Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

Tổ chức xã hội dân sự - một di sản của Việt Nam

Trần Trung Chính

Mấy lời thưa trước

Đọc bài “Đã đến lúc chín muồi cho sự ra đời các tổ chức xã hội dân sự (bà Phạm Thị Hoài phỏng vấn ông Hoàng Hưng đăng trên BVN ngày 10/1/2012), tôi có cảm tưởng như phần đông chúng ta vẫn nghĩ một cách đại khái nhất, rằng nó (tổ chức xã hội dân sự) là sản phẩm của phương Tây, mọc lên trong không gian dân chủ ở các nước phương Tây v.v... nơi có các “nhà nước pháp quyền dựa trên tam quyền phân lập”, đại khái ở chỉ các mảnh đất có thể chế chính trị “tiến hoá” hơn các quốc gia phương Đông. Nên suy ra, điều kiện cần hay chín muồi cho sự ra đời các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam - chí ít là một mức độ “tiến hoá” hay “trưởng thành” nào đó về mặt xã hội, như dân trí chẳng hạn... Xin cho phép tôi không tiếp tục giả định hay bàn đại khái về vấn đề này, chỉ vì không đủ kiến thức thật mà thôi, tuyệt nhiên không có lý do khác.
Nhưng dù vậy tôi vẫn có một lý do để viết (sẽ không dám đại khái nữa) cho ông Hoàng Hưng, bà Phạm Thị Hoài - những người tôi quý trọng, rằng chúng mình có thể không phải tìm kiếm các mô hình “tổ chức xã hội dân sự” ở những nơi văn minh xa xôi đến thế, vì nó đã từng có trên mảnh đất này, ngay trong những ngôi làng Việt – chốn cư trú hay đã xuất cư của 100% dân Việt. Nếu chúng ta muốn phân biệt cái ông Hưng gọi “di sản”, thì trong cái kho tàng ấy có “di sản của chế độ”“di sản dân tộc”. Mà (hơi bị buồn), cái gọi là “tổ chức xã hội dân sự” lại thuộc về “di sản dân tộc Việt”.

Tổ chức “Xã hội dân sự - một bước tiến của văn minh nhân loại”:

Thuật ngữ "xã hội dân sự" xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 16 và trở nên phổ biến vào thế kỷ 18.
Theo Wikipedia: “Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường.”
Có một định nghĩa của Hegel rằng: “Xã hội dân sự là lĩnh vực nằm ngoài nhà nước và gia đình, đó là lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội giữa những cá nhân trong xã hội dân sự”, và ông cho rằng: "Sự hình thành nên xã hội dân sự là một thành tựu của thế giới hiện đại".
Theo K. Marx: “Đó là một xã hội phi chính trị được cấu trúc bởi các quan hệ kinh tế và hệ thống giai cấp”. Các nhà triết học và kinh tế thuộc nhóm quan niệm xã hội dân sự là xã hội thị trường, thì khẳng định: “Xã hội dân sự không xuất phát từ sự chủ định của con người, mà từ sự vận động tự phát của các lợi ích, các nhu cầu và các tham vọng của con người. Xã hội này có những qui luật riêng của nó, như những qui luật của lợi ích riêng tư, của sự trao đổi, của các nhu cầu – mà nhà nước hoàn toàn không nên can thiệp”.
Nhà chính trị và nhà tư tưởng người Pháp - Thụy Sĩ Benjamin Constant (1767-1830) còn tin tưởng: "Xã hội dân sự hoàn toàn có thể tự nó tồn tại", ông đề cao quyền tự do dân sự (tức là quyền "được yên ổn hưởng quyền độc lập cá nhân"). B. Constant cho rằng xã hội dân sự và nhà nước không phải là “hai lĩnh vực đối lập nhau, mà ngược lại, còn "phối hợp" với nhau: muốn có một nhà nước mạnh, thì nhất thiết phải có một xã hội dân sự cường tráng”. (Rangeon, 1986. dẫn từ Wikipedia)
Có những ranh giới rõ rệt giữa nhà nước và xã hội dân sự:
- Một bên (xã hội dân sự) là những hoạt động kinh tế tư nhân hướng theo lợi nhuận, - bên kia (nhà nước) là những hoạt động chính trị hướng vào việc chiếm lĩnh và thực thi quyền lực nhà nước;
- Xã hội dân sự là một khu vực đa dạng gồm những hội nhóm và tổ chức khác nhau. Chúng có thể tiến tới tầm cỡ độc lập về mặt chính trị xã hội (với nhà nước), và qua đó, các tổ chức có một tiềm năng quan trọng phục vụ cho tiến trình phát triển dân chủ.
