Tư Ngộ
-
“Cuối cùng ai sẽ bị truy tố việc phá nhà trái pháp luật, đợi xem ông Ðỗ Hữu Ca vạch vẽ ra sao. Hay cuối cùng tài xế lái xe xúc sẽ chỉ là người duy nhất phải viết “kiểm điểm”?”
Tiếp theo quyết định tạm “đình chỉ công
tác” với hai ông chánh và phó chủ tịch huyện Tiên Lãng, ông Bí thư Ðảng
ủy Phạm Ðăng Hoan và Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm cũng bị
tạm “đình chỉ công tác” 15 ngày.
Theo TTXVN, hai ông này chỉ bị ngừng công
việc hai tuần lễ, theo quyết định đọc cho các ông nghe ngày 13 tháng 1,
2012, để “tiến hành kiểm điểm” liên quan tới việc cưỡng chế khu đầm
nuôi thủy sản của gia đình anh em ông Ðoàn Văn Vươn ngày 5 tháng 1, 2012
vừa qua.
“Kiểm điểm” chỉ là hình thức trừng phạt
nhẹ nhất trong hệ thống đảng và guồng máy công quyền CSVN. Sau khi viết
bản “kiểm điểm” nhận lỗi qua quýt là có “sơ sót” hay “nhận thức hạn chế”
thì có thể mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Ném đá ao bèo.
Hai ông quan huyện Tiên Lãng và hai ông
quan xã Vinh Quang sau 15 ngày “đình chỉ công tác” có thể được phục hồi
chức vụ và quyền sinh sát, bổng lộc vẫn giữ nguyên hay có thể bị truy tố
gì không, không hề có một dấu hiệu gì.
Ðiều tra về việc phá nhà ông Vươn, ông
Quý thì hiện đang do ông Ðại tá Công an Ðỗ Hữu Ca cầm đầu. Ông Ca là
người có mặt ở cuộc cưỡng chế, chỉ huy cán bộ, thuộc cấp. Sau cưỡng chế,
ông còn khoe kế hoạch cưỡng chế thực hiện “hiệp đồng tác chiến cực kỳ
hay,” có thể làm thành “giáo án” để dạy những lần cưỡng chế khác sau
này.
.
Chủ tịch xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm (trái) và bí thư đảng ủy xã Phạm Ðăng Hoan (phải).
Không thấy ông bị nêu tên trong số những người phải “kiểm điểm” ở cấp thành phố Hải Phòng.
Ðã có nhiều lời âu lo trên một số blog
đòi hỏi các cuộc điều tra cũng như chỉ huy thi hành “quyết định của thủ
tướng” phải do cấp trung ương làm mới hy vọng tránh lạm quyền bao che
lẫn nhau. Nhưng tới giờ thì người ta chỉ thấy các ông quan ở Hải Phòng
ra lệnh đồng sự “kiểm điểm” lẫn nhau, ra lệnh cho huyện Tiên Lãng “kiểm
điểm” rồi huyện xuống xã Vinh Quang ra lệnh “kiểm điểm.”
Ông Ca khi bị vặn về chuyện phá nhà dân
bất hợp pháp đã tuyên bố rằng, “Hiện không biết ai phá nhà dân, chỉ biết
không có lệnh phá.”
Khi có lệnh từ trung ương là vụ cưỡng chế
hoàn toàn trái luật, công an Hải Phòng bắt buộc phải “khởi tố vụ án phá
nhà ông Ðoàn Văn Vươn,” anh em ông Vũ Văn Kết, người có chiếc xe xúc
phá nhà anh em ông Vươn, vội vàng xuất hiện khai ra những lời đầu tiên
để chạy tội. Anh em ông khai chỉ là người được thuê phá lấy 1.5 triệu
đồng cho 3 giờ làm công. Trong lúc phá, có sự hiện diện của ông Bí thư
xã Phạm Ðăng Hoan và Chủ tịch xã Lê Thanh Liêm chỉ huy. Chủ tịch huyện
Lê Văn Hiền chạy xe máy tới xem rồi đi.
Cuối cùng ai sẽ bị truy tố việc phá nhà
trái pháp luật, đợi xem ông Ðỗ Hữu Ca vạch vẽ ra sao. Hay cuối cùng tài
xế lái xe xúc sẽ chỉ là người duy nhất phải viết “kiểm điểm”?
