đó. Trả giá tôi cũng nếm
rồi. Nhưng tôi không cho rằng mình phải có trách nhiệm đi đấu tranh. Còn
phải lo làm lo ăn chứ.
Ông có niềm tin gì không trong giáo dục?
- Niềm tin vào cái thiện đương nhiên không thể mất. Nó mà mất nốt thì
xã hôi loạn. Mà ngành giáo dục là nơi chữ thiện còn nhiều nhất. Dẫu có
thời điểm cái xấu nó thắng thế.
Các em học sinh có chia sẻ gì với ông khi cùng tham gia chống
tiêu cực, trước và sau khi quay phim?
- Chúng chẳng quan tâm mấy đâu. Chúng còn bảo: trường mình mà có một
nửa người như thầy Khoa thì chúng em trượt hết à. Lúc học thì chúng
thích mình dạy, nhưng khi thi thì chúng cầu cho không có mặt thầy Khoa
coi thi.
Nếu sự việc lần này tiếp tục "chìm xuồng", ông có tiếp tục chống
tiêu cực?
"Chìm xuồng" là thứ quen thuộc ở Việt Nam. Không lẽ buông xuôi nhìn
cái xấu nó hoành hành à? Còn sức, còn phải lượng sức mà làm chứ.
Hiện, học sinh quay clip đang rất run, thầy giáo thì cho rằng
việc ông đưa clip lên mạng là vội vàng. Như thế có phải ông đã đưa họ
vào thế khó xử không?
Có lẽ đồng nghiệp của tôi dùng từ "nạn nhân" là không chuẩn lắm. Ban
đầu, chúng tôi dự định sau 15/6 mới đưa clip lên. Tuy nhiên, các phóng
viên muốn chất vấn ngay Bộ GD-ĐT trong chiều 4/6 (buổi họp báo sau khi
kỳ thi tốt nghiệp kết thúc - PV) về tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi
tốt nghiệp này. Cái này phải làm nóng ngay khi Bộ đang quan tâm đến.
Đáng lý, khi sự việc đang diễn ra, mình phải báo cho Bộ biết. Nhưng
tôi không còn số máy nào của Bộ, cũng không tin Bộ có thể giải quyết
triệt để.
Khi đưa clip lên, tôi đã xử lý, thu gọn rất nhiều và không để chế độ
chia sẻ cho tất cả mọi người, chỉ ai được tôi gửi đường link mới có thể
vào xem. Tôi dự kiến sau khi sự việc được giải quyết mới công khai toàn
bộ.
Em học sinh có lẽ đang rất run sợ, nhưng tôi đảm bảo rằng em không vi
phạm quy chế thi. Quy chế cấm thiết bị thu phát, nhưng bút quay này chỉ
thu chứ không phát. Nếu nhân đây Bộ GD-ĐT cấm luôn thiết bị này thì
chúng tôi chịu. Chúng tôi hết cách rồi. Đây là cách cuối cùng để có bằng
chứng chống tiêu cực.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hường
Nguồn: VNN