- Vai trò các thành tố "dân chủ tham gia" như là một bổ khuyết cho các cơ quan "dân chủ đại diện".
- Có khả năng tiến tới tầm cỡ toàn cầu thông qua việc nối kết với những tổ chức xã hội dân sự khác trên thế giới. V.v. và v.v...
Đại khái mớ chữ nghĩa này ai cũng có thể nhặt về coi nếu muốn, trên mạng đầy.
Tôi muốn dẫn nhiều hơn của ông K. Marx vì “ông thần” này nói vẫn lắm người tin hơn các ông không phải thần. Ông bảo đại khái sự hình thành của xã hội dân sự xét về mặt lịch sử đã diễn ra song hành với sự hình thành của nhà nước hiện đại. Và xã hội dân sự có thể được hiểu theo hai nghĩa: một mặt là xã hội dân sự kinh tế (société civile économique), và mặt kia là xã hội dân sự chính trị (société civile politique) (Rangeon, 1986, tr. 26). Thậm chí “ông thần” còn coi đó như: “Một bước phát triển văn minh của xã hội.” (Dẫn theo Trần Hữu Quang - Một số quan niệm về xã hội dân sự, tạp chí Khoa học Xã hội số 12/2009).

Làng Việt Nam - nhận diện một tổ chức xã hội dân sự:

Tôi cho rằng tổ chức làng Việt truyền thống nằm trong phạm trù xã hội dân sự, mặc dù các thành viên của nó là nông dân, không phải thị dân. Do các đặc điểm của xã hội dân sự kiểu Việt Nam được nhấn mạnh với các thuộc tính của nó (tóm tắt) như:
(a) Có tài sản riêng là 12 không gian công cộng, công trình dịch vụ công cộng (gồm: chợ, chùa, đình, văn từ văn chỉ, đền - miếu, công quán - điếm sở, giếng làng - ao làng, cổng làng, kho nghĩa sương, hệ thống đường làng, nghĩa trang làng và công điền - ruộng công (tổng hợp từ Việt Nam phong tục, Việt Nam văn hoá sử cương của Phan Kế Bính và Đào Duy Anh). Trong số các tài sản này đáng lưu ý nhất là 20% -30% ruộng đất nông thôn Bắc bộ, Trung bộ thuộc sở hữu làng (tôi không còn nhớ đã ghi lại các con số này từ tài liệu nào). Nhưng Pierre Gourou (nhà nghiên cứu địa lý nhân văn danh tiếng người Pháp, 1900-1999) dựa vào số liệu của Sở Địa chính năm 1932 cho biết: “Ruộng công (châu thổ sông Hồng) chiếm 2.300km2, nghĩa là bằng hơn 1/7 tổng diện tích châu thổ và hơn 1/5 diện tích đất trồng trọt” (Cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ)...Phải nói cho rõ các công trình, không gian, đất đai đó không thuộc sở hữu nhà nước, hoặc sở hữu tư nhân. Chính hình thức sở hữu tập thể do nhà nước giao theo quyết định hành chính (cho làng - sẽ nói cụ thể hơn ở đoạn sau) đã góp phần cho phép tổ chức làng Việt Nam độc lập tương đối với nhà nước, cần hình dung rằng sự độc lập tương đối này trải trên hầu khắp lãnh thổ Việt Nam với hơn 90% dân số là nông dân trước 1945.