Nếu sau cái án treo ghế 15 ngày, anh em
ông Liêm ông Hiền, ông Khanh, ông Hoan vui vẻ về nhận lại chỗ ngồi thì
gia đình anh em ông Vươn sẽ tiếp tục bị đì “tới bến.” Muốn sống cũng
chưa chắc sống nổi đâu, cho dù những cái quyết định sai trái của ông chủ
tịch huyện Tiên Lãng bị thu hồi.
Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND
tỉnh An Giang, em ông Nguyễn Minh Triết, viết một bài trên báo Người
Lao Ðộng ngày 13 tháng 2, 2012 bình luận rằng cái lệnh truy tố anh em
ông Ðoàn Văn Vươn tội “chống người thi hành công vụ,” rằng “về hình thức
thì rõ ràng là có tội, nhưng về bản chất thì là chống người làm sai,
cướp phá tài sản của công dân thì lại là có công. Luật pháp được đặt ra
để bảo vệ quyền lợi công dân và trật tự xã hội. Luật pháp quy định những
việc nhà nước phải làm và công dân không được làm. Xét theo tinh thần
này thì chính quyền nhà nước huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều sai. Từ
cái sai có tính mở đường dẫn đến cái sai của anh em ông Ðoàn Văn Vươn:
“Chống người thi hành công vụ.”
Chính vì vậy ông đặt dấu hỏi là: “Thử
hỏi, không có tiếng nổ do gia đình ông Vươn gây ra thì ai nghe để mà
vạch trần những việc làm sai trái của chánh quyền Hải Phòng? Ðó chính là
tình tiết giảm tội, tăng công. Còn tội danh ‘Giết người’ là quy chụp
theo lối suy diễn tất yếu: Có nổ vũ khí tự chế có thể gây thương vong.
Vậy lực lượng cưỡng chế có cả bộ đội, trang bị vũ khí và phương tiện
hiện đại, có cả chó bẹc-giê chực xé xác người để làm gì, nếu không nói
là để chuẩn bị ‘giết người’? Chưa kể sau đó còn phá hoại tài sản công
dân – phá nhà người ta trước ngày Tết cổ truyền thiêng liêng thì có gọi
là quá ác?”
Chính vì kẻ cầm quyền cố tình trái luật
để cướp tài sản của dân, Luật Sư Trần Ðình Triển, trong một cuộc phỏng
vấn của đài FRI hôm Thứ Bảy cho rằng “không thể xem ông Ðoàn Văn Vươn là
chống người thi hành công vụ.” Bởi vì hành vi của anh em ông Vươn là
“chống lại hành vi trái pháp luật.”
Theo ý kiến LS Triển, việc ông Thủ Tướng
Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh quan quyền các cấp của Hải Phòng “kiểm điểm” là
sai, là “chưa hợp lòng dân, chưa đúng pháp luật.”
LS Triển đòi hỏi phải truy tố những người
thực hiện quản lý đất đai (bất chấp luật pháp) không kể những người phá
hủy tài sản công dân.
Sau cái “kết luận của thủ tướng,” nhiều
báo vội vàng tung hô ba Dũng rầm rĩ từ “Quyết định của thủ tướng thấu
tình, đạt lý” (báo Dân Trí” hoặc như TTXVN: “Người nuôi trồng thủy sản
phấn khởi với kết luận vụ Tiên Lãng,” và nhiều nhiều nữa đồng một nhịp
“mẹ hát con khen hay.”
Nhưng hãy đợi đó. Người ta mới chỉ được
coi màn một (chống cưỡng chế), màn hai (kết luận và thi hành kết luận)
của vở tuồng. Ðể xem màn ba, màn bốn, sắp tới ra sao. Ðừng mừng vội.
Hàng ngàn, hàng chục ngàn vụ cưỡng chế đã
xảy ra trên cả nước, những cuộc biểu tình chống đối có khi hàng ngàn
người, khiếu kiện từ năm này sang năm khác, nhưng chưa có vụ nào người
dân thắng được bọn cướp ngày. Chỉ có những người “chống người thi hành
công vụ” hay cầm đầu biểu tình là bị bỏ tù. Tất cả đều chìm xuồng.
Theo: Người Việt.