Ngày 10/2 vừa qua, trong tiết xuân mát mẻ, ngòi nổ Tiên Lãng đã được ngài thủ tướng tháo gỡ bằng thủ thuật có thể gọi là lành nghề nếu không muốn nói là cao tay ấn. Các quan đầu tỉnh, đầu huyện và đầu xã trước đó hung hăng là thế đã phải cúi đầu nhận tội, chỉ có điều là nhận tội trước thủ tướng chứ không phải trước nhân dân. Đầu huyện Liêm biết tội, đã hứa là sẽ thành khẩn tự kiểm điểm, sau khi bị tạm đình chỉ công tác chứ không phải bị cách chức.
Đẹp xiết bao, nếu đầu huyện Liêm xin lỗi trước nhân dân và từ chức.
Đẹp hơn nữa nếu các quan đầu tỉnh cũng nhận trách nhiệm và đồng loạt từ chức.
Tôi nói đẹp bởi vì đó chỉ là chuyện trong mơ.
Sự thật thì các ngài vẫn còn nằm trong cái boongke thường vụ mà những phát súng hoa cải chỉ là gãi ngứa. Ngài đại tá Đỗ Hữu Ca vẫn được đứng ra tổ chức điều tra làm rõ tội trạng từng người, nhất là tội giết người của anh em nhà họ Đoàn, sau khi chính ngài đã tổ chức hợp đồng tác chiến bằng ba mũi giáp công hay đến nỗi có thể viết thành sách. Phó đầu tỉnh Đỗ Trung Thoại, người đã từng làm công luận nóng lên khi đổ vấy cho dân phá nhà ông Vươn, giờ được cử làm tổ trưởng triển khai kết luận của thủ tướng. Đầu xã Hiền vẫn còn đó và anh lái máy ủi khôn hồn thì đi xứ khác mà làm ăn chứ đừng có bép xép với bọn nhà báo hay dại dột ra trước tòa làm chứng.
Thế thì sẽ không có chuyện anh Vươn và “đồng bọn” được miễn tố vì những cái sai không chối cãi của chính quyền Tiên Lãng đã đẩy người dân đến bước đường cùng. Cái tội “giết người” đã được chính thủ tướng tuyên án rành rọt, tuy có nói sẽ xem xét giảm nhẹ; có nghĩa rằng nếu không bị bắn bỏ hay chung thân khổ sai thì ít ra cũng 20 năm tù và 10 năm quản chế. Không có anh thì mấy mươi Hec-ta đầm kia cho dù có tạm thời giao cho vợ con anh quản lý, họ cũng chỉ biết ngồi mà nhìn mặt nước mênh mông, chứ sức đâu mà nuôi trồng thủy sản. Có kêu xin, khóc lóc thì cái “chòi” của nhà anh cũng chỉ xin lại được mấy tấm tôn rách và một ít gạch vụn, cùng lắm là hỗ trợ thêm vài chục triệu đồng lấy từ tiền thuế của dân.
Vậy là thôi, mọi sự lại chìm sâu dưới đáy đầm như đứa con gái 8 tuổi tội nghiệp của anh. Đừng có mà mơ khi được trở về, anh sẽ được nhân dân đón chào như một anh hùng chống tham nhũng. Nằm trong tù anh sẽ phải nghiền ngẫm cái chữ “nhẫn” mà thấm thía hiểu ra rằng muốn được sống yên với vợ con thì nhất thiết phải thêm một chữ “nhục”. Có nghĩa anh không phải là con giun để được quyền “xéo lắm cũng quằn”, mà chỉ là con lươn “bao quản lấm đầu”.
Những vùng đất nóng vì đẻ ra vàng như Thủ Thiêm cũng đừng mơ trở thành một Tiên Lãng thứ hai. Những sân gôn trên khắp cả nước cho dù nhiều nhất trên thế giới vẫn sẽ cứ mọc lên để các ngài thư giãn bằng cách vung cây gậy đắt tiền đánh những trái banh trắng như tuyết. Cái khu du lịch sinh thái trên núi Đá Bia ở Phú Yên cũng vậy, với tội danh chống nhà nước cho dù bất bạo động, thì không cần cưỡng chế, cơ nghiệp cũng đã tan tành.
Và, những ai ảo tưởng “cách mạng hoa cải” đừng có mà bay trên mây nữa. Một Đoàn Văn Vươn, chứ một trăm Đoàn Văn Vươn cũng chẳng thể làm được gì. Cái chữ nhẫn mà nhà văn Võ Thị Hảo nói tới trong bài Khi chính quyền “coi dân như kẻ thù” thực ra là nô lệ. Không đến nỗi bị đem ra chợ mua bán như súc vật nhưng cái “chòi” mình đang ở, mảnh đất mình đang sống có thể bị ép mua rẻ để bán đắt bất cứ lúc nào thì số phận của người nông dân nào có khác gì những nô lệ châu Phi 300 năm trước.
Tiếng súng của anh Đoàn Văn Vươn, vì thế, không phải đánh thức lương tâm của các quan tham, mà chỉ là cảnh báo để họ khôn ngoan hơn, kín đáo hơn, bớt lộ liễu trâng tráo một khi có ý đồ “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.
Hỡi ơi, trời thì cao, đất thì dày! Trong yên lặng, tôi lắng nghe tiếng ca phát ra từ trong tăm tối của Trịnh Công Sơn:
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Rơi xuống đời
Rơi xuống trong tôi!
Khuất Đẩu
12/2/2012