(b) Mỗi làng có pháp chế riêng (hệ thống hương ước), có tín ngưỡng của từng làng (thành hoàng làng)... Các hệ giá trị của làng được dân làng coi trọng như pháp luật nhà nước. Thí dụ một con dân của làng đỗ đạt thường trở về làng để “vinh quy bái tổ”, hắn cần được cộng đồng làng xóm thừa nhận và dòng họ vinh danh, chứ không chỉ nhà nước công nhận.
(c) Người đứng đầu do các thành viên của làng bầu lên, được khởi ra vào thời Lê đến thời Hậu Lê đã hoàn thiện và phổ biến áp dụng. Năm 1483 Lê Thánh tông quy định: Đại xã từ 500 hộ trở lên, Trung xã từ 300 hộ trở lên và Tiểu xã 100 hộ. Trong Đại xã được cử 5 xã trưởng, Trung xã được cử 4 xã trưởng, Tiểu xã cử 2 xã trưởng. Với Tiểu xã chỉ có không đầy 60 hộ được cử 1 xã trưởng. Sử sách không chép rõ việc phân công trách nhiệm giữa các xã trưởng trong cùng xã ra sao, họ chia nhau quản lý theo mỗi người một số hộ hay theo từng lĩnh vực chuyên trách. Đến sau thời Cảnh Trị (vua Lê Huyền tông 1663-1671) các chức xã trưởng - xã quan do triều đình đặt, cử để cai quản các xã thôn đã không còn tiếp tục được thi hành triệt để. Và đến thời Long Đức (vua Lê Thuần tông 1732-1735) Vĩnh Hựu (vua Lê Ý tông 1735-1740) theo học giả Đào Duy Anh thì: “Xã dân tự hành lấy xã trưởng, rồi chỉ trình quan trên phê chuẩn mà thôi. Lệ ấy vẫn còn cho đến ngày nay” (là năm 1938, thời điểm tác giả xuất bản cuốn "Quan hải tùng thư").
Cũng theo Đào Duy Anh việc quản trị hệ thống làng Việt Nam theo kiểu: “Công việc làng thường do dân làng bàn định, chứ nhà nước ít can thiệp đến, mà nhiều khi nhà nước có can thiệp cũng vô hiệu quả, cho nên ở nước ta có câu tục ngữ rằng: “Phép vua thua lệ làng”. Có chi tiết thú vị là từ thời Lê Huyền Tông (1663-1672), chúa Trịnh Tạc đề ra quy định khảo xét xã trưởng 3 năm 1 lần, những ai có thành tích được thăng làm quan huyện, (vì thành tích quản trị ấy chắc thật thà hơn thời bây giờ.)
Đây là các định chế quan trọng, do chỉ có người sở tại mới hiểu rõ năng lực các thành viên của họ, do khả năng kiểm soát của cộng đồng với những người đứng đầu, do nó (chế độ bầu cử) gắn với quyền lợi thật sự của mỗi thành viên làng... Quá trình hình thành, xác lập quyền tự chủ của làng xã Việt Nam còn có thể có nhiều tranh cãi, như ở Việt Nam nó ra đời trong hoàn cảnh nhà nước trung ương bắt đầu suy yếu (bị động) hoặc sự trưởng thành của các làng xã đã đạt đến quyền tự chủ (chủ động), mà sự suy yếu của nhà nước là một điều kiện thích hợp. Hoặc là đó là một loại tổ chức xã hội dân sự khắc nghiệt, do các thành viên của nó không có quyền không tham gia hay từ bỏ tổ chức v.v
Đương nhiên các quan niệm của Marx hay các nhà xã hội học về xã hội dân sự phương Tây được dẫn ra ở trên là đối với xã hội dân sự tư bản, chứ không phải các mô hình cộng đồng cổ truyền tiền tư bản. Nhưng tôi cho rằng vẫn có thể sử dụng chúng nhằm phần nào soi sáng các giá trị của cơ cấu làng Việt truyền thống trong điều kiện tiền tư bản. Vả lại, sau khi đã xây dựng được bộ máy cai trị tại Việt Nam, chính quyền Pháp mặc dù đã coi Việt Nam thuộc Pháp (xứ Đông Pháp) nhưng vẫn sử dụng (hay thừa nhận) mô hình tự quản của làng xã như một công cụ tốt để quản trị xã hội nông thôn Việt Nam (có thể giả định người Pháp không thiếu các mô hình quản lý nông thôn ở các thuộc địa của nó). Bởi chí ít hệ thống tổ chức xã hội dân sự ấy đã giúp tránh được những xung đột giữa cá nhân với cá nhân, giữa các làng xã với nhà nước Pháp về nhiều phương diện trong quá trình họ xâm chiếm và đặt ách cai trị hoàn toàn lên lãnh thổ này. Việc sử dụng gần như nguyên vẹn thiết chế làng xã truyền thống Việt Nam của chính quyền Pháp càng củng cố niềm tin vào một mô hình xã hội dân sự độc đáo, mô hình tổ chức xã hội này đã giúp các triều đại nhà nước phong kiến Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mở mang bờ cõi, vượt qua các cơn thiên tai, những biến cố lịch sử, giảm thiểu các xung đột kinh tế, giai cấp, lập nên hầu như toàn bộ hệ thống hạ tầng nông thôn Việt Nam... và tạo nên bản sắc cho nền văn minh Việt Nam.
Tới đây tôi cần nói rõ thêm về “tổ chức xã hội dân sự kiểu Việt Nam”, bởi nếu đã thừa nhận, rồi những ai đó còn muốn kế thừa nó cũng nên đồng ý với tôi rằng kinh tế là toàn bộ hoạt động sống của con người, nói cách khác, không một hoạt động nào của con người lại không có khuynh hướng nhắm đến mục đích kinh tế. Do vậy động lực kinh tế cần được coi là điều kiện đầu tiên để hình thành các đơn vị xã hội dân sự. Ở Việt Nam đó là: Ruộng đất.
Trong lịch sử chế độ thổ địa Việt Nam chính sách ruộng đất trải qua nhiều lần thay đổi, nhưng về cơ bản nguyên lý ruộng đất trong nước là của nhà vua, nông dân chỉ lĩnh canh của nhà vua mà nộp thuế (thuế thu hoạch từ ruộng công thường bị thu gấp 3 lần ruộng tư - “Thời Gia Long 1 mẫu ruộng tư chỉ đóng 40 bát thóc, 1 mẫu ruộng công phải đóng 120 bát thóc” - Theo Piere Gourou). Bởi dân không có quyền sở hữu tuyệt đối cho nên khi nhà vua muốn lấy ruộng đất để làm việc công thì dân không có quyền bồi thường (theo Đào Duy Anh- Việt Nam văn hóa sử cương). Nếu chính sách này áp dụng triệt để thì làng xã Việt Nam không thể có ruộng công, nhưng nhà vua (chính quyền trung ương) lại giao ruộng, đất cho các xã thôn quyền được hưởng dụng - tức là nó trở thành công điền, công thổ của làng xã. Cũng theo Đào Duy Anh: “Khi nào nhân dân xin phép dựng làng, nhà vua thường cấp cho một khoảnh thổ địa để làm của chung. Những công điền công thổ ấy không được bán đi, trừ ra gặp buổi cơ cận tai hoạn dữ lắm thì xã thôn có thể xin phép (nhà vua-nhà nước) tạm cầm trong hạn 3 năm. Những ruộng đất công ấy là của nhà vua cho xã thôn được hưởng lợi, nên xã thôn phải nộp địa tô thường cao hơn thuế ruộng đất riêng”.
Chính sách này vô cùng quan trọng, một mặt làm cho ruộng đất công của nhà nước không bao giờ có thể chuyển thành ruộng đất tư - tài sản quốc gia không thể biến thành tài sản tư hữu dưới bất cứ hình thức nào. Mặt khác nó đảm bảo cho hết thảy những người nông dân không có ruộng đất vẫn có đất canh tác, bởi đã được làng xã cứ 3 năm hoặc 6 năm một lần chiếu theo sổ nhân khẩu của làng để chia ruộng công cho dân cày cấy. Đời Trần Thuận tông (1378-1398 ), Hồ Quý Ly còn ra luật Hạn điền bắt ai có quá 10 mẫu phải nộp phần dư làm ruộng công, ngoài ra các xã thôn còn có bổn phận trong những điều kiện dư giả, phải xuất công quỹ để mua lại ruộng đất của tư nhân để bổ xung vào công điền (tuy nhiên loại ruộng này có thể bán hoặc cầm cố). Diện tích điền thổ công còn không ngừng được tăng lên do những người không có con cái thừa kế cúng vào đình (mua hậu đình) hoặc cúng vào chùa (mua hậu chùa) để khi họ chết được dân làng thờ cúng tại chùa, hoặc đình (theo Đào Duy Anh loại ruộng đất do tư nhân mua hậu đình, hậu chùa làng cũng không thể bán đi. Nhưng theo Pierre Gourou loại ruộng đó và ruộng do làng xã xuất quỹ mua mà có, thì có thể mua đi bán lại được – cả hai trường hợp đều có nghĩa nó vĩnh viễn thuộc sở hữu công của làng). Trường hợp người chết có di sản ruộng đất nhưng do trong số các thân nhân không ai có đủ tư cách thừa hưởng, thì sung công về nhà nước – trường hợp này nhà nước lấy 7 phần 3 phần giao về làng, làng sẽ chia nửa để mua hậu đình, hậu chùa cho người chết, nửa còn lại thuộc về tài sản công của làng. Lưu ý nhiều tài liệu còn cho biết ruộng hậu đình, chùa còn có thể được nhà nước miễn thuế - tức là hoa lợi thu trên ruộng đình, chùa hoàn toàn thuộc về quỹ công của làng xã. Chưa kể những ruộng đất tư nhưng dân bỏ hoang không cấy cày, không nộp thuế cũng bị nhà nước lấy lại và trong nhiều trường hợp được trở thành điền thổ công của làng xã... Theo logic đó, những định chế này đã làm quỹ ruộng công của các làng không ngừng tăng lên, chứ không thể giảm đi.

Làng Việt Nam có một số hạng công điền giành phụng sự xã hội:

1- Trợ sưu điền (giúp dân nghèo một phần sưu thuế) 2- Học điền (lấy hoa lợi nuôi thày dạy, cấp giấy bút cho học trò nghèo)
3- Bút điền (cấp phí giấy bút cho chức dịch của làng)
4- Cô nhi điền- quả phụ điền (cứu giúp kẻ mồ côi ngưòi goá bụa)
5- Bổn thôn điền (ruộng của xã thôn do xuất công quỹ mua lại của tư nhân mà có, nhằm làm giầu công quỹ)
Đánh giá tổng quát về chế độ ruộng đất của Việt Nam đầu thế kỷ 20, Pierre Gourou khẳng định: “Tất nhiên chế độ phân chia ruộng công (cho các thành viên làng canh tác) có gây ra nhiều sự hà lạm, nhưng chế độ đó còn tốt hơn nhiều chế độ cho đấu thầu tất cả ruộng công.” Quả vậy, do trong việc đấu thầu, “người ta yêu cầu phải trả ngay tiền thuế ruộng nên người nông dân sẽ bị loại ra ngay và chỉ còn những chủ ruộng lớn là có thể tham gia đấu thầu mà thôi.” Đến thời thuộc Pháp về cơ bản chế độ thổ địa truyền thống hầu như không thay đổi về phương thức hình thành và phát triển ruộng đất công, tuy nhiên: “Chủ sở hữu thổ địa có chủ quyền sở hữu tuyệt đối, nhà nước không thể tước trừ được, song về phương diện hành chính nhà nước cứ có quyền trưng thu mà trả bồi thường.” (theo Đào Duy Anh). Tức là nhà nước Pháp nếu lấy ruộng đất công của làng xã Việt Nam theo quyền trưng thu, thì cũng phải trả bồi thường cho làng xã, do thế về mặt nguyên tắc thổ địa công thuộc sở hữu tập thể không mất đi mà chỉ có thể chuyển sang hình thức tài sản khác. Nhà địa lý nhân văn quan sát: “Những ruộng công cũng được chăm nom y như những ruộng tư, và trong xứ này người ta không thấy sự cẩu thả dường như là đặc điểm của người nông dân Nga trong chế độ “mir”(công xã nông thôn). Người nông dân Bắc Kỳ hết sức chăm sóc mảnh ruộng mà anh ta không phải là người chủ vĩnh viễn vì biết rõ trong cái xứ đất xấu này, chỉ có sự cố gắng của con người mới có thể đảm bảo cho mùa màng được tốt mà thôi. Hơn nữa, anh ta còn tự cảm thấy có trách nhiệm đối với làng xã.”
Từ đó Pierrue Gourou đưa tới một kết luận quan trọng về đời sống chính trị của làng “Làng là một cộng đồng tự trị giải quyết những mâu thuẫn của thành viên, tự thu lấy thuế cho nhà nước. Nhà nước không có việc gì với công dân mà với xã, một khi xã đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với chính quyền thì nó có thể tự cai trị một cách tự do. Tính độc lập của làng rõ ràng” (dẫn theo cuốn Người nông dân chân thổ Bắc Kỳ).
Sở dĩ cần giới thiệu tương đối cụ thể về chế độ thổ địa công do đó là nguồn lực tài chính đầu tiên, thiết yếu nhất của tổ chức xã hội dân sự của nông dân Việt Nam. Người ta dùng nó để vận hành mọi không gian hoạt động công cộng tại các làng xã truyền thống Việt Nam. Bởi mọi hoa lợi thu trên ruộng đất công ngoài phần nộp địa tô cho nhà nước theo luật định, sẽ được làng xã (hội đồng kỳ mục, do dân cử) quản lý, quyết định sử dụng vào các hạng mục cần chi tiêu vì lợi ích của tập thể các thành viên của làng xã. Chúng ta có thể hình dung rằng chính nhờ nguồn tài chính này, từ sự phân cấp sở hữu, quản lý (nhà nước - tập thể) mà tổ chức dân sự làng xã Việt Nam đã tồn tại, không ngừng được mở rộng trong suốt lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thời phong kiến và thuộc Pháp.
Hồi còn làm ở báo Lao Động cùng với anh Hoàng Hưng, chúng tôi đã đi qua nhiều ngôi đình làng tan hoang ở đồng bằng Bắc bộ. Thực tế ấy (sự xuống cấp, bị xâm hại, bị lấn chiếm, thậm chí bị tàn phá ở những công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu...) đã xảy ra cùng với chế độ sở hữu nhà nước triệt để. Câu hỏi phải đặt ra mạnh mẽ rằng trong khung cảnh pháp lý, xã hội nào, đã khiến các công trình công cộng ấy bị huỷ hoại, hoặc bỏ hoang phế bởi chính những chủ nhân của nó? Trớ trêu thay khi những tài sản ấy lại dường như chẳng còn cách bảo tồn nào (nếu muốn bảo tồn) là những người làm ra nó phải làm đơn xin chính quyền công nhận đó là di tích (quốc gia hoặc địa phương) để có cơ may được nhận món kinh phí trùng tu? Có thể cắt nghĩa rằng các công trình ấy chỉ bị rơi vào tình trạng thảm hại đến như vậy là do đã bị “nhà nước hoá”, làm cho quan hệ chủ nhân, người chủ động sáng tạo ra khối văn hoá vật chất trở thành kẻ thụ động, xa lạ đối với chính những giá trị mà họ lập nên. Nói không quá, nó giống tình trạng người mẹ đầy sữa nhưng lại kêu cầu người khác cho con mình bú, cay đắng hơn, không xin được sữa, người mẹ sẵn sàng bỏ đói con mình. Tình trạng tệ hại, phản văn hóa có hậu quả trực tiếp từ thể chế quản trị đã tàn phá hàng vạn không gian dịch vụ công cộng cổ truyền (tính đến cuối TK19 Việt Namcó khoảng 11.800 làng xã, nếu bình quân 1 làng có 10 công trình, không gian công cộng thì tổng khối vật chất này lên tới hơn 100 nghìn đơn vị. Theo Pierre Gourou, vào những năm 1930 riêng châu thổ Bắc kỳ có khoảng 7000 làng xã. Về đình, theo Nguyễn Du Chi khoảng năm 1943 - 1945 các tỉnh miền Bắc Việt Nam có khoảng 504 đình làng niên đại từ TK16-TK17, nhưng đến năm 1985 chỉ còn 65 đình thuộc các niên đại này).
Mở rộng phạm vi bài viết này có lẽ không phải lúc, nhưng vì tôi vẫn cho rằng tiến trình dân chủ hoá ở Việt Nam dường như không thể, hay không nên nghĩ chúng ta có thể đi lại nguyên vẹn chiều dài một con đường nào đó, của một quốc gia nào đó với cùng loại mô hình tổ chức xã hội dân sự (giống nhau) làm động lực?
Bởi chúng ta vốn có nền văn minh được nhận diện do sự tổ chức xã hội từng thành công dựa trên một “hình thái xã hội dân sự” với các “tế bào” của nó là đơn vị làng. Chúng lưu giữ cả cấu trúc xã hội - kinh tế Việt, mang trong nó các mã di truyền Việt. Nó khác với “Singapore cấu trúc xã hội chủ yếu dựa trên các hiệp hội công thương, trí thức, người tiêu dùng; Philippin với giáo hội là nòng cốt của xã hội dân sự; Indonexia và Malayxia những tổ chức Islam có vai trò nổi bật; ở Thái Lan vai trò này thuộc về các tổ chức tăng đoàn và các chùa Phật giáo” (dẫn theo “Xã hội dân sự ở Malayxia và Thái Lan” Lê Thị Thanh Hương chủ biên).
Tổ chức xã hội dân sự kiểu Việt Nam mà hạt nhân là sở hữu tập thể làng xã được Piere Gourou nêu bật trong một nhận định “then chốt” khi so sánh nó với xã hội của "ông Lớn" phương Bắc là: “Khác với những điều chúng tôi thấy ở Trung Hoa, họ, nghĩa là những người cùng trong một dòng họ chung, không có vai trò chính trị, và đấy là một trong những nét độc đáo rõ rệt nhất của các thiết chế Việt Nam”. Rằng: “Dáng vẻ đáng yêu nhất của châu thổ là sự hoà hợp hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên. Nếu một làng (bị) cải tạo vụng về là phản lại những truyền thống thiêng liêng nhất của cộng đồng nông dân. Nếu có một tinh thần yêu nước Việt Nam, thì họ phải dành tất cả sự quan tâm vào việc giữ gìn sự hài hoà quý báu đó giữa thiên nhiên và con người – đó là vấn đề chi phối mọi vấn đề khác dù là kinh tế hay chính trị. Nền văn minh cổ truyền đã đem lại cho nông dân (dù còn đói khổ) sự cân bằng về tinh thần và xã hội mà nhiều xã hội phát triển lại thiếu, sự tiến bộ xã hội thuần tuý về mặt vật chất đã nhấn chìm xã hội đó trong hỗn loạn.”
Nhà địa lý học danh tiếng thế giới đã kết thúc công trình nghiên cứu nổi tiếng “Người nông dân châu thổ Bắc kỳ” bằng một khẳng định long trọng: “Chỉ có nền văn hoá cổ truyền này, từ từ thích nghi với những đòi hỏi mới, mới có thể mang lại cho một dân tộc dễ có cảm tình và nghèo khổ đến tận cùng cái phần hạnh phúc mà họ có quyền được hưởng, ngoài nó ra chỉ có thể hỗn loạn và tuyệt vọng.”
Liệu chúng ta có thể đi đến nền dân chủ bằng con lộ ngoằn ngoèo của mình, với “khăn gói quả mướp” là hành trang hay “di sản” ông bà để lại cho đám con cháu bất hiếu chăng...? Viết những đến đây tôi vẫn không thôi băn khoăn cho quá nhiều những điều còn chưa tự hiểu được của mình. Do vậy hắn cần được chỉ bảo, nên tôi gửi ông Hoàng Hưng, bà Phạm Thị Hoài, thảy cùng những ai quan tâm đến sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam bài này, để mong nhận được các điều ấy.
Hà Nội ngày những ông Táo lên trời (16/1/2012)
T.T.C
Lên trang viet-studies ngày 9-2-12

